Vì sao Đức Phật cho phép đệ tử ở nhà gái bán hoa?

Thứ Tư, 04/12/2019 09:55 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Khá nhiều người bất ngờ khi Đức Phật cho phép đệ tử ở nhà gái bán hoa vì chúng ta thường nghĩ rằng những người tu hành nên xa lánh người có cuộc đời vẩn đục. Nhưng đó chỉ là một đánh giá mang tính hình thức vì không hiểu bản chất của sự việc mà thôi.

1. Bất ngờ Đức Phật cho phép đệ tử ở nhà gái bán hoa


Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm đã đặt ra một quy tắc cho các môn đồ của mình trên đường đi khất thực là chỉ ở lại nhà của người dân thì không quá 3 ngày, tránh tình trạng gây phiền hà gia chủ. 
 
Khi họ cùng tới một vùng đất, các môn đồ chia nhau ra và xin nghỉ ở các gia đình khác nhau tối đa 3 ngày sau đó họ sẽ gặp nhau ở một điểm hẹn và tiếp tục cùng nhau đi khất thực.

Có lần nọ, cả Đức Phật và các môn đồ dừng chân ở một ngôi làng nọ, khi họ đang đi hỏi xin ở nhờ các gia đình, thì có một cô gái bán hoa chủ động mời một môn đồ qua nhà mình. Vị sư trẻ tuổi tỏ vẻ đồng ý nhưng cũng phải xin phép Đức Phật trước đã.
 
Cô gái hỏi: "Anh cần phải xin phép thầy mình ư?". Môn đồ này đáp lời: "Tôi chắc Đức Phật sẽ không khiến cô thất vọng đâu, nhưng tôi vẫn phải nên hỏi ý của Ngài trước đã".
 
 
Gặp Đức Phật, vị sư trẻ hỏi: "Có cô gái mời con ở lại nhà cô ấy, nhưng cô ấy là gái bán hoa".
 
Đức Phật trả lời: "Nếu người ta tha thiết mời thì không nên từ chối. Con cứ đến ở nhà cô ấy đi".
 
Các đệ tử khác nghe thấy phân vân không hiểu vì sao Đức Phật cho phép đệ tử ở nhà gái bán hoa vì nó thật trái với lẽ thường. Đức Phật như đoán được ý của mọi người nên chỉ mỉm cười: "Chúng ta sẽ biết trong 3 ngày nữa".

Vì quá tò mò nên các vị môn đồ còn lại cũng lén lút theo dõi khi môn đồ kia đã tới ở nhà cô gái bán hoa.
 
Ngày thứ nhất: Họ tin rằng môn đồ ấy sắp rời bỏ họ khi nghe thấy tiếng nhạc, rồi tiếng hát của môn đồ nọ và cô gái bán hoa. 
 
Ngày thứ 2: Nghe thấy người bạn của họ cùng cô gái đang nhảy múa trong nhà, họ lại đồng thanh nói: "Đây này, anh ta đã rời bỏ chúng ta thật rồi".
 
Ngày thứ 3: Họ càng chắc chắn với suy nghĩ của mình khi nghe thấy tiếng hát và tiếng nhảy múa của môn đồ nọ và cô gái bán hoa.
 
Ngày nào họ cũng về thuật lại chuyện cho Đức Phật nghe nhưng Ngài chỉ nghe mà không nói cũng như tỏ thái độ gì. 
 
Hết ngày thứ 3, Đức Phật cùng các môn đồ gặp nhau ở nơi hẹn những mãi không thấy vị môn đồ kia, nhiều người đã chắc mẩm, hẳn là anh ta sẽ ở lại cùng cô gái, không đi tu nữa.
 
Thế nhưng, trong lúc mọi người đang trò chuyện và phỏng đoán thì môn đồ kia đang tiến đến, và anh ta không chỉ đi một mình. Nhìn kỹ lại, họ nhận ra đây chính là cô gái bán hoa, giờ đã trở thành một nhà sư nữ. 
 
Các môn đồ đều xấu hổ, nhìn nhau không biết nói gì. Lúc này, Đức Phật mới lên tiếng: "Nếu bản thân mình tốt thì không ai có thể khiến mình xấu đi, ngược lại mình còn có thể giúp người khác cũng tốt lên". Nói rồi, Ngài chào mừng môn đồ mới và tất cả lại cùng nhau lên đường.
 
 
  

2. Bài học từ cách dạy dỗ đồ đệ của Đức Phật

 

2.1. Cuộc đời này do chính chúng ta nắm giữ


Đức Phật đồng ý với môn đệ của mình không chỉ là để có chỗ tá tục mà còn là cách để những môn đệ khác học được bài học lớn của cuộc sống.

Qua đó, để ta thấy rằng bản thân mỗi người là yếu tố quyết định then chốt đến cuộc đời của họ, chẳng có chuyện ta ngay thẳng nhưng chỉ vì một cô gái bán hoa mà khiến ta thay đổi. Cô gái ấy cũng chỉ là ngoại cảnh tác động lên ta, nhưng nếu ta đã kiểm soát tốt được con người mình, tâm của mình thì chẳng có điều gì phải sợ hãi.

Thực tế là với một người ý chí, nội tâm đủ mạnh mẽ họ hiểu rằng mọi thành công hay thất bại chủ yếu đều do họ, và nếu ý chí đủ mạnh thì không một thế lực hay nhân tố nào có thể tác động đến họ.
 
Như một nhà đầu tư giỏi thì sẽ chẳng bao giờ đổ lỗi cho yếu tố thị trường vì đó là thứ họ chẳng bao giờ kiểm soát được. Nếu bạn có hỏi về một nhà đầu tư là thị trường sẽ đi lên hay đi xuống để bạn có thể đổ tiền vào thì câu trả lời của họ chắc chắn là: “Tôi không biết”.
 
Có thể bạn bực mình cho rằng nhà đầu tư đại tài chắc đang "giấu nghề" nhưng sự thật là họ không biết thật. Vì họ cũng không có ý định kiểm soát thứ họ không thể nên chỉ tập trung vào thứ họ có thể: Đó là hiểu về các quy luật đầu tư, gia tăng kiến thức về khoản đầu tư của mình, không hề xem nó là trò may rủi,... 

Mọi chuyện trên cuộc đời này đều do bạn quyết định: Ngôi nhà bạn ở, công việc bạn làm, chiếc xe bạn lái, nơi bạn sẽ sống, số tiền bạn kiếm được... Cuộc sống của bạn có tốt đẹp hay không đều do bạn tự điều chỉnh cánh buồm của mình, chớ đổ lỗi do hoàn cảnh. Do đó, đừng bao giờ lấy hoàn cảnh hay bất kỳ ai khác làm cái cớ cho sự thất bại của bản thân. Xem thêm: Những câu nói hay nhất về sự thay đổi giúp bạn hàn gắn vết thương lòng
 
Nên hiểu và ghi nhớ rằng, ta không thể thay đổi hướng gió nhưng có thể điều chỉnh cánh buồm. Những gì thuộc về tự nhiên, ngoài khả năng vận hành của bản thân thì nên đón nhận và tận dụng hơn là chống đổi và cố gắng phủ nhận sự tồn tại của nó. 
 

2.2. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi, hối cải


Chắc sẽ không ít người nghĩ tới hình ảnh cô gái bán hoa là thế này, là thế kia... nhưng nhìn chung đó không phải là một hình ảnh đẹp. Nhưng Đức Phật chẳng vì thế mà ruồng rẫy, chẳng cho rằng mình thanh cao hơn mà xua đuổi hay chê bai họ. Ngài vẫn muốn cậu học trò của mình ở trong nhà của cô gái vì trong mắt Đức Phật chúng sinh đều như nhau, ai chẳng từng phạm sai lầm. Điều quan trọng là họ có nhận thức được điều đó để quay đầu là bờ hay không.
 
Thứ chèn ép khiến chúng ta chẳng thể lớn lên, chẳng thể trưởng thành đó là nỗi sợ: sợ không được người khác chấp nhận, sợ thất bạn, sợ bị chê bai, sợ phải sống khổ, sợ... Nhiều nỗi sợ chen lấn đã che mờ đi lý trí nên ta quên rằng cuộc đời này có rất nhiều điều tuyệt vời. Xem thêm: Câu nói hay về nỗi sợ: Hiểu được rồi bạn sẽ dẹp bỏ được nó

Điều hay ho và tuyệt vời nhất mà cuộc sống ban tặng cho chúng ta đó là: Ta có thể tự thay đổi cuộc đời của mình ở bất cứ thời điểm nào.

Thế nhưng đã bao lâu rồi bạn tự tước bỏ đi cái quyền đó? Chúng ta sợ rủi ro, sợ những thay đổi sẽ tới và chui vào vỏ ốc của mình, không dám đón nhận cuộc sống như nó vẫn vốn thế. Đó là lý do: Gái bán hoa không dám làm lại cuộc đời, từng phạm tội sẽ tái phạm vì sợ không ai chấp nhận mình, bị chê kém cỏi lại chẳng dám tin rằng ta làm được điều gì đó ý nghĩa cho đời,... Cứ thế, cuộc đời ta bị phí hoài trong những vòng suy nghĩ luẩn quẩn, không lối thoát.

Đừng sợ nữa!

Bạn làm sai ư? Ta lại làm lại! Bạn đang thất bại ư? Ta lại làm lại. Đặc quyền của chúng ta đó là có quyền sai và sửa để không ngừng tiến bộ mà. Vì thế, hãy dẹp bỏ nỗi sợ cố hữu trong ta từ lâu đi nhé!

Minh Minh