Đức Chúa Ông (Đức Ông) trong Phật giáo là ai?

Thứ Tư, 10/05/2017 11:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đức Chúa Ông hay Đức Ông là một trong những Thần có vị trí quan trọng trong Phật giáo. Khi vào lễ chùa, Phật tử trước hết phải vào lễ ban Đức Ông rồi mới tới đại điện lễ Phật. Vậy Đức Chúa Ông là ai?

 

1. Nguồn gốc Đức Chúa Ông

 
Chắc chắn Đức Chúa Ông hay Đức Ông là danh xưng quen thuộc với bất cứ ai đã từng đi lễ chùa. Có một ban riêng thờ Ngài, tượng Ngài cũng có ở tất cả các ngôi chùa Phật giáo truyền thống. Theo kinh sách nhà Phật ghi chép lại, Đức Chúa Ông tên thật là Anathapindika – một doanh nhân, trưởng giả giàu có ở Ấn Độ cổ đại. 
 
Anathapindika – Cấp Cô Độc, cái tên mang ý nghĩa chu cấp cho những người cô độc, nghèo khổ. Ngài là một tín đồ giàu có, mộ đạo đã bỏ ra một lượng tài sản vô cùng lớn để dát vàng kín mặt vườn của Thái Tử Kỳ Đà nước Vệ Xá, mua lại khu vườn xinh đẹp, cúng dường cho Đức Phật và tăng đoàn tới thuyết pháp. Ngài được xem là thí chủ lớn nhất, rộng rãi nhất từ trước cho đến nay.

 
Không chỉ vậy, Cấp Cô Độc còn nổi tiếng là một người có tấm lòng quảng đại, thường xuyên làm nhiều việc tốt, giúp đỡ người nghèo khổ, nhất là cô nhi quả phụ, tích vô số phúc đức. Ngài còn bảo trợ tăng ni, hết lòng với Phật giáo, là tín đồ có lòng trung thành hướng Phật.
 
Do làm nhiều việc thiện và ủng hộ Phật pháp nên dù không phải là Phật nhưng Cấp Cô Độc vẫn được thờ tại các ngôi chùa, tôn làm Long Thần hộ pháp, là vị thần trông coi và bảo vệ chùa. Lâu dần, người ta quên đi nguồn gốc thực của Đức Ông, chỉ còn nhớ tới việc Ngài là vị Thần canh giữ chùa. 
 
Đức Ông là một vị thần chủ nên có ban thờ riêng, hai bên văn võ hầu cận. Theo trình tự lễ chùa, trước tiên phải vào dâng lễ ban Đức Ông, báo cáo, xin phép rồi mới tới lễ ban Phật. Xem thêm bài viết Lễ chùa - những điều nên biết

 
Đức Chúa Ông không chỉ là thần hộ chùa mà còn là thần bảo hộ trẻ em vì lúc sinh thời thường xuyên cung cấp, cưu mang mẹ góa con côi. Trong dân gian, với những đứa trẻ khó nuôi, hay quấy khóc hoặc ốm yếu thì cha mẹ sẽ bán khoán con lên chùa vào cửa Đức Ông. 

Tục đó xuất phát từ mong muốn được phúc đức của Đức Chúa Ông che chở, bảo vệ và chăm lo cho đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh, đầy đủ.
 

2. Truyền thuyết về Đức Ông và Đức Phật

 
Phật giáo theo tư tưởng vô ngã vô thường, coi nhẹ cuộc sống vật chất và hướng tới đời sống tinh thần, rũ bỏ mọi tham sân si trên đời. Nhưng theo kinh sách nhà Phật có ghi chép lại thì Đức Chúa Ông vốn là một doanh nhân giàu có, sau khi mộ đạo ông cũng vẫn tiếp tục theo đuổi con đường này. 
 
Vậy một Phật tử mà kinh doanh kiếm tiền thì có phải là đi ngược lại với giáo lý nhà Phật? Lời giải đáp nằm ở 5 lý do Đức Phật dạy Đức Ông về việc phải gây dựng tài sản. 

 
Một ngày, khi Đức Phật đang ngụ tại ngôi chùa của Anathapindika, Cấp Cô Độc đi đến đảnh lễ và ngồi xuống nghe lời khuyên trong việc làm ăn. Đức Phật đưa ra 5 luận điểm về việc kinh doanh, xây dựng tài sản và tích lũy tiền bạc.
 
Thứ nhất, tài sản có được nhờ nỗ lực tinh tấn, tự bản thân cố gắng, làm ra bằng sức lao động, đôi bàn tay và khối óc, thu về hợp pháp thì an lạc và hoan hỉ, không hề phạm lỗi gì. 
 
Thứ hai, tiền tự kiếm này không chỉ làm cho bản thân an lạc hoan hỉ mà còn làm cho những người khác như cha mẹ vợ con, người làm công, người xung quanh… cũng vui vẻ theo.
 
Thứ ba, tiền kiếm được nhờ nỗ lực cá nhân sẽ chặn đứng tai họa do làm ăn thất bát, nghèo túng, khổ sở, giữ cho tài sản bản thân được an toàn nên càng phải làm, cố gắng làm nhiều hơn nữa.
 
Thứ tư, số tiền kiếm được chân chính có thể cúng hiến cho những người khó khăn nghèo khổ, mẹ góa con côi, người tàn tật, người khách lỡ độ đường, cho linh hồn phiêu tán không nơi nương tựa, cho quốc gia và các chư thiện khác.
 
Thứ năm, số tiền chân chính kiếm được ấy có thể cúng dường cho các vị thầy xuất gia, cho các tôn giáo tín ngưỡng, đưa đến công đức vô lượng.
 
Như vậy, có thể thấy Đức Chúa Ông hay Đức Ông là một vị Thần được tôn xưng trong Phật giáo. Thông qua Ngài, chúng sinh không chỉ hiểu hơn về những điển tích điển cố nhà Phật mà còn ghi nhớ sâu sắc những phẩm chất tốt đẹp, sự hướng thiện chân thành và các hoạt động từ thiện rộng rãi.
 
Những điều mà Đức Phật khuyên Đức Ông cũng là lời Phật dạy về tiền tài, về cách làm ăn và về thái độ đối với tài sản. Tiền không xấu, miễn đó là tiền được làm ra chân chính và được dùng chân chính. Thêm một lần nữa khẳng định sự vi diệu, phong phú của học thuyết Phật giáo trong tất cả các lĩnh vực đời sống. 


Tâm Lan