Độ ta không độ nàng là gì? Hiểu mới thấy tình trạng báo động về việc hiểu sai đạo Phật

Thứ Ba, 25/06/2019 10:32 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Dù ca khúc có liên quan được lan tràn rộng rãi như thế nào nhưng chẳng mấy người hiểu được Độ ta không độ nàng là gì? Về cơ bản, chúng ta chỉ bị cuốn hút bởi ca từ hay, giai điệu bắt tai mà thôi.

Độ ta không độ nàng là gì?


"Độ ta không độ nàng" là một ca khúc nhạc Hoa xuất phát từ một đoạn clip có tên gốc là “Độ tôi, không độ cô ấy" (tên tiếng Trung: 渡我不渡她). Những ca từ trong bài hát là câu chuyện tình buồn giữa đôi thanh mai trúc mã: một vị tiểu hòa thượng và quận chúa rất xinh đẹp.

Thế nhưng, chuyện tình càng éo le thêm khi Tiểu hòa thượng là người đã quy y cửa Phật nên không thể đáp lại tình cảm của quận chúa.
 
Sau khi được công chúng chú ý và ngày càng yêu thích với lời Việt đầu tiên, hàng loạt lời mới đã được viết lại ngay sau đó. Chỉ sau ít ngày xuất hiện ở Việt Nam, ca khúc "Độ ta không độ nàng" đã hot đến mức khi đi đâu, làm gì họ cũng nghe thấy giai điệu của bài hát phát ra từ đâu đó.
 
Độ ta không độ nàng là gì mà gần đây thu hút sự quan tâm đông đảo của giới trẻ đến vậy? 


Cho đến nay, “Độ ta không độ nàng” là một từ khóa được tìm kiếm rất nhiều trên mạng xã hội thời gian vừa qua và nhận được nhiều sự quan tâm của giới trẻ khi họ tỏ ra đồng cảm với chuyện tình buồn trong ca khúc.
 
Cái chết của quận chúa trẻ sau khi nhận được sự im lặng của vị hòa thượng sau câu hỏi: "Chàng có thích ta không?" khiến câu chuyện càng tăng tính kịch tính. Nàng nói: "Ta hiểu rồi" và nhận lời cưới Hoàng tử. Thế nhưng, đêm trước ngày thành thân, vị hoàng tử kia uống say, mò đến phòng nàng đòi động phòng trước, cướp mất sự trong trắng nên nàng đã treo cổ tự vẫn trên người còn đang mặc đồ cưới. 
 
Tình cảm sâu đậm và phải chứng kiến cái chết của nàng, vị Hòa thượng tìm đến giết vị hoàng tử kia. Trong lúc đau khổ tột độ, vị hòa thượng chỉ biết hỏi Phật, tại sao phổ độ chúng sinh, cứu giúp mọi người mà lại không độ cho cô gái ấy để cô chịu nhiều đau khổ.
 
Như vậy, cái tên “Độ ta, không độ nàng” xuất phát từ câu nói oán trách của nhà sư với Phật Tổ. “Độ” (渡) nghĩa gốc là “qua/vượt qua”, nhưng cũng có nghĩa là “cứu giúp” trong giáo lý của Phật giáo. “Độ ta, không độ nàng” được hiểu là: “Vì sao phù hộ ta mà không phù hộ cho nàng?”.
 
Với giai điệu da diết, ca từ đậm chất ngôn tình bi ai khiến cho ai đã nghe một lần cũng bị ấn tượng. Tuy nhiên, nội dung đoạn clip vấp phải ý kiến trái chiều khi bị cho là thể hiện không đúng với giáo lý nhà Phật. 
 

Phật ở trong tâm, sao phải so bì độ ai hay không độ ai?


Hiểu được "Độ ta không độ nàng là gì" bạn sẽ cũng như mọi người, cảm thấy cảm thông cho tình yêu đối lứa trong câu chuyện trên. Thế nhưng, nếu nhìn nhận về khía cạnh tâm linh, vị tu sĩ dù có biện bạch bao nhiêu lời, đau buồn sầu khổ đến đâu, rốt lại cũng là để hỏi Đức Phật một câu: “Vì sao ngài cứu độ ta mà không cứu độ nàng?” lại cho thấy hiểu nhầm của đại đa số mọi người về đạo Phật.

Có câu: Bậc Thánh nhân cầu tâm chứ không cầu Phật, kẻ ngu muội cầu Phật mà chẳng tu tâm. Điều này có nghĩa là khi bạn còn chấp nhặt với cuộc sống này thì dù bạn khoác áo gì thì trong tâm bạn vẫn chỉ là một kẻ hèn kém mà thôi. Nên hiểu rằng: "Phật tại tâm, Ma cũng tại tâm".

Tu hành không gì khác chính là tu tâm, tu từ những việc trong đời thường, là xả bỏ hết thảy dục vọng, ham muốn của người thường, là từng bước thấu ngộ nhân sinh và vũ trụ ở một tầng thứ vượt hơn hẳn người thường để không còn vương vấn chút bụi trần nào.

Thế mới thấy, chàng trai trẻ chỉ mới dùng cái tâm phàm phu mà so bì với bậc Thánh giả, lấy dạ tiểu nhân mà đo lòng quân tử mà thôi. Phật ở trên cao kia cũng không hề có nhiệm vụ phải hỗ trợ chúng sinh hóa giải oán thù, tình cảm như chàng trai nghĩ. Mà thực ra, chàng trai cũng đại diện cho đại đa số chúng ta - những người vẫn lên chùa thắp nén nhang rồi mong cầu được hạnh phúc, giàu có rồi chờ một phép màu hiện ra.

Chàng hỏi “Vì sao độ ta không độ nàng?” có nghĩa là đang mặc nhiên thừa nhận mình là một chúng sinh đã được Thần Phật “độ” và đang đi “đòi công bằng” cho một chúng sinh khác. Chàng không hiểu rằng chính bản thân mỗi chúng ta luôn có một vị Phật trong sâu thẳm tâm hồn mình, việc chúng ta tu luyện để tâm Phật ấy được khởi tác chứ không phải là nhờ một ai đó hỗ trợ, giúp đỡ, đến khi ai đó không giúp thì hờn trách, chê bai!
 
 
 
Chàng ai oán: “Vạn dặm tương tư vì ai?”, rồi là “Hồng trần đã mấy độ hoa?”, nào là “Hồng nhan chẳng trông thấy đâu?”, rồi thì “Hỏi người ra đi vì đâu?”, Trong lúc đau khổ tột độ, vị hòa thượng chỉ biết trách Phật, tại sao phổ độ chúng sinh, cứu giúp mọi người mà lại không độ cho cô gái ấy để cô chịu nhiều đau khổ.

Những gì vị hòa thượng này thể hiện đều cho thấy Đức Phật cũng chưa độ được chàng! Tâm vẫn còn sân si, vẫn còn vướng vào ái tình luẩn quẩn thì vẫn chưa có tư chất đủ của một kẻ tu hành.

Lời oán thán của chàng trai như là cách anh đổ hết tội lỗi cho Phật trong khi chính anh còn chưa hiểu hết những gì Phật nói. Theo Phật về nhân quả thì dù sống hay chết cũng là thuận theo tự nhiên, chẳng có ai vì tu mà có thể cứu được một người hay có thể biến họa thành phúc, nếu có cũng chỉ là tạm thời "hoãn lại" vì rồi cuối cùng nợ ai người nấy cũng phải trả.

Cũng khoác áo cà sa nhưng xem ra chàng chẳng hiểu gì về đạo Phật. Những hiểu nhầm về đạo Phật đã chỉ ra rằng, Phật cũng chỉ là người như chúng ta, Người cũng đã trải qua những khổ ải đời thường như chúng ta để hiểu và chỉ bảo lại cho chúng ta biết rằng chỉ có Tu hành mới làm đứt được lục đạo luân hồi. Thế nhưng việc Tu đâu có dễ. Giống như vị hòa thượng kia tuy tu từ nhỏ nhưng cũng chẳng vì thế mà thấm nhuần hết được đạo Phật. 
 
 

Tình cảm luyến ái cũng chỉ là thử thách cần vượt qua

 
Tình yêu luôn là chủ đề gây chú ý nhất mọi thời đại và đến nay chẳng ai có thể giải nghĩa hết được chữ tình. Nhất là những chuyện tình buồn lại càng dễ dàng lấy nhiều nước mắt của công chúng. Nước mắt ấy là xuất phát từ sự đồng cảm, vì có mấy ai không đau khổ vì chữ tình?

Đó là một phần lý do ca khúc "Độ ta không độ nàng" được lan truyền nhanh chóng trong thời gian qua. Thế nhưng xin mọi người hãy tránh hiểu nhầm, cổ vũ cho tình cảm luyến ái và những lời than trách Phật của chàng trai kia.

Nếu chỉ cần hiểu chút ít về Đạo Phật, bạn cũng có thể hiểu rằng tình yêu mà chàng trai trẻ vướng vào là một thử thách mà thôi.

Tình cảm cũng chỉ là một trong những chướng ngại mà một vị Tu sĩ phải tìm cách vượt qua mới có thể thực sự bước vào con đường tu hành. Cuộc sống này tất cả chỉ là giả tạm, kể cả những người mà bạn thương yêu, đó là lý do Phật dạy chúng ta rằng: Hãy cứ yêu nhưng đừng dính mắc.

Có 5 chướng ngại tinh thần ngăn chặn con đường đưa đến giải thoát:

1. Tham dục (Kamacchanda),

2. Oán ghét (Vyapada, Sân hận),

3. Hôn trầm - Dã dượi (Thina-Middha),

4. Phóng dật - Lo âu (Uddhacca-Kukkuca, Trạo hối),

5. Hoài nghi (Vicikiccha).

Trong đó Tham dục: là ham muốn về nhục dục, luyến ái theo ngũ trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc). Tham dục cũng được xem là một trong những thằng thúc, trói buộc chúng sanh vào vòng luân hồi.
 
Một người ở mức độ trung bình thường xu hướng chạy theo những ham muốn có tánh cách huyền ảo tạm bợ của cơ thể vật chất, nếu không đủ khả năng để kiểm soát và kềm chế thì chắc chắn phải bị sa đọa trong dục vọng.

Vậy đấy, khi chàng trai còn tham đắm trong tình trường thì vẫn tiếp tục luẩn quẩn trong lục đạo luân hồi sau khi chàng gây ra tội lỗi và bây giờ nghiệp đã chồng nghiệp. Về cơ bản chàng đã chẳng thể vượt qua được bài học cuộc đời này mà thôi, chẳng có lý do gì mà oán thán hay đổ lỗi cho ai cả.

MiMo