Đi lễ đầu năm, xin gì thì xin chứ chớ cầu điều này

Thứ Ba, 11/02/2020 15:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Đi lễ đầu năm là tục lệ lâu đời của người Việt Nam. Đi chùa hiếm ai không cầu xin Thần Phật phù hộ, nhưng hãy khắc cốt ghi tâm chớ cầu xin những điều này nhé.
 

Những điều cấm kị chớ cầu xin khi đi lễ chùa đầu năm


 
Đầu năm đi lễ chùa, ai nấy đều mang theo lễ vật để cầu xin, người xin bình an, sức khỏe, kẻ lại mong có được tiền tài danh vọng, người thì mong năm mới tình duyên thêm phần thuận lợi… Những lời cầu khấn nơi cửa Phật linh thiêng cứ thế tuôn ra, nhưng không phải ai cũng biết rằng điều gì nên nói, điều gì không nên nói, mà cũng chẳng phải điều gì cầu xin cũng là “cầu được ước thấy”, không biết ý nghĩa đích thực của việc bái Phật là gì.
 
Đạo Phật luôn giữ vững triết lý của mình là giải thoát chúng sinh khỏi vòng luân hồi nhân quả khổ ải, hồi hướng chúng sinh đi theo điều thiện, giúp cho chúng sinh nhận thức được được vòng tròn Sinh – Lão – Bệnh – Tử mà sống tốt đời đẹp đạo, không còn tham – sân – si, sống sao cho xứng đáng, cho có ý nghĩa, không bị uổng phí một kiếp người.
 
Theo quan niệm tâm linh từ ngàn đời xưa truyền lại, đền chùa miếu mạo là chốn linh thiêng, tách biệt với nhân gian thế tục. Đi lễ chùa, không phải muốn gì là xin nấy, bởi Phật chỉ có lòng từ bi hỉ xả, giang rộng vòng tay che chở chúng sinh thoát khỏi kiếp nạn trần ai chứ đâu có tiền bạc, vật chất mà ban phát cho tất cả mọi người.
 
Khi đi lễ chùa đầu năm, chú ý rằng sau khi cầu xin cần phải có NGUYỆN.  Nguyện ở đây là những điều mà bản thân ta sau đó sẽ phải làm vì đã có lời trước Thần Phật, vì thế chỉ nên nguyện những việc có thể làm được, chớ nguyện những điều khó làm, những điều không thể xảy ra trong tương lai.

 
 
Có 3 nguyện mà người bình thường khó có thể làm được, tuyệt đối không được nguyện những điều này khi đi chùa lễ Phật đầu năm:
 
1. Không nguyện cúng dường chư Phật.
2. Không nguyện thời gian bao lâu thì mang gạo quả, tiền vàng lên cúng chùa.
3. Không nguyện cúng dường 3 cảnh là cảnh giới tiên, cảnh giới trần và cảnh giới âm.
 

Nên cầu xin gì khi đi lễ đầu năm?

 
Người dân Việt Nam có tín ngưỡng sâu đậm về Thần Linh, Phật giáo, vì thế mà đất Việt là nơi hội tụ nhiều yếu tố tâm linh cũng như tín ngưỡng dân gian khác nhau. Chùa chiền, đình đền, miếu phủ trên dọc dải đất chữ S này nhiều không đếm xuể. 
 
Bên cạnh thờ Phật, ở những nơi này còn thờ các vị thánh thần khác như thờ Mẫu, thờ Đức ông, thờ thổ công, thổ thần… Người ta luôn cầu mong được Thần Phật che chở, cứu rỗi khỏi những muộn phiền của cuộc sống hàng ngày. Bất cứ dịp nào trong năm người dân cứ rảnh rỗi là đi lễ chùa, song đầu năm luôn là dịp đông nhất, bởi người ta quan niệm đầu năm đi xin lộc chùa để được may mắn suốt cả năm dài. 
 
Như đã nói ở trên, không phải cứ đi lễ chùa là cầu được ước thấy, không phải điều gì cũng có thể đem ra cầu, đem ra nguyện, chẳng phân biệt đó là nơi thờ Phật hay thần thánh phương nào. Vậy đi lễ chùa, nhất là khi đi lễ đầu năm thì cầu khấn ra sao? 

 
 
Theo các chuyên gia tâm linh, khi đi lễ chùa đầu năm hay bất cứ thời điểm nào trong năm đi chăng nữa thì cũng chỉ nên cầu sức khỏe. Những lời cầu xin tài lộc, công danh, tình cảm, của cải vật chất… như đã nói ở trên là không có cơ sở, bởi Phật chỉ có tấm lòng từ bi cứu độ chúng sinh chứ không có tiền tài hay quyền lực để ban cho bất cứ ai. Đó là sai lầm khi đi lễ đầu năm mà hầu hết ai cũng từng mắc phải một lần.
 
Đừng để những lời cầu nguyện sai chỗ sai nơi của mình làm uế tục chốn linh thiêng, mất đi nét đẹp văn hóa tâm linh từ ngàn đời xưa mà ông cha ta để lại. Mọi người phải hiểu rằng mọi thứ chúng ta có được trên đời này đều là do nỗ lực và công sức bản thân bỏ ra, cộng thêm yếu tố may mắn, song sự may mắn luôn chiếm phần trăm rất nhỏ mà thôi.
 
Lời cầu xin Đức Phật đơn giản nhất mà ai cũng có thể cầu đó là nguyện 5 tu phước thiện, tránh điều dữ, tích đức hành thiện, cứu giúp người yếu thế qua cơn khó khăn hoạn nạn, cầu cho gia đạo an hòa, người người hiếu thuận…
 
Việc cầu phát lộc phát tài xưa kia là do nền văn hóa nông nghiệp, các cụ đi lễ chùa mong cho trời Phật phù hộ mưa thuận gió hòa, để mùa màng bội thu, xứng đáng với công sức “bán mặt cho đất, bán lưng cho giời. Chẳng thế mà người xưa có câu:
 
 
 “Cầu trời cho mưa xuống
Lấy nước con uống
Lấy ruộng con cày
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp…”.
 
Tâm thành kính cầu cho bình an, nguyện tích đức hành thiện, cứu độ chúng sinh mới là những điều tốt đẹp mà Thần Phật minh chứng cho lòng thành của chúng sinh.