Sức khỏe liên quan đến toàn bộ thể trạng
Tất cả các yếu tố có tính điều kiện này cần được xem xét đánh giá đúng mức khi tìm hiểu về sức khỏe và bệnh tật. Sức khỏe, do đó, có thể hiểu trong một chỉnh thể trọn vẹn.
Vì thế, muốn quan tâm tới sức khỏe thì không chỉ về một khía cạnh nào đó mà phải là sự hòa hợp trong chính con người mình, hòa hợp trong các mối quan hệ xã hội và hòa hợp trong liên hệ với môi trường tự nhiên.
Do vậy, hiểu sức khỏe trên mối quan hệ với một số bộ phận nhất định của cơ thể thôi là phiến diện và đạo Phật không chấp nhận quan điểm này.
Những gì đức Phật đã là một bằng chứng sinh động, Ngài cũng không thể thành tựu được trong một thân thể kiệt sức vì khổ hạnh ép xác. Một tinh thần minh mẫn chỉ có trong một thân thể tráng kiện, đầy đủ sức khỏe và các chức năng của những cơ quan trong cơ thể vận hành hoàn hảo.
Hoặc với một bệnh nhân dù đang uống thuốc để chữa trị nhưng người bệnh cứ rầu, cứ buồn, thì trị nổi không khi tâm người bệnh không an, không vui thì điều trị khó lành.
Chữa bệnh là giúp cơ thể phục hồi lại trạng thái cân bằng, chứ không chỉ phần bị tổn thương đang bệnh và gây nên đau đớn kia, trở lại trạng thái tốt nhất có thể. Vì mỗi một cơ quan trong cơ thể có quan hệ khắng khít với các cơ quan khác, để có sức khỏe tốt, toàn bộ cơ thể cần được duy trì trong tình trạng tốt.
Thật ra, cơ thể, cũng giống như tất cả các hiện tượng khác, luôn trong trạng thái thay đổi, suy thoái và hư hoại. Do vậy, là con người thì không phải lúc nào chúng ta cũng có thể mãi khỏe mạnh. Chỉ khi hiểu được điều đó thì ta sẽ chấp nhận bệnh tật như là lẽ thường khi chúng xảy ra với mình. Từ đó, ta tìm được sự bình an khi biết cách thỏa hiệp với đau và khổ.
Qua những triệu chứng của cơ thể, bệnh tật đã giúp chúng ta biết chú ý đến sự mất hòa hợp này. Do đó, điều trị trong Phật giáo không chỉ là chữa trị các triệu chứng có thể cân đo đong đếm.
Bệnh về thân, nếu hiểu theo quan điểm Phật giáo thì đó chỉ là sự phá vỡ cân bằng và hòa hợp của cơ thể chứ không xem bệnh như là kẻ thù. Khi ta xem bệnh như là kẻ xâm chiếm cơ thể của các tế bào gây bệnh thù địch thì cũng dẫn ta tới cách chữa trị hoàn toàn khác.
Nếu xem bệnh là “kẻ thù”, người ta chọn cách điều trị là dùng thuốc được chế từ các hóa chất để đánh lại bệnh. Hiệu quả của các loại thuốc này phụ thuộc vào khả năng tấn công của nó vào bộ phận cơ thể bị tổn thương chứ không phải năng lực phục hồi của tự thân như quan điểm của đạo Phật.
Cách của Phật giáo là đem lại sự hòa hợp cho cơ thể vốn đang mất hòa hợp với sự hỗ trợ của thuốc hay bằng cách thay đổi tư duy và cách sống. Thuốc chỉ được dùng để hỗ trợ khả năng tự chữa lành thân thể, phục hồi trạng thái cân bằng theo cách riêng của nó.
Đạo Phật chú trọng nhiều hơn đến sự nỗ lực trong việc kết hợp giữa thân và tâm để vượt qua bệnh tật, chứ không phải chỉ duy nhất nhờ dựa vào thuốc men. Theo đó, việc ta đang cố chạy chữa cũng chỉ là phương tiện để qua đó, với sự trợ giúp của thuốc, con người nhận ra và duy trì được giá trị của sức khỏe và sự an lạc.
Hiểu đúng bệnh do nghiệp gây nên
Sự lý giải sức khỏe và bệnh tật dưới lăng kính nghiệp quả nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa đạo đức và sức khỏe. Sức khỏe phụ thuộc vào lối sống của chúng ta, tức là tùy vào cách nghĩ, cách cảm nhận và cách sống của mình.
Bệnh là hậu quả của một lối sống không lành mạnh, ví dụ, sống buông thả mê đắm trong dục lạc sẽ sinh ra bệnh, hay khi bị bệnh dịch hoành hành, cùng sống trong một điều kiện, môi trường giống nhau mà có người qua khỏi, có người chết. Xem thêm: Tìm hiểu cách ngày xưa Đức Phật hóa giải thiên tai, dịch bệnh
Theo quan điểm Phật giáo, sự khác nhau giữa người sống và kẻ chết khi phải trải qua cùng một trận dịch ở cùng một địa phương như thế là do nghiệp quá khứ của những người này khác nhau.
Ví dụ trong trận dịch đó có người gặp bác sĩ giỏi nhưng bệnh nhân vẫn chết trong khi đó có trường hợp không gặp được điều kiện chữa trị tốt mà bệnh nhân vẫn có thể khỏi bệnh. Trong khi đó, có trường hợp bệnh viện trả về nhưng sau đó họ phục hồi bất ngờ.
Bệnh do nghiệp gây nên thì không thể chữa lành bằng các phương tiện y khoa, mà bệnh chỉ hết khi nào nghiệp quả được trả hết. Thế nhưng nghiệp của mỗi người là điều bí ẩn đối với chính bản thân người đó cũng như đối với người khác. Vì vậy, không một người bình thường nào có thể biết được bệnh nào là do nghiệp.
Đạo Phật khuyên rằng, với mục đích thực tế, chúng ta nên xem tất cả các căn bệnh đều có các nguyên nhân từ trong thân thể. Và ngay cả khi bệnh do nghiệp mà ra, bệnh đó cũng cần được chữa trị.
Không có điều kiện nào là cố định vĩnh viễn. Và vì mối liên hệ nhân quả giữa việc đã làm với hậu quả tương ứng có tính điều kiện hơn là ấn định, nên hễ còn sống là còn có khả năng chữa trị. Mặt khác, chúng ta cũng không thể biết khi nào nghiệp xấu của mình đến lúc chín muồi.
Do đó, chúng ta cần sử dụng mọi phương tiện chữa trị đang hiện hành. Các phương cách chữa trị này, ngay cả khi không thể chữa lành căn bệnh, vẫn lợi ích, vì những điều kiện hợp lý về thân và tâm là cần thiết để nghiệp vận hành. Sự hiện diện của các mầm bệnh do nghiệp quá khứ và do môi trường sống có nguy cơ gây bệnh đều có khả năng làm cho bệnh phát sinh.
Nhưng có điều trị là có góp phần ngăn cản ảnh hưởng tối đa của những nghiệp xấu. Sự chữa trị này không can thiệp được vào quá trình hoạt động của nghiệp cá nhân, nhưng có thể làm giảm đi ảnh hưởng của nó.
Lời khuyên của đạo Phật dành cho người mắc những chứng bệnh không thể chữa trị được là hãy kiên nhẫn thực hiện các việc thiện để làm vơi nhẹ ảnh hưởng của nghiệp xấu vốn đã tạo từ trong quá khứ. Ít ra, tự mình nỗ lực duy trì sức khỏe hoặc phục hồi sức khoẻ đã là nghiệp tốt rồi.
Nhờ thái độ và nỗ lực của mình trong hiện tại đối với bệnh, nghiệp tốt có thể phát sinh. Niềm tin vào nghiệp cũng giúp chúng ta đương đầu với những nỗi khổ trong cuộc sống. Một sự chấp nhận bình thản như vậy sẽ giúp bệnh nhân vượt khỏi sự chán chường, duy trì tinh thần tốt trong để dù cái chết đến cũng thấy bình an. Xem thêm: Nếu đi khắp nơi chạy chữa không khỏi hãy thử niệm Phật chữa bệnh
Mỗi người có trách nhiệm với sức khỏe của mình
Nhưng Đạo Phật nói về chăm sóc sức khỏe thì bệnh do tự mình gây nên trên nền tảng những thói quen và cách sống của bản thân. Lý thuyết nghiệp khuyến khích mỗi người tự tìm ra nguyên nhân của bệnh, cũng như những nỗi khổ niềm đau ở chính nơi con người mình.
Ngay trong câu kinh Pháp cú đầu tiên, đạo Phật quan niệm ta là kết quả tư duy của chính mình. Do đó, nguồn sống và nguồn hạnh phúc hay bất hạnh nằm trong năng lực của mỗi người.
Điều này có nghĩa là cần phải nhìn những nguyên nhân gây bệnh nằm trong các mối liên hệ với cách sống, những quyết định và thái độ sống của mình để kịp nhận ra cần phải thay đổi sao cho tốt hơn.
Tuy nhiên, việc nhấn mạnh đến nghiệp cá nhân hoặc trách nhiệm cá nhân đối với sức khỏe không có nghĩa đạo Phật quy trách nhiệm cá nhân cho tất cả các loại bệnh tật vì cò yếu tố xã hội tác động đến ta. Ví dụ như trong lãnh vực chăm sóc y tế, nghiệp xã hội được hiểu là các yếu tố môi trường có khả năng góp phần làm cho bệnh nặng thêm hay giảm nhẹ đi.
Sống đạo đức, hành động tốt và thiện như thế, sẽ góp phần tạo nên sức khỏe tổng thể kiện khang ở một con người. Sức khỏe tổng thể được phản ánh trong mọi phương diện cuộc sống thông qua suy nghĩ, lời nói và hành động.
Quan điểm toàn diện của đạo Phậtchú trọng vào con người toàn diện và cho rằng con người không chỉ là sinh vật với thân thể vật lý mà còn là con người với đầy đủ tình cảm, tinh thần, xã hội và tâm linh.
Do đó, một khi quan tâm đến sức khỏe con người, chúng ta phải quan tâm đến toàn bộ con người, thân, tâm và tình cảm cũng như môi trường xã hội, chớ nên chỉ nhờ dựa vào y khoa hoặc các dịch vụ y tế mà thôi.
(Tổng hợp)