Thứ Hai, 20/07/2015 11:58 (GMT+07)
Cùng là nơi thờ thần linh nhưng tên gọi khác nhau và không nhiều người thực sự phân biệt được đền, miếu, điện, phủ, am. Điều đó cho thấy sự đa dạng và đa thần trong đời sống tâm linh của người Việt.
Chùa
Chùa là nơi thờ Phật lớn nhất trong hệ thống những nơi thờ thần linh của người Việt nói riêng và các tín đồ Phật giáo nói chung. Ngày nay, do tín ngưỡng đa thần của người Việt nên nhiều chùa có cả ban thờ mẫu và điện thờ thánh trong khuôn viên.
Đền
Đền là nơi thờ Thánh hoặc những nhân vật lịch sử đã được thần thánh hoá. Các đền thờ dân dã gắn với việc thờ các thần linh hoặc những nhân vật của địa phương được thiêng hoá.
Miếu
Thường là ngôi đền nhỏ như miếu Thổ Địa, miếu Cô, miếu Cậu,.. không phải là nơi thờ thần linh có vai trò to lớn. Tuy nhiên trong một vài trường hợp cụ thể có thể thấy miếu là một kiến trúc khá lớn, đôi khi chiếm một diện tích mặt bằng đáng kể, ví như Văn Miếu, Võ Miếu.
Điện
Điện là một hình thức của đền, nơi thờ thánh trong tín ngưỡng dân gian Việt. Điện có thể của cộng đồng hoặc tư nhân. Trên bàn thờ thường có ngai, bài vị, khám, tượng chư vị thánh thần và các đồ thờ khác: tam sơn, bát hương, cây nến, đài, lọ hoa, vàng mã,…
Phủ là một nơi thờ tự thánh mẫu khá sầm uất, mang tính chất trung tâm của cả một vùng lớn vượt ra ngoài phạm vi địa phương, thu hút tín đồ khắp nơi đến hành hương (tương tự như chốn Tổ của sơn môn đạo Phật).
Am
Am là một kiến trúc nhỏ thờ Phật. Gốc của am từ Trung Quốc, được mô tả như ngôi nhà nhỏ, lợp lá, dùng làm nơi ở của con cái chịu tang cha mẹ, về sau đổi kết cấu với mái tròn, lợp lá, làm nơi ở và nơi đọc sách của văn nhân. Ngày nay, am là nơi thờ các bậc thánh hiền, những nhà giáo có công đức và tài năng lớn.
ST