Cuộc đời không chỉ có khổ đau hãy tập trung tận hưởng vẻ đẹp của nó

Thứ Ba, 17/11/2020 17:57 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hãy nhớ rằng dù bạn đau khổ tột cùng vẫn nhớ rằng cuộc đời không chỉ có khổ đau vì trời vẫn xanh, hoa vẫn nở, vẫn ngào ngạt hương,... chỉ là bạn đang quên đi vẻ đẹp của nó mà thôi.

Cuộc đời không chỉ có khổ đau


Trong suy nghĩ của chúng ta, Đức Phật hay nói về khổ đau vì trong Tứ diệu đế, đế đầu tiên Đức Phật nói đến là Khổ đế, tiếp theo là Tập đế, và hai đế cuối cùng (3- 4) là giải pháp đức Phật dạy (tu) để chấm dứt sự khổ đau của kiếp nhân sinh.

Liệu có phải cuộc đời chỉ có khổ đau nên Đức Phật hay nhắc về nó và giúp chúng ta đi tìm cách để diệt nó?

Có chuyện vui mọi người lan truyền trên mạng như nhau về cách Đức Phật đối đáp cũng mở ra cho ta một góc nhìn mới về sự khổ:

- Phật ơi! sao người không cho con có được một nhan sắc thật đẹp để vạn người mê, mỗi khi xuất hiện là được nhiều người yêu mến và vây quanh?

- Ta đã cho con sức khoẻ. Chẳng phải con là cái đứa dễ ăn dễ ngủ,...và trong cơ thể không mắc phải các bệnh nan y đó sao? 
 
Phật ơi! sao người không cho con một bộ đồ hàng hiệu thật đẹp và sang trọng? 
 
- Ta đã cho con sự ấm áp, không phải chịu đựng những lãnh lẽo và giá rét vì không có vải để che thân.
 
Phật ơi! sao ngài không cho con có người yêu, người định bắt con phải ế như vậy đến suốt đời hay sao? 
 
- Ta đã cho con có được sự tự do và không bị ràng buộc. Con muốn đi chơi với ai, ở đâu, đi ta bà thế giới bao lâu cũng đều được.
 
 
 
Phật ơi! sao ngài không cho con cơ hội thăng tiến trong công việc để con có thể kiếm ra thật nhiều tiền đem về cho gia đình của con? 
 
- Ta muốn con có nhiều thời gian ở bên gia đình và chăm sóc những người con thương yêu. Vì Ta biết, người thân của con đang cần con ở bên cạnh nhiều hơn là đống tiền trơ lạnh mà con vừa mới đem về. Có nhiều tiền mà không có thời gian sống con chỉ là một cỗ máy.
 
Phật ơi! sao Ngài để con vuột mất dự án một triệu đô?
 
- Ta vừa cứu con thoát khỏi cảnh tù tội.
 
- Phật ơi! Tại sao....

Bài học: Không rõ thực hư câu chuyện trên nhưng có thể thấy người trên đã đòi hỏi khá nhiều mà họ quên đi những gì mình có, vì thế, họ vốn hạnh phúc mà không biết khi mà trong tâm tư chỉ chú ý tới cá khổ, cái mình đang thiếu thốn.

Cái nhìn tiêu cực chính là tác nhân khiến ta quên mất rằng mình đang may mắn như thế nào. Đức Phật dạy rằng, có khổ đau mới hiểu giá trị của hạnh phúc, cuộc sống là vậy, bên cạnh những ngày mưa là ngày nắng và "chỉ đi qua những ngày mưa ta mới yêu thêm những ngày nắng".

Cuộc sống có rất nhiều khổ đau nhưng cuộc sống cũng tràn đầy những mầu nhiệm như hoa luôn rực rỡ sắc màu, những viên đá lấp lánh sau nhiều năm bị chôn vùi, những tình yêu hóa giải hận thù,...

Thế mới thấy, trong mắt người tích cực, cuộc sống không chỉ có khổ đau, do đó, chúng ta phải biết tiếp xúc với những điều tuyệt vời của sự sống. Bất cứ lúc nào, những màu nhiệm ấy cũng có mặt khắp nơi trong ta và xung quanh ta.  
 

Biết đủ rồi nên con người ta hạnh phúc

 
 
Qua câu chuyện trên ta có thể thấy người cầu xin Đức Phật trên đây có được sức khỏe, có quần áo mặc, sự tự do, thoát khỏi tù tội,... là bản thân đã rất may mắn rồi nhưng lòng tham đã làm người ấy khổ tâm, cứ muốn đòi hỏi thêm.

Thế nên chúng ta thường được khuyên là chỉ khi biết đủ rồi ta mới hạnh phúc, biết đủ là gia tài lớn nhất đừng để đến khi hấp hối mới nhận ra thì quá muộn chỉ vì cứ lo để ý đến những cái còn thiếu nên cả cuộc đời chẳng biết bao giờ mới khỏa lấp hết những gì họ còn thiếu.

Theo Phật giáo nếu theo tri túc biết đủ thì khổ đau của con người không xuất phát từ vật chất mà từ ái dục dẫn đến vô minh để rồi tham, sân, si (lòng tham, sự giận dữ, ngu dốt) thúc đẩy tạo thành vọng, vọng tạo thành nghiệp và phải lãnh hậu quả về mình.
 
Từ hôm nay, thay vì kể về sự khổ sở và đau thương đang có thì bạn hãy kể về những gì bạn hiện đang sở hữu xem sao.

Sáng thức dậy bạn được tận hưởng chút ánh sáng Mặt Trời bạn đã may mắn hơn vô số người không còn thức giấc mỗi sáng. Mỗi giây, mỗi phút của đời sống hàng ngày đều có thể như thế cả. 

Nếu tự thân ta không có hạnh phúc, bình an thì chúng ta không thể hiến tặng hạnh phúc và bình an cho người khác, kể cả những người ta thương, những người ta cùng chung sống trong một mái ấm gia đình.

Có bình an, hạnh phúc thì chúng ta sẽ tỏa ra năng lượng tích cực, khi đó, mọi người chung quanh ta, từ gia đình cho đến xã hội, ai cũng được thừa hưởng. 
 
Nhưng liệu ta có cần cố gắng để hạnh phúc không? Có cần cố gắng để thưởng thức vẻ đẹp của trời xanh không? Có cần phải thực tập để có thể tận hưởng được vẻ đẹp đó không? Không. Chúng ta chỉ cần tận hưởng thôi.