Nghi lễ cúng dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật

Thứ Năm, 27/02/2020 16:15 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để phong tục không trở thành hủ tục, mỗi người nên cẩn trọng tìm hiểu. Dâng sao giải hạn không nhất thiết đến chùa, thay vì đồ lễ đắt tiền, mâm cao cỗ đầy, chỉ cần dâng hương hoa tại nhà để tỏ lòng thành.

Nam La hầu - Nữ Kế đô”, rồi “Thái bạch đi sạch cửa nhà” là sự ám ảnh của rất nhiều người mỗi khi năm mới vừa tới. Vậy những hạn tuổi này là như thế nào và việc cúng dâng sao giải hạn có thực sự hiệu nghiệm khi mà cứ mỗi dịp đầu năm, hàng vạn người dân đổ về các ngôi chùa để làm lễ cầu xin tránh được những tai nạn, rủi ro.

Ngày nay, hàng loạt chùa nhận làm lễ dâng sao giải hạn cho các phật tử. Một số nơi còn có hiện tượng ra giá cúng sao xấu tùy theo mệnh, theo tử vi và có hiện tượng tăng giá so với các năm trước. Rồi các đền, chùa tổ chức dâng sao giải hạn chung cho nhiều người nhưng thực tế, một nghi lễ không thể giải hạn cùng lúc cho hàng trăm người.

Vì, theo Kinh dịch, không phải sao nào cũng tốt và không phải sao nào cũng xấu. Việc xấu tốt của các sao còn do mệnh của từng người. Ví như sao Thái Bạch mọi người mặc định là xấu nhưng với người mệnh Kim, sao Thái Bạch là tốt.
 
Nghi lễ cúng dâng sao không có trong nhà Phật 

Nguồn gốc của việc dâng sao giải hạn

 
Tục dâng sao giải hạn tồn tại từ lâu đời trong dân gian, nằm trong nghi lễ của Lão giáo, tức là Lão Tử của Trung Quốc. Hay nói cách khác, nó thuộc về Tam giáo đồng nguyên (xuất hiện từ thời Lý), theo Lão giáo dung nạp vào trong nhiều ngôi chùa.
 
Căn cứ trên học thuyết ngũ hành xung khắc, theo sự vận chuyển của ngũ hành, mỗi năm có môt vì sao chiếu mạng vào một tuổi của từng người. Còn hạn là niên hạn, là cách thức riêng ứng với sao chiếu mạng là tốt hay xấu. Họ tin rằng, mỗi một năm có một vì sao chiếu mệnh. Có 9 sao, trong đó có: Thái dương, Thái Âm, Mộc đức, Vân hớn, Thổ tú, Thủy diệu, La hầu, Kế đô, Thái bạch.
 
Năm nào sao xấu chiếu mệnh, con người sẽ gặp phải chuyện không may, ốm đau, bệnh tật... gọi là vận hạn. Theo đó, các sao này theo cách tính tuổi sẽ có ảnh hưởng tốt xấu tới cuộc sống của con người.

Chẳng hạn, người ta cho rằng, nam giới với tuổi âm lịch là 10, 19, 28, 37, 46, 55, 64, 73, 82, còn nữ giới với tuổi 15, 24, 33, 42, 51, 60, 69, 78, 87 gặp hạn "sao" La Hầu và nên đề phòng những tai nạn có thể xảy ra trong tháng Giêng và tháng 7 Âm lịch.
 
Hạn sao Kế Đô xảy ra khi nam giới ở độ tuổi 16, 25, 34, 43, 52, 61, 70, 79, 88, còn nữ giới ở độ tuổi 10, 19, 28.

Và để giảm nhẹ vận hạn người xưa thường làm lễ cúng vào đầu năm (là tốt nhất) hoặc hàng tháng tại chùa (là tốt nhất) hay tại nhà ở ngoài trời với mục đích cầu xin Thần Sao phù hộ cho bản thân, con cháu, gia đình đều được khoẻ mạnh, bình an, vạn sự tốt lành, may mắn, thành đạt và thịnh vượng.  
  
Ngày nay cúng sao giải hạn đa số là diễn ra ở các chùa, người đứng ra tổ chức cúng sao giải hạn là qúy thầy và đại đa số quần chúng cũng nghĩ rằng đây là tập tục của Phật giáo, ít ai nghĩ rằng nó có nguồn gốc từ Lão giáo, được dân gian hóa và rồi ảnh hưởng đến Phật giáo. Giải hạn có nên chăng khi mà Phật giáo tiếp nhận dưới nghi thức làm lễ cầu an cho gia đình quý phật tử được an lạc, hạnh phúc. 

Như vậy nhà chùa chỉ là một "phương tiện" để giúp con người được an cái tâm và "phương tiện" chỉ là nhất thời, bản chất nó là ước nguyện cầu an của con người.
 
 
 

Theo Phật pháp không có dâng sao giải hạn, đừng lạm dụng quá đà
 

Hiện nay việc dâng sao giải hạn có xuất hiện ở một số chùa, theo hiệu ứng đám đông, người nọ truyền tai người kia, kháo nhau đi giải hạn ở chùa này, chùa kia rồi đổ xô tìm đến đó mà không hiểu bản chất thực sự là gì.

Vì thực tế, theo nhiều chuyên gia, nghi lễ dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa đều không có nguồn gốc từ Phật giáo. Nhưng đáng tiếc, nghi lễ này đang bị biến tướng ở nhiều nơi và trở thành tệ nạn, cần phê phán sự lạm dụng đến mức đi quá xa như một số chùa đang làm. 

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong giáo lý nhà Phật không có việc dâng sao giải hạn, nhà Phật không khuyến khích việc này.
 
Thực tế, đạo Phật nhấn mạnh cái căn bản của con người, con người tự chịu trách nhiệm về cái nghiệp mình tạo ra. Tức là nếu thân - khẩu - ý của ta tốt, hành động tốt đẹp, lời nói dễ nghe, tâm ý tốt đẹp ta sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tuyệt đối không nói những lời sai trái, hành vi trái với luân thường đạo lý. Đó chính là khuyên răn và hướng thiện con người. Chỉ khi làm việc thiện ta mới chuyển được nghiệp của mình, ngoài ra không có sự trợ giúp nào khác.
 
Ngược lại nếu có hành vi ngỗ ngược, gây ra nhiều chuyện thị phi, tà ý thì chắc chắn sẽ không thể gặp được điều tốt lành. Một khi đã làm điều xằng bậy, cho dù có mâm cao cỗ đầy, đi dâng sao giải hạn thì cũng không giải quyết được gì - đó chính là luật nhân quả.

Bởi bản thân các vị thần tiên nếu có thì cũng phải có sự bình đẳng; thần tiên mà phụ thuộc vào chuyện lễ tốt, nhiều tiền bạc thì tôi chắc chắn là thế giới này loạn mất rồi. Mình chỉ biết lễ bái mà không biết cải thiện cá nhân, tu sửa đạo đức thì dù chúng ta có giải hạn bao nhiêu chăng nữa vẫn không tránh khỏi những điều không hay trong cuộc sống.
 
Kinh sách của phật giáo không đề cập đến việc ngôi sao chiếu mạng vào con người mà nhờ đó được hưởng phúc lợi hay mang tai họa. Trong kinh sách Phật giáo cũng không nói đến nghi lễ cúng sao giải hạn cho phật tử. Bởi vì, đối với Phật giáo, không có ngày xấu, không có ngày tốt, mà cũng không có sao hạn xấu tốt.

Ở toà Tam Bảo, nhà chùa làm hoa quả, hoa nghi cúng Phật, có cái gì thì dâng lên cúng Phật chứ không có nghi thức gì khác cả. Từ giải sao là cho dễ hiểu chứ không có lễ giải sao nào cả. Thực chất đó là lễ cầu an, cầu lợi ích cho đời, cho thế gian. Nghi thức của lễ cầu an là tụng kinh Phật, nương theo lời dạy của Ngài mà hành trì theo để cuộc sống được bình an hơn chứ không phải làm lễ để bài trừ được tai họa như nhiều người lầm tưởng. 
 
Theo kinh điển Phật giáo, tất cả phúc lộc hay tai họa, thành công hay thất bại mà con người có được hay gặp phải đều do nhân quả của chính người ấy làm nên chứ không phải do ai ban phát cho. Nếu làm nhiều việc tốt sẽ gặp điều lành, làm việc ác gặp quả báo. Làm lễ giải hạn chỉ là nhu cầu tâm linh để lòng được bình an. Dù người ta có dâng sao giải hạn, có đi chùa cầu cúng mà làm những điều xấu thì cũng không có thần thánh nào cứu được.

Kathy