(Lichngaytot.com) Từng là 1 gia tộc nổi tiếng giàu sang đất Sài thành nhưng gia tộc nhà chú Hỏa lại được biết đến nhiều hơn vì câu chuyện kinh dị xoay quanh Con ma nhà họ Hứa...
Gia tộc họ Hứa và khối tài sản khổng lồ nổi danh Đông Dương
Trong những năm cuối của thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, dân Sài gòn có câu “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” để nói về Tứ đại hào phú xứ Sài thành thời bấy giờ. Sỹ ở đây là ông Huyện Sỹ - Lê Phát Đạt, Phương là Tổng Đốc Phương – Đỗ Hữu Phương, Xường là Bá hộ Xường – Lý Tường Quan, Hỏa là chú Hỏa – Hui Bon Hoa.
Nổi tiếng nhất trong Tứ đại hào phú thời bấy giờ và vang danh tới cả thời điểm hiện tại có lẽ chính là chú Hỏa. Ông là 1 thương gia tài giỏi và giàu có bậc nhất Sài gòn, vốn là người gốc Hoa.
Chú Hỏa là thương gia gốc Hoa giàu có nổi tiếng đất Sài thành |
Người ta đồn rằng sở dĩ chú Hỏa giàu như thế là vì gia tộc họ Hứa vốn nắm giữ ngân khố của triều Minh. Khi nhà Minh bại dưới tay nhà Thanh, cả gia tộc đã chạy sang Việt Nam trốn họa, mang theo tất cả số vàng trong ngân khố để lập nghiệp nơi xứ sở mới.
Có người lại kể rằng xưa kia chú Hỏa vốn là dân di cư nghèo rớt mồng tơi, phải đi bán ve chai sống độ nhật. Nhưng có 1 lần ông mua ve chai nhặt được vàng, thế là có vốn gây dựng cơ nghiệp.
Không ai chứng minh được lời đồn nào là dúng, nhưng nói chung việc chú Hỏa có tài kinh doanh buôn bán thì không ai có thể phủ nhận, nếu không dù có nhặt được vàng mà không biết nắm bắt thời cơ thì cũng có ngày miệng ăn núi lở.
Chuyện thời bần hàn cơ cực của ông không mấy ai biết, nhưng đất Sài gòn thời bấy giờ không ai không biết đến những công trình kiến trúc lớn mang lại vẻ phồn hoa của hòn ngọc Viễn Đông khi xưa.
Chú Hỏa lập nên công ty Hui Bon Hoa, cùng với các con trong gia tộc họ Hứa đã xây nên gần 20 nghìn căn nhà phố cùng hàng loạt những công trình kiến trúc, trong đó có nhiều công trình hoàn toàn là để phục vụ cộng đồng như trường học, bệnh viện, chùa chiền…
Ông và các con ngoài việc kinh doanh còn rất quan tâm đến công tác từ thiện. Người ta kể lại rằng không biết đã có bao nhiêu người dân Sài gòn chịu ơn chú Hỏa. Gia tộc họ Hứa từng chi tiền bao nuôi rất nhiều người nghèo lang thang cơ nhỡ trong thời gian dài.
Những công trình kiến trúc như Phước Thiện Y Viện (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện (nay là Bệnh viện đa khoa Sài Gòn), Bảo Sanh viện Đông Dương (nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ), chùa Kỳ Viên, chùa Phụng Sơn, Thành Chí học hiệu (nay là Trường THCS Minh Đức) là những cơ sở được xây dựng để dân nghèo cũng có thể học hành, chữa bệnh và tu tập.
Gia tộc họ Hứa thời bấy giờ phát triển vô cùng thịnh vượng, riêng bất động sản thống kê đã có tới hơn 30 nghìn căn nhà, trong đó có những dinh thự lớn dành riêng cho gia đình, nổi tiếng nhất là dinh thự 99 cửa trên phố Phó Đức Chính, nơi mà ngày nay đã trở thành Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Bạn biết gì về Phong thủy thành phố Hồ Chí Minh: Tại sao địa thế đẹp nhưng chưa đủ vượng phát?
Song sự nổi tiếng cho đến ngày nay của gia tộc chú Hỏa không chỉ ở việc gia tộc này đã từng giàu có ra sao mà là tấn bi kịch về cô tiểu thư xinh đẹp Hứa Tiểu Lan – người được cho là Con ma nhà họ Hứa.
Con ma nhà họ Hứa hay bi kịch của cô tiểu thư bạc mệnh
Nổi tiếng nhất trong số những bất động sản của gia tộc giàu có gốc Hoa này chính là dinh thự nằm trên mặt tiền số 97 phố Phó Đức Chính, ngay quận 1 ở Sài Gòn.
Dinh thự 99 cửa nơi có lời đồn về con ma nhà họ Hứa |
Tòa dinh thự này là nơi mà cả gia tộc họ Hứa sinh sống, có tới 99 cánh cửa với vẻ đẹp lộng lẫy, cổ kính của kiến trúc Âu Á hài hòa. Những lời đồn thổi đậm chất liêu trai về con ma nhà họ Hứa cũng xuất phát từ chính nơi đây. Đọc ngay Những chuyện ly kỳ về HỒN MA TRONG NHÀ TRẮNG
Theo lời người dân đồn đại truyền miệng với nhau thì chú Hỏa có tất cả 4 người con. Ba người con đầu là con trai, nối nghiệp cha có tài kinh doanh tài giỏi, giúp ông rất nhiều trong công việc làm ăn. Nhưng để nói tới người con mà chú Hỏa yêu quý nhất thì lại không phải là ai trong số 3 người con này mà là cô con gái út xinh đẹp có tên Hứa Tiểu Lan.
Người ta kể rằng cô tiểu thư nhà họ Hứa vừa đẹp người lại vừa đẹp nết nên được chú Hỏa rất mực cưng chiều. Nhưng tới khi cô đến tuổi trăng tròn thì chẳng còn vui vẻ như xưa mà lúc nào mặt mũi cũng u sầu. Chẳng bao lâu sau, cô biến mất.
Ngay cả gia nhân cũng không biết cô chủ đã đi đâu, bạn bè và đối tác làm ăn có hỏi thăm đến thì chú Hỏa 1 mực không trả lời. Nỗi hoài nghi càng ngày càng lớn, nhất là khi kẻ ăn người ở trong nhà cứ đêm đến lại nghe thấy tiếng khóc lóc nỉ non của con gái.
Những lời đồn thổi về cô tiểu thư xinh đẹp bắt đầu xuất hiện, nhưng chẳng bao lâu sau thì chú Hỏa báo tin dữ cho bạn bè, con gái chú mắc bệnh hiểm nghèo mà chết. Do người chết vào giờ trùng tang, không tiện làm lễ lớn nên không mời quá nhiều người, thi hài cô tiểu thư xấu số cũng nhanh chóng được an táng ở khu biệt thự nghỉ mát ở Long Hải (Vũng Tàu) của gia đình.
Theo quan niệm dân gian, người chết trẻ thường linh hồn khó siêu thoát mà vẫn vương vấn trần gian. Sau cái chết của cô tiểu thư trẻ, những lời đồn thổi càng ngày càng nhiều. Đừng bỏ qua Ma chết oan là gì? Làm cách nào để họ siêu thoát?
Người ta kể rằng có 2 tên trộm nghĩ nhà chú Hỏa giàu có tất có nhiều đồ tùy táng quý giá chôn theo con gái nên đã đào trộm mộ, song khi nắp mộ bật mở thì chẳng hề có gì bên trong, cả thi hài người chết lẫn đồ tùy táng đều không có.
Dân tình bàn tán, có thể cô gái quả thực đã chết, nhưng chú Hỏa vì thương con còn nhỏ đã phải nằm dưới nền đất lạnh nên chẳng đành lòng chôn cất mà dùng phương pháp bí truyền của người Hoa, tẩm ướp thi hài cô gái nhỏ rồi để trong phòng cô ở trước kia, để cô gái vẫn được ở bên gia đình. Đọc thêm Quá trình ướp xác sống của các thiền sư Nhật Bản
Tiểu thư Hứa Tiểu Lan xinh đẹp nhưng vắn số |
Gia nhân trong nhà cũng cho rằng hồn cô gái vẫn chưa siêu thoát mà đêm đêm vẫn hiện về, đứng bên cửa sổ khóc than cho số phận bạc bẽo của mình. Người khác thì quả quyết đã từng nhìn thấy có bóng trắng ẩn hiện trên các khung cửa sổ trong dinh thự.
Lời đồn đại kinh dị nhất về con ma nhà họ Hứa là khi có anh thợ điện vào dinh thự để sửa chữa, bảo dưỡng đường dây điện trong tòa nhà thì nhận thấy trên tầng cao nhất có 1 căn phòng đóng kín cửa. Anh ta tò mò để ý thì thấy gia nhân đẩy khay thức ăn vào phòng qua khe cửa, trong phòng lúc nào cũng có tiếng gào khóc, la hét.
Người thì cho rằng đó là do anh thợ điện tưởng tượng mà kể ra cho vui chuyện, song kẻ khác lại tin rằng cô tiểu thư cành vàng lá ngọc kia chưa hề chết, chỉ là cô ta đã mắc bệnh tâm thần nên bị nhốt ngay tại nhà mình mà thôi.
Song có 1 lời đồn đại khác về cô tiểu thư này, tuy có phần giống với lời kể của anh thợ điện nhưng chỉ khác ở chỗ, cô Hứa Tiểu Lan không phải mắc bệnh tâm thần mà cô đã bị bệnh phong cùi.
Phải biết rằng thời điểm đó phong cùi là bệnh không có thuốc chữa, người bệnh bị ăn mòn chân tay, khắp người lở loét. Bệnh phong còn được gọi là bệnh hủi, dân gian còn có câu “tránh như tránh hủi” đủ biết căn bệnh này nghiêm trọng tới mức nào. Chẳng những là bệnh vô phương cứu chữa, với hiểu biết hạn hẹp của người thời bấy giờ, phong cùi còn là bệnh lây lan, ai mắc bệnh này nếu không tự bỏ xứ mà đi cũng bị người đời hắt hủi.
Con gái rượu tự nhiên mắc phải bệnh này, chú Hỏa thương xót vô cùng, đi khắp nơi tìm thầy chạy chữa, tốn biết bao tiền của mà vẫn không có hy vọng khỏi bệnh.
Thương con đang như hoa như ngọc nay bị bệnh phong cùi hủy hoại nhan sắc, không muốn bị người đời bàn ra tán vào nên chú Hỏa sắp xếp cho con ở trong căn phòng tối trên tầng cao nhất của căn dinh thự.
Tiểu thư Hứa Tiểu Lan bị nhốt trong căn phòng cao nhất |
Cô tiểu thư nhỏ sống trong đó qua ngày đoạn tháng, không ai được gặp mặt, kẻ hầu người hạ mang cơm nước, quần áo cho cô cũng không được vào mà chỉ đẩy đồ qua khe cửa. Họ không được phép nhìn ngó lung tung, phải đi lùi.
Cẩn thận là thế, cũng yêu thương là thế nhưng cuối cùng chú Hỏa không giữ được cô con gái nhỏ bên mình. Một ngày nọ, cơ thể bé nhỏ của Hứa Tiểu Lan không chịu đựng được sự giày vò của bệnh tật nữa mà từ bỏ sự sống.
Con gái chết, chú Hỏa đau xót vô cùng, căn phòng trước đây nơi cô ở vẫn được giữ nguyên, và quả đúng như lời 2 tên trộm kia dự đoán, thi hài tiểu thư họ Hứa không được chôn cất mà được đặt trong lồng kính, ướp xác.
Chẳng mấy chốc đã đến ngày giỗ đầu cô tiểu thư bạc mệnh, chú Hỏa thương con nên đặt may 1 bộ áo đầm trắng là màu cô thích mặc nhất khi còn sống, lại mua cho cô 1 con búp bê biết nháy mắt hiện đại nhất thời bấy giờ, cúng cùng 1 dĩa cơm gà.
Hôm ấy bà vú già lên dọn phòng cô chủ như thường lệ thì giật mình kinh hãi, hét lớn rồi chạy ra khỏi phòng như bị ma đuổi, miệng lắp bắp: “Cô chủ về! Cô chủ về!”
Sự lạ xảy ra, trong căn phòng âm u nơi tầng cao nhất ấy, nắp hòm bằng kính bật mở, con búp bê không ai giữ mà đứng thẳng trên lồng kính, đôi mắt nháy lia lịa như đang trò chuyện với ai đó. Còn dĩa cơm gà kia chẳng biết ai ăn mà chỉ còn phân nửa, trong khi cửa phòng khóa chặt, chỉ khi bà vú lên dọn dẹp mới mở ra, trong phòng cũng chẳng có gián chuột gì.
Chú Hỏa cấm gia nhân không ai được tiết lộ bất cứ điều gì ra ngoài, ngay trong ngày hôm đó, gia tộc họp bàn rồi tức tốc đem thi hài tiểu thư đi chôn bí mật ở 1 nơi cách xa thành phố.
Nhưng sự lạ đã xảy ra, đâu có dễ dàng biến mất. Ngay cả khi thi hài cô gái không còn ở trong dinh thự nữa, người làm mỗi đêm lại nghe thấy những tiếng khóc than nỉ non từ căn phòng trên lầu cao nhất của cô tiểu thư hồng nhan bạc mệnh.
Dẫu chú Hỏa đã dùng mọi cách để bưng bít nhưng tin đồn cứ thế truyền đi, con ma nhà họ Hứa trở thành nỗi kinh hoàng mà bất cứ người dân Sài gòn nào cũng biết. Thậm chí năm 1973, câu chuyện về hồn ma Hứa Tiểu Lan còn được hãng phim tư nhân Dạ Lý Hương dựng làm phim.
Nhà sản xuất giới thiệu đó là phim dựa trên câu chuyện có thật về bi kịch nhà chú Hỏa, lấy tên là “Con ma nhà họ Hứa”. Phim ra mắt trở thành bộ phim ma đầu tiên của điện ảnh miền Nam trước ngày Giải Phóng năm 1975, tạo tiếng vang lớn, khiến cho câu chuyện huyền bí, liêu trai về linh hồn cô tiểu thư xấu số của gia tộc từng 1 thời lừng lẫy đất Sài thành cứ thế lan truyền.
Vén màn bí mật về linh hồn cô gái trẻ - Con ma nhà họ Hứa
Tòa dinh thự nổi tiếng nhà họ Hứa vốn có 100 cánh cửa nhưng khi duyệt thiết kế đã bị viên toàn quyền người Pháp bắt bỏ đi 1 cửa và không cho mở cửa cổng chính vì cổng này lớn hơn cổng Dinh Toàn quyền, nay là dinh Độc Lập.
Gia tộc họ Hứa sau khi chú Hỏa mất vẫn phồn vinh, trước ngày Giải Phóng, họ đã sớm di tản sang Pháp. Sau ngày Giải Phóng, dinh thự đã được chính quyền trưng dụng làm Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.
Theo lời nhân viên bảo tàng thì căn biệt thự này vốn được xây vào năm 1929 bởi con trai trưởng của chú Hỏa. Dinh thự được xây trên nền của căn biệt thự cũ. Phía sau tòa biệt thự có 1 phiến đá hoa cương ghi lại sơ đồ các phòng trong dinh thự, trên đó không hề có tên của cô tiểu thư xấu số nhà họ Hứa.
Người ta đồn rằng hồn ma xuất hiện trên khung cửa sổ |
Tuy nhiên đây cũng là điều dễ hiểu bởi khi mà tòa dinh thự được xây thì chú Hỏa sớm đã không còn, ông đã mất vào năm 1901, cả chục năm trước khi các con xây dinh thự trên nền đất cũ. Và như lời đồn về con ma nhà họ Hứa thì chắc hẳn cô con gái nhỏ sớm đã qua đời trước cha mình.
Những lời đồn đại thực thực hư hư về hồn ma cô tiểu thư bỗng chốc trở nên vô căn cứ, bởi sau khi cô mất dinh thự mới được xây, ngay cả chú Hỏa còn chưa 1 ngày sống ở căn biệt thự này, làm sao có căn phòng ma ám nơi cô tiểu thư được ướp xác. Hãy thử Giải mã những ngôi nhà ma ám dưới góc độ khoa học
Song theo 1 số ghi chép thì năm 2006 có người tự xưng là cháu mấy đời của chú Hỏa tên là Eddie Hui-Bon-Hoa khẳng định, ông Hui Bon Hoa – Hứa Bổn Hòa vốn chỉ có 3 người con trai mà thôi.
Ba người con trai ông lần lượt là Huỳnh Trọng Huấn (Tang Huon Hui Bon Hoa), Huỳnh Trọng Tán (Tang Chanh Hui Bon Hoa) và Huỳnh Trọng Bình (Tang Phien Hui Bon Hoa). Trong gia phả họ Hứa không ghi chép tên người con gái nào của chú Hỏa.
Người ta cho rằng những lời đồn thổi qua hơn trăm năm đã đầy tính liêu trai, đậm chất tâm linh. Có thể đúng là có cô tiểu thư họ Hứa, đúng là cô gái không may mắc bệnh phong cùi và qua đời nhưng vốn dĩ chẳng có hồn ma nào.
Trước khi cô gái chết có than khóc cũng là điều dễ hiểu, bởi bệnh phong không có thuốc chữa, từ 1 cô gái là tiểu thư nhà giàu như hoa như ngọc từng ngày chứng kiến nhan sắc, cơ thể bị bệnh tật hủy hoại không khóc than mới là lạ.
Người ta không hiểu biết gì về cuộc sống giàu sang trong dinh thự bề thế đó, từ câu chuyện bi kịch thêm thắt tình tiết kinh dị để giai thoại thêm phần gay cấn cũng là điều có thể hiểu được.
Tuy nhiên, trong cuốn sách “Ngôi mộ cổ nhà họ Hứa” của Phạm Đình Phong có viết rằng: "Cô con gái Chú Hỏa tên là Hứa Tiểu Lan mất vì bệnh nan y, được chôn cất trong ngôi mộ cổ cạnh nghĩa trang Biên Hòa..."(?)
Đọc thêm Bí ẩn những lăng mộ nằm sâu trong rừng tại Trung Quốc
Đọc thêm Bí ẩn những lăng mộ nằm sâu trong rừng tại Trung Quốc
Thực hư đó chỉ là lời văn được thêm thắt qua trí tưởng tượng của nhà văn hay sự thật là vậy giờ chẳng ai hay biết. Chú Hỏa chỉ có 3 người con trai hay còn có 1 cô con gái rượu cũng chẳng ai hay. Bí mật về bi kịch nhà họ Hứa có lẽ sẽ mãi mãi bị chôn vùi theo dòng thời gian, dưới những lớp đất sâu lạnh lẽo, chẳng thể nào minh chứng được nữa.