Thứ Năm, 15/04/2021 10:05 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chuông chùa phải đánh 108 tiếng là một quy tắc mà ai cũng phải nhất nhất làm theo nhưng không phải ai cũng ý nghĩa tốt đẹp ẩn sau đó.
Tại sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng
Tiếng chuông chùa đã trở nên quen thuộc với mỗi chúng ta dù ta có Phật tử hay không vì chỉ vô tình ghé một ngôi chùa nào đó ta cũng có cơ may được nghe từng hồi chuông rung lên vì
ngôi chùa Phật nào cũng có chuông.
Thường mỗi chùa viện đều có 3 loại chuông: chuông đại hồng, chuông báo chúng và chuông gia trì. Trong đó chuông Đại hồng hay cũng có tên chuông U minh thường điểm 108 tiếng và được thỉnh hai lần trong ngày: Lần đầu hôm và lần vào 4 giờ sáng.
Tên gọi chuông U minh vì theo Phật giáo, tiếng chuông vang lên đến đâu sẽ xóa tan u mê, tăm tối, để tỉnh thức con người tìm cách sửa mình, hướng tới cuộc sống tươi sáng, ý nghĩa hơn. Không ít người đã thừa nhận rằng nhờ có tiếng chuông đã cảnh tỉnh họ bỏ ác làm thiện, tránh xa cái bẫy dấn đến những con đường lầm lạc.
Vậy vì sao chuông chùa phải đánh 108 tiếng? Dường như con số này rất đặc biệt khi có 108 hạt trong chuỗi tràng hạt, 108 anh hùng Lương Sơn bạc trong tác phẩm “Thủy hử”. “Hồng Lâu Mộng” có 108 cây trâm vàng, cũng tượng trưng cho 108 người con gái đẹp. Ở nước ta có 108 bậc cấp lên chùa Bái Đính, 108 bậc cấp lên Trúc Lâm thiền viện Truồi,...
- Theo Phật giáo con người có 108 chủng phiền não (Kleśā) của con người. Lục giác (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, cảm giác, và thức giác) nhân làm ba, tức ba loại phản ứng (lạc, khổ, vô ký) thì ra con số 18. Mười tám nhân hai, tức hai thể (thiện hay bất thiện) thì có con số 36.
Do đó đánh chuông 108 lần là để tận trừ những phiền não của con người khi họ thức tỉnh, nhận ra lỗi lầm của mình trong công việc hàng ngày nhằm để giữ tâm trong sạch, hướng đến điều tốt lành, có ích cho xã hội.
- Theo sách Thất tu loại cảo, có ghi lại rằng: “Tiếng chuông mỗi buổi sớm đánh 108 tiếng, tượng trưng cho một năm. Một năm có 12 tháng, 24 tiết khí, 72 hậu (2), cộng các con số đó lại là 108”. Con số 108 tượng trưng cho sự vận động tuần hoàn không ngừng nghỉ.
- Theo Kinh Dịch cho rằng “9” (cửu – 九) ngụ ý là cát tường, 108 là bội số của 9 và cũng tượng trưng cho chí cao vô thượng.
- Theo
Đạo giáo cho rằng Bắc Đẩu Tùng Tinh có 36 sao Thiên Cương và 72 sao Địa Sát. Chỗ ở của Thần tiên trong Đạo giáo cũng có 36 động tiên và 72 phúc địa.
Các chùa xưa, trước khi thỉnh chuông U minh phải đọc bài kệ gọi là kệ thỉnh chuông U minh. Mỗi tiếng chuông tương ứng với một cái thẻ, mỗi lần đánh xong một tiếng chuông là phải gạt một cái thẻ sang một bên.
Khi nào gạt xong dãy thẻ 108 cái ấy là vừa đúng 108 tiếng cũng tương đồng với cách chúng ta gạt đi phiền nào ra khỏi đầu. Gần đây nhiều chùa không còn giữ được thể thức này mà tối giản chỉ đánh 36 tiếng hay thậm chí đánh theo thời gian 30 phút.
Tiếng chuông phản ánh cái tâm của người đánh
Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ta cảm thấy tâm hồn thanh tịnh, lòng mình như lắng lại, bao muộn phiền tan biến. Tiếng chuông chùa không chỉ là một dạng báo thức hay phải là một dạng trách nhiệm ai đảm nhiệm cũng phải đánh cho đủ tiếng chuông, mà thông qua đó còn để gửi thông điệp, sự thành tâm của người đánh.
Có chuyện kể lại rằng, một vị tiểu hòa thượng được nhận nhiệm vụ đánh chuông buổi sáng sớm và chiều tối. Hồi đầu cậu còn háo hức, càng sau cậu học trò trẻ tuổi cảm thấy đây là việc nhàm chán, cố gắng làm cho xong để tránh bị trách mắng.
Có lần, vị trụ trì gọi cậu tới sân sau chẻ củi gánh nước, không cần phải đánh chuông nữa. Tiểu hòa thượng bất ngờ vì quyết định mới này nên đem thắc mắc của mình để hỏi vị trụ trì:
- Có phải con đã có sai phạm gì như không đánh đúng giờ hay chuông không đủ to không ạ?
Vị này đáp lời:
- Tiếng chuông của con to đấy nhưng thật trống rỗng, có thể vì con không thấu đạt việc mình đang làm, không đặt nổi tâm mình trong đó. Tiếng chuông không chỉ báo hiệu giờ làm việc và nghỉ ngơi, điều trọng yếu chính là đánh thức chúng sinh khỏi mê lạc. Tiếng chuông vì thế mà cần có cả sức sống, có độ sâu và sự ngân vàng. Không gửi gắm tâm mình trong đóm không thấy được sự thành kính thì sao có thể đảm nhận chức trách đánh chuông được?”.
Tiểu hòa thượng cúi đầu xấu hổ trước những lời chỉ bảo của thầy, từ đó về sau thành tâm tu hành, trở thành một hòa thượng có đạo hạnh.
Một câu chuyện khác khiến chúng ta cảm động cũng về một tiếng chuông chùa khác lạ. Có lần, vị hòa thượng lớn tuổi một buổi sáng nghe tiếng chuông cảm thấy thư thái vô cùng, ông liền hỏi xem sáng nay ai đánh chuông.
- Đó là tiếng chuông của một tiểu hòa thượng mới đến ạ.
Vị hòa thượng già liền hỏi tiểu hòa thượng mới đến:
- Sáng sớm nay con dùng tâm trạng gì để đánh chuông?
- Con không có tâm trạng gì cả.
- Không thể nào vì ta nghĩ trong tâm con có điều gì đó nên ta nghe tiếng chuông thật khác, âm thanh đó chỉ có thể tạo ra bởi một người có thành tâm thực sự.
- Dạ, từ lúc chưa xuất gia, cha thường xuyên dạy con, lúc đánh chuông cần nghĩ đến chuông cũng như thanh âm vang dội của vị Phật, phải trai giới thành kính, kính chung như kính Phật, cần nội tâm thanh tịnh, lễ bái để điều khiển chung.
- Vậy sau này dù làm bất cứ việc gì, con đừng quên trạng thái hôm nay đánh chuông nhé!.
Qua hai câu chuyện thể hiện hai tâm trạng trái ngược nhau khi đánh chuông có thể thấy đánh chuông cũng như những việc khác, cần đặt tâm mình trong đó. Cách làm một việc nhỏ cũng là cách bạn làm một việc lớn. Khi thực hiện mọi việc một cách thành tâm thì mới mong lay động được lòng người.
(Tổng hợp)