(Lichngaytot.com) Chùa Kim Liên là một ngôi chùa linh thiêng ở Văn Giang, Hưng Yên, trải qua hàng trăm năm, ngôi chùa trở nên nổi tiếng vì những hiện tượng tâm linh kỳ bí. Thực hư chuyện mãng xà xuất hiện trong chùa Kim Liên ra sao, mời bạn đọc cùng theo dõi.
Trong số các đình chùa, miếu mạo ở Hưng Yên, chùa Kim Liên ở thôn Kim Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất. Trải qua hàng trăm năm, những câu chuyện kỳ lạ, khó tin xung quanh ngôi chùa thiêng đến nay vẫn chưa ai có thể lý giải.
Câu chuyện khó tin
Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, chùa Kim Liên là nơi thờ tự chung của ba thôn: Kim Ngưu, Phượng Trì và ấp Kim Ngưu. Ngôi chùa được dựng lên từ khi khai hoang làng, ấp và có niên đại cách đây 160 năm. Nét rêu phong cổ kính cùng những câu chuyện kỳ bí vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức của người dân nơi đây.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, chùa Kim Liên bị đốt trơ trụi |
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, ngôi chùa vẫn trụ vững sau bao trận mưa bom bão đạn. Thế rồi, khi đất nước đổi mới, nhà nước có chủ trương bài trừ mê tín dị đoan. Ngôi chùa Kim Liên khi đó bị đốt trơ trụi.
Cụ Khuê (84 tuổi, người thôn Kim Ngưu) cho biết: “Khi đền bị đốt, phá, mọi tài sản đều bị thất lạc. Tượng thờ Đức Ông, Tam Bảo bị ném vào những cái hầm tránh bom thời bấy giờ, hay bỏ trôi nổi giữa những con rạch, ngòi. Có người còn nhặt tượng Thích Ca Mâu Ni về cho cháu chơi”.
Những pho tượng còn sót lại được người làng Kim Ngưu chôn cất ở phía sau chùa. Thế nhưng chỉ 3 năm sau, khi ngôi chùa được gây dựng lại, nhiều người đã đào tượng phật thì tất cả số tượng được chôn trước đó đều “không cánh mà bay” một cách lạ thường. Mất nhiều năm tìm kiếm nhưng vẫn không tìm thấy số tượng năm xưa.
Theo cụ Uyên (85 tuổi, thôn Kim Ngưu) kể lại rằng: “Những người tích cực nhất trong phong trào đốt phá chùa Kim Liên liên tục gặp tai họa. Trong số những người này, có ông Quát người thôn Phượng Trì từng giữ chức chủ nhiệm hợp tác xã là người khởi xướng cho việc phá chùa Kim Liên năm xưa. Thời đó ông Quát nổi tiếng là một gã thanh niên lực điền, thân hình vạm vỡ, trai làng ai nấy cũng nể phục sức khỏe phi thường của ông.
Vậy mà từ khi phá chùa, ông Quát về đau ốm triền miên, lên cơn bạo bệnh. Dù cố chạy chữa nhưng bệnh tình cũng không thuyên giảm. Chưa dừng lại ở đó, đến đời con ông Quát phải trả món nợ mạo phạm thánh thần mà ông đã làm trước đó. Những người con của ông Quát sinh ra khỏe mạnh, lành lặn vậy mà khi lớn lên đứa nào đứa nấy cũng “dở dại dở điên”. Người cháu dâu của ông Quát trong một lần đi cắt lúa bị say nắng, liệt nửa người.
Số phận của ông Mẫu, ông Hối và anh Tèo ở làng Kim Ngưu cũng không thoát khỏi kiếp nạn. Ông Mẫu cả cuộc đời gắn với chiếc giường bệnh. Còn ông Hối mắc căn bệnh “tế nhị”: bộ phận sinh dục bỗng nhiên sưng to, đau rát, khi đi khám bệnh viện không tìm ra nguyên nhân. Căn bệnh “quái quỷ” ấy cứ đeo bám ông và ít lâu sau thì ông Hối lìa đời.
Trong số những người phá chùa, có lẽ cái chết kỳ lạ của anh Tèo khiến cho dân làng khiếp sợ nhất. Chỉ vì một trận xô sát nhẹ mà Tèo bị người ta đâm chết bằng con dao nhọn khi tuổi đời mới ngoài 20.
Sau những sự việc ấy liên tiếp xảy ra, người dân trong làng ai cũng nghĩ về câu chuyện phá chùa năm xưa. Những người biết chuyện đều cho rằng đó là hậu quả họ phải gánh chịu do Ngài “hành” về việc mạo phạm với thánh thần. Còn những người đi hôi của, lấy cắp tượng, bát hương về làm cảnh cũng đều gặp những chuyện tai ương.
Phạm vào thần thánh?
Theo những bậc cao niên trong làng kể lại, thời xưa đất chùa Kim Liên rộng khoảng một mẫu. Vào những năm 60 của thế kỉ trước, theo phong trào cải cách ruộng đất, đất nhà chùa được xung công. Đầu thập niên 90, phần đất này được rao bán cho các hộ dân có nhu cầu về đất ở. Có một vài hộ gia đình mua lại phần đất chùa này và đào lấy đất bùn để nung gạch. Những tưởng được yên thân, nào ngờ ban đêm họ đều bị Ngài về “báo mộng” đòi lại đất. Thấy vậy, không ai bảo ai, họ tự gánh đất trả lại cho nhà chùa.
Nhà mẫu thuộc chùa Kim Liên khánh thành từ tháng 2 (âm lịch) |
Năm 2012, nhà chùa làm lễ “Khai quang cửa điện” cho Nhà Mẫu và có mời một thầy về hầu đồng. Bởi hôm đó người ta tổ chức lễ tắm phật khá lâu, làm muộn giờ, ông đồng chỉ “hầu” được 9 giá. Không hiểu vì lý do vì sao, mà tối hôm đó ông đồng tự dưng đau bụng dữ dội, mặt mũi tái nhợt. Cách đó không lâu, đến ngày 9 tháng 2 âm lịch, chùa Kim Liên khánh thành hạng mục đầu tiên là Nhà Mẫu và tiếp đón đông đảo phật tử đến từ khắp nơi.
Trưa hôm đó, nhà chùa làm cỗ chay mời khách thập phương dự lễ “thụ lộc”. Trong khi ăn, trưởng thôn Ấp Đa Phúc có lời mạo phạm, bất kính với Mẫu. Đang trong bữa ăn, đột nhiên chiếc bát trên tay của ông trưởng thôn nứt vỡ làm đôi. Biết mình lỡ lời “làm Mẫu giận”, sau hôm đó, gia đình ông trưởng thôn phải sửa lễ lên chùa xin Mẫu sá tội. Hàng loạt những câu chuyện lỳ lạ ấy khiến người dân trong vùng hiểu ra một điều rằng ngôi chùa Kim Liên rất linh thiêng.
Đây là một ngôi chùa rất linh thiêng |
Chuyện gặp ông “mãng xà”
Trong số các câu chuyện lỳ lạ, có lẽ chúng tôi cũng rợn gáy khi nghe câu chuyện mà cụ Khuê chuẩn bị kể. Cụ Khuê vốn là người đèn nhang, ngày đêm canh giữ chùa Kim Liên hàng chục năm qua. Trong những tháng ngày ở lại chùa, cụ Khuê rùng mình khi bắt gặp ông mãng xà. Theo cụ, phải là người có “duyên” mới có thể được nhìn tận mắt Ông “Mãng xà”. Bởi ngoài cụ Khuê, mới chỉ có một người được nhìn thấy Ông đang ngự trong chùa – đó là bà Khánh.
Chùa Kim Liên ở thôn Kim Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang được xem là ngôi chùa linh thiêng nhất Hưng Yên.
Bà Khuê nhớ lại: Ban ngày nhà chùa phân công việc quét dọn, lau chùi cho các sư. Còn ban đêm mới là ca “trực” của cụ Khuê. Vốn là một người đàn bà gan dạ, không sợ bóng đêm, ma quỷ. Vì thế bà Khuê xin nhà chùa được canh giữ chùa về đêm.
Vào một buổi tối mùa hè, cụ Khuê ra ngồi hóng mát ở ngoài hiên. Cho tới khi buồn ngủ, cụ Khuê mới cầm cây đèn dầu vào phía giường ngủ. Bất ngờ, khi mở cửa nhà Tổ ra cụ bỗng thót tim khi gặp một ông cạp nong dài khoảng mét rưỡi đang cuộn tròn người ở đầu giường của cụ.
Cụ Khuê (84 tuổi, người thôn Kim Ngưu) kể về những lần gặp ông mãng xà. |
Trước đó, cụ cũng từng bắt gặp một ông “mãng xà” nằm cuộn tròn ở trước điện thờ, gần gian phòng cụ nằm nghỉ. Ông “mãng xà” còn dắt theo một đàn con về trong nhà Tổ. Trấn an tinh thần một hồi lâu, cụ Khuê khấn vái lia lịa: ““A di đà phật! Xin ông đi ra, ông làm con sợ lắm”. Sau đó, cụ không còn nhìn thấy Ông “mãng xà” này nữa. Còn một lần khác cụ còn nhìn thấy Ông “mãng xà” cuộn trên bệ ở ban thờ Tam Bảo. Đó là một con rắn hổ mang lớn.
Cụ Khuê đem câu chuyện “ông mãng xà” kể cho dân làng nghe, ai nấy cũng trầm trồ, thán phục tinh thần “thép” của cụ Khuê. Nghe tin “mãng xà” xuất hiện trong chùa, gây rúng động niềm tin cho các sư, Sư trụ trì đã sai người tới bắt con rắn đó mang đi. Một thời gian sau, gã thanh niên bắt con rắn đã gặp tai nạn xe cộ, còn Sư trụ trì thì bệnh tật quấn thân, có lần tưởng không qua khỏi.
Những câu chuyện “kỳ quái” ấy đã trở nên quen thuộc, câu “cửa miệng” với người làng Kim Ngưu. Và cho đến nay, khi ngẫm về những câu chuyện “liêu trai” ấy, từ già đến trẻ chưa ai có một lời lý giải chính xác. Chỉ biết rằng, từ sau sự việc ấy người dân Kim Ngưu càng trở nên tôn thờ, bảo vệ và thành kính với ngôi chùa Kim Liên ở Hưng Yên hơn.
ST.
ST.