Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Bí ẩn chùa Hàm Long - Ngôi chùa NHỐT VONG, CẮT TRÙNG lớn nhất Việt Nam

Thứ Sáu, 01/03/2019 14:09 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Có chiều dài lịch sử lên đến gần nghìn năm tuổi, song chùa Hàm Long lại được người đời biết đến nhiều hơn với cái tên Chùa nhốt vong, chùa cắt trùng hay nơi nhốt Thần trùng lớn nhất trời Nam.
 

Vì đâu mà chùa Hàm Long được xem là ngôi chùa “nhốt vong” thần bí?


chua ham long chua nhot vong noi tieng
 
Chùa Hàm Long nằm ở xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 40km. Ngôi chùa nằm lặng trên 1 sườn đồi, bao quanh là những cây cổ thụ có tuổi đời lên đến cả trăm năm. Nhưng so với lịch sử cả nghìn năm tuổi của ngôi chùa thì có lẽ những cây cổ thụ kia vẫn chưa là gì.
 
Theo văn tịch cổ còn lưu lại tại chùa thì sở dĩ tên gọi Hàm Long của chùa bắt nguồn từ chính vị trí dựng chùa. Theo đó, chùa Hàm Long nằm ở chính hàm con rồng của ngọn Long Lĩnh, xung quanh được bao bọc bởi các ngọn núi Phượng Hoàng, Kỳ Lân, núi Rùa. 
 
Các thầy phong thủy có tiếng thời xưa cho rằng ngôi chùa này nằm ở vị trí phong thủy tốt, tọa lạc trúng ngay trên đất hội tụ đủ Long – Ly – Quy – Phượng.

Có thể bạn quan tâm: Phong thủy thành phố Hồ Chí Minh: Tại sao địa thế đẹp nhưng chưa đủ vượng phát?
 
Chùa Hàm Long có kiến trúc cổ kính với những ngôi tháp rêu phong và mái chùa phủ màu thời gian, song vẻ u tịch của nó lại trái ngược hoàn toàn với cảnh đông đúc tấp nập của khách thập phương đến lễ chùa. 
 
Khách thập phương đến đây không phải để cầu may, vãn cảnh hay cúng dường chư Phật, cũng khó thấy ở họ nét mặt thư thái, hoan hỷ khi đi lễ chùa mà thường là những gương mặt buồn đau, rầu rĩ với những vành khăn tang, băng đen báo hiếu… Họ đến đây để làm 1 việc mà chỉ nghe thôi cũng khối người giật mình kinh hãi – nhốt vong, nhốt trùng.
 
Vì đâu mà người ta lại mang vong đến chùa Hàm Long để nhốt? Lần theo dòng lịch sử, ngôi chùa này được lập ra năm 1115, vào thời nhà Lý bởi Hòa thượng Trịnh Thập, pháp danh là Như Trừng Lân Giác. 
 
Cho đến giờ, trong khuôn viên chùa vẫn còn 2 ngọn tháp. Tương truyền 2 ngọn tháp đó cũng đã có tuổi đời gần bằng tuổi chùa, trong đó tháp gạch chính là tháp chứa xá lợi của sư tổ Như Trừng Lân Giác, còn tháp đá là nơi cất giữ công phu tu tập cả đời của sư tổ, còn được gọi là tháp Cứu Sinh – tháp tổ Như Trừng Lân Giác.
 
Cũng chính sư tổ Như Trừng Lân Giác chính là người đã đặt nền móng đầu tiên trong việc “nhốt vong” ở ngôi chùa này. Kỳ thực, việc “nhốt vong” ở đây là dùng kinh kệ hồi hướng, dẫn lối cho vong hồn được siêu sinh.
 
Theo lời người xưa kể lại, sinh thời sư tổ nhìn cảnh chúng sinh lo sợ về việc “trùng tang” mà muốn tìm cách an ủi nên đã tạo ra kinh Thập nguyện và bộ ván in khắc phù giải để giúp cho những vong hồn kia được siêu linh.
 
Về sau này, có nhiều cao tăng khác đến chùa Hàm Long tu tập, trong số đó có Thiền sư Dương Không Lộ, người nổi tiếng là theo Vạn pháp quy tông của phái Bắc tông, có khả năng hóa giải các loại trùng hiệu quả. 
 
Đó cũng là lý do mà chùa Hàm Long trở thành ngôi chùa Đệ nhất “nhốt trùng” trên đất Việt. Nhiều người công nhận sau bao biến cố rồi đưa vong “trùng” lên “gửi” ở chùa thì gia đình đều được bình an.
 
Không rõ đã có bao nhiêu vong được “gửi”, được “nhốt” ở ngôi chùa này để nghe kinh kệ siêu sinh, chỉ biết rằng mỗi khi có chuyện trùng tang nặng, người ta lại nghĩ ngay đến chùa Hàm Long. Từ đây cũng sinh ra nhiều chuyện ma mị.
 
Theo lời người dân xung quanh chùa thì cứ vào khoảng 5 - 7 giờ chiều, trời nhập nhoạng tối là có thể thấy từ trong chùa có vô số đom đóm từ chùa bay ra, con nào con nấy mình to bằng đầu ngón tay, phát sáng rực rỡ. Người ta đồn rằng đó là nhà chùa thả vong đi chơi, cho vong bớt nhớ dương gian.
 
Song cứ sau 7h tối là tự nhiên bao nhiêu đom đóm cũng biến mất hết, tuyệt nhiên không thấy nữa, người ta lý giải rằng đó là giờ mà vong phải về chùa, vì nhà chùa sợ rằng vong ở dương gian quá lâu sẽ tìm về nhà mình hay gây hại cho người sống ở đó. 
 

Thực hư chuyện “nhốt vong”, “cắt trùng” ở chùa Hàm Long


canh chua ham long
 
Trùng tang là gì? Người ta cho rằng trùng tang là hiện tượng 1 người chết vào thời điểm không đúng căn số hoặc còn lưu luyến với dương gian có thể khiến cho nhiều người trong gia đình, dòng tộc chết theo.
 
Làm thế nào để biết được có bị trùng tang hay không? Thường thì trong khoảng thời gian chưa mãn tang, tức là 3 năm sau ngày người đó mất trong nhà có thêm tang của người thân, họ hàng, nhất là có đại tang (người mất là người thân trực hệ) thì khả năng cao là gia đình đó đã bị trùng tang.
 
Trùng tang có nặng có nhẹ, được chia làm 3 loại là trùng 3 ngày, trùng 7 ngày và trùng 3 năm. Việc trùng nặng hay nhẹ do giờ của người chết trùng quyết định, nếu bạn chưa biết cách tính trùng thì có thể tham khảo thêm
 
Trùng 3 ngày là trùng nặng nhất, trong vòng 3 ngày sau khi có người chết trùng thì trong gia đình, họ hàng dòng tộc sẽ có người chết theo, có khi người trước chưa kịp chôn cất thì đã có tin người sau mất.
 
Trùng 7 ngày là trong vòng 1 tuần đầu sau khi người chết trùng qua đời, trong dòng tộc có người chết theo. Trùng tang tuần đầu này khá nặng vì nó có thể kéo dài đến ngày Thất Thất, tức cúng 49 ngày.
 
Trùng 3 năm là việc có người chết theo trong dòng tộc trong khoảng thời gian 3 năm sau khi có người chết trùng, cũng có thể hơn tùy theo thời gian bốc mộ.
 
Trong dân gian còn tính trùng tang nặng nhẹ theo thứ tự ngày, tháng, giờ, năm. Theo đó, trùng tang ngày là nặng nhất, thông thường trong họ 3 đời sẽ có 7 người chết theo. Tiếp đó là trùng tang tháng, khi này trong họ 2 đời sẽ có 5 người chết theo. Trùng tang giờ nhẹ hơn khi trong họ 1 đời có 3 người chết theo. Trùng tang năm thường sẽ là nhẹ nhất.
 
Trùng tang liên táng có thể khiến cho 1 dòng họ vốn đông đúc trở nên suy tàn khi có quá nhiều người cùng nằm xuống trong 1 khoảng thời gian ngắn. Gia đình không may có người qua đời, ngoài nỗi đau đớn vì mất người thân thì còn có nỗi sợ hãi về chuyện trùng tang nữa.

Đọc ngay Trùng tang liên táng - hiện tượng tâm linh đáng sợ
 
Chuyện người đến chùa Hàm Long để “gửi vong”, “nhốt vong” nhiều không kể xiết. Một đồn mười, mười đồn trăm, có lẽ hiếm có ngày nào mà ngôi chùa này vắng vẻ người qua lại. Nhưng có lẽ ngày mà người ta đến chùa đông nhất là ngày rằm, mùng 1 hàng tháng hay ngày lễ Tết, ngày giỗ. 
 
Những ngày này người nhà sẽ mang đồ cúng đến nhờ nhà chùa dâng cúng cho vong linh người đã khuất. Nói đến nguyên nhân có lệ này thì phải hiểu về thủ tục đi “gửi” vong ở chùa.
 
Thông thường, khi đem “gửi” vong tức là gia đình đã bị trùng tang hoặc đi xem biết nhà mình bị trùng tang. Người nhà không được đi gửi vong, hay chính xác là người có huyết thống trực hệ với vong không được đem vong đi “gửi”, nếu không sẽ xảy ra nhiều chuyện khó lường, có thể vong sẽ không đi theo hoặc phá không cho đi.
 
Người được nhờ mang vong đi thường là bạn bè, nếu không cũng là họ hàng bên ngoại. Việc đem vong lên chùa không được bàn ở nhà vì vong chết trùng rất tinh khôn, biết được ý định của người nhà sẽ không đi theo nữa, hoặc đi theo lên chùa rồi lại theo về. Chuyện lên chùa không nên nói nhiều, đến ngày thì “lẳng lặng mà đi”.
 
Khi gửi vong cần mang cho nhà chùa 1 bức di ảnh người đã khuất và cung cấp đầy đủ thông tin về tên tuổi, giờ mất, giờ liệm, giờ chôn của người đó. Khi về, nhà chùa sẽ đưa cho gia đình những lá bùa để tránh bị vong theo, vong nhận. Những lá bùa này phải đeo liên tục trên người 3 năm, không được tùy tiện tháo ra.
 
Trong vòng 3 năm gửi vong, gia đình tuyệt đối không được cúng giỗ hay thắp hương ở nhà cho người đã khuất. Người ta giải thích rằng nếu làm như vậy sẽ gọi vong về bởi có hương là có hồn. Khi vong đã theo về thì bao công sức trước đó xem như đổ bể, cả gia tộc lại đứng trước mối họa trùng tang.
 
Hàng ngày nhà chùa đều nấu những nồi cháo lớn để cúng thí thực, cúng chúng sinh vào hai buổi sáng và trưa, gia đình không cần phải lo vong đói khát. Nhiều gia đình không tuân thủ theo đúng lời dặn của nhà chùa, vì thương nhớ người đã khuất mà thắp hương, dâng đồ cúng nên phải lên chùa gửi đi gửi lại nhiều lần.
 
Việc này chỉ kết thúc khi gia đình đã bốc mộ, sang nhà mới cho người chết, người chết được tổ tiên nhận về thì mới có thể lên chùa “rước” vong, việc cúng giỗ khi ấy có thể tiến hành bình thường ở nhà. 
 

 “Nhốt trùng” có phải là mê tín dị đoan?


thap da chua ham long
 
Nhiều người không tin vào chuyện trùng tang, càng không tin chuyện 1 ngôi chùa nhỏ như chùa Hàm Long lại có thể “nhốt vong”, “nhốt trùng” nên cho rằng đây là những chuyện mê tín dị đoan.
 
Trên thực tế, quả đúng là chưa hề có bất cứ lời khẳng định nào mang tính khoa học về việc có chuyện trùng tang và vong hay trùng có thể đem “bắt”, “nhốt lại”. Tất cả những điều này chỉ là quan niệm dân gian, dựa trên kinh nghiệm sống bao đời của ông cha ta.
 
Khoa học cho rằng việc trong gia đình, dòng họ có nhiều người mất trong cùng 1 khoảng thời gian ngắn vốn không phải do trùng tang mà khả năng cao là do cơ chế cộng hưởng sóng điện từ và trường năng lượng của những người cùng chung huyết thống. 
 
Con người chúng ta khi chưa lý giải được những hiện tượng siêu nhiên, kỳ bí xảy ra xung quanh mình thì mặc nhiên coi đó là sự tác động của “thần trùng”, là người chết bị “thần trùng” bắt phải khai ra người nhà mình để bắt đi. 
 
Vốn dĩ chuyện sống chết là điều kiêng kỵ, bởi không ai mong muốn mình chết đi, ai cũng ham sống sợ chết. Song ở đời sinh có hẹn mà tử bất kỳ, không ai biết mình sẽ chết như thế nào, càng không muốn mình chết trước kỳ hạn nên mong muốn thông qua tâm linh để giải tỏa căng thẳng về tinh thần. 
 
Thực chất ngay cả trong giáo lý nhà Phật cũng không hề có ghi chép gì về hiện tượng trùng tang, càng không nói gì đến việc có thể hóa giải được trùng tang.
 
Phật giáo cho rằng con người sống ở đời không ai là không trải qua vòng tròn Sinh Lão Bệnh Tử, sống chết là chuyện bình thường ai ai cũng phải gặp, sớm hay muộn là do nghiệp lực của mỗi người chi phối. 
 
Cuộc đời có sống có chết, có thế mới có luân hồi. Mõi người đều phải chịu nghiệp của mình, không ai thay thế được cho ai, cũng không ai hóa giải thay được, chỉ trừ khi chính bản thân người đó thức tỉnh, giác ngộ mà tích đức hành thiện, hóa giải nghiệp báo cho mình. 
 
Theo Hòa thượng Thích Thanh Dũng, trụ trì chùa Hàm Long thì vốn dĩ nhà chùa không hề khuyến khích chuyện mê tín dị đoan. Thực ra ranh giới giữa tín ngưỡng tâm linh và mê tín dị đoan vốn rất mong manh, không phải ai cũng hiểu được đúng.
 
Người dân tin rằng chùa có thể “trấn trùng”, “nhốt vong” nên về đây nhờ nhà chùa cứu giúp. Thân là người tu hành, nhà chùa không thể không cứu giúp chúng sinh, chỉ nhận làm lễ để siêu độ tâm linh người đã khuất cũng như an ủi tâm lý người còn sống.

Vậy Có đúng là tích cực niệm Phật thì sẽ trừ được ma ám không?
 
Hòa thượng cho biết sư tổ Như Trừng Lân Giác trước đây cũng là vì thương xót trước cảnh dân chúng hoang mang sợ hãi nên khi về tu đạo ở đây đã sáng tạo ra bộ kinh Thập Nguyện để cầu siêu sinh cho vong hồn, cũng tạo ra bùa chú bằng đá để “trấn trùng”. 
 
Sư tổ Như Trừng Lân Giác quả đúng có tu tập công phu hóa giải trùng tang và được các nhà sư đời sau kế thừa, song tất cả chỉ là vấn đề tâm linh chứ chưa hề có chứng minh về mặt khoa học trong việc “trấn trùng”. Nhà chùa ngày ngày tụng kinh niệm Phật, cúng dường chúng sinh là mong vong linh được hồi hướng công đức mà sớm ngày siêu sinh.
 
Có lẽ cũng vì thế mà nhiều gia đình có người nhà bị “vong hành” cũng mang lên chùa nhờ cứu giúp. Hòa thượng Thích Thanh Dũng tiết lộ có nhiều trường hợp khi ở nhà điên loạn, nhưng khi lên chùa nghe kinh kệ thì tâm trí lại bình thường. 
 
Chính bản thân nhà chùa cũng không có lời lý giải rõ ràng và thỏa đáng, chỉ cho rằng có thể do không khí thanh tịnh ở chùa giúp họ bình tâm lại, tâm lý được cân bằng nên không còn xảy ra những hiện tượng bất thường nữa.
 
Thiên Thiên

Tin cùng chuyên mục

X