Từ việc chùa Ba Vàng thỉnh vong kiếm trăm tỷ, hiểu thêm về Vong linh, Tiền kiếp, Luật nhân quả theo giáo lý nhà Phật

Thứ Sáu, 22/03/2019 10:18 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Qua việc Chùa Ba Vàng thỉnh vong, hiểu thêm các vấn đề: Giáo lý nhà Phật, vong linh ma quỷ có tồn tại không? Ai có năng lực soi thấu tiền kiếp? Luật nhân quả báo ứng thế nào?

 
 

1. Sự việc chùa Ba Vàng thỉnh vong thu trăm tỷ đồng mỗi năm

 
Thực hư việc chùa Ba Vàng truyền bá vong hồn báo oán

Mới đây, sự vụ Chùa Ba Vàng thỉnh vong truyền bá vong hồn báo oán, thỉnh “oan gia trái chủ” lừa đảo để kiếm lời, thu về hàng trăm tỷ mỗi năm khiến dư luận dậy sóng. 
 
Thực hư sự việc này ra sao chưa ai phân định được, vẫn đang chờ các cơ quan chức năng làm rõ.
 
Tuy nhiên, dưới góc nhìn tâm linh và Phật giáo, đây là vấn đề mọi người cần tìm hiểu rõ ràng để không bị nhầm lẫn, hoang mang lo lắng hay sa đà vào các trò mê tín dị đoan khiến tiền mất tật mang. 
 

2. Giáo lý nhà Phật về vong linh, tiền kiếp, luật nhân quả

 

- Giáo lý nhà Phật về vong linh, ma quỷ

 
Trong khi Giáo hội Phật Giáo khẳng định rằng, vong báo oán không có trong giáo lý nhà Phật thì trụ trì ngôi chùa ở TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh lại đưa ra quan điểm trái ngược.
 
Trụ trì chùa Ba Vàng, Đại đức Thái Minh cho rằng, thế kỷ này là thế kỷ của tâm linh, có nhiều vấn đề mà khoa học chưa giải thích được. "Việc vong đi theo con người báo thù thì rất nhiều. Nó khiến chúng ta bị bệnh tật, vợ chồng bất hòa, mâu thuẫn, con cái bệnh tật. Chúng ta có pháp thỉnh oan gia trái chủ để thỉnh nó ra".
 
Trụ trì Đại Đức Thái Minh khẳng định có vong linh, việc giải vong là có thật


Vong hồn báo oán, ma quỷ trong giáo lý nhà Phật


Trong các nguồn tư liệu Phật giáo, có khá nhiều bài viết lý giải vấn đề vong linh, ma quỷ dưới góc nhìn đạo Phật. 
 
Tựu chung lại, giáo lý nhà Phật cho rằng, ma quỷ là năng lượng xấu xa tích tụ. Ma quỷ không phải là linh hồn mà nảy sinh trong chính mỗi con người. 
 
Nó tượng trưng cho những xu hướng tâm thần bấn loạn, sự nhầm lẫn, u mê, cản trở con đường tu tập của một hành giả.

Xem chi tiết tại bài viết: Ma quỷ trong Phật giáo - u mê còn đáng sợ hơn quỷ dữ
 
Vì thế, việc vong linh báo oán, trả thù, rồi phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến vài chục, vài trăm triệu đồng để đuổi vong, được giải thoát chỉ là hình thức huyễn hoặc về tinh thần, mang màu sắc mê tín dị đoan. 
 
Theo Lịch Ngày Tốt, để cuộc sống bớt khổ đau, sầu não, cách đơn giản mà hiệu quả nhất chính là cởi bỏ phiền não trong lòng, buông bỏ tham sân si, hướng tới điều thiện lành, làm việc tốt giúp người giúp đời. 
 
Làm được điều đó, sẽ chẳng có thứ ma quỷ hay vong hồn nào có thể quấy nhiễu, cản trở cuộc sống của mỗi người.
 

- Tiền kiếp - Ai soi được vô lượng kiếp?

 
Theo một số nhà tâm linh, chỉ có Đức Phật và các vị A La Hán mới chứng được Tam Minh Lục Thông, soi được tiền kiếp, vô lượng kiếp của mình và chúng sinh. 
 
Từ đó biết được thân này, kiếp này từ đâu mà được hưởng phước báu hay phải chịu cảnh nghèo khó.
 
Hiểu một cách đơn giản hơn, ngoại trừ các bậc Giác Ngộ từ A La Hán trở lên thì không một ai (kể cả vong linh, thánh thần, ma quỷ, tiên giới) có thể biết, soi thấu quá 3 kiếp luân hồi.
 
Vậy nên, việc nhìn thấy tiền kiếp, soi kiếp trước của người nào đó cần phải có năng lực tu hành rất lớn, tối thiểu là mức Tứ Thiền định. Thời nay, điều này là rất hiếm. 
 
Việc cô Yến chùa Ba Vàng khẳng định “chắc như đinh đóng cột” về vụ cô gái giao gà bị sát hại vừa qua là do phải “trả nghiệp” là điều không có cơ sở, dễ gây hoang mang dư luận và xoáy vào nỗi đau của người nhà nạn nhân. 

Ma quỷ, tiền kiếp, luật nhân quả trong giáo lý nhà Phật
 

- Luật nhân quả - Hiểu để tránh tai ách, hình thức chết oan nghiệt

 
Thực ra, luật nhân quả có trước đạo Phật. Tuy nhiên, khi Đức Phật tu thành chính quả, chứng được Tam minh Lục thông thấy được nguyên nhân nào mà chúng sinh luân hồi trong 6 nẻo, nhìn thấy vô lượng kiếp quá khứ.
 
Từ đó, luật nhân quả được đề cập và hoàn thiện trong giáo lý nhà Phật, cụ thể trong Tam tạng kinh. Nó trở thành lý thuyết căn bản của đạo Phật. 
 
Theo đó, luật nhân quả là chân lý hiển nhiên, luôn luôn đúng cả ở quá khứ, hiện tại và vị lai. Nó không lệ thuộc vào yếu tố thời gian và không gian và được áp dụng cho tất cả mọi sự việc trong vũ trụ này. 
 
“Gieo nhân nào gặp quả nấy” hay “nhân quả báo ứng” chính là làm việc thiện được quả báo tốt đẹp, hành xử xấu xa, gây nhiều tội ác bị quả báo khổ đau.
 
Mỗi hành vi thiện ác đều có quả báo tương xứng, tùy mức độ nặng nhẹ khác nhau. Diễn biến từ “nhân” đến “quả” có thể nhanh hoặc chậm, có thể ngay hiện tại hoặc cũng có thể xảy tới ở tương lai gần hoặc xa…
 
Nhưng có điều chắc chắn, nhân quả sẽ đến, dưới mọi hình thức, qua mọi không gian thời gian. 
 
Tai ương, bệnh tật… do rất nhiều nguyên nhân mà đến, có loại là do nghiệp báo, cũng có loại là do Ách Kiếp.
 
Cũng có những bệnh tật, tai ách do chính mình huân tập từ lối sống không nghiêm chỉnh, do tâm lý hay môi trường tác động. Một phần nhỏ trong đó là nghiệp báo, nhưng không ai giải trừ được bằng đường cúng tế nếu không tự thay đổi cách sống của bản thân. 
 
Vì thế, để đời này (kiếp này) có được cuộc sống bình an, khỏe mạnh, tránh được bệnh tật hiểm nghèo, tai ương, cái chết oan nghiệt… thì hãy làm việc tốt, việc thiện. Hành thiện, tích đức do chính mình tác tạo mới là sự chân thành chân chính nhất của hạnh bố thí

Ngoài thông tin về Chùa Ba Vàng thỉnh vong, bạn đọc đừng bỏ lỡ những thông tin hữu ích!