Chép kinh Phật - Những điều cơ bản cần biết để hưởng trọn vẹn phước báu, công đức

Thứ Năm, 17/10/2024 14:31 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Việc chép Kinh Phật mang lại giá trị lớn lao, tuy nhiên, nếu không hiểu rõ thì công việc biên chép không thật sự đạt được hiệu quả cao nhất.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Chép Kinh là gì?

 
Chép Kinh là hành động ghi lại lên giấy từng lời dạy cao quý của Đức Phật đã được truyền lại qua các kinh điển Phật giáo. Nhờ việc cầm bút nắn nót ghi lại lời Kinh vào một tập vở trắng hoặc trên mặt giấy chúng ta có cơ hội hiểu sâu hơn những lời dạy của Người. Từ đó, chúng ta tự răn mình sống và thực hành theo những lời dạy chân thật, ý nghĩa ấy.
 
Vì thế, chép Kinh không chỉ ghi lại lời dạy mà còn giúp nuôi dưỡng tâm hồn, bắt đầu hành trình tu sửa bản thân và phát triển trí tuệ.
 
Chép Kinh có bản chất như việc tụng kinh, nhưng chép Kinh là quá trình chậm hơn nên chúng ta có thời gian nghiền ngẫm từng từ, không bị tình trạng đọc lướt qua mà chưa kịp thấu rõ ý nghĩa. 
 

2. Lưu ý khi chép Kinh Phật tại nhà


Khi nói đến việc chép Kinh, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải đòi hỏi sự tập trung và thể hiện lòng thành kính, nhất là khi chép Kinh tại nhà, chúng ta cần lưu ý những điều sau để đảm bảo có thể hưởng trọn vẹn phước báu. 

+ Chuẩn bị môi trường thích hợp: Môi trường thoải mái, an tĩnh hỗ trợ bạn tập trung và thực hiện việc ghi chép hiệu quả hơn. Chọn một vị trí ngồi sạch sẽ, thoải mái và thoáng mát là rất quan trọng.

+ Chọn trang phục: Việc lựa chọn trang phục trang nghiêm cũng góp phần tạo ra một không gian thanh tịnh và phù hợp. Nên chọn bộ đồ kín đáo, không nên mặc áo sát nách, quần cộc, váy ngắn,...

+ Về nội dung: Hãy dành thời gian để đọc hiểu và nắn nót từng chữ, đảm bảo rằng mọi chữ viết đều chính xác và rõ ràng. Từ tốn vừa đọc vừa chép để tránh làm sai lệch ý nghĩa. Do đó, không nên nóng vội hoặc cố gắng chép nhanh gây ra sai sót, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị của bản kinh.

Đặc biệt, khi chép các danh hiệu của Phật và Bồ Tát, bạn cần viết hoa và trang trọng để thể hiện lòng kính lễ và tôn trọng. 

+ Về hình thức: Cẩn thận, nắn nót, chỉn chu trong từng nét bút để thể hiện tinh thần tôn kính Pháp bảo. Trong khi chép, cần tập trung hoàn toàn, không suy nghĩ mông lung hoặc làm việc khác cùng lúc. Chép chậm rãi, từ tốn, thoải mái… không nên gây áp lực cho mình, hoặc chép để lấy thành tích.

Trong suốt quá trình này, bạn có thể kết hợp với tư duy sâu với từng dòng chữ mình viết ra và nên đặt lòng tôn kính và tin tưởng vào giá trị của những lời dạy. 
 
Hãy thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các bậc Chư Tổ và những người đã có công lao biên soạn, kết tập và lưu truyền kinh điển đến ngày nay. 
 
Nếu chữ không đẹp cũng không sao, khi thân tâm an tịnh, chữ viết tự nhiên tròn đầy. Trong lúc chép Kinh mà bận việc đột xuất, chúng ta cần đặt quyển kinh ở nơi cao ráo, khi khác lại mang xuống viết tiếp.

Ngoài ra, bạn không chỉ thực hiện việc chép Kinh một mình mà còn có thể giới thiệu và khuyến khích bạn bè, người thân trong gia đình tham gia. 
 

3. Cách chép Kinh cho người mới bắt đầu
 

Người mới bắt đầu chép Kinh có nhiều vấn đề gây hoang mang như không biết nên chọn chép loại Kinh nào, cách thực hiện như thế nào để không phạm sai lầm hay đạt được kết quả cao nhất,...

Chúng ta có thể lựa chọn những Kinh điển gần gũi với mình hoặc phù hợp với mong muốn hiện tại của bản thân. Bên cạnh đó, nhớ cả những lưu ý khi chép Kinh ở phía trên như viết kỹ từng chữ, thực hiện một cách chậm rãi tránh sai sót... Nhưng điều quan trọng nhất và cũng là mục đích của chép Kinh đó là việc chuyển hóa bản thân.

Nếu chép xong rồi để đó, thì đây chỉ là những con chữ vô hồn. Chép Kinh có thể sinh ra một chút công đức nhưng nếu chỉ chép suông, không hiểu cũng không thực hành thì công đức sinh ra không nhiều và cũng không mang lại lợi ích cho ai. 
 
Lưu ý rằng, từ việc chép Kinh, chúng ta có cơ hội để nương theo giáo pháp để học hỏi, tu tập, hành trì… Do vậy, trong thời gian chép Kinh hãy thành tâm phát nguyện trừ bỏ các việc xấu, ác, từ nay làm nhiều việc lành, mang đến an lạc cho đời.
 
Cố gắng duy trì giữ gìn năm giới: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu để vun bồi thiện nghiệp. Đồng thời, tích cực làm các việc lành như bố thí, cúng dường, trì giới, thiền định… Nhờ vậy, chúng ta có được hạnh phúc cho chính mình và đem lại hạnh phúc cho người khác. Đó cũng là mục đích cuối cùng của việc ghi hay đọc Kinh.

Những ai mới bắt đầu chép Kinh phải có tư duy đúng, định hướng đúng như trên thì mới mong phát huy được hiệu quả của việc chép Kinh, nếu không thì những giá trị to lớn đều không được nhận chút nào. 
 

4. Lợi ích của việc chép Kinh

 
Ý nghĩa đúng nhất của việc chép Kinh là phải hiểu được và từng bước thấm nhuần lời răn dạy của Đức Phật. Đồng thời học hỏi, vận dụng vào cuộc sống, mới mong đạt được một số lợi ích cụ thể như sau.
  • Tăng cường hiểu biết: Chép Kinh là một phương pháp quan trọng để học hỏi và thực hành giáo lý Phật giáo. Thông qua quá trình chép, ta có thể nắm vững và hiểu sâu hơn về giáo lý của Đức Phật. Nhờ đó mà trí tuệ khai mở, không chỉ giúp nâng cao hiểu biết mà còn mang lại sự bình an và phước báu cho người thực hành. 
  • Cân bằng cảm xúc: Hành động chép Kinh yêu cầu sự tập trung cao độ và tĩnh tâm, điều này giúp làm dịu tâm trí và tạo sự cân bằng cảm xúc. Với những người nóng nảy, xốc nổi, hành động cảm xúc, nếu tuân thủ việc chép Kinh đầy đủ thì theo thời gian, dường như tâm của họ cũng được "gọt giũa", thân tâm cũng dần trở nên bình ổn tĩnh lặng hơn. 
  • Dễ buông những gì cần buông: khi chép Kinh Phật, hiểu được hậu quả đáng sợ của tham - sân - si, chúng ta sẽ học cách nhận diện ra vấn đề của mình, từ đó dần dần buông bỏ được hết tất cả để có cuộc sống hạnh phúc hơn mỗi ngày.
  • Mang lại phước báu: Với những chúng sanh đau khổ, bệnh tật, khi chép Kinh có thể giúp họ được giải thoát và giác ngộ. Theo quan niệm Phật giáo, việc chép Kinh là một hành động tích đức, giúp người thực hiện tích lũy phước báu và nâng cao đời sống tâm linh.  
  • Giải thoát luân hồi sinh tử: Lợi ích tối thượng nhất là có thể giúp ta thoát ra khỏi Lục đạo luân hồi, lợi ích thấp hơn là bớt khổ, được tái sinh lên các cõi lành: cõi người, cõi trời an lạc hơn và không bị đọa lạc. Vì vậy, việc chép Kinh luôn được khuyến khích là vậy.
Luân hồi: Bệnh tật đời này là do kiếp trước gây ra?
Tái sinh và Luân hồi lục đạo là khái niệm cho dù hiểu thì bạn cũng vẫn khó có thể giải thích hết được những gì mình đang đối mặt ở kiếp này, vì thế chi bằng cứ

5. Nên chép Kinh gì cho người mới bắt đầu?

 
Với hàng ngàn bộ kinh điển với ý nghĩa phong phú và đa dạng, những người bắt đầu khó khăn trong việc chọn lựa nên chép Kinh gì và Kinh nào được xem là tốt nhất?

Để trả lời câu hỏi này, mỗi cá nhân cần xem xét nhiều yếu tố như mục đích tu tập, trình độ hiểu biết và nhu cầu tinh thần của chính mình. Lựa chọn bộ kinh để chép không chỉ dựa vào tiêu chí là nổi tiếng nhất, mà còn cần xem xét đến sự phù hợp với trình độ, mục tiêu và sự hướng dẫn từ các bậc thầy.
 
Chính vì vậy, việc chép Kinh nào là tốt nhất sẽ là sự lựa chọn cá nhân, tùy thuộc vào nhu cầu và sự hướng dẫn của mỗi người trên con đường tu tập của mình.
 

5.1 Kinh A Di Đà
 

Những người mới bắt đầu chép Kinh thường lựa chọn Kinh A Di Đà, bộ Kinh khen ngợi công đức, được tất cả chư Phật hộ niệm.

Kinh này giới thiệu về cõi Tây Phương nơi chứa đựng những cảnh giới an lạc và hạnh phúc vô cùng.

Việc chép Kinh A Di Đà không chỉ giúp người tu hành hiểu rõ hơn về cõi Cực Lạc, mà còn hỗ trợ siêu độ cho những người đã khuất. Những ai chuyên tâm chép Kinh này sẽ dần dần giải thoát bản thân khỏi sự lo âu và đau khổ, đồng thời được Phật A Di Đà tiếp dẫn về cõi Tịnh Độ.
 

5.2 Kinh Địa Tạng
 

Thông qua Kinh Địa Tạng chúng ta có cơ hội được học tập theo tấm gương từ bi rộng lớn của Địa Tạng Vương Bồ Tát - người đã thề sẽ không thành Phật cho đến khi tất cả chúng sanh trong địa ngục được cứu thoát.

Kinh này nhấn mạnh đến sự cứu độ chúng sanh khỏi những khổ ải trong cõi âm và là một bộ kinh hữu ích để chép cho những ai mong muốn giúp đỡ tổ tiên và các vong linh.

Chép Kinh Địa Tạng không chỉ là một trong những phương pháp tu tập mà còn có thể hồi hướng công đức cho người thân đã mất. 

Ngoài ra, ta còn có thể nương theo những lời dạy của Kinh để làm tròn chữ hiếu đối với cha mẹ và ông bà.
 

5.3 Kinh Dược Sư
 

Kinh Dược Sư với những lời dạy của dược Sư Bồ Tát - với danh hiệu Đức Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật, phát nguyện cứu độ chúng sinh, giúp chúng sinh chữa bệnh và chữa nghiệp. 

Khi chép Kinh Dược Sư, người thực hành không chỉ tạo điều kiện cho sự chữa bệnh hiệu quả mà còn tránh xa mê tín dị đoan và những phương pháp chữa trị sai lệch.

Kinh Dược Sư khuyến khích chúng ta tin tưởng vào phương pháp chính thống và bảo vệ sức khỏe bằng cách lắng đọng tâm trí, điều chỉnh cảm xúc và tránh những hành động sai trái.
 

5.4 Kinh Phổ Môn
 

Kinh Phổ Môn, thuộc phẩm thứ 25 của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nói về Quan Thế Âm Bồ Tát và các hạnh nguyện cứu độ chúng sanh.

Đây là bài kinh nói về hạnh nguyện độ sanh của Bồ tát Quan Thế Âm, và thông qua đó, giới thiệu cách “quán chiếu” cuộc đời để đạt được giác ngộ và giải thoát như phương pháp tu tập phổ biến và có hiệu quả trong cõi Ta bà.

Chép hay tụng bộ Kinh này giúp người thực hành giải trừ khổ nạn và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày.
 

5.5 Kinh Báo Ân
 

Kinh Báo Ân, hay Kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân nói nhiều tới công đức của cha mẹ và sự biết ơn đối với cha mẹ.

Chép Kinh Báo Ân nhắc nhở chúng ta về bổn phận đền đáp công ơn cha mẹ và tạo ra sự hòa hợp trong gia đình. Các dịp giỗ chạp và các sự kiện hiếu hỷ trong năm nên chép Kinh này như là cách thể hiện lòng hiếu thảo.
 
Ngoài các bộ kinh nêu trên, bạn cũng có thể tham khảo các bộ kinh khác như Kinh Lương Hoàng Sám, Kinh Pháp Hoa, Kinh Sám Hối Hồng Danh và Kinh Lăng Nghiêm. 
 
Mỗi bộ kinh đều mang lại những giá trị sâu sắc và lợi ích to lớn, việc lựa chọn bộ kinh nào để chép nên dựa trên sự hướng dẫn của các bậc thầy và nhu cầu cá nhân trong quá trình tu tập. 
 

6. Bài khấn trước khi chép Kinh

 
 

Dưới đây là một số bài khấn, lời phát nguyện trước khi chép Kinh mà bạn có thể tham khảo.
 
Bài khấn trước khi chép Kinh Địa Tạng
 
I. Chí tâm quy mạng lễ
 
U Minh giáo chủ bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát.
Lạy đức từ bi đại giáo chủ!
“Ðịa” là dày chắc, “Tạng” chứa đủ.
Cõi nước phương Nam nổi mây thơm.
Rưới hương, rưới hoa, hoa vần vũ.
Mây xinh, mưa báu số không lường.
Lành tốt, trang nghiêm cảnh dị thường.
Người, trời bạch Phật: Nhơn gì thế?
Phật rằng: Ðịa Tạng đến Thiên đường!
Chư Phật ba đời đồng khen chuộng.
Mười phương Bồ tát chung tin tưởng.
Nay con sẵn có thiện nhơn duyên.
Ngợi khen Ðịa Tạng đức vô lượng:
Lòng từ do chứa hạnh lành.
Trải bao số kiếp độ sanh khỏi nàn.
Trong tay đã sẵn gậy vàng.
Dộng tan cửa ngục cứu toàn chúng sinh.
Tay cầm châu sáng tròn vành.
Hào quang soi khắp ba ngàn Ðại Thiên.
Diêm Vương trước điện chẳng hiền.
Ðài cao nghiệp cảnh soi liền tội căn.
Ðịa Tạng Bồ Tát thượng nhơn.
Chứng minh công đức của dân Diêm Phù!
Ðại bi, Ðại nguyện, Ðại thánh, Ðại từ, Bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)
 
 
II. Nguyện hương
 
Nguyện mây hương mầu này.
Khắp cùng mười phương cõi.
Cúng dường tất cả Phật.
Tôn pháp, các Bồ Tát.
Vô biên chúng Thanh văn.
Và cả thảy Thánh hiền.
Duyên khởi đài sáng chói.
Trùm đến vô biên cõi.
Xông khắp các chúng sinh.
Ðều phát Bồ đề tâm.
Xa lìa những nghiệp vọng.
Trọn nên đạo vô thượng.
Nam mô Hương Cúng Dường Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)
 
III. Phát nguyện
 
Lạy đấng Tam giới Tôn.
Quy mạng mười phương Phật.
Nay con phát nguyện rộng.
Thọ trì kinh Ðịa Tạng.
Trên đền bốn ơn nặng.
Dưới cứu khổ tam đồ.
Nếu có kẻ thấy nghe.
Ðều phát bồ đề tâm.
Hết một báo thân này.
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (3 lần)
 
IV. Kệ khai kinh
 
Pháp vi diệu rất sâu vô lượng.
Trăm nghìn muôn ức kiếp khó gặp.
Nay con thấy nghe được thọ trì.
Nguyện hiểu nghĩa chơn thật của Phật.
Nam mô U Minh giáo chủ hoằng nguyện độ sanh:
Ðịa ngục vị không, thệ bất thành Phật.
Chúng sinh độ tận, phương chứng Bồ đề.
Ðại bi, Ðại nguyện, Ðại thánh, Ðại từ, Bổn tôn Ðịa Tạng Bồ tát Ma ha tát. (3 lần)
 
Lời phát nguyện chỉ cần ngắn gọn, đơn giản, cốt yếu ở tâm chí thành, cung kính là được.
 
Lạy đấng Tam giới Tôn.
Quy mạng mười phương Phật.
Nay con phát nguyện lớn
Chép kinh A Di Đà / Chép Kinh Vô Lượng Thọ...
Trên đền bốn ơn nặng.
Dưới cứu khổ ba đường.
Nếu có kẻ thấy nghe.
Ðều phát tâm bồ đề.
Hết một báo thân này.
Sanh qua cõi Cực Lạc.
Nam mô thập phương thường trụ Tam Bảo chứng minh.  
 
(Trích trong bài giảng của Thầy Thích Pháp Hòa) 

7. Trước khi chép kinh nên làm gì?


Khi tụng hay chép Kinh niệm Phật luôn phải thể hiện lòng thành kính.
  • Không gian: Nên chọn không gian phù hợp để chép Kinh, đảm bảo sự trang nghiêm, yên tĩnh. Bên cạnh đó, luôn dọn dẹp, sắp xếp phòng ốc cho gọn gàng.
  • Thời gian: Lúc nào thuận tiện nhất với Phật tử cũng đều có thể được, có thể tụng Kinh vào buổi sáng hoặc buổi tối. Thân tâm phải thanh tịnh, thoải mái mới có thể tập trung. 
  • Trang phục: Ưu tiên mặc áo tràng nếu không thì chỉ cần quần áo chỉnh tề là được, tránh mặc áo sát nách, quần đùi, váy ngắn… vì gây ra cảm giác thiếu tôn nghiêm.
  • Tốt nhất là rửa tay, súc miệng, thắp hương và lễ bái trước bàn thờ Phật. Có thể thực hiện nghi lễ đơn giản, niệm Phật cầu gia hộ, phát nguyện…

8. Có được chép Kinh trong phòng ngủ?


Từ việc chép cho tới việc tụng Kinh niệm Phật quan trọng nhất là phải thành kính, tôn nghiêm cho dù không có yêu cầu quá khắt khe về thời gian và địa điểm.

Nhưng tốt hơn hết, nếu có đủ điều kiện thì nên chép Kinh trong một không gian riêng, càng linh thiêng càng tốt. Thế nhưng hiện nay không phải ai cũng có đủ mọi điều kiện lý tưởng, thế nên chúng ta vẫn có thể chép Kinh ở trong phòng ngủ nhưng với thái độ trân trọng, không quên dọn sạch sẽ chỗ mình ngồi chép.

Chép Kinh nhất định không nên nằm trên giường, bởi như vậy là thể hiện thái độ không cung kính. 
 
Nhưng nếu nhà chỉ là không gian nhỏ hẹp, ngoài giường ra không có bất cứ vị trí nào khác, ngồi trên giường đọc Kinh hoặc làm nơi tu hành cũng được nhưng phải đảm bảo sạch sẽ, gọn gàng. Tóm lại phải trên nguyên tắc thành kính, tịnh tâm và trang nghiêm.
 

9. Chép Kinh xong nên hồi hướng như thế nào?


Hiểu một cách đơn giản, hồi hướng công đức là chúng ta mong muốn người khác cũng được hưởng thành quả từ việc làm thiện do chính mình tạo ra.

Khi chép Kinh chúng ta đã tạo nên một lượng phước đức hoặc công đức nhất định nhưng chưa có mục tiêu cụ thể nào, khi hồi hướng chúng ta có thể định hướng cho phước được hoặc công đức này được tập trung vào một điều nào đó.
 
Cách hồi hướng đơn giản là bạn đọc thầm hoặc đọc thành tiếng câu khấn hồi hướng sau:
 
"Con xin hồi hướng toàn bộ công đức công đức chép Kinh Địa Tạng trong hôm nay, cầu cho ... (1) được ... (2)."
 
Trong đó:
 
(1) là đối tượng được hưởng phước báo, có thể là chính mình, thân nhân hoặc người khác. Chẳng hạn, "cầu cho con...", "cầu cho mẹ con tên...", "cầu cho tất cả chúng sinh khắp pháp giới...".
 
(2) là kết quả mà mình mong muốn, ví dụ "con được tai qua nạn khỏi", "mẹ con khỏi ốm",... 

Trong quá trình chép Kinh, bạn cũng nên giữ năm giới cấm đồng thời, hãy tích cực làm nhiều việc thiện, cúng dường và thiền định để tăng cường phước báu cho bản thân. Những hành động này không chỉ làm tăng giá trị tâm linh của việc chép Kinh mà còn giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân.
 

10. Chép Kinh xong nên để đâu?


Sau khi chép Kinh hãy cẩn thận kiểm tra lại để chắc chắn không có sai sót. Sau đó lễ tạ Tam Bảo, niệm Phật hồi hướng.

Chép Kinh xong nên để cuốn kinh ở nơi sạch sẽ, cao ráo, tôn nghiêm. Quyển Kinh đó thực sự được xem là một kho báu vì thế phải luôn thể hiện trân trọng nó bằng cách để lên bàn thờ Phật hoặc những nơi trang trọng.

Ngoài ra, khi cuốn Kinh đã chép xong có thể cúng dường cho chùa hoặc tặng cho người khác. 
 
Trong thời gian phát nguyện chép Kinh, nếu ăn chay được thì rất tốt, còn không cứ ăn uống như bình thường. 

>> Mua sản phẩm này tại: Vở chép kinh 6 quyển (Kinh Địa Tạng, Sám Hối, Hồng Danh, Chú Đại Bi, Dược Sư, Vu Lan 

(Sản phẩm bán: Sổ chép kinh Phật)