Chánh tinh tấn là gì? Nếu không có nó thì chăm chỉ, vất vả vẫn xôi hỏng bỏng không

Thứ Ba, 14/05/2024 08:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để hiểu Chánh tinh tấn là gì không khó nhưng thực hành để đạt được nó là một quá trình lâu dài, khổ luyện mà ai cũng phải đủ kiên nhẫn và nỗ lực.
 

1. Chánh tinh tấn là gì?

 
"Chánh" được hiểu là chân chánh, còn "tinh tấn" là siêng năng, tích cực. Chánh tinh tấn là nỗ lực tiêu diệt dòng tư tưởng tiêu cực và phát triển tâm thái thuận lợi cho việc định tâm, dễ dàng hành thiền.

Chánh tinh tấn là yếu tố đầu tiên trong Bát chánh đạo được sử dụng để phát triển định tâm thông qua việc nỗ lực tiêu diệt các vọng tưởng và cảm xúc phóng dật, bất lợi cho quá trình định tâm, cũng như cố phát triển các phẩm tính thiện hảo.

Đức Phật đã giải thích về Chánh tinh tấn đó là làm thế nào để điều khiển nỗ lực của chúng ta, qua bốn bước: Đầu tiên, dùng sự quyết tâm để ngăn chặn sự phát khởi của các tâm bất thiện, như là hờn giận, ghen tỵ, hay tham. Tuy nhiên vì ta chưa giác ngộ, một số các tâm tiêu cực vẫn sẽ len lỏi bất kể ta cố gắng đến mức nào đi chăng nữa.

Sau đó ta sẽ nỗ lực lần thứ hai, thúc giục bản thân phải chế ngự bất cứ tâm bất thiện đã phát sinh.

Ba là, chúng ta thay thế các tâm bất thiện bằng tâm thiện, như là những tư tưởng thương yêu, độ lượng, hay những tình cảm của lòng bi mẫn. Cuối cùng, chúng ta khơi dậy lòng tinh tấn để vun trồng sâu xa hơn nữa các tâm thiện. Ta càng tinh tấn, thì kết quả tất nhiên là tâm ta càng trở nên trong sáng, bớt khổ đau, và ta càng cảm thấy an lạc, tự tại hơn.

Đối lập với Chánh tinh tấn là Tà tinh tấn, sự khác nhau của chúng thể hiện ở khía cạnh.
  • Chánh tinh tấn: Những cố gắng, nỗ lực để làm điều lành tốt, đúng đắn, hướng đến giác ngộ, giải thoát. 
  • Tà tinh tấn: Đó là những cố gắng, nỗ lực để làm điều sai xấu, nhúng tay vào tội ác.
Nhớ rằng, tinh tấn được định nghĩa là cố gắng, nỗ lực, là cần chuyên, là nhiệt huyết, đôi khi còn có nghĩa là dũng mãnh, kiên cường nữa; tuy nhiên, đừng nên rơi vào cực đoan, vì ý chí, quyết tâm mạnh mẽ quá mức sẽ tiêu hao năng lực, mệt mỏi, thần kinh căng thẳng. Chỉ nên trung dung, giữ ở mức thăng bằng đúng mức độ cần thiết.
 

2. Lợi ích của Chánh tinh tấn 


 

2.1 Nhận biết và rời xa tư tưởng bất thiện
 

Để sống sót và có được thành công khiến nhiều người ngưỡng mộ chúng ta thường bị con quỷ bên trong mình dẫn dắt để làm những điều sai trái với lương tâm của mình, ta sẵn sàng trở nên gian xảo, ác độc nhằm đạt được mục đích của mình. 
 
Nhờ Chánh tinh tấn mà ta quan sát thấy những ý niệm xấu khởi sinh, điều hướng lại suy nghĩ để hướng ta về với cái bản chất lương thiện vốn có của mình. Ban đầu thì việc này không hề dễ dàng gì, thế nhưng nếu kiên trì nỗ lực sẽ giúp bạn dần trở nên tốt đẹp hơn, có thói quen suy nghĩ điều thiện nhiều hơn.

Ta cũng cần phải nỗ lực để diệt trừ các phẩm chất tiêu cực mà mình đã có. Nếu nghiện điều gì thì tốt nhất là cố gắng giới hạn điều đó. 

Nhìn chung, để buông bỏ được những thói quen của tâm uế nhiễm, trước tiên ta cần phải nhận diện được chúng. Việc này cũng giống như việc  nhổ cỏ dại trong một khu vườn, ta phải biết phân biệt đâu là hoa đâu là cỏ dại.

Ta sẽ nhận ra rằng tâm mình như một khu đầy cỏ dại với quá nhiều ý nghĩ xấu từ trong vô thức nhưng chưa một lần được dọn dẹp. Lúc này, ta sẽ bắt đầu nhận diện và nhổ bỏ các tâm sở bất thiện như là sân hận, và thay thế chúng với các tâm sở thiện toàn, hữu ích, như là tình thương yêu, lòng từ bi, sự thấu hiểu.

Chánh tinh tấn là đưa năng lực của mình rời xa dòng tư tưởng nguy hại, tiêu cực, và hướng về việc phát triển các phẩm tính lợi lạc. Đối với điều này, chúng ta nói về điều gọi là “tứ chánh cần” trong Pali. 
 

2.2 Giữ được tâm thanh tịnh giữa sự náo loạn
 

Những trái ngang cuộc đời luôn có thể xảy ra với bất cứ ai trong mỗi chúng ta nhưng mấy ai có thể đối diện với nó với sự an nhiên, bình lặng được cơ chứ? Hầu hết chúng ta sẽ hoảng loạn, lo lắng, không biết nên làm gì, nếu không được làm gì cũng thấy còn lo nhiều hơn.

Nhưng một khi có Chánh tinh tấn ta bắt đầu quan sát sự hoảng loạn của tâm để điều hòa nó, từ đó giúp ta chế ngự được lo âu, căng thẳng, sợ hãi và oán hận… Từ đó ta hiểu rằng những trạng thái bất ổn của tâm chẳng giúp ích gì trong hoàn cảnh này cả, chỉ có sự bình tâm ta mới có thể tìm ra cách xử lý phù hợp nhất cho tình huống cụ thể. Thế nên Chánh tinh tấn có thể giúp bạn giữ vững lòng tin, sự kiên định, ý chí quyết tâm vững vàng.

Ví dụ như vô tình bị ai đó nói xấu, vu oan cho mình ta ngay lập tức dẹp loạn trong tâm trí, vẫn bình an đón nhận, nhắc nhở bản thân rằng mọi thứ tự sinh tự diệt, ta chẳng nên lo lắng thái quá làm gì. Hay với những thị phi người khác mình cũng chẳng phán xét vội. Mỗi người có một cuộc sống riêng, do vậy hãy loại bỏ những cảm xúc tiêu cực ra khỏi tâm trí mình để bản thân vui tươi hơn, an lạc hơn.
 

2.3 Chìa khóa của thành công


Chỉ có sự chăm chỉ, nỗ lực mới có thể đưa chúng ta tới con đường thành công và tinh tấn có vai trò to lớn trong việc tạo ra động lực giúp bạn vững bước đi trên con đường phía trước, đặc biệt đó là con đường hướng thiện, nó giúp cho việc học tập và hành động trong mọi công việc, lĩnh vực, mọi lúc, mọi nơi đều hướng theo mục tiêu đúng đắn, có lợi cho người, cho mình.

Thành công là kết quả của nỗ lực đúng cách, thực tế là nếu chăm chỉ, nỗ lực nhưng sai hướng khiến chúng ta không đạt được bất cứ điều gì, hoặc thậm chí mang lại gánh nặng cho xã hội. Ví dụ như một kẻ buôn gian, bán lận họ quyết tâm kiếm được rất nhiều tiền, có thể đạt được điều đó nhưng người đời khinh rẻ.

Thế nhưng khi có chánh tinh tấn, chúng ta đi đúng hướng, thực hiện đến cùng cho mục tiêu cao đẹp, không chùn bước, buông lơi, không để chông gai khiến ta bỏ cuộc,... cứ như thế một ngày ta sẽ gặt hái thành công về cho mình và mang lại nhiều lợi ích cho cả xã hội. 

Chánh tinh tấn chính là nguồn năng lượng dung nạp để giúp ta hoàn tất các bước trên con đường đi đến hạnh phúc, là chìa khóa vàng cho sự thành công của bất kỳ ai.

24. Hỗ trợ quá trình Thiền định


Trước khi bước vào Thiền định thì chúng ta phải có được Chánh tinh tấn, nếu thân tâm chưa thanh tịnh mà vội vàng tu thiền định tức là tu sai.

Việc này có nghĩa là dù trong việc đi, đứng, nằm, ngồi, nói hay không đều hướng thiện đoạn ác, để giúp cho thân tâm ly dục ly ác pháp, thân tâm ly dục ly ác pháp, thì thân tâm mới thanh tịnh, thân tâm có thanh tịnh thì mới bắt đầu có định, chính từ tâm thanh tịnh này chúng ta mới chính thức đi vào thiền định. 
 

3. Làm thế nào để có Chánh tinh tấn?

 
Trên hành trình của Bát Chánh Đạo luôn tiềm ẩn sự có mặt của Chánh tinh tấn và nó là năng lượng cần có để thúc đẩy sự thành công của chúng ta trên từng bước của Bát Chánh Đạo. Thật ra, có được một sự nỗ lực mạnh mẽ để tự kìm chế bản thân là đã thắng được nửa chiến trận. Không có sự nỗ lực mạnh mẽ này để đạt được trạng thái tâm thiện toàn, chúng ta sẽ khó thể tiến xa trên con đường đi đến hạnh phúc tối thượng. 

Hiểu được Chánh tinh tấn là gì và biết nó không chỉ ngăn ngừa tâm ác khởi sinh mà còn giúp loại trừ đi các ý niệm xấu xa,... do vậy bạn nên chuyên trì rèn luyện nhằm có được Chánh tinh tấn để bản thân trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. 
 

3.1 Điều ác chưa khởi thì chớ khởi
 

"Ác vị sanh, sử bất sanh" có nghĩa là hiểu rõ và lắng nghe tâm mình thường xuyên, nếu chưa có một ý nghĩ, một tư tưởng, một tâm niệm xấu ác xuất hiện thì đừng cho nó cơ hội phát sanh, hãy giữ cho tâm mình được trong sáng.

Mỗi khi tâm bắt đầu nhen nhóm suy nghĩ thì hãy tập trung vào ý nghĩ tốt, tích cực, luôn nhìn về những điểm tốt đẹp của vấn đề.

Một điều suy nghĩ xấu vừa mới xuất hiện bạn nên tìm những lý do chính đáng để dập tắt nó. Ngăn chặn, bảo vệ những mầm niệm ác là một hành trình dài, đòi hỏi sự siêng năng, tinh tấn bền bỉ mới có thể đạt được ý muốn. 
 

3.2 Điều ác khởi rồi thì dẹp liền
 

"Ác dĩ sanh, sử trừ đoạn" có nghĩa là hiểu rõ và lắng nghe tâm mình mỗi ngày, nếu đã có một ý nghĩ, một tư tưởng, một tâm niệm xấu ác nào khởi sanh rồi thì hãy nỗ lực dẹp bỏ nó bằng lý do chính đáng, thay thế nó bằng ý nghĩ tốt đẹp. Ta hoàn toàn có thể thay đổi nó bằng việc thay đổi góc nhìn. Ví dụ người chồng đang gắt gỏng với ta thay vì nghĩ xấu cho anh ta thì nghĩ rằng chắc anh đang có điều gì phiền lòng, bình thường anh vẫn nhẹ nhàng, chăm sóc ta cơ mà.
 
Với những tâm ác bạn nên tinh tấn tu tập để loại trừ dần, thay thế nó bằng tâm thiện đó cũng được xem là hình thức tu tập giúp xa lìa cái ác.
 

3.3 Điều thiện chưa khởi thì khởi liền
 

"Thiện vị sanh, sử phát sanh" có nghĩa là hiểu rõ và lắng nghe tâm, nếu chưa có một ý nghĩ, một tư tưởng, một tâm niệm tốt lành nào chưa khởi sanh thì hãy nỗ lực khiến cho nó phát sanh.

Tinh tấn xây dựng cho những điều lành phát sinh là điều mà ai cung nên làm. Khi khỏi một ý niệm tốt nên ra sức để thực hiện, đừng ngần ngại hay lo lắng, bởi tâm thiện lúc nào cũng được mọi người mến mộ, Ví dụ bạn muốn giúp mọi người có việc làm, bạn hoàn toàn có thể giới thiệu công việc cho họ đó cũng là một việc làm tốt. Muốn tạo thiện nghiệp thì phải hăng hái, tinh tấn thực hiện ngay khi tâm mình khởi. 
 

3.4 Điều thiện khởi rồi thì hãy làm tăng trưởng
 

"Thiện dĩ sanh, sử tăng trưởng" nghĩa là quan sát tâm, lắng nghe tâm, nếu đã có một ý nghĩ, một tư tưởng, một tâm niệm tốt lành nào khởi sanh rồi thì hãy nỗ lực khiến cho nó phát triển thêm nữa. Cố gắng nỗ lực luyện tập làm điều thiện thuần thục mỗi ngày, sao cho mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi việc làm điều hướng thiện.
 
Tu tập là học và sửa đổi để bản thân trở thành phiên bản tốt hơn mỗi ngày. Muốn được vậy bạn phải cần tinh tấn luyện tập mỗi ngày để đạt được kết quả mình mong muốn. Hy vọng nội dung ở trên đã góp phần giúp bạn hiểu rõ hơn “ tinh tấn là gì". Chúc bạn một ngày an lạc!

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: