Chánh ngữ là gì mà khi chúng "lây lan" xã hội này sẽ tốt đẹp lên bội phần?

Thứ Ba, 05/03/2024 08:28 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Nếu không nắm rõ khái niệm Chánh ngữ là gì chúng ta rất dễ sa vào việc nói những lời xấu xa, gây ra không ít ác nghiệp hại mình, hại người mà không hề hay biết.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Chánh ngữ là gì?


Trong Bát chi Thánh đạo, Chánh ngữ là chi thứ ba, sau Chánh kiến, Chánh tư duy. Chánh ngữ là lời chân thật, lương thiện, đúng đắn, chính đáng, dùng lời nói để tạo các nghiệp thiện lành. 

Trong Tương ưng bộ định nghĩa Chánh ngữ như sau:
 
"Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh ngữ? Này các Tỷ-kheo, đó là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh ngữ".

Đó là về mặt tiêu cực. Về mặt tích cực, Đức Phật cũng dạy rằng chúng ta phải cố gắng tu tập để có những lời nói chân thật, hòa hợp, dịu dàng, và có ý nghĩa. Khi ta thực tập được những lời nói nầy, ta được nhiều người quý mến. Để đáp lại, họ sẽ lắng nghe những gì ta nói ra, và sẽ đáp ứng thân thiện và xây dựng.
 
 

2. Lợi ích của Chánh ngữ

 

2.1 Cải thiện cuộc sống hiện tại


Trong ba nghiệp chướng của con người, khẩu nghiệp nhiều hơn và khó kiểm soát hơn thân nghiệp và ý nghiệp, bởi vì chúng ta phải giao tiếp mỗi ngày như một thói quen nhưng chẳng mấy ai kiểm soát lời mình nói ra.

Hầu hết lời nói phản ánh cảm xúc nhất thời, trong khi các trạng thái đó lại không phải lúc nào cũng ổn định mà thay đổi thất thường, vui buồn, thương ghét... Thế nên cuộc sống của hầu hết chúng ta cũng bất ổn theo đó. Chính vì không có được Chánh ngữ nên cuộc sống của chúng ta khó mà yên ổn.

Thực hành Chánh ngữ là việc mà mỗi người chúng ta nên thực hành mỗi ngày. Áp dụng nó có thể cải thiện cuộc sống chúng ta về nhiều phương diện khác nhau. 

Ví dụ, ngay khi bản thân không ngồi lê đôi mách, đâm bị thóc, chọc bị gạo thì cũng tránh được những bất ổn không đáng có do "cái miệng" mình gây ra.
 
Ngược lại, khi ta nói lời hay, ý đẹp sẽ có thể truyền đạt tình yêu thương, sự chân thành đến cộng đồng. Đặc biệt thực hành Chánh ngữ giúp bạn tránh phạm phải khẩu nghiệp, tránh nhận quả báo nặng nề. 
 

2.2 Kết nối mọi người


Không có Chánh ngữ không chỉ gây ra ác nghiệp cho bản thân mà còn chia cách mọi người. Chỉ vì lời nói mà chúng ta gây ra rất nhiều tội lỗi cho nên trong thập thiện nghiệp Đức Phật chỉ ra rằng có đến bốn điều ác do miệng gây ra, trong khi ác ý và ác thân mỗi thứ chỉ có ba.

Khẩu nghiệp thường gây ra sự chia cắt giữa mọi người và Chánh ngữ ngược lại, sẽ đưa con người lại gần nhau hơn bằng những ngôn từ dễ nghe, mang tính chất đồng cảm, thấu hiểu. 

Thế nên có Chánh ngữ sẽ giúp chúng ta hạn chế nói năng, giải trừ ác nghiệp, vun bồi thiện nghiệp trong việc tu hành và đối nhân xử thế.

Chánh ngữ có thể kết nối chúng ta lại với nhau vì chúng có thể giúp những lời nói tốt đẹp được lan truyền đi xa, giúp mọi người có chung một lý tưởng tốt đẹp.

Dùng Chánh ngữ để củng cố thêm quyết tâm không nói điều gì gây tổn hại và chỉ nói những lời nhẹ nhàng, đã được chọn lọc có thể mang lại sự hòa hợp cho mọi người trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.

Qua Chánh ngữ, ta có thể truyền đạt tình yêu thương, sự chân thành, là sức mạnh nền tảng của bất cứ cộng đồng, hay quốc gia nào. Đó cũng là con đường mà chúng ta hơn bao giờ hết cần đề cao và xây dựng hôm nay trong bối cảnh thời đại công nghệ hiện nay.
 
 

2.3 Mang hạnh phúc tới mọi người


Thực tế ngày nay đã chỉ ra rằng không ít người đã tự tử chỉ vì những lời đả kích, chê bai, miệt thị họ trên mạng xã hội. Có thể, người nói không nghĩ tới kết quả này nhưng chính họ vô tình dồn người khác tới đường cùng, đang gây ra ác nghiệp mà không hay.

Ngược lại, nếu họ biết tránh xa những lời độc ác kia, họ sẽ làm cho mọi người sống hạnh phúc hơn. Những lời nói dịu dàng, bày tỏ sự thán phục hay biết ơn sẽ khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ví dụ như nói: "Tôi thực sự cảm kích những việc bạn làm", "Bạn đã giải quyết vấn đề đó thật tốt đẹp" hay "Thật vui được gặp anh"... sẽ làm ấm lòng người nói cũng như người nghe.

Chúng giúp ta tạo ra và giữ được tình bằng hữu, vì ai cũng muốn liên hệ với người mà lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng khiến người nghe cảm thấy thư thái, dễ chịu. Nếu ta nói lời tử tế, khôn ngoan, thì hạnh phúc mà ta có thể ban trải cho người chung quanh trở nên vô hạn.
 
Nhưng hãy cẩn trọng: lời dịu dàng, tử tế phải thành thật và phát xuất từ một mục đích cao thượng. Nói lời nhẹ nhàng, êm ái trong khi nghĩ hay làm điều ngược lại là giả dối, không phải là một đức hạnh. 
 

3. Làm thế nào để có Chánh ngữ?

 
Phật Thích Ca đã nói với năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển khi thuyết pháp cho họ nghe về Chánh ngữ như sau: “Chỉ được nói thật, không nên bịa đặt, không nên nói xấu người khác, phải kiềm chế sự vu khống, không nên buông những lời giận dữ và thóa mạ đến người khác, nên nói tốt và nhã nhặn với mọi người, không nên chìm đắm vào những chuyện gẫu vu vơ, ngu ngốc, mà chỉ nên nói những gì hợp lý và đúng vào vấn đề”.
 
Ðức Phật rất chê trách những cuộc nói chuyện huyên thuyên, phí thời gian vô ích. Những lời gièm pha và đồn đãi không đem đến lợi lạc gì, vì chúng làm quấy động sự yên tĩnh và định tâm

Ngài cũng giảng thêm rằng người ta không thể trở thành bậc trí chỉ vì nói nhiều, cũng không phải vì nói nhiều mà người ta được gọi là bậc thông suốt Pháp (Dhammadhara), như trong các câu Pháp Cú sau đây:
 
Tóm lại, lời nói có một ảnh hưởng vô cùng quan trọng, không những tác động đến đời sống hạnh phúc của mỗi cá nhân mà còn có thể tác động đến sinh hoạt của xã hội.

3.1. Tránh xa 4 ác nghiệp do miệng gây ra
 

Trong thập thiện nghiệp của Đức Phật có 4 điều liên quan tới Chánh ngữ như sau:
  • Không được nói dối, nói sai sự thật.
  • Không được nói lời thêu dệt, có nói không, không nói có, nói vu oan, vu cáo hại người.
  • Không được nói lời cay chua, độc ác, chưới mắng, phỉ báng, cộc cằn, thô lỗ...
  • Không nói lưỡi hai chiều,  nói châm chích, nói dệt gấm thêu hoa, nói ngọt như đường, như mật, nói văn hoa, kiểu cách... 
Trong Tăng chi bộ, Đức Phật dạy:
 
1. Người ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi. Nghe điều gì ở chỗ này, người ấy không đi đến chỗ kia nói, để gây chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, người ấy không đi nói với những người này, để gây chia rẽ ở những người kia. Như vậy người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp.
 
2. Người ấy đoạn tận lời nói độc ác, từ bỏ lời nói độc ác. Người ấy chỉ dùng những lời nói nhu hòa , êm tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui ý nhiều người.
 
3. Người ấy đoạn tận lời nói phù phiếm. Người ấy nói đúng thời, nói chân thật, nói có ý nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, lợi ích”. (AN 10.176)

Điều đó có nghĩa là muốn có được Chánh ngữ, trước khi muốn phát biểu lời nói nào, ta cần phải cân nhắc xem lời mình sắp nói ra có mang lại lợi ích, hay ảnh hưởng không tốt trong hiện tại và mai sau hay không, không nên chuyện gì cũng có thể nói.

Tránh xa những lời nói êm tai, ru ngủ rất được lòng người, nhưng là lời giả dối, nịnh bợ, ta gọi đó là ngọt mật chết ruồi, dễ làm hại người. Thay vào đó, ta chọn những lời thành thật, đạo đức, là chất liệu của sự yêu thương chân thành, thuốc đắng dã tật, lời thật mất lòng, nhưng giúp ta có cơ hội sửa sai và chuyển hóa được lỗi lầm.
 

3.2. Tập nói những điều hay, tốt
 

Tránh xa những lời nói gây khẩu nghiệp là chưa đủ, chúng ta còn phải tập nói điều hay, điều tốt của người khác. Để nói ra những điều này tâm ta cần phải mở ra, quan sát nhiều hơn để thấy bất cứ ai cũng có những điểm tốt, tích cực nào đó.

Mỗi con người đều có cả phần thiện lẫn phần ác ngự trị bên trong, vì thế ta cần quan sát để nhận diện ra đâu là điều tốt đẹp của đối phương để giúp nó lớn dần lên. Những lời nói hay, đúng lúc sẽ như việc chúng ta đang tưới tẩm lên chiếc hạt tốt đẹp bên trong họ được nảy mầm, lớn dần lên. 

Chúng ta không thể cho những gì mình không có, vì thế hãy học hỏi không ngừng để bản thân biết nói những điều hay. Chúng ta cũng cần trang bị kiến thức đúng đắn cho mình, đó có thể là về hạnh bố thí, về tình thương, sự bao dung,... Khi chúng ta đủ kiến thức thì chúng ta sẽ dễ dàng chia sẻ, lan truyền những ý nghĩa tốt đẹp đấy cho mọi người.

Khuyến khích bản thân nói lời thành thật với nhau bằng trái tim yêu thương, hiểu biết. Chọn lời hay ý đẹp mà nói, nói lẽ phải, tôn trọng sự thật. Sống trung thực giúp ta nâng cao phẩm chất đạo đức, làm lành mạnh các mối quan hệ gia đình, nên xã hội được tốt đẹp.
 

3.3 Tập trung phát triển Chánh ngữ
 

Có những lời nói thốt ra làm cho tan nhà nát cửa, mất nước, hại dân, nhưng cũng có những lời nói làm chúng ta biết sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết. Để có Chánh ngữ chúng ta phải có được Chánh kiến, Chánh tư duy, khi đó những gì mình nói ra đều là những lời nói êm dịu, nhẹ nhàng nhưng có thể lay động lòng người. 
 
Chúng ta cần biết rằng: 
  • Những lời nói dịu dàng, từ ái, mềm mỏng, nhu thuận, dễ nghe, dễ vừa lòng mọi người, đấy được gọi là “mỹ ngữ”.
  • Những lời nói có ý lành tốt, cốt ý mang lại an vui, lợi lạc cho người trên đường tu tập, hướng thượng thì được gọi là “thiện ngữ”.
  • Những lời nói y cứ trên sự thật, đúng với sự thật, đúng với chân lý thì được gọi là “chân ngữ”.
Lời nói có thiện, mỹ mà không có chân là xây lâu đài trên cát, con thuyền đi không có hướng về. Lời nói có chân, mỹ mà không có thiện thì không mang được điều lành tốt cho thế gian.