Câu chuyện quỷ trở thành thổ địa chỉ nhờ chi tiết nhỏ xíu mà người đời thường bỏ qua

Thứ Sáu, 10/05/2024 17:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Câu chuyện quỷ trở thành thổ địa sẽ khiến nhiều người cảm thấy vô lý nhưng nó vẫn là sự thật hiện hữu, cần thời gian suy ngẫm và quan sát, chỉ là chúng ta chưa hiểu rõ về Nhân - Quả nên cảm thấy khó hiểu mà thôi.
 

1. Câu chuyện quỷ trở thành thổ địa


 
Một người đàn ông tên Thành Công ở tỉnh Giang Tô khi về già ông làm nghề chài lưới kiếm sống và dựng một ngôi nhà tranh ven sông để tiện cho công việc của mình. Có hôm khi trời chập choạng, có một người đàn ông mặc quần áo ướt đi qua, Thành Công tưởng người này mới rơi xuống nước nên gọi anh ta vào, đốt đống lửa ấm để anh này sưởi.
 
Thế nhưng anh này vừa khóc vừa nói: 

- Tôi không phải là người. Tôi là một con quỷ vừa bị chết đuối nhưng không biết đi đâu nên tôi được gió đẩy đến đây. 

Trong khi Thành Công cảm thấy vô cùng sợ hãi thì quỷ đã trấn an:

- Ông đừng sợ. Quỷ cũng giống người nhưng chỉ là lúc này âm dương cách biệt. Tôi cũng không đến đây hại người.

Thành Công lúc này mới bình tĩnh hơn, hai người cùng tâm sự, anh ta cũng không khác gì người thường, nên ông mời anh ta ở lại nhà. Con quỷ có khi đến, có khi lại rời đi.
 
Hai người càng ngày càng trở nên thân thuộc, có lần nọ, quỷ trở về báo với ông:

- Ngày mai tôi có thể vãng sanh. Trưa mai một người phụ nữ mặc áo trắng đi qua sông, cô ta ứng mệnh chết đuối, nên sắp có người thay thế tôi rồi. 

Thành Công nghe xong cũng vui thay cho anh ta và ông cũng bí mật tới khúc sông đó để xem. Đúng giữa trưa, ông nhìn thấy một người phụ nữ mặc tang phục màu trắng đúng như những gì quỷ đã nói. Thế nhưng cô ấy vẫn an toàn qua được sống. Ông kiên nhẫn đợi đến tối vẫn không thấy thêm phụ nữ nào như quỷ đã tả, Thành Công tin là quỷ đã có chút nhầm lẫn.
 
Đêm đó, quỷ hồn trở về, khóc lóc nói với Thành Công:

- Tôi chờ người thế chỗ mình nhưng người phụ nữ mặc đồ trắng hôm nay lại đang mang thai sáu tháng. Nếu cô ta mất mạng thì đứa nhỏ trong bụng cũng cùng chung số phận, tôi không đủ nhẫn tâm nhìn cô ấy qua đời.
 
Mấy tháng sau, quỷ hồn lại đến, mỉm cười nói với ông:

- Tôi lại có cơ hội để rời đi rồi, sáng mai, sẽ có một người khiêng một chiếc bình sắt qua sông, anh ta cũng ứng mệnh chết đuối.

Đúng như những gì quỷ nói, có người đàn ông đội chiếc bình sắt trên đầu qua sông, thuyền chở anh ta đến giữa dòng sông, hơi chòng chành nghiêng ngả, nhưng rốt cuộc không có chuyện gì xảy ra.
 
Đêm đó, quỷ lại đến khóc than với ông:

- Tưởng là tôi sắp có người thay thế nhưng người khiêng chiếc bình là một người con hiếu thảo, lại là con một, tôi không nỡ hại anh ta nên để anh ta qua sông. 

Nghe xong Thành Công liên tục an ủi quỷ nhưng một lúc sau, quỷ bỗng nhiên trở nên vui vẻ, Thành Công hỏi:

- Lần này ngươi đã tìm được người thay thế mình chưa?

Quỷ đáp lời:

- Chuyện không phải thế, mà bởi vì tôi đã cam lòng chịu đựng gian khổ, không nỡ để một đứa con hiếu thảo và một người phụ nữ mang thai phải chết, nên Thần Thổ địa ở đây đã phụng tấu lên Thượng Đế, Thượng Đế thương tôi hành thiện sự, đã phong tôi làm Thần Thổ địa ở Qua Châu, ngày mai tôi sẽ nhậm chức. Nhưng ông cũng đã ở bên tôi nhiều năm rồi, một ngày nào đó ông rảnh rỗi, hãy đến Qua Châu gặp tôi, tôi nhất định sẽ trả ơn.

Nói xong, quỷ hồn rời đi, nhưng Thành Công không hoàn toàn tin vào điều đó. Nhưng đêm hôm sau, ông nghe thấy tiếng trống nhạc nổi lên. Vài ngày sau đó, ông đi mua muối, thấy một ngôi miếu hương khói nên hỏi thăm người dân địa phương.

Họ đều nói rằng cách đây vài ngày, người trông giữ hương hỏa ở miếu nói rằng anh ta mơ thấy vị Thần Thổ địa mới được bổ nhiệm, nếu thờ cúng ông ấy, nhất định sẽ ứng nghiệm, do đó mọi người đến đây thờ cúng rất nhiều. Thành Công nghe xong cũng tò mò và mua hương tới.
 
Khi Thành Công đến trước bức tượng, vừa bắt đầu chuẩn bị hành lễ, thì lập tức ngất xỉu trên mặt đất, nhìn thấy một người đàn ông đội mũ gạc đen, mặc y phục gấm, vỗ nhẹ vào vai Thành Công và nói:

- Thành Công đúng là một người đàn ông giữ tín giữ lời. Tôi biết được vài ngày nữa sẽ có đại ôn dịch ở Nhuận Châu. Ông hãy lấy đi tất cả tro từ lư hương trong miếu của tôi rồi trộn tro trong lư hương hòa với nước thành thuốc. Những viên thuốc này có thể chữa khỏi bệnh cho hàng vạn người. Công sẽ nhờ điều này mà trở thành phú ông, đó chính là tôi báo đáp.

Lúc này Thành Công cũng tỉnh lại, ông cũng theo lời của Thần Thổ địa, lấy hết tro trong lư hương.
 
Vài ngày sau, bệnh dịch quả thực hoành hành, ông đã dùng tro chế thuốc bán ở chợ, những người mắc bệnh sau khi uống thuốc lập tức khỏi bệnh, khiến ông nhanh chóng trở nên giàu có.
 
Thành Công cho rằng mình chỉ có một mình, nên không mua bất cứ tài sản nào, mà bỏ tiền xây một cây cầu ở nơi thường xuyên có người chết đuối, để người dân hai bên bờ sông có thể qua lại với nhau. Dân làng biết ơn lòng tốt của ông, đã dựng bia tưởng niệm và xây từ đường bên thành cầu để thờ cúng ông.
 
Con quỷ trở thành Thần Thổ Địa chỉ nhờ một niệm nhân từ, còn Thành Công được thờ phụng vì đã dùng tiền của mình để làm việc nghĩa.

2. Tại sao cần phải luôn giữ niệm lành trong tâm?


Có câu Bồ Tát sợ nhân chúng sinh sợ quả là vì Bồ Tát hiểu rõ từng đường đi nước bước của Nhân - Quả nên cảm thấy sợ hãi trước những sai lầm của con người. Trong khi đó, hầu hết chúng ta không hiểu rõ những sai lầm mình đang phạm phải trong cuộc sống mỗi ngày. Ví dụ như chỉ một ý nghĩ xấu cũng đủ khiến chúng ta gánh hậu quả nặng nề.

Câu chuyện quỷ trở thành thổ địa trên đây cho chúng ta thấy rằng chỉ một niệm tốt mà quỷ cũng có được phước lớn để biến đổi hoàn toàn số phận của mình. Niệm tốt hay niệm xấu cũng là ý nghĩ mà chúng ta khởi sinh mỗi ngày.

Thế nhưng con người ta thường ít nhận ra, chỉ cần một niệm xấu khởi lên, một lời nói không lành đã có thể mang tới điều không hay cho tự thân (trước tiên), vì mình vừa gieo nhân và tạo duyên xấu. Nhân đó, duyên đó sẽ đưa quả tương ưng (xấu).

Những người hiểu thấu Nhân - Quả rất sợ điều này vì họ biết rằng đó là một cách tự hại mình, mà còn không nhận diện ra lỗi của mình nên mãi chìm trong khổ đau từ kiếp này tới kiếp khác.

Vậy nên mỗi cá nhân hãy ý thức hơn với suy nghĩ của chúng ta mỗi ngày vì theo khoa học mỗi người có trung bình 60.000 suy nghĩ liên tục xuất hiện. Điều đó tương ứng là chúng ta gây ra từng đó nghiệp, nếu hầu hết trong số chúng là suy nghĩ không tốt thì bạn đã hiểu rằng nghiệp xấu của mình nhiều đến mức nào rồi đấy.
 
Thực ra, để có được ý nghĩ tốt đẹp thì chính chúng ta cũng phải chọn buông bỏ những cái thường tình thế tục để sống theo nếp sống cao thượng, không làm được việc lớn lao thì sống an hòa với bản thân, ít muốn biết đủ, chỉ đơn giản như thế cũng đã tạo nên một con người có phẩm chất tốt đẹp rồi. 

2.1 Suy nghĩ của chúng ta không đáng tin cậy


Đức Phật nói rằng những suy nghĩ của ta không đáng tin cậy, trừ khi đã trở thành một bậc Thánh giác ngộ. Vì vậy, ta hết sức cảnh giác và đừng quá tin vào những suy nghĩ của mình.

Hầu hết những suy nghĩ của chúng ta là do Nghiệp cũng hình thành, kéo chúng ta đi, dẫn ta tới những cái lỗi tương tự nhau từ kiếp này tới kiếp khác. Thế nên ta mới được khuyên rằng quan sát suy nghĩ của mình để điều hướng nó đúng cách.

Suy nghĩ có thể bảo ta phải đạt cho được cái này, thành tựu được cái kia, sở hữu được cái nọ hay đạt được mơ ước nào đó thì mình mới hạnh phúc. Những suy nghĩ và ý niệm như vậy thật sự không đáng tin cậy.

Ta có thể đặt ra mục tiêu để phấn đấu đạt cho được nhưng đừng tin rằng chỉ khi đạt được những cái đó thì mình mới thật sự hạnh phúc. Nếu bạn vẫn chưa tin lý lẽ này, bạn có thể chiêm nghiệm lại đời mình, những cái mà bạn tin là sẽ mang lại hạnh phúc cho mình, nếu có được nó, thì giờ bạn còn có hạnh phúc với nó nữa không.
 

2.2 Tập trung vào những suy nghĩ tích cực


Đức Phật dạy rằng để nuôi dưỡng tình yêu thương và cái nhìn thiện cảm với người khác ta không nên để ý đến những điều không tốt của họ mà tập trung vào những điểm hay nơi họ.

Ngài nói: “Nếu ai đó có hành động chưa dễ thương nhưng lời nói dễ thương thì không nên để tâm nghĩ đến những hành động đó của họ, mà nên chú ý đến những lời nói dễ thương nơi họ”.
 
Đức Phật khuyên chúng ta cố gắng nhìn cho ra những điểm tốt nơi người khác, để yêu quý họ, cho dù một người không thể tìm đâu ra một chút ít dễ thương nào thì người như vậy cũng rất đáng để ta quan tâm yêu thương. Vì một người mà sự tươi mát, dễ thương, hiền lành không có thì chắc chắn đang rất đau khổ và thiếu vắng hạnh phúc. Một người đau khổ, không có hạnh phúc thì thật đáng thương, chúng ta không ai có thể ghét bỏ những người như thế.
 
Thường thì ta hay có thói quen nhìn vào những lỗi lầm, sai trái của người khác mà chỉ trích, chê bai và lên án buộc tội người khác, để rồi chẳng thể thương yêu và bao dung được với ai. Ta đôi khi trở thành như kẻ oán tránh người đời chỉ vì thấy những điều chưa tốt nơi người khác.

Điều đó không khác gì việc bản thân ta không chịu dọn dẹp rác rưởi trong chính ngôi nhà của mình mà lại còn đi gom rác nhà người khác về bỏ thêm vào nhà mình.

Vì lẽ này mà Đức Phật dạy là không nên nhìn vào lỗi lầm ở người mà hãy nhìn lại chính mình để thấy những lỗi lầm nơi chính thâm tâm mình. Nhìn lại mình để cảm thông và bao dung hơn với người, bởi vì khi nhìn lại mình ta thấy mình cũng nhiều vụng về và lỗi lầm lắm mà trong khi hướng ngoại và soi xét người, ta không có cơ hội nhìn lại mình để nhận ra chúng.
 
Suy nghĩ tích cực nhất có lẽ là nghĩ về sự bình an, hạnh phúc có mặt trong thân tâm mình. Bình an và hạnh phúc, điều mà ta rong ruổi tìm kiếm trong cuộc đời, đã sẵn có trong chính tự tâm ta rồi. Nhưng vì hướng ngoại, tìm cầu hạnh phúc trong các đối tượng bên ngoài nên ta bỏ quên đi gia tài hạnh phúc lớn lao mà mình đã sẵn có.

Suy nghĩ về hạnh phúc có sẵn trong ta giúp mình trải nghiệm hạnh phúc chân thật của tự tâm mà ít lệ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, từ đó ta bớt đi những tham lam, giận hờn, ganh ghét, hơn thua…, những cái rất tiêu cực trong cuộc sống.

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục: