Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Tại sao ai ai cũng đi cầu an đầu năm, liệu có tiêu trừ hết tội lỗi?

Thứ Hai, 10/12/2018 09:03 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mỗi người có một mục đích riêng khi đi cầu an đầu năm nhưng nhìn chung đó là nét đẹp hướng về tâm linh của Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung.

Vào sáng mồng một đầu năm mới, ngoài việc gặp gỡ người thân, bạn bè thì đông đảo người dân đi lễ chùa. Dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, chúng ta đều gặp nhau ở miền tâm thức linh thiêng để cầu cho bản thân và gia đình được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới. 
 
Một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống người Phật tử có thể kể đến đó là tổ chức Lễ cầu an vào những ngày đầu tháng Giêng để mong cầu sự bình an cho cả gia đình trong năm mới. 
 
cau an dau nam
 
 

Ý nghĩa cầu an đầu năm theo đạo Phật

 
Nghiệp lực có sức chiêu cảm rất mạnh mẽ sẽ đưa chúng ta tới thế giới an lạc hay khổ đau là tùy vào quá khứ cũng như hiện tại của một người. Thế nhưng, các việc làm hiện nay như Phật sự, lễ cầu an đều là nghiệp thiện, lành có sức mạnh tiêu tội lỗi, giảm tai ương. Liệu có phải điều này là mê tín?

Cầu an có thể nói là sự biểu hiện cho một dạng khác của ước muốn, trong khi đạo Phật không chú trọng đến ước muốn thuần túy mà chủ trương hành động thực tiễn. Ý nghĩa của việc tổ chức lễ cầu an đầu năm theo đạo Phật không nằm ngoài mục đích để mình và gia quyến thành tâm sám hối tội lỗi, tiêu trừ nghiệp chướng, bỏ ác làm lành và thực hiện những thiện sự như phóng sanh, bố thí, cúng dường Tam bảo…; và phát nguyện hồi hướng công đức của những thiện sự, Phật sự đó để cho bản thân và gia đình tai qua nạn khỏi, tăng khả năng tiêu tai, giảm tội; tăng phúc, bình an, thân tâm được an lạc.

Thực ra, bản chất của việc cầu an chung của các chùa đó là xét trong mối quan hệ đối với dân tộc, đại lễ cầu an mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, người người được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn. 
 
di le chua dau nam cau an
 
Theo đạo Phật, không có đấng thần linh tối cao có khả năng sắp đặt và định đoạt số phận con người cũng như muôn loài. Nhưng đạo Phật thừa nhận có chư Phật và Bồ tát là những bậc đã giác ngộ. Đồng thời, đạo Phật cũng thừa nhận các vị ấy luôn gia hộ cho những người quy y tam bảo, có tâm tính thiện lành, làm việc tốt…
 
Nhưng đạo Phật cho rằng, quy luật nhân quả không diễn tiến một cách máy móc mà có sự linh hoạt tùy theo hoàn cảnh nhất định. Không chỉ mang ý nghĩa tiêu trừ, giải nghiệp như đã nói ở trên, những việc làm tốt đẹp trong lễ cầu an sẽ tạo nghiệp thiện, người Phật tử vì vậy mà được chư Phật và Bồ Tát gia hộ cho mình và người thân được sống lâu thêm, sắc thân tươi đẹp hơn; được hưởng nhiều phước lành từ ánh sáng từ bi và trí tuệ của đức Phật.

Tất cả những điều đó đều nằm trong triết lý nhân quả của đạo Phật và bám rễ sâu vào tư tưởng, suy nghĩ, lối sống của dân ta từ bao đời. 
 

Cầu an đầu năm có hiệu quả khi nào?

 
Khi tham gia lễ cầu an, mọi người sẽ được sống trong những giây phút chánh niệm, quán tưởng và làm theo những lời răn dạy của đức Phật. Mọi phước đức đời này đều đã được vun trồng và chăm chút từ nhiều đời trước, khi biết nói lời ái ngữ, làm việc thiện lành, giàu lòng nhân ái giúp mọi người thì cuộc sống sẽ được phúc, được an lành ở những giây phút hiện tại.

Một điều đặc biệt nữa là, trong giờ phút ấy, tự bản thân của mỗi người, từ suy nghĩ đến hành động đều một mực giữ gìn, không tạo ra những điều xấu, ác trong những ngày thiêng liêng ấy để có được một năm mới suôn sẻ mọi điều.
 
Với lợi ích thiết thực như vậy, lễ cầu an vào những ngày đầu xuân năm mới đã giúp người Phật tử hiểu và thực hiện một cách rất tự nhiên về đạo lý nhân quả, nghiệp báo; tránh suy nghĩ và hành động những điều xấu, ác để một năm mới gặp được những quả ngọt, điều lành.
 
tuc le chua dau nam co y nghia gi
 
Cùng với ý nghĩa ấy, trong những ngày này, mỗi người con Phật sẽ lắng lòng nhìn nhận lỗi lầm từ Tham - Sân - Si của tâm và nguyện sẽ sám hối, chừa bỏ để cầu cho một năm mới hạnh phúc, an vui.

Tất cả những gì trong hiện tại không phải hoàn toàn do nghiệp nhân các đời quá khứ quyết định mà còn do nghiệp nhân trong hiện tại tạo nên, đó là thái độ sống, quan niệm, những suy nghĩ, hành vi tiêu cực hoặc tích cực trong hiện tại của chúng ta. Cho nên không tạo nghiệp nhân xấu, tạo nhiều nghiệp nhân thiện trong hiện tại là thái độ sáng suốt để cải thiện đời sống bất như ý và xây dựng đời sống an vui hạnh phúc cho mình. Đó là cách thức cầu an tích cực. Ta có thể chuyển nghiệp nặng thành nhẹ bằng cách ăn năn sám hối những nghiệp đã tạo và nỗ lực tu tập, tạo các nhân duyên lành làm trở ngại sự hình thành nghiệp quả.
 
Bằng sự thực hành các thiện pháp, bằng sự tu tập giới, định, tuệ, chúng ta có thể vô hiệu hoá các nghiệp nhẹ mà đáng lẽ chúng ta phải nhận lãnh quả báo. Nếu chúng ta sống đời sống không chơn chánh, đời sống bất thiện (trộm cắp, cướp giật, lừa đảo, chiếm đoạt, mua gian bán lận, giả dối lọc lừa, làm giàu bằng xương máu kẻ khác…), nếu chúng ta sống buông thả không có trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, xã hội (rượu chè, cờ bạc, sa đọa, truỵ lạc, làm khổ cho mình và người khác…) thì dù có cầu cho nhiều cũng không an, cầu đến đâu cũng không ai cứu độ được. 
 
Cũng tương tự, để đương đầu với bệnh tật, để được khỏe mạnh, tai qua nạn khỏi và an lạc nội tâm, theo đức Phật là mỗi người phải tự trau dồi đời sống đạo đức và trí tuệ, phát huy các hạnh lợi tha, giúp đỡ mọi người, sống an trụ, chánh niệm và tỉnh thức trong từng phút giây của hiện tại.

Không hoài vọng về quá khứ để thoát khỏi thế giới kinh nghiệm đau thương. Không hoài vọng về tương lai để không lo âu và sợ sệt. Sống một cách sáng suốt, bình thản trong hiện tại để khắc chế mọi tham ưu ở đời. Người sống được như vậy thì lúc nào cũng “an”, lúc nào cũng khỏe mạnh, cũng hạnh phúc, không cần cầu nguyện và mong mỏi cũng được bình an.

Cầu an đầu năm khi lễ chùa như thế nào cho đúng
 

Đi lễ chùa có những bài khấn theo truyền thống, hoặc có thể diễn nôm theo ý hiểu của mỗi người, miễn là thành tâm, nhưng phải lễ khấn ở ban Tam bảo, ban Đức Ông, ban Đức Thánh Hiền, Quan Thế Âm Bồ tát.
 
Tới chùa lễ chú trọng sám hối, ăn năn trước những lỗi lầm, cầu xin có cơ hội sửa chữa, hoàn trả sai trái, có cơ hội làm việc thiện lành giúp đời.
 
Tốt nhất mọi người nên cầu nguyện cho quốc thái dân an, cầu cho người sống có sức khỏe, an lạc, tâm hồn luôn sáng và thiện lành, khởi tâm cầu đạo, giác ngộ và kính tin phật pháp.
 
Sau đó nguyện hồi hướng công đức cho các oan gia trái chủ, cho người thân, người đã khuất và các chúng sinh siêu thoát. Tùy sở nguyện mà cầu, nhưng đừng cầu quá tham mà không được. Đừng cầu tiền bạc, công danh.

Xem thêm: Cầu siêu có phải mê tín? Không biết được điều này sẽ dễ sai lầm. 
 
Đi chùa không nên cầu tiền bạc, công danh, vật chất (như cầu trúng số, cầu thăng quan tiến chức…), vì Phật không ban tiền bạc, vật chất… Phật, thánh thần không ban phúc cho ai, cũng không gieo họa cho ai. Tất cả là tâm thành và theo luật nhân quả, người nào có quả phúc chín thì gặt về.
 
Tới chùa không nên cầu xin năm nay được thế này, thế nọ. Đạo Phật là nhân sinh, không như đạo khác. Con người nếu không có tự lực (khả năng của mình) thì tha lực (trợ độ của tâm linh) cũng không giúp được.
 
Còn bình thường các ngày rằm, mồng 1 (ngày sóc, vọng) và các dịp lễ tết, những ngày có việc hệ trọng người dân đến chùa lễ Phật với tâm thành kính cầu khấn xin chư phật, chư bồ tát và các hiền thánh hộ độ cho được thiện duyên, may mắn, mạnh khoẻ, sống lâu, tai qua, nạn khỏi, hạn ách tiêu trừ, gia đình hoà thuận, hạnh phúc an khang, thế giới hoà bình, văn minh xã hội, chúng sinh an lạc…
 
Đồng thời hồi hướng công đức cho người thân đã khuất, cho các chúng sinh ở “thế giới bên kia” được siêu sinh tịnh độ…
 
Đó là những ước vọng chính đáng thể hiện qua các bài văn khấn khi lễ Phật. 
 
Đi lễ chùa tâm nghĩ sao thì khấn nôm na cầu vậy. Cầu gì cũng không nên lễ dài dòng. Cách lễ dài dòng không phải là lễ của đạo Phật, mà là theo cách lễ dân gian.
 

Cách láy vái đúng và phù hợp với thuần phong mỹ tục 

 
Cách vái, lễ lạy ở chùa nhiều nam, nữ, già, trẻ hay mắc sai lầm là vái nhiều, vái nhanh như bổ củi. Tâm tốt mà vào chùa vái lạy không biết cách là bị coi là bất kính.
 
Nếu lễ ở ngoài trời, thắp hương ở lư hương to ngoài sân chùa thì phải vái ở tư thế đứng.

Xem thêm: Đi chùa vái như thế nào, vái mấy lần mới không bị coi là bất kính?
 
Cách vái đúng là chắp hai bàn tay để trước ngực, rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống, rồi sau đó ngẩng lên và đưa hai bàn tay vái lên xuống theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Số lần vái phổ biến là 3 - 5 vái. Cách lễ không bị “phạm” là tới ban nào cũng đứng trang nghiêm, vái 3 vái, khấn lâm râm xong thì đi ra ban khác.
 
Không nên đứng trước các ban vái lia lịa như bổ củi và cầu khấn to luôn miệng. Cách vái lia lịa như thế là không đúng, còn bị coi là bất kính. Trong chùa đi nhẹ, nói khẽ chứ không khấn to, nói to vì ảnh hưởng tới mọi người.
 
Lễ lạy có nhiều cách, mỗi thế có ý nghĩa khác nhau, nhưng thường thực hiện trước Tam bảo, và hay dùng trong dịp lễ trọng. Cách lễ theo đạo Phật ở Việt Nam thường là “ngũ thể đầu địa”, hai tay, hai chân và cái đầu đụng mặt đất - là cách lạy tôn kính nhất, thể hiện lòng biết ơn và niềm tôn kính 3 ngôi Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). 3 lễ lạy cũng có ý nghĩa lễ lạy ba ngôi báu bên trong ta và mỗi chúng sinh.
 
Về việc xòe bàn tay úp hay ngửa là tùy người lễ lạy, chưa tiền lệ “bắt buộc” nào quy định phải úp hay ngửa lòng bàn tay.
 
Số lần lễ lạy là số lẻ: 3,5,7,9. Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
 
- Muốn khẩn cầu theo ý nguyện (như cầu tài lộc, cầu học hành, công danh, thi cử đỗ đạt, may mắn, cầu an khang thịnh vượng... theo sở nguyện thì hãy tới ban Đức Ông, nhà thờ Mẫu, Tứ phủ (phần lớn các chùa ở miền Bắc đều có) để đặt lễ và dâng hương cầu khấn.
 
- Cầu gì thì người dân cũng cần biết mọi việc đều theo luật nhân quả, có gieo nhân thiện lành mới gặt được quả phúc tốt đẹp. Nếu là tiền không mồ hôi (không phải của mình) có cố tham cầu thì tiền tài đến rồi lại đi nhanh chóng. Còn cái gì thuộc về mình thì dù có vứt đi nó vẫn quay lại.

Minh Minh (Tổng hợp)


Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X