Căn cô Tư Ỷ La là gì? Làm sao để biết mình có căn cô Tư Ỷ La?

Thứ Sáu, 14/06/2024 08:20 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Bài viết sau sẽ giải đáp thắc mắc về việc căn cô Tư Ỷ La là gì? Đền cô ở đâu và khi đi đền cô thì nên cầu gì, mang lại cho bạn chỉ dẫn cụ thể trước khi thăm đền.
Mục lục (Ẩn/Hiện)


1. Căn cô Tư Ỷ La là gì?

 
Trước khi biết căn cô Tư Ỷ La là gì phải hiểu căn là gì, căn là người có căn hay người có căn đồng là những người có nghiệp duyên, nghiệp chướng, nói cách khác là người gây ra nhiều tội lỗi, có thể là ở kiếp này hoặc kiếp trước. Tới khi vận đến họ phải gánh chịu hậu quả xấu mà mình đã gây ra.
 
Những con người đó nếu may mắn được các Thánh rủ lòng thương, chấm chọn để Thánh cứu vớt.

Cô Tư Ỷ La là con gái của vua Trời Đế Thích, cô theo hầu Mẫu Thượng Ngàn tại đất Tuyên Quang để giúp đỡ người đời. Về sau, nơi Mẫu giá ngự ở đó, người ta lập đền Mẫu Ỷ La nên cô cũng được gọi là cô Tư Ỷ La.

Vì thế "căn cô Tư Ỷ La" tức là người từng hữu duyên được cô Tư cứu giúp trong một kiếp nào đấy thì lúc này tái sinh để trả ơn cô bằng việc đi giúp đời, giúp người.

1.1 Cô Tư Ỷ La  là ai trong Tứ phủ?


Cô Tư Ỷ La là vị thánh cô thứ 4 thuộc hàng Tứ phủ Thánh Cô trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, sau cô Bơ Thoải và trước cô Năm Suối Lân
 
"Phủ Dầy trảy hội tháng ba
Sòng Sơn tháng chín kiệu hoa sẵn sàng
Thỉnh Cô trắc giáng bản đàn
Khuông phù đệ tử an khang thọ trường".
 

1.2 Cô Tư Ỷ La khi ngự đồng trông như thế nào? 


Trong hàng Tứ Phủ Tiên Cô, cô Tư Ỷ La thường hiếm khi về ngự về đồng nên y phục cũng như cung cách khi hầu giá cô Tư có rất ít thông tin. Tuy nhiên theo giá hầu đồng thì có thể khi hầu giá cô Tư Ỷ La thường khi về thường mặc y phục xiêm áo màu vàng nhạt hoặc màu xanh, tóc cài hoa trâm, tai đeo khuyên vàng.

1.3 Cô Tư Địa Phủ, cô Tư Tây Hồ, cô Tư Ỷ La có phải là một ?

 
Trong suy nghĩ của nhiều người cho rằng, cô Tư trong hàng Tứ Phủ Thánh Cô là cô Tư Ỷ La là cô Tư Địa Phủ hay cô Tư Tây Hồ đều chỉ chung về một người.

Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác vì theo tín ngưỡng Tứ Phủ, vị thánh cô thứ tư thuộc miền Địa Phủ, cô hầu Mẫu Liễu Hạnh và có trang phục có màu vàng đặc trưng.
 
Tuy nhiên, cô Tư Ỷ La lại là một trong 12 Thánh cô tức là những tiên cô có nhiệm vụ theo hầu Mẫu Thượng Ngàn. Bởi vậy, cô Tư Ỷ La thuộc miền Nhạc Phủ chứ không phải Địa Phủ.

Danh hiệu khác là cô Tư Tứ Tổng Tây Hồ có thể được hiểu rằng danh hiệu này là do cô Tư - một nàng tiên nào đó đã từng giáng hiện tại đất Tây Hồ, Hà Nội rong chơi, và điển hình nhất là hiện nay vẫn có ban thờ cô Tư tại đình Tứ Liên; một ngôi đình cổ nằm ở gần  Phủ Tây Hồ, Hà Nội.
 
Vì vậy cô Tư Tây Hồ thuộc Tứ Phủ Thánh Cô có thể khác với cô Tư Ỷ La hoặc cô Tư Địa Phủ.
 

2. Sự tích về cô Tư Ỷ La


Cô Tư Ỷ La vốn là một nàng tiên con gái của vua thuộc cung Trời Đế Thích. Sau theo lệnh cha, cô giáng trần và theo hầu Mẫu Ỷ La để giúp người đời vượt qua chông gai của cuộc sống.

Cô Tư nổi tiếng là người thông minh, xinh đep, lại dịu dàng nết na nên được Mẫu Ỷ La yêu quý nhất và thường xuyên cho theo hầu bên cạnh. Do vậy, những thần tích về việc cô hiển linh luôn gắn liền với thần tích về Mẫu Ỷ La hiển linh.

Tục truyền, xưa kia ở Lãng Bạc có con cửu vĩ Hồ Ly thường xuyên làm hại dân lành nên Mẫu đã truyền lệnh cho cô Tư đi dẹp loài yêu quái. Cô đã dùng phép thần thông để trị và bắt nó phải hiện nguyên hình.
 
Sau khi đuổi được cửu vĩ Hồ Ly, cô Tư còn dạy dân bản địa kết chỉ, xe tơ làm những vòng chỉ ngũ sắc để đề phòng yêu ma.
 
Theo truyền thuyết, khi cô an nhàn, cô thường vãn cảnh, cô quẩy lẵng hoa nhẹ gót dạo chơi cùng các bạn tiên.

Ngày nay, những thần tích về việc cô Tư Ỷ La hiển linh giúp đỡ dân lành không còn nhiều và thông tin cũng không rõ ràng. Người ta chỉ biết địa phương cô hay hiển linh là đất Tuyên Quang. Để tưởng nhớ cô, người ta lập cung thờ cô ngay tại đền thờ Mẫu Ỷ La.
 

3. Làm thế nào để biết mình có căn cô Tư Ỷ La?

 
 
  • Dễ mơ về Thần Thánh: Thỉnh thoảng hay rơi vào tình trạng gặp ảo giác, chiêm bao thấy cô Tư Ỷ La hay luôn có cảm giác rằng Thánh Thần luôn đi bên cạnh che chở, bao bọc cho mình.
  • Khi tới gần các Đền Phủ thờ thường sẽ có ngay cảm giác hân hoan vui mừng. Họ rất thích lui tới các Đền Phủ bất kể vui hay buồn, bởi tới đây làm cho họ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn.
  • Ốp đồng: Khi tham gia các buổi Thánh lễ, buổi hầu đồng, những người này thường thấy tâm hồn mình lâng lâng, lơ lửng, tinh thần vô cùng phấn chấn. Họ nhận thấy sự đồng cảm qua những lời hát văn, lời tấu, lời thỉnh cầu.
  • Cuộc sống lận đận: Cuộc sống không ổn định giống như những người bình thường, sẽ được lựa chọn và dẫn dắt đi khắp nơi làm việc Tiên Thánh. Có nhiều trường hợp ghi nhận bị căn hành làm cho gia đình khó khăn lận đận, công việc và cuộc sống cũng bấp bênh trắc trở.
  • Bị cơ hành: Họ bị Thánh hành khiến gia đình sẽ lục đục, sức khỏe suy yếu, cuộc sống gia đình xảy ra nhiều chuyện bất hòa, mâu thuẫn. Làm lụng chăm chỉ, tích cực nhưng không có được kết quả như mong muốn. Một số người có căn bị duyên nghiệp nặng quá có thể bị điên loạn, nói năng lảm nhảm, hay nói chuyện với Thánh thần. Tuy nhiên đưa đến bệnh viện thì lại như không có chuyện gì xảy ra, cứ về nhà thì lại bị.

Cách dễ dàng nhất để có thể nhận biết bản thân có Căn Đồng hay không là qua các lá số Tử Vi. Cụ thể là đọc qua Sao chính và Phụ Tinh. 

4. Đền thờ cô Tư Ỷ La ở đâu?

 
Như đã nói ở trên, cô Tư Ỷ La không phải là cô Tư Tống Tây Hồ, cũng không phải là cô Tư Chầu Bà. Vì thế mà một số người đi lễ đền cô Tư Chầu Bà hay đình Tứ Liên không phải là lễ cô.
 
Hiện nay, không có đền riêng thờ cô Tư, cô được thờ chung với Mẫu Ỷ La tại đền Ỷ La, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Cung thờ cô nằm ngay bên cạnh cung chính thờ Mẫu trong đền.

Trong đền ngoài thờ Mẫu Thượng Ngàn và cô Tư Ỷ La còn phối thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương. 
 
Đền được xây dựng vào thời Nguyễn tức là vào khoảng thế kỷ 19. Ngôi đền này cách Hà Nội 140km và du khách có thể di chuyển bằng ôtô hoặc xe máy tới đây.  
 

5. Cầu gì và chuẩn bị gì khi đi đền cô Tư Ỷ La?


5.1 Lễ hội đền cô Tư Ỷ La


Do cô Tư không thường hay hiển linh nên việc lựa chọn ngày tốt để đi lễ đền cô là cực kì quan trọng. Chỉ đi lễ đúng ngày thì cô Tư mới hiển linh và chứng giám, phù hộ độ trì cho những lời cầu khấn của bạn được thành hiện thực.
 
Theo đó, những dịp nên đi lễ cô Tư Ỷ La là ngày rằm, mồng Một hàng tháng và những ngày đầu năm mới vì cơ hội cao cô sẽ hiển linh vào những dịp này.
 
Lễ Hội Đền Mẫu Ỷ La diễn ra vào tháng 2 và tháng 7 hàng năm. Khi đó người dân sẽ rước tượng mẫu về đền Thượng và đền hạ như biểu hiện của sự gặp gỡ và đoàn tụ gia đình.
 

5.2 Đến đền cô Tư Ỷ La xin gì?


Cô Tư theo lời kể dân gian là một nàng tiên hiền lành, nhân hậu và có tình yêu thương bao la với con dân. Cũng vì thế mà cô vâng lệnh vua Trời Đế Thích giáng xuống hạ giới giúp dân cứu đời. Như vậy, có thể thấy rằng, với bất kỳ khó khăn nào mà mọi người gặp phải, nếu có lời khẩn, chỉ cần thành tâm sẽ được cô phù hộ độ trì cho thành hiện thực.
 
Đa phần, người ta đi lễ cô để cầu sức khỏe, cầu bình an và cầu tài lộc. Bên cạnh đó, số ít người đến đền cô còn cầu tình duyên.
 

5.3 Cách sắm lễ cô Tư Ỷ La

 
Việc dâng lễ cô không yêu cầu mâm cao cỗ đầy, quan trọng nhất là ở cái tâm và lòng thành kính, có khi chỉ cần nén hương cũng được cô chứng giám, nhưng một kẻ làm việc hại người, buôn gian bán lận, báng bổ thánh thần thì chẳng những không được cô chứng giám, phù hộ mà còn bị cô vật cho ốm đau bệnh tật.

Nếu muốn chuẩn bị hãy mang vài những lễ vật cơ bản để thể hiện lòng thành kính như sau: 
  • Hoa tươi và mâm ngũ quả.
  • Mâm xôi con gà hoặc mâm xôi khổ thịt.
  • Trầu cau.
  • Rượu và chè thuốc.
  • Lễ tiền vàng.
  • Sớ viết tên người dâng lễ để cô phù hộ đúng người.
  • Oản màu vàng. 

6. Văn khấn cô Tư Ỷ La

Bạn cũng nên chuẩn bị trước bài khấn cô Tư Ỷ La để khấn cô khi dâng lễ. Văn khấn cho những người có căn cô Tư Ỷ La:
 
 
Con Nam Mô A Di Đà Phật 
Con Nam Mô A Di Đà Phật 
Con Nam Mô A Di Đà Phật
 
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương… 
Con lạy Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế… 
Con lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh… 
Con lạy Tam Vị Thánh Mẫu… 
Con lạy Hội đồng Trần Triều Hiển Thánh… 
Con lạy Hội đồng Chúa Bói, Chúa Chữa, Chúa Mán, Chúa Mường… 
Con lạy Ngũ Vị Tôn Quan… 
Con lạy Tứ Phủ Chầu Bà… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Hoàng… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Cô…
 
A Di Đà Phật – Con lạy Cô bé bản đền cô Tư Ỷ La…
 
Ngày hôm nay con mang miệng về tâu mang đầu về bái yết trước cửa nhà ngài, trước cửa Mẫu cửa Cô. Con lòng thành dâng lên hoa trà quả thực (đọc như thế nếu là đồ chay hoặc trên chay dưới mặn nếu có cả đồ mặn), kính cẩn dâng lên bề trên, kính mong bề trên soi xét cho con.
 
Đầu con còn xanh tuổi con còn trẻ, văn con không hay chữ con không giỏi, con chỉ có tấm lòng thành mà nhất tâm cửa Phật thật tâm cửa Thánh, về đây dập đầu trước cửa cô. Nếu con có làm gì sai phạm mong Mẫu mong Cô giơ cao đánh khẽ cho con, khai sáng tâm trí cho con để con biết đường mà lội biết lối mà đi. Con mong cô giáng li giáng lai giáng báo cho đệ tử họ…. con là ……(đầy đủ họ tên) biết được thế nào là quyền cô phép cô.
 
Cho con được biết con phải đi đến đâu, phải làm thế nào để hiểu được con đường tu tập 
Cho con gặp được đồng anh lính chị, đồng thầy đạo quan dẫn dắt con trên con đường đạo lối 
Để con có thể an tâm an tính con tu tỉnh làm ăn; cho con có ngân có xuyến có sức khoẻ dồi dào 
Để con kiếm được đồng tiền bát gạo; để con có thể báo đáp công ơn phụng dưỡng mẹ cha và tỏ tường phụng sự tiên thánh. 

Tâm con cô hay, lòng con cô tỏ…
 
Kính xin cô cùng Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh anh linh chứng giám…
 
Con Nam Mô A Di Đà Phật 
Con Nam Mô A Di Đà Phật