Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất

Căn cô Chín là gì? Vì sao có căn rồi thì muốn hoãn, trốn tránh cũng khó khăn?

Thứ Năm, 04/04/2024 17:00 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Hiểu căn cô Chín là gì chúng ta sẽ càng thấy rõ ràng cách vận hành của Nhân Quả và việc bản thân từng cầu xin sự giúp đỡ và được ban ơn thì nhất định phải trả đủ rồi muốn làm việc gì cho cá nhân thì tính sau.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
  

1. Căn cô Chín là gì?

 
Can co chin la gi
 
Trước khi tìm hiểu căn cô Chín là gì ta cần biết căn là gì? Căn là khái niệm trong tâm linh được hiểu là mối duyên đặc biệt của một người trần với một vị thánh nhân, họ được vị thánh nhân ấy lựa chọn để đi theo hầu (hỗ trợ mình làm những việc ở nhân gian).
 
Cô Chín còn có các tên gọi khác nhau như cô Chín Sòng Sơn, cô Chín Giếng, cô Chín Thượng ngàn; cô Chín Âm dương (âm dương linh từ). Tuy tên gọi khác nhau nhưng chỉ là một cô; nơi giáng ngự khác nhau nên có tên khác nhau; cô giáng ở thượng ngàn thì gọi là cô Chín Thượng ngàn;... Nhưng cô được thờ chính tại Đền cô Chín Giếng.

Theo đó, căn cô Chín là cụm từ nói về những người có duyên với cô Chín. Những người này được Cô lựa chọn đi theo để hầu cận mình. Trong các giá hầu đồng cô Chín, đây là những người hay được cô nhập, giúp cô kê đơn, bốc thuốc, chữa bệnh để cứu người.
 
Theo duyên nghiệp thì những ai có căn cô Chín từng là những người có nghiệp cũ quá nặng nề, đến nhờ cô giúp đỡ và hứa sẽ trả ơn. Ở kiếp này họ được mang thân người thì cũng là lúc bắt đầu thực hiện lời hứa của mình. Dù muốn hay không, họ không thể trốn việc bắt buộc phải đi theo cô để hầu hạ, làm theo những chỉ dẫn của cô để giúp người giúp đời - đó cũng là hình thức để trả ơn cô.

Thế nên những người có căn cô Chín nhất thiết phải mở phủ để có thể hầu hạ cô Chín. 
 
Người có căn cô Chín khi hầu đồng thường mặc áo phớt hồng cánh đào, múa quạt để tiễn mẫu, múa cờ để tiễn vua, lúc lại thêu hoa dệt lụa và múa cánh tiên.

1.1 Cô Chín là ai trong Tứ Phủ?

 
Theo hệ Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Tứ Phủ thánh cô gồm 12 cô tiên theo hầu cận Thánh Mẫu; Chúa Mường; Chầu Bà. Các cô đều là những cô gái đoan trang, mặt tựa tiên nữ, thường đi theo hầu các Mẫu hoặc các Chầu. Các Thánh cô cũng có công với giang sơn xã tắc nên được nhân dân suy tôn và lập đền thờ phụng.
 
Cô Chín nổi tiếng tài phép, xinh đẹp, sắc sảo, là vị thánh cô đứng hàng thứ chín trong Tứ Phủ Thánh Cô, sau Cô Tám Đồi Chè và trước Cô Mười Đồng Mỏ. 
 

1.2 Cô Chín khi ngự đồng trông như thế nào? 

 
Cô Chín khi ngự đồng mặc áo hồng phơn phớt màu đào phai; có khi cô múa quạt tiến Mẫu; múa cờ tiến Vua; cũng có khi cô thêu hoa dệt lụa; rồi lại múa cánh tiên.

Ai cầu đảo cô đều sắm sửa lễ vật: Nón đỏ hài hoa vòng hồng để dâng cô đều được cô chứng minh. Tiên cô là 1 trong tứ vị thánh cô chấm lính nhận đồng. 
 

2. Sự tích về cô Chín Sòng Sơn 


Dân gian kể về sự tích cô Chín Sòng Sơn rằng cô vốn là một nàng tiên có tài phép và đi theo hầu Mẫu Liễu Hạnh trong vùng Sòng Sơn đất Thanh Hóa. Tuy nhiên cũng có tài liệu cho rằng cô hầu bên Chầu Chín Cửu Tỉnh hay Mẫu Thoải.

Một sự tích phổ biến về cô Chín đó là:

Cô vốn là Cửu Thiên Huyền Nữ - người con gái thứ 9 của Ngọc Hoàng Thượng Đế nhưng vì phạm lỗi nên cô bị đày xuống trần gian, bán nước trước cổng đền Ba Dội.

Cô tài giỏi có phép tiên thần thông quảng đại lại tinh thông thuật xem bói, 1000 quẻ cô bói ra thì không sai một quẻ nào, cô còn có thể nhìn mặt đoán người. Ai mà phạm tội hay thất kính, cô về tâu với Thiên Đình cho thu giam hồn phách rồi cô hành cho dở điên, dở dại.

Nhất là những kẻ vì cảm thấy sợ hãi trước khả năng của cô nên cho rằng cô là yêu quái, tìm mọi cách để xua đuổi diệt trừ. Cô cũng về nhờ Ngọc Hoàng trừng trị thẳng tay những kẻ này.

Tương truyền, đền được dựng lên từ cuối thế kỉ XVIII. Người dân địa phương vẫn thường truyền tai nhau câu chuyện sau khi cuộc chiến giữa bà chúa Liễu Hạnh và Tiền Quân Thánh kết thúc, bà Liễu Hạnh gặp nạn rồi biến thành con rồng ở ẩn chốn Cửu Thiên công chúa. Công chúa đã dùng phép của mình để cứu Liễu Hạnh thoát khỏi vòng vây nên hai người cùng tổ chức lễ kết nghĩa chị em.

Cô hầu hạ Mẫu Liễu Hạnh và trở thành một trong 12 nàng tiên hầu cận bên cạnh Thánh Mẫu hay còn gọi là Mẫu Sòng. Các nàng tiên đều là những thục nữ đoan trang, có công với giang sơn xã tắc và được lập đền  thờ phụng, phong Thánh.

Cô còn dùng khả năng dự đoán của mình giúp dân diệt trừ nhiều tham quan ô lại. Với phép thần thông quảng đại cùng biệt tài xem bói nghìn quẻ ấy mà trong những năm giặc nước ngoài xâm lăng, đã phò vua giúp nước bằng cách tiên đoán trận mạc nhờ đó mà trăm trận trăm thắng.

Về sau, để tưởng nhớ công ơn của  cô, dân chúng lập đền thờ Cô ở Thanh Hóa và đời đời thờ cúng, phụng sự. Trong đền có 9 cái giếng thiêng nên đặt tên là đền cô Chín, nhiều người còn gọi là đền cô Chín Giếng.   
 

3. Làm thế nào để biết mình có căn cô Chín?

 
Lam the nao de biet minh can co chin
 

3.1 Đặc điểm người có căn cô Chín

 
- Sinh ra trong tháng 9: Dân gian cho rằng những người có căn cô Chín thường sinh ra vào tháng 9. Tháng này cũng được xem là thời gian mà cô Chín xuất hiện nhiều nhất ở nhân gian để cứu vớt những người có duyên với mình, chính điều này tạo ra cho họ căn cô Chín.
 
- Giác quan nhạy cảm: Những người có căn cô Chín thường hay cảm nhận được người cõi âm, được xem là có giác quan thứ 6 vì họ có thể đoán biết trước tương lai, xem bói hoặc chữa bệnh, gọi hồn. Vì họ tái sinh ở kiếp này để hỗ trợ cô Chín trong việc giúp đỡ con người khỏi khó khăn, đau khổ do chính nghiệp tội sâu nặng (nghiệp này do chính họ tự gây ra nên họ tự chịu nhưng cô Chín thương và nâng đỡ). Tuy nhiên, theo Nhân - Quả họ đã ứng trước phước để vượt qua khó khăn thì sau này tái sinh làm người thì cũng phải trả tương ứng, muốn trốn chạy cũng không được.

- Tính cách nóng nảy: Đây là đặc điểm chung của người có căn, đó là lý do chúng ta thường nói những người này "đồng bóng", nóng lạnh thất thường, đanh đá. Họ rất dễ tức giận khi bị người khác làm phật ý và thường không hay nể nang gì người khác, có gì nói nấy nên có thể coi là tính tình cương trực, thẳng thắn.
 
- Thật thà, tốt bụng: Những người này thẳng như ruột ngựa, không thích gian dối, và đó có thể là tính tốt mà vẫn phải chịu khổ nên cô Chín mới thương tình, ra tay giúp đỡ.
  
- Giàu tình thương yêu và trắc ẩn: Họ nóng nảy và có thể đanh đá, chua ngoa nhưng lại ấm áp, lương thiện, tình cảm vì thực ra họ tái sinh ở kiếp này với mục tiêu là giúp đời, giúp người để bù đắp cho số phước đã "vay" của cô Chín trước đây. Vậy nên giúp người mới thực sự là sứ mệnh của họ, nếu muốn bắt chước người đời để làm giàu cũng không thể là vậy.
 
- Ưa thích buôn bán: Những người có căn cô Chín có nét tính cách đặc biệt là thích kinh doanh buôn bán và thích nói chuyện về chủ đề này. Nếu có đủ duyên để buôn bán thì cũng dễ thành công. 
 
- Thích sạch sẽ, đẹp đẽ: Cô Chín vốn là người cõi Trời nên họ chỉ thích sự thơm tho, sạch sẽ. Thế nên người nào có căn của cô cũng có xu hướng ưa những nơi chốn sạch sẽ, thích làm đẹp, ăn diện. Họ cũng là người rất thông minh, sắc sảo nhanh nhẹn, cốt cách thanh cao. 
 

3.2 Làm thế nào để biết mình có căn cô Chín hay không?

 
Với những nét tính cách trên nhiều người cho rằng mình cũng sở hữu nhưng có thật có căn hay không thì không chỉ dựa vào những điều trên.

Nhiều người tự cho rằng mình có căn rồi kêu ca rằng cuộc sống long đong trắc trở, khổ sở quá thì phải ra mở phủ cho đỡ khổ. Tuy nhiên bản thân là người không có căn, có thể bị ma quỷ dẫn dụ thì có thể gây hại cho bản thân mà không biết. Có những người khổ là do phúc ít, nghiệp cũ quá nặng do mình gây ra chứ không chỉ là do có căn. Thế nên chỉ có cách chăm chỉ tích đức trả nợ duyên cho hết. 
 
Để chắc chắn mình có phải là người có căn cô Chín hay không thì có 3 cách: 
  • Đi xem bói đúng thầy có năng lực thực sự thì thầy sẽ soi cho. Tuy nhiên nếu không may gặp thầy giả danh lại dễ mang họa. Người có căn thánh cô ắt sẽ gặp được người có duyên để được dẫn đường chỉ lỗi cho. Đó là có duyên trong tâm linh.
  • Đến cửa cô ắt sẽ được sang tai. Chỉ cần về cửa cô sẽ biết được quyền cô phép cô.
  • Thắp hương kêu cầu tổ tiên để được bà cô tổ ông mãnh nhà mình dẫn được chỉ lối cho gặp người có tâm hướng dẫn mình. 
Ngoài ra, việc có phải trình đồng mở phủ hay không còn tùy duyên số, đừng nghe thầy nào đó bảo mở là lập tức làm theo mà không đi xác nhận thông tin khiến tốn nhiều tiền bạc, không đủ duyên, làm không đúng thì không có thánh nào về ngự cả.

Những người có căn mà phải trình đồng mở phủ là người có cơ duyên với nhà thánh, có bóng thánh và nhiều sự đã linh ứng. Đôi khi họ còn nhận được sự báo trước tới ngày tới tháng là phải ra như một sự sắp đặt không có gì cản được. 
 
Hơn nữa, người có căn trước hết đều có những dấu hiệu để báo hiệu như ốm đau quặt quẹo khám thuốc mọi nơi không ra bệnh, nói chung đây là những thứ bệnh âm. Vái bệnh tứ phương không khỏi, làm ăn thất bát, kinh tế trì trệ.
 
Dân gian thường gọi là cơ đày, phải ra hầu đồng thì sức khỏe hồi phục, công việc tiến triển dần dần. Hàng năm đến dịp tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ thì các cô và cậu ra trình đồng bằng các lễ Lên đồng.
 
Tóm lại tùy vào người đó có bóng căn của ai, căn ông Hoàng Bảy, hay căn cô Chín, cô Bơ đều sẽ có những dấu hiệu khác nhau. Rồi đến đúng ngày đúng tháng, được mở đường dẫn lối đi đúng hướng, mọi sự sẽ dần khởi sắc.
 

3.3 Đừng dùng căn số cho mục đích kinh doanh 


Ngày nay nhiều người hát chầu văn tại các buổi hầu đồng chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu “kiếm cơm” chứ không thực sự là người có căn, người ta chỉ cần học lỏm một vài làn điệu cơ bản qua băng đĩa, hay ở các buổi hầu đồng khác rồi thả sức “hành nghề”. 

Sự thật là hiện nay, có tới 80% thanh đồng không hiểu đạo Mẫu là gì. Họ là người thực hành nghi lễ mà không hiểu gì về nguồn gốc của nó thì dễ làm lệch lạc, méo mó văn hóa tín ngưỡng này.
 
Chính vì không hiểu và bản thân cũng không phải là người có căn nên vô tình khiến những việc như thế làm cho văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu đang bị thương mại hóa. Việc sút giảm niềm tin vào bản thân vào cộng đồng khiến không ít người dễ đi tìm chỗ dựa và niềm tin từ các lực lượng siêu nhiên qua hầu đồng.

Họ chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt, một phong trào cuồng tín. Họ sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng cho một lần hầu đồng. 

Nếu đã hiểu căn cô Chín là gì họ sẽ hiểu rằng đây là vấn đề trả nghiệp của một cá nhân nào đó. Họ ở kiếp này với sứ mệnh giúp người chứ không phải là mong cầu vật chất, tiền bạc cho mình. Chớ nên "buôn thần, bán thánh" lợi dụng một khả năng thần bí rồi mang ra mặc cả tiền bạc, kinh doanh hay làm ăn thì theo Nhân - Quả thì hậu quả về sau rất nặng nề.
 

4. Đền thờ cô Chín ở đâu?
 

4.1 Đền cô Chín ở Thanh Hóa

 
Cô Chín rất linh thiêng nên có nhiều nơi thờ phụng, tuy nhiên hầu hết đều là đặt bát hương thờ vọng thánh cô. Thực tế, cô Chín đang được thờ chính tại đền cô Chín Giếng, Thanh Hóa.

Đền Chín Giếng cách đền Sòng Sơn khoảng 2km, là một trong những đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh. Đền hiện thuộc phường Bắc Sơn, Bỉm Sơn, Thanh Hóa. 
 

4.2 Đền thờ cô Chín ở Hà Nội

 
Dưới đây là danh sách một số đền cô Chín ở Hà Nội dành cho những con hương nhất tâm muốn đến vái lạy tại đền. 
  •  Đền Kim Giang, 122, Kim Giang, Phường Đại Kim, Quận Hoàng Mai, Thành phố Hà Nội
  •  Đền Mẫu Sòng Sơn, 35 Tôn Đức Thắng, Phường Hàng Bột, Quận Đống Đa, Hà Nội
  •  Miếu Cô Chín Giếng, 86 Hào Nam, Phường Chợ Dừa, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
  •  Miếu Cô Chín, Ngõ Lan Bá, Phường Trung Phụng, Quận Đống Đa, Hà Nội
  •  Miếu Thờ Cô Chín, Gia Quất – 32 Ngõ 29 Thượng Thanh, Thượng Thanh, Long Biên, Hà Nội. 

5. Cầu gì và chuẩn bị gì khi đi đền cô Chín?
 

5.1 Ngày lễ hội đền cô Chín

Cau gi khi di den co chin
 
Bạn có thể thăm đền cô Chín bất kỳ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, có 2 ngày quan trọng được xem là hội chính sau đây: 

Đền Cô Chín thường tổ chức lễ hội thường niên vào ngày 26/2 và ngày 9/9 Âm lịch được rất nhiều người quan tâm. Người đến với đền chủ yếu để cầu bình an, tài lộc.
  • Đến đền vào ngày 26/2 Âm lịch bạn sẽ được tham dự lễ hội rước kiệu từ đền Sòng Sơn đến đền cô Chín rồi sang đèo Ba Dội.
  • Ngày 9/9 Âm lịch là ngày hội chính của Đền nên các nghi thức tế lễ thường rất đông người tham gia.
     

5.2 Cầu gì khi đi đền cô Chín?

 
Cô Chín là tiên giáng trần nên có nhiều quyền phép tuy nhiên không phải việc gì cô cũng có thể giúp. Dù cô có lòng thương người bao la và luôn giúp đỡ dân lành, nhưng cô cũng phải tuân theo quy luật Nhân - Quả nên nếu xin thì ắt phải trả.

Trừ khi bạn quá khó khăn, khổ cực hoặc đến đường cùng thì mới xin cô giúp đỡ cụ thể việc gì đó, còn không thì nên hạn chế việc xin vì sau khi được giúp thì phải trả ơn tương ứng trong nhiều kiếp.

Nhìn chung, nếu có duyên đến đền cô Chín cúng lễ chỉ nên cầu chung chung cho mọi người được bình an, cầu cho gia đình khỏe mạnh, mọi việc tốt lành, xuôi chèo mát mái. 
 

5.3 Cách sắm lễ cô Chín
 

Muốn xin cô ban tài phát lộc thì cần sắm lễ tuy nhiên lễ này rất khác với lễ trình đồng mở phủ. Nếu bạn muốn dâng lễ lớn cho một mục đích nào đó nên tham khảo ý kiến các thầy đồng có uy tín. 

Sắm lễ vật để viếng cô Chín đều có thể dùng lễ chay và lễ mặn, cũng không cần phải cầu kỳ, mâm cao cỗ đầy. Lòng thành không thể hiện ở mâm cỗ. 
 
Người ta thường sắm lễ cơ bản gồm 12 quả cau, 12 lá trầu và 9 bông hoa hồng. Còn một mâm lễ đầy đủ dâng Cô sẽ gồm một đĩa hoa, một đĩa quả nhiều loại, một cơi trầu, quả cau, cút rượu, xôi thịt, giấy tiền, thẻ hương, cánh sớ.

Tuy nhiên vì cô Chín là người thích hoa, nhất là những loài hoa có màu hồng, đỏ do đó trong lễ vật bạn nên cho thêm hoa. 
 
Bạn cũng có thể cân nhắc tiết kiệm đồ lễ và dùng tiền đó đóng góp vào thùng công đức, làm công quả hoặc làm từ thiện cũng sẽ rất tốt.

Sau khi dâng những thức lễ này trên ban thờ thánh, bạn chờ hết một tuần hương rồi hạ lễ. Riêng cánh sớ và giấy tiền đem đi hóa tại nơi hóa sớ của đền. 
 

6. Văn khấn cô Chín

  
Bạn có thể tham khảo những mẫu văn khấn Cô Chín dưới đây.
 
Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)…
 
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương… 
Con lạy Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế… 
Con lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh… 
Con lạy Tam Vị Thánh Mẫu… 
Con lạy Hội đồng Trần Triều Hiển Thánh… 
Con lạy Hội đồng Chúa Bói, Chúa Chữa, Chúa Mán, Chúa Mường… 
Con lạy Ngũ Vị Tôn Quan… 
Con lạy Tứ Phủ Chầu Bà… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Hoàng… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Cô…
 
A Di Đà Phật – Con lạy Cô bé bản đền Cảnh Xanh Linh Từ…
 
Ngày hôm, hương tử con… ngụ tại… nhất tâm tưởng, vạn tâm thành về bản cảnh đây, tờ tiền giọt dầu nén nhang (lễ mọn lòng thành) dâng lên cửa Phật, cửa Thánh, cửa Cô. Con xin Thánh Cô anh linh hiển hiện ngự về bản cảnh đây chấp lễ, chấp bái, chấp kêu, chấp cầu cho hương tử con nơi cõi thế được thỏa lòng ước mong…
 
Là để xin Thánh Cô………………………………………………………………….
 
A Di Đà Phật – Con lạy Tứ phủ Đức Thánh Cậu…
 
Con lạy Năm dinh quan lớn, Mười dinh các quan… 
Con lạy Thanh Xà Đại Tướng – Bạch Xà Đại Quan… 
Con lạy Chư vị Chúa cai bản đền, Quan cai bản điện… 
Con lạy Chư vị Thành Hoàng Bản Thổ, Chư vị Thần thổ ngự tại dải đất này…
 
Hương tử con nhất tâm 1 lòng, tòng 1 đạo, nhất tâm trí thiết, nhất dạ chí thành, đêm tưởng ngày mong, tu thiết hương, hoa, đăng, trà, quả, thực cung thỉnh kính mời chư vị tiên thánh giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật. Đệ tử con mang miệng về tâu, mang đầu về bái, để cúi xin……………..
 
Tâm con các Ngài hay, lòng con các Ngài thấy… Kính xin Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh anh linh chứng giám…
 
Dạ con Nam Mô A Di Đà Phật… 
 

Mẫu văn khấn Cô Chín cho những người sát căn Cô Chín
 

Con Nam Mô A Di Đà Phật (3 lần)… 
 
Con lạy chín phương trời, con lạy mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương… 
Con lạy Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế… 
Con lạy Tam Phủ Công Đồng, Tứ Phủ Vạn Linh… 
Con lạy Tam Vị Thánh Mẫu… 
Con lạy Hội đồng Trần Triều Hiển Thánh… 
Con lạy Hội đồng Chúa Bói, Chúa Chữa, Chúa Mán, Chúa Mường… 
Con lạy Ngũ Vị Tôn Quan… 
Con lạy Tứ Phủ Chầu Bà… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Hoàng… 
Con lạy Tứ Phủ Đức Thánh Cô…
 
Ngày hôm nay con mang miệng về tâu mang đầu về bái yết trước cửa nhà ngài, trước cửa Mẫu cửa Cô. Con lòng thành dâng lên hoa trà quả thực ( đọc như thế nếu là đồ chay) hoặc trên chay dưới mặn (nếu có cả đồ mặn), kính cẩn dâng lên bề trên, kính mong bề trên soi xét cho con. 
 
Đầu con còn xanh tuổi con còn trẻ, văn con không hay chữ con không giỏi, con chỉ có tấm lòng thành mà nhất tâm cửa Phật thật tâm cửa Thánh, về đây dập đầu trước bề trên. 
 
Nếu con có làm gì sai phạm mong Mẫu mong Cô giơ cao đánh khẽ cho con, khai sáng tâm trí cho con để con biết đường mà lội biết lối mà đi.
 
Con mong bề trên giáng li giáng lai giáng báo cho đệ tử họ…. con là ……(đầy đủ họ tên) biết được thế nào là quyền ngài phép thánh
 
Cho con được biết con phải đi đến đâu, phải làm thế nào để hiểu được con đường tu tập 
Cho con gặp được đồng anh lính chị, đồng thầy đạo quan dẫn dắt con trên con đường đạo lối 
Để con có thể an tâm an tính con tu tỉnh làm ăn; cho con có ngân có xuyến có sức khoẻ dồi dào 
Để con kiếm được đồng tiền bát gạo; để con có thể báo đáp công ơn phụng dưỡng mẹ cha và tỏ tường phụng sự tiên thánh.  
Tâm con các Ngài hay, lòng con các Ngài thấy… Kính xin Chư Phật, Chư Tiên, Chư Thánh anh linh chứng giám…
 
Dạ con Nam Mô A Di Đà Phật…
 
Khi đi lễ Đền cô Chín, nếu như thuộc bài văn khấn thì là một điều tốt. Tuy nhiên, nếu như chưa thuộc thì bạn cũng vẫn phải thật thành tâm, nghĩ sao nói vậy, không gian dối để cô Chín chứng cho.

Hãy luôn giữ cho mình một cái tâm hướng thiện để thần thánh sáng soi, phù hộ cho bạn và gia đình. 

Xem thêm tin liên quan cùng chuyên mục:

Tin cùng chuyên mục

X