BÁT CHÁNH ĐẠO là gì? Vì sao nó có thể làm tan biến mọi khổ đau trên đời này?

Thứ Tư, 16/11/2022 14:07 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Khi tìm hiểu rõ bát chánh đạo là gì bạn sẽ nhận ra chúng vô cùng gần gũi, thân thuộc, không hề mang màu sắc tâm linh mờ ảo và đặc biệt không hề mê tín.
Mục lục (Ẩn/Hiện)

1. Bát Chánh Đạo là gì?


Bát Chánh Đạo còn có những cái tên khác như Bát Thánh Đạo hoặc Bát Chính Đạo, là bản tóm tắt ngắn gọn nhất về cách thực hành lời dạy của Đức Phật để dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi, đạt tới trạng thái niết bàn.

Nó có mối quan hệ mật thiết với Đạo Đế và là con đường cổ xưa của Phật giáo, là con đường gồm 8 chi, không phải là 8 bước như trước đây. Tám chi này được chia thành 3 yếu tố về mặt đạo đức, trí tuệ và cuối cùng là tinh thần.
 
Tám chi Bát Chánh Đạo gồm: Chánh Kiến, Chánh Niệm, Chánh Định, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Ngữ, Chánh Tư Duy và cuối cùng là Chánh Tinh Tấn.

 
Đặc biệt, trong Phật pháp, 8 con đường này còn được khắc họa như chiếc bánh xe có 8 nan hoa tựa như bánh xe cuộc đời của mỗi con người. Chỉ khi đi hết những nan hoa ấy thì mới có thể tiến thẳng đến bờ cõi an lạc, vô cực. 
 
Trong triết lý của Phật giáo, Bát Thánh Đạo không hề mang màu sắc vô thực, hư dối mà nó hoàn toàn thân thuộc trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Nó gắn liền với khổ đau mà chúng ta đang phải đối diện mỗi ngày, mỗi giờ dù ta có muốn hay không.

Khi nhận diện ra nó, chúng ta thường có mong muốn tìm cách để thoát ra khỏi chúng, có được cuộc sống an yên, cực lạc. Vì vậy, Bát Chính Đạo không phải chỉ cứu cánh của những người tu tập mà còn có thể áp dụng vào đời sống thường ngày của tất cả mọi người. 
 
Đức Phật từng thuyết giảng vô cùng chi tiết về Tứ diệu đế để chỉ cho chúng sinh thấy rõ thực tế khổ đau của cuộc sống. Sự thật ấy quả thật rất dễ hiểu, gần gũi vì không ai là không phải trải qua. Sau đó Ngài chỉ ra cách diệt khổ bằng Bát Chính Đạo nêu trên với nội dung cực kỳ thiết thực.

2. Lý giải 8 con đường Bát Chính Đạo  


2.1. Chánh kiến


 
Chánh là ngay thẳng, đúng đắn. Kiến là nhận thấy, nhận biết. Ta có thể  hiểu chánh kiến là thấy, nghe, hay, biết một cách đúng đắn, công minh, đúng với sự thật khách quan, mọi sự vật, hiện tượng như thế nào thì thấy rõ như thế đó.

Theo lời Phật dạy một người có chánh kiến là người hiểu lý nhân quả, không còn nghi ngờ, tức là thấy biết tất cả mọi hành động lành hay dữ, sẽ cho ra kết quả tốt hay xấu của mình.

Sự thấy biết đúng này không chỉ do học từ sách vở hay suy tư, phân tích bằng trí thức mà còn là kết hợp với sự trải nghiệm, và nhờ vào sự chứng ngộ của bản thân do tu tập đúng pháp. Vì thế, nó không phải là sự thấy đơn thuần như mắt thường mà phải là cái thấy đúng như thật, có nghĩa là thật biết thật, giả biết giả.
 
Một người được cho là có chánh kiến luôn luôn lúc nào cũng biết phân biệt và kiểm soát chặt chẽ các mặt hoạt động của thân và tâm. Khi đó họ có thể nhìn mọi sự vật hiện tượng như bản chất chân thật thay vì nhìn qua lăng kính vọng tưởng thông thường của thế gian.

Ví dụ một người chia tay, ly hôn thì giận dữ bảo rằng do người kia xấu xa hoặc phản bội, nhưng một người có chánh kiến hiểu rằng mối quan hệ của hai người cũng thuận theo sự vô thường như vạn vật khác, có hợp ắt có tan.

Từ đó, họ dần dần thoát khỏi được nỗi khổ thất tình, tự tin bước sang một giai đoạn khác của cuộc sống của mình. Có thể thấy, nhờ có chánh kiến mà ta có được suy nghĩ và hành động đúng đắn. 

Tương tự như việc chúng ta có lòng tin vào nhân quả nên cố gắng sống tốt, biết rằng con người luân hồi nên có khi đời trước, chúng ta có khi làm lành, có khi làm dữ, nên thân này có khi được vui vẻ, hạnh phúc, có lúc bị phiền muộn, khổ đau. Thế nên hiện tại mình phải nỗ lực tu hạnh lành, để chuyển hóa và thay đổi những nghiệp xấu ác trước nhẹ bớt. 
 

2.2 Chánh tư duy

 

 

Chánh tư duy là suy nghĩ, xem xét, suy tư, bằng sự ý thức của mình một cách đúng đắn, là thanh lọc tâm để loại trừ những tư tưởng bất thiện đang nảy nở trong tâm mình, như là dọn cỏ hoang dại đang sống trong vườn tâm của mình vậy.

Chánh tư duy cực kỳ quan trọng vì khi ý nghĩ đúng nó sẽ đoạn tuyệt những sai lầm tiếp theo liên quan đến lời nói và hành động.

Nếu như chánh kiến nói về khía cạnh nhận thức thì chánh tư duy nói về khía cạnh của sức mạnh tinh thần (ý chí) điều khiển mọi hành động của bản thân.

Có thể thấy người ăn xin hay kẻ ăn trộm cũng có lý lẽ và hạnh phúc riêng của họ. Nguyên nhân của sự khác biệt đó là do khác nhau về mặt nhận thức. Nếu nhận thức đúng thì nó cho chúng ta kết quả hạnh phúc hợp lý lâu dài, nếu là sai lầm, lẽ tất nhiên kết quả mang lại là một hạnh phúc ngắn ngủi. 

Vì thế, một người có chánh tư duy là có suy nghĩ hợp lý, chân chính, đúng với lẽ phải, do có nghiệm xét, có nghĩa là suy tư phù hợp với nguyên lý duyên khởi, vô thường, vô ngã. Những suy nghĩ đó không chỉ phù hợp chân lý mà còn khi đem áp dụng vào trong đời sống hằng ngày có lợi ích thiết thực cho mình và người khác. 

Bất cứ vấn đề gì, khi chúng ta suy tư về nó một cách hợp lý, thì nó sẽ cho chúng ta cách giải quyết hợp lý. Ví dụ như một người thường suy tư, quán chiếu tại sao con người phải chịu nhiều phiền muộn, đau khổ, bất hạnh trong đời... Từ đó họ đi tìm câu trả lời cho nó bằng cách tìm hiểu thông tin, so sánh, chiêm nghiệm... dần dần biết rằng đó là do chấp ngã là ta, là của ta, nên cuối cùng chuốc lấy khổ đau. Qua đó, ta cũng có thể bắt đầu rút kinh nghiệm để thay đổi bản thân từng ngày.
 

2.3 Chánh ngữ


 
Chánh ngữ hay còn được hiểu là lời nói chân chính, đúng đắn bao gồm nói lời thành thật, không nói lời giả dối nhằm mục đích để lường gạt mọi người, không nói lời xấu ác, không nói lời thêu dệt vu khống, không nói lời vô nghĩa thị phi. Tóm lại, lời nói chính ngữ là lời nói chân thật, hòa nhã, mềm mỏng và có ý nghĩa thực sự.
 
Thế nhưng việc nói ra những lời đúng, lời hay không hề dễ dàng, ta được khuyên phải "uốn lưỡi 7 lần trước khi nói" cũng vì lý do này. Trong kinh Phật dạy: “Nói một lời đúng chánh pháp giúp cho người nghe cảm thấy an ổn, nhẹ nhàng, hơn là nói tràng giang đại hải mà không có lợi ích gì cho ai”. 

Theo Phật giáo chánh ngữ không phải là thấy như thế nào nói như thế ấy, kinh nói sao mình nói vậy là chánh. Ví dụ như muốn biết một lời nói thẳng có phải khẩu nghiệp hay không, cần xét đến hai yếu tố: ĐỘNG CƠ và KẾT QUẢ vì về cơ bản những gì chúng ta nhìn thấy trước mắt chưa thể đánh giá được điều gì cả.

Khi chúng ta muốn phát biểu một vấn đề, ta cần phải cân nhắc vào vấn đề cần nói, coi lúc này đã hợp thời chưa. Khi nói, ta cần phải xem xét lại vấn đề mình muốn nói đó có đúng với sự thật hay không, nếu chưa biết chính xác thì không nên nói.

Trước khi muốn phát biểu lời nói nào, ta cần phải cân nhắc xem lời nói ấy có lợi ích, hay ảnh hưởng không tốt trong hiện tại và mai sau hay không. 
 
Chánh ngữ là lời nói hợp với chánh pháp, có lợi ích, đem lại an vui, hạnh phúc, bình yên cho nhiều người.  Theo đó, lời nói chân chính luôn giúp mọi người sống an vui, hạnh phúc.  
 

2.4 Chánh nghiệp


 
Chánh nghiệp là việc làm chân chính, đúng đắn, phù hợp với lẽ phải, đúng với chân lý; ở đây cũng có nghĩa là việc làm phù hợp nguyên lý duyên sinh, nên lúc nào cũng được lợi ích cho mình và người.

Nghiệp ở đây bao gồm các thứ như nghề nghiệp, sự nghiệp, gia nghiệp, chức nghiệp, thương nghiệp, nghiệp vụ. Đó là những công việc chúng ta dùng để làm phương tiện nuôi sống bản thân và gia đình.

Theo đó, những nghề nghiệp làm để kiếm sống phải nhớ không giết hại sinh vật, không trộm cướp, không tà dâm. Đó là hành động sai lầm khiến chúng ta trầm luân trong khổ ải không biết khi nào mới chấm dứt.

Ngoài ra, còn có nhiều nghề không được tốt khác nữa, như là mua bán vũ khí, các chất độc hại… nói chung là những nghề mang tính chất nguy hiểm cho con người và xã hội. 

Còn những ai biết thận trọng, giữ gìn mọi hành động thuận theo lý duyên sinh, chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt, không làm tổn hại đến quyền lợi, hạnh phúc của người khác.

Đức Phật dạy về vai trò của bố mẹ với con cái có nhắc đến tạo điều kiện cho con có công ăn việc làm giúp ích cho xã hội. Và đó là khi bố mẹ nên định hướng chánh nghiệp cho con.
 
Nghề nghiệp chân chính là những nghề nghiệp nuôi mạng sống con người như làm ruộng, trồng hoa màu, các loại cây ăn trái, làm ra thức uống tinh khiết, nghề giáo dục, bác sĩ, bác học, khoa học, tâm linh. Ngược lại, dối trá, lừa đảo bằng nhiều hình thức để mưu cầu lợi ích cá nhân, mặc kệ sự tác hại của nó về lâu, về dài, là những nghề nghiệp làm tổn hại cho nhân loại.
 

2.5 Chánh mạng

 
 
Chánh mạng là cuộc sống chân chính. Khi chánh nghiệp là việc làm không ảnh hưởng và tổn hại đến người vật, thì chánh mạng lại tập trung vào cuộc sống phù hợp tương tự theo đó, hai điều này sẽ hỗ trợ cho nhau.

Cụ thể, một người có chánh mạng là họ nỗ lực, chăm chỉ trong các công việc (chánh nghiệp) mà họ đang làm mỗi ngày nhằm giúp ích cho đời, xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện hay gây hại mang sống của chúng sinh.
 
Từ đó mỗi ngày ta đều làm những việc lương thiện, ngay thẳng, trong sạch, có tính đóng góp, phục vụ lợi ích cho tất cả mọi người... đó là mạng sống chân chính. 
 
Người biết giữ gìn chánh mạng là người biết sống một đời có ý nghĩa, không bao giờ biết làm tổn hại cho ai. Sống bằng sự lao động chân tay hoặc trí óc thánh thiện và giúp đỡ nhân loại bằng tình người trong cuộc sống.

Ví dụ như một người thực hành đúng chánh mạng thì thân tâm người ấy được thanh tịnh, nhờ vậy mà tâm vị ấy được cởi mỡ, không cố chấp, nếu có lỗi lầm gì sẽ tìm đến vị đạo sư hay người thiện tri thức để sám hối và xin lời chỉ dạy. Sau đó họ thực hành sửa sai và cố gắng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
 

2.6 Chánh tinh tấn


 
Chánh tinh tấn là là sự nỗ lực chân chánh, có ý nghĩa, lợi ích cho mình và người. Tinh tấn là nền tảng căn bản giúp ta biết cách từ bỏ sự nản chí, bất mãn, lười biếng, nhờ vậy các việc xấu, tội lỗi không có cơ hội phát triển. Tinh tấn là sự rèn luyện tâm linh cao thượng qua những việc làm chân chính, bởi vì đó là những hành động mang lại an vui, hạnh phúc cho bản thân, gia đình và xã hội.
 
Mục đích giáo dục của đạo Phật là tìm kiếm sự an lạc, hạnh phúc, giác ngộ và giải thoát, nhờ ta siêng năng dứt trừ các điều ác từ trong ý nghĩ, hay làm việc thiện ích để giúp đỡ tha nhân. Nghĩ về sinh tử cùng với giáo lý nhân duyên mà nỗ lực thực hành tinh tấn, không lười biếng, giữ vững tâm ý. 
 
Làm việc gì muốn thành công cũng cần có rất nhiều nỗ lực, thế nhưng một người không có chánh tinh tấn thường tạo ra những kết quả gây hại cho người khác. Ví dụ như một nhà khoa học được xem là người giỏi nhưng nếu họ tạo ra những chất độc hại người thì không đủ tinh tấn.

Theo đó, những nỗ lực nào hướng đến tham lam ích kỷ, oán giận, thù hằn, hay si mê, dại dột, làm đều bất chính, thì không được gọi là chánh tinh tấn. 
 
Ngược lại, những người siêng năng tinh cần, nỗ lực không biết mệt mỏi trong việc tu tập, sẽ có được năng lực chuyển hóa để tự mình thoát khỏi những cám dỗ có tính cách làm tổn hại người vật, và giúp mình thoát khỏi xiềng xích ngục tù của tội lỗi.
 

2.7 Chánh niệm

 
 
Chính niệm là tỉnh giác, khi đó ta hoàn toàn chú tâm và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Chính niệm giúp đẩy lùi những vọng tưởng, suy diễn, có thể nhìn nhận sâu sa bên trong của sự vật hiện tượng.

Một người có chánh niệm sẽ muốn bỏ dục vọng; ước mong xuất gia; không sân hận; không phẫn nộ; không có ý làm hại người. 
 
Ta luôn tỉnh thức để quán sát bản thân, nhận biết rõ ràng từ ý nghĩ, lời nói, hành động, như thế nào mình biết như thế ấy; ta tham ta biết ta tham, ta si ta biết ta si, khi đang ăn, ta biết mình đang ăn, khi đang ngồi, ta biết mình đang ngồi, và cứ như thế mọi việc đều như vậy. 
 
Chúng ta phải thực tập chánh niệm trong đời sống hằng ngày, ta biết mình đang nghĩ gì, nói gì và làm gì? Ta cần phải biết cách làm chủ bản thân trong đời sống và không bị lôi kéo bởi những hoàn cảnh xấu dữ, làm ảnh hưởng đến sự tu tập chánh niệm tỉnh giác. 

Chúng ta đừng lầm hai chữ chánh niệm với chánh tư duy. Tư duy là sự suy tưởng, trong khi niệm là sự nhớ nghĩ, trái với sự quên lãng. Chánh niệm là một phương pháp tu luyện rất mầu nhiệm của đạo Phật.
 

2.8 Chánh định

 
 
Chánh định là thiền định chân chính, thấu rõ mọi hiện tượng, sự vật, là sự định tĩnh, tinh thần trong sáng, thanh tịnh.

Chánh định còn được hiểu là Thiền Quán, có nghĩa là soi sáng mọi sự vật mà không bị sự ngăn ngại. Ví dụ như khi ta nghĩ về sinh tử, dừng so sánh; dừng vọng tưởng, để không gây ra tội lỗi, không bị tán loạn. 

Thiền định là sự tập trung tư tưởng vào một vấn đề gì để thấy cho rõ ràng, vào một vấn đề chính đáng, đúng với chân lý, có lợi ích cho mình cho người. Định ở đây không có nghĩa là tư duy hay suy tưởng, mà là những phương pháp tập trung tâm ý và thiền quán, nhằm phát khởi trí tuệ thấy biết đúng như thật.

Mục đích của nó là nhắm đến sự phát triển trí tuệ giác ngộ, giải thoát, nên gọi là chánh định. Chánh định chỉ có được nhờ tinh tấn công phu thiền định. Khi đạt được cấp độ nhuần nhuyễn nhất định, bạn có thể định tâm một cách nhậm vận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

3. Công năng và lợi ích của Bát Chánh Đạo

3.1 Công năng 

  • Hoàn thiện bản thân: Nhờ có Bát Chính Đạo soi đường mà ta biết đâu là cái sai, cái đúng, từ đó tìm cách điều chỉnh hành vi của mình, thân và tâm dần trở nên hoàn mỹ hơn.
  • Biến đổi hoàn cảnh: Chỉ cần có góc nhìn khác là mọi sự đã được thay đổi, hoàn cảnh sẽ biến chuyển theo tâm của ta, nhờ thế mà ta mới luôn có thể nhìn thấy khía cạnh tích cực của mọi việc.
  • Cơ sở cho chánh giác: Khi hiểu được 8 khía cạnh tiêu trừ sự vô minh ở trên, ta bắt đầu có được những nền tảng vững chắc cho sự giác ngộ chân chánh sau này.

3.2 Lợi ích khi thực hành Bát Chính Đạo:

  • Nhờ chánh kiến: Ta tỉnh táo hơn khi nhìn nhận một vấn đề, không dễ dàng bị sa vào mê tín dị đoan. 
  • Nhờ chánh tư duy: Ta biết chọn những suy nghĩ sáng suốt, tốt đẹp, không bị những điều tiêu cực dẫn dụ rồi phạm sai lầm.
  • Nhờ chánh ngữ: Ta biết nói lời hay, lời tốt đẹp đúng lúc có lợi cho mình cũng như những người xung quanh.
  • Nhờ chánh nghiệp: Ta cân nhắc hơn trong việc chọn để làm, chỉ làm những việc có lợi cho mọi người, tránh xa những việc tạo ra nghiệp xấu.
  • Nhờ chánh mạng: Cuộc sống của ta ung dung, tự tại, tránh xa được những tham lam đời thường. 
  • Nhờ chánh tinh tấn: Nỗ lực không ngừng cho mục tiêu cao đẹp ta cũng sẽ hái được nhiều quả ngọt, mang lại niềm vui cho mình, cho người.
  • Nhờ chánh niệm: Những suy niệm về quá khứ đều mang lại sự sáng tỏ, không còn ưu phiền về chuyện đã qua.
  • Nhờ chánh định: Thiền định chân chính mang lại trí huệ, hạnh phúc đích thực.

4. Ứng dụng của con đường Bát Chính Đạo vào đời sống


Tám khía cạnh thực hành khác nhau của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định có mối quan hệ tương hỗ mật thiết và cần được thực hành đồng thời.

Dưới đây là sơ đồ về Lộ trình tâm Bát tà đạo và Bát chánh đạo. So sánh 2 con đường này: (1) là con đường thế gian (bát tà đạo) của người phàm mà ai trong chúng ta cũng đang trên lộ trình đó (có khổ vui, có hạnh phúc đau khổ, có căng thẳng lo âu sợ hãi) và (2) là con đường thực hành chánh niệm (bát chính đạo) để được giải thoát khỏi nỗi khổ.

Bằng cách thay đổi lộ trình TÂM sang con đường mới (vắng mặt phiền não, lo lắng, căng thẳng, không bị chi phối bởi cảm xúc thích hoặc ghét, không có cái tôi/ ta bản ngã), mỗi người chúng ta, dù là ai, ở độ tuổi nào, đang sống trong hoàn cảnh ra sao cũng tìm thấy được sự bình an trong tâm hồn, để cảm nhận mình đã "hết khổ", niết bàn không ở đâu xa xôi, nó nằm ngay trong tầm với của chính bạn.

 
Từ sơ đồ của ta có thể thấy, cùng 1 sự vật, sự việc xảy ra, nhưng đi theo con đường Bát tà đạo thì kết quả cuối cùng có vui có khổ, bị cảm xúc thích/ ghét chi phối, vẫn vướng mắc trong vòng tham, sân, si. Nhưng nếu tu tập theo con đường Bát chính đạo, chúng ta sẽ hết phiền não, tìm thấy sự bình yên trong những hành động, lời nói đúng mực, tử tế, hướng tới cuộc sống hết khổ.

Thế mới thấy, bản chất của hàng ngàn lời thuyết giảng ở khắp nơi trong kinh điển Phật giáo đều nằm gọn trong Bát Thánh Đạo. Theo đó, khi ta tu được Thân - Khẩu - Ý cũng là cách ta đang thực hành Bát Chánh đạo. Chỉ có điều đó mới hứa hẹn ta có thể gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp.
 
Sau hàng nghìn năm, chúng ta đang sống cuộc sống hiện đại với công nghệ đã thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sinh hoạt, cuộc sống no đủ hơn, giàu sang, văn minh hơn,... thế nhưng sự thật là ta vẫn không thể nào thoát khỏi những cảnh khổ mà Đức Phật đã từng nói đến.

Không những thế, những gánh nặng của những nỗi khổ còn càng gia tăng hơn, con người vẫn ngày một bận rộn, càng căng thẳng hơn, nhiều bệnh tật mới phát sinh, lòng tham lam, ích kỉ của con người cũng tăng lên, chiến tranh vẫn còn,...

Vì thế, cách để xóa bỏ những đau đớn, khổ đau theo cách thực hành Bát Chính đạo vẫn còn nguyên giá trị đến tận lúc này cho những ai thực hành nó mỗi ngày. 

Bát Thánh Đạo là những chỉ dẫn của đức Phật về cách thực hành tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, giúp xua đuổi sự vô minh của nhân loại. 

Chúng ta có thể áp dụng Bát Thánh Đạo này để dứt bỏ lòng tham lam, tính vị kỉ… hoàn thiện nhân cách của chính mình. Ví dụ thử xem công việc mình làm đã phù hợp chưa, có đang gây đau khổ, tổn thương ai hay không, nếu câu trả lời là có thì nên tìm hướng thay đổi.

Hoặc mỗi ngày quán chiếu lại việc mình làm, chỉnh sửa từng chút một cho cuộc sống của chính mình nhẹ nhàng và tốt đẹp hơn. Nhưng đừng mong kêt quả đến một cách nhanh chóng, đó là một quá trình lâu dài, kiên nhẫn, làm đi làm lại vì thế luôn đòi hỏi chúng ta phải kiên trì làm theo từng ngày, từng tháng, từng năm.

5. Kinh Bát Chính Đạo


Trụ trì Thiền Tôn Phật Quang - Thượng tọa Thích Chân Quang đã ghi chép lại bài kinh Bát Chính Đạo bằng Việt ngữ để người tụng đọc dễ tiếp nhận và hành trì. 

NIỆM HƯƠNG
Nguyện đem lòng thành kính
Gửi theo đám mây hương
Phảng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo.
Thề trọn đời giữ đạo
Theo Phật Pháp làm lành
Cùng Pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ. 
Tâm bồ đề kiên cố
Chí tu học vững bền
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác.  
 
KỲ NGUYỆN
Hôm nay đệ tử chúng con trì tụng kinh Bát Chính Đạo, nguyện mười phương Chư Phật gia hộ cho đệ tử chúng con tội diệt, phước sanh, thiện căn tăng trưởng, đạo tâm kiên cố, tinh tấn tu hành, cùng pháp giới chúng sanh đều trọn thành Phật đạo.

CÚNG HƯƠNG
Giới hương định hương dữ huệ hương
Giải thoát, giải thoát tri kiến hương
Quang minh vân đài biến Pháp giới
Cúng dường thập phương Tam Bảo tiền
Nam mô hương cúng dường Bồ Tát (3 lần). 
 
TÁN THÁN PHẬT
Đấng Pháp vương vô thượng
Ba cõi chẳng ai bằng
Thầy của khắp trời người
Cha lành chung bốn loại.
Nay con nguyện quy y
Diệt trừ vô lượng tội
Dâng lên lời tán thán
Ức kiếp vẫn khôn cùng.

Con thì vô nghĩa Phật vô biên
Cảm ứng sâu xa rất diệu huyền
Một chỗ dung thông vô lượng cõi
Mười phương chư Phật hiện toàn thân
Con như quỳ trước từng Đức Phật
Cúi đầu đảnh lễ đến vô biên.  
 
LỄ PHẬT
Chí tâm đảnh lễ, Nam Mô Thích Ca Mâu Ni Phật và Mười Phương Phật. (1 lạy)
Chí Tâm đảnh lễ, Nam Mô những Kinh thiên Thế Tôn dạy và Mười Phương Pháp. (1 lạy)
Chí Tâm đảnh lễ, Nam Mô Thánh Tăng theo Thế Tôn học và Mười Phương Tăng. (1 lạy)
 
KHAI KINH
Pháp vi diệu rất sâu vô lượng
Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
Con nay nghe được xin trì tụng
Nguyện hiểu Như Lai nghĩa nhiệm mầu.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
 
KINH BÁT CHÍNH ĐẠO 
Kính lạy Đấng Chánh Giác
Như vầy con đã nghe
Tại Lộc Uyển rừng xanh
Sau khi vừa chứng ngộ. 
 
Thế Tôn đến tận chỗ
Hóa độ rất tận tình
Cho nhóm Kiều Trần Như
Đều thành A la hán. 
 
Sau khi khuyên năm vị
Khéo giữ ý trung dung
Phật dạy lẽ tột cùng
Bài kinh Tứ Diệu Đế. 
 
Ai hiểu đời là Khổ
Tức là đã hiểu rằng
Có một cõi Niết Bàn
Vượt ra ngoài sinh tử. 
 
Ai hiểu đời là khổTức là phải hiểu rằng
Khổ phải có nguyên nhân
Bởi Vô minh Ngã chấp. 
 
Ai tin có Giải thoát
Tức là phải tin rằng
Phải có một con đường
Đi về nơi cao thượng. 

Kính lạy Đấng Chánh Giác
Muôn đời con tôn thờ
Đường Bát Chánh bao la
Dẫn về nơi Giác ngộ.  

Thứ nhất là Chánh Kiến
 
Là hiểu được đường đi
Của Nhân Quả chi li
Từ đời này đời khác.

Nghiệp một lần gây tạo
Thành quả báo về sau
Chẳng biết lâu hay mau
Nhưng không hề nhầm lẫn.

Rồi tột cùng Giác ngộ
Là Vô ngã hoàn toàn
Thành tuyệt đối vị tha
Từ bi và Trí tuệ

Vô số điều đạo lý
Khắp pháp giới bao la
Càng lúc càng hiểu ra
Theo tháng ngày tu tập. 

Chánh Tư Duy kế tiếp
 
Là xây dựng tâm hồn
Thành đạo đức hiền lương
Theo từng lần tác ý
Khi khởi tâm bất thiện
Là quyết chí diệt trừ
Biết hối hận ăn năn
Biết canh phòng lần khác.

Khi đối duyên tiếp cảnh
Luôn tác ý thiện lành
Tự nhắc chẳng có ta
Để mà tham mà giận.

Thường tự răn tự nhắc
Phải biết sống vị tha
Luôn cung kính ái hòa
Không khoe khoang kiêu mạn.

Thường khởi tâm tôn kính
Mường Phương Phật Pháp Tăng
Như ngưỡng vọng cao sơn
Còn mình như bụi rác.

Thường khởi tâm ban rải
Từ bi khắp nơi nơi
Địa ngục hay cõi trời
Cả cỏ cây vạn loại.

Tự nhắc mình tránh khỏi
Những ô nhiễm thấp hèn
Giữ giới hạnh sạch trong
Theo gương bao bậc Thánh.

Càng ngày càng tinh tế
Kiểm soát tâm ý mình
Phát hiện những điều sai
Nhỏ như là sợi tóc. 
 
Thứ ba là Chánh Ngữ
 

Là làm chủ từng lời
Để rơi vào lòng người
Toàn những điều cao đẹp.

Chẳng có gì tốn kém
Chẳng vất vả công lao
Nhưng tội phước rất nhiều
Mỗi khi lên tiếng nói

Đừng chê bai bừa bãi
Kẻo xúc phạm bậc hiền
Nhiều kiếp tổn phước duyên
Có khi sinh cầm thú.

Cố gắng khen người tốt
Khen cho người khác nghe
Để mọi người phát tâm
Rồi hướng theo điều thiện.

Luôn ngợi ca Phật Pháp
Kiên nhẫn độ từng người
Về với bóng từ bi
Để rời xa đau khổ.

Hay nói về Nhân Quả
Về nhiều kiếp luân hồi
Cho người biết tin sâu
Mà làm lành lánh dữ.

Không nói điều dơ bẩn
Không nói điều khen mình
Không nói điều đua ganh
Không nói điều giả dối

Vô số điều phải nói
Tạo nên công đức lành
Nên cẩn thận thông minh
Khi cất lời mở miệng. 

Thứ tư là Chánh Nghiệp
 
Là vô số việc làm
Rất cụ thể lợi tha
Yêu thương và giúp đỡ.

Không làm điều ác độc
Gây đau khổ chúng sinh
Chỉ làm những việc lành
Cho chúng sinh an lạc

Có khi là lui lại
Nhường người tốt tiến lên
Có khi là bước lên
Gánh lấy điều nặng nhọc

Có khi là nghiêm khắc
Ngăn kẻ xấu làm sai
Có khi là ra tay
Giúp những ai hành thiện

Dù còn trong khốn khó
Vẫn cố gắng không ngừng
Làm từng chút việc lành
Đắp xây nền công đức

Rất siêng năng lễ Phật
Sám hối nghiệp nghìn xưa
Việc bất thiện ngăn chừa
Điều thiện lành chất chứa

Bồ tát thường gián tiếp
Giúp mà không ai hay
Nên phước giữ tròn đầy
Để chia cho tất cả

Biết bao nhiêu việc tốt
Khắp ba cõi sáu đường
Là Chánh nghiệp phi thường
Thành vô biên phước báo.   
 
Thứ năm là Chánh Mạng
 
Là nghề nghiệp mưu sinh
Nuôi sống bản thân mình
Qua kiếp người tạm bợ.

Nhờ phước từ Chánh Nghiệp
Nên người được tự do
Chọn nghề nghiệp sao cho
Phước lành sinh thêm mãi

Nghề tốt phải gồm đủ
Hai yếu tố sau đây
Là tạo phước từng ngày
Có thời gian tu tập

Riêng tỳ kheo tu sĩ
Chỉ khất thực xin ăn
Chớ suy tính kinh doanh
Mà sai đường xuất thế

Nhưng sa môn khất thực
Không luồn cúi thấp hèn
Mà đĩnh đạc uy nghi
Bất cần và thanh thản
Đem cuộc đời thanh tịnh
Giáo hóa khắp chúng sinh
Đổi lấy bát cơm lành
Ung dung đường thiên lý.

Sáu là Chánh Tinh Tấn
 
Thực hành cách nhiếp tâm
Trong thiền định thậm thâm
Vô vàn điều gian khó.

Lúc này tâm chưa nhiếp
Vọng tưởng còn chập chùng
Thân đau mỏi không ngưng
Nhưng không hề thoái chí.

Có khi là thân quyến
Gây trở ngại đủ điều
Hoặc bệnh tật triền miên
Nạn tai không lường hết.

Dù còn nhiều chướng ngại
Nhưng hành giải vững lòng
Như núi đá ung dung
Giữa bão giông sấm sét.

Lòng dặn lòng đã quyết
Dù trăm kiếp ngàn đời
Tinh tấn mãi không thôi
Đi về nơi Vô ngã

Ngồi kiết già phu tọa
An trú khắp toàn thân
Cảm giác khắp toàn thân
Thân nghiêm trang bất động

Rồi nhẹ nhàng quán chiếu
Thân tạm bợ vô thường
Già bệnh chết thảm thương
Theo bụi xương bay mất

Biết thân này đang thở
Thân này đang thở vào
Thân này đang thở ra
Rõ ràng từng chút một.

Mỗi phút giây cuộc sống.
Vẫn an trú toàn thân
Vẫn nhớ thân Vô thường
Đêm ngày không gián đoạn.

Bảy là vào Chánh Niệm
 
Tâm tỉnh giác rỗng rang
Lòng thanh toát nhẹ nhàng
Nhưng vẫn còn niệm khởi

Nhờ vào sức tỉnh giác
Hành giả kiểm soát tâm
Không mờ mịt mê lầm
Chạy theo ngoài thanh sắc.

Hành giả biết tác ý
Theo Vô ngã Từ bi
Gắng diệt trừ sân si
Tâm càng thêm đạo đức

Dù bắt đầu an lạc
Nhưng chỉ mới bắt đầu
Chưa phải đã vào sâu
Trong cõi thiền vi diệu.

Như đi trên băng mỏng
Hay chông nhọn than hồng
Xin cẩn thận vô cùng
Lúc này đầy nguy hiểm

Nếu sai lầm tác ý
Với kiêu mạn ngấm ngầm
Len lỏi trong nội tâm
Ắt có ngày điên loạn.

Càng thêm Tôn kính Phật
Đến tuyệt đối vô biên
Nguyện thân mạng cúng dường
Lên Mười Phương Tam Bảo

Hành giả còn vất vả
Mấy mươi kiếp tái sinh
Lên xuống giữa trời người
Mới hết đường Chánh Niệm

Diệt trừ Năm Triền Cái
Nóng giận và Tham lam
Trạo cử với Hôn trầm
Thứ năm là Nghi hối

Với thời kỳ mạt pháp
Người tu đến chỗ này
Nhầm tưởng đã đủ đầy
An trú nơi thánh quả.

Có khi bị ảo giác
Hiện đủ điều lạ kỳ
Khiến kiêu mạn hoang mang
Để rồi vỡ tan hết.

Có khi được thần trí
Biết nhiều việc lạ thường
Càng tưởng chứng cao siêu
Rồi lạc vào ma đạo
Vì vậy càng cố gắng
Lễ Phật lòng khiêm cung
Quán vô ngã hư không
Để đi qua vực thẳm.

Thứ tám là Chánh Định
 
Bậc thứ nhất Sơ thiền
Thân an lạc vô biên
Dứt xong điều ái dục

Nhưng vẫn còn tầm tứ
Niệm vi tế sâu xa
Về đạo lý bao la
Nên cũng còn chướng ngại.

Nhị thiền tâm sạch niệm
Thân tỉnh giác tuôn trào
Như mạch nước dâng cao
Không bao giờ vơi cạn

Tam thiền trùm pháp giới
Thân đồng cõi hư không
Vật chất cũng là tâm
Khắp đất trời an lạc

Tứ thiền là tuyệt đối
Tâm tịch tịnh như như
Cả vũ trụ thái hư
Đã vào nơi bản thể.

Nếu tiếp theo quán chiếu
Để chứng đạt Tam Minh
Hành giả sẽ trở thành
Thánh nhân A la hán.

Kính lạy Mười Phương Phật
Đường Bát Chánh cao siêu
Con chẳng thể hiểu nhiều
Nhưng nguyện lòng tu tập.

Bao chúng sinh lạc lối
Trong tà kiến si mê
Chưa biết chỗ đi về
Dòng luân hồi trôi mãi.

Cúi xin Mười Phương Phật
Cho Bát Chánh Đạo này
Đến mọi chốn nghìn nơi
Cho chúng sinh tỉnh ngộ.

Nguyện chúng con dũng cảm
Đem Bát Chánh Đạo này
Nói với cả mọi người
Như món quà cao quý.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

TỨ HOẰNG THỆ NGUYỆN
Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện hành. 
 
TAM TỰ QUY Y
Tự quy y Phật, nguyện cho chúng sinh, hiểu sâu đạo cả, phát tâm vô thượng. (1 lạy)  
Tự quy y Pháp, nguyện cho chúng sinh, thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển. (1 lạy)  
Tự quy ý Tăng, nguyện cho chúng sinh, tâm ý hòa hợp, biết thương mến nhau. (1 lạy)