Sau ngày 23 Ông Công Ông Táo lên chầu trời là các gia đình Việt bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị đón một cái Tết đầm ấm sum vầy. Bài trí bàn thờ gia tiên ngày Tết là một trong những phong tục đẹp và cần thiết được duy trì.
1. 23 tháng Chạp tiễn Ông Công Ông Táo lên trời xong, gia chủ nên bắt tay ngay vào việc dọn dẹp ban thờ đón Tết. Đây là thời gian thần linh trong nhà vắng mặt, tranh thủ dọn dẹp để sau khi thần linh quay lại thấy được vẻ khang trang, rạng rỡ, tươi mới của ban thờ.
2. Việc trước tiên là vệ sinh bát nhang, rút chân hương, hóa chân hương cũ và lau chùi bát nhang sạch sẽ.
3. Dọn dẹp, lau chùi, phủi bụi toàn bộ ban thờ và những đồ vật trang trí, đồ thờ như đỉnh đồng, đèn, hạc, chén nước, đĩa bày hoa quả,… Dùng nước sạch và khăn bông vệ sinh kĩ càng. Đồ thờ bằng gỗ, đồng có thể đánh bóng, làm mới lại. Cuối cùng nấu “ngũ vị hương” từ 5 loại cỏ thơm để tẩy uế một lượt rồi phơi khô.
Tết cổ truyền hay Tết Nguyên Đán thường bắt đầu vào dịp đầu năm mới theo Âm lịch. Đây là dịp lễ quan trọng nhất và lớn nhất trong văn hóa của người Việt Nam.
4. Bày biện lại ban thờ theo thứ tự chính giữa nơi cao nhất là bài vị khắc tên người được thờ, nhưng thông thường người Việt ít thờ bài vị mà chỉ thờ bát hương.
Bát hương thờ Phật ở chính giữa, cao nhất, bát hương thờ Thổ Công và bát hương thờ tổ tiên cha mẹ đặt hai bên. Nếu bày lư đồng thì lư ở giữa to nhất, lư hai bên kích thước nhỏ hơn và bằng nhau.
Lọ hoa, lọ hương, đế đèn, nến sắp xếp hai bên phải trái cân bằng. Phía trước ban ở chính giữa bày chén nước và đĩa hoa quả. Tất cả tuân theo quy tắc cân bằng Âm – Dương, “tả dương, hữu âm”, “tả nam, hữu nữ”.
5. Hương thắp ngày Tết chọn loại hương trầm, có mùi thơm, có thể sử dụng hương vòng để đốt được lâu. Hoa chọn loại thanh khiết, tươi tắn, mùi thơm thuần nhị, không quá gắt, có thể trưng cành đào, cành mai mang không khí mùa xuân.
Mâm ngũ quả truyền thống của từng vùng miền có khác nhau về các loại quả nhưng đều mang ý nghĩa mong muốn một năm mới an khang, vui vẻ và sung túc hơn. Số 5 tượng trưng cho ngũ hành hòa hợp Kim – Mộc - Thủy – Hỏa – Thổ, cho 5 đức tính đáng quý Nhân – Lễ - Nghĩa – Trí – Tín, rất tốt lành.
Ban thờ ngày Tết không thể thiếu cặp bánh chưng, thể hiện sự no ấm, đủ đầy, phu thuận thê hòa, gia đình đầm ấm. Ngoài ra bày thêm các loại bánh kẹo, nước ngọt cho phong phú, đẹp mắt.
Tết đến xuân về là lúc con cháu tỏ lòng hiếu thảo và tưởng nhớ tiền nhân. Ban thờ ngày Tết chứa đựng cả tấm lòng và sự thành tâm của những người còn sống. Hãy chuẩn bị thật chu đáo và chân tâm để lòng mình thanh thản.
Xem Clip Nghi thức thờ cúng tổ tiên