Cũng giống như cha mẹ và con cái, quan hệ thầy – trò là một trong những mối quan hệ cơ bản, cốt lõi và cần được đề cao của con người. Quan hệ thầy trò trong Phật giáo mang đậm tính tâm linh, đức hạnh và sự lĩnh ngộ.
Kinh “Cụ Túc giới” và kinh “Tăng chi” có ghi rõ, thầy phải là người học thức uyên bác và phẩm hạnh đúng mực, sự truyền dạy của người thầy là sự tiếp nối về văn hóa và tinh hoa. Hơn thế nữa, người ấy phải là người có sự từ bi, vô ngã trên hành trình “đưa đường” của mình.
Xem học trò như ruột thịt mà yêu thương, dạy dỗ, không hòng báo đáp công đức mà chỉ vì mục tiêu bồi dưỡng tương lai, không cầu vui cho chính mình, chỉ cầu thành công cho con trẻ. “Xem học trò như đứa con một của mình mà không cần sự trả ơn, không vì tiếng tăm, không vì lợi dưỡng, cũng không cầu sự vui cho chính mình” (Kinh Ưu bà tắc giới).
Đức Phật là bậc thầy điển hình vẹn toàn cả tri thức và đời sống thánh thiện tuyệt đối, cho nên Ngài giáo hóa thành công một cách nhẹ nhàng mọi người từ vua chúa cho đến hàng trưởng giả, hay thứ dân trong xã hội đương thời. Ngài truyền thụ bằng cái tâm từ bi, vô thường, không vì lợi danh.
Quan hệ thầy trò trong Phật giáo cũng nhấn mạnh vai trò của người trò. Người học trò cũng phải gieo trồng và phát huy tri thức của mình bằng cách đặt hết tâm trí vào việc học tập; vì đi theo con đường Phật dạy thì trí tuệ là sự nghiệp của người tu. Chẳng những hiểu biết những gì người đời biết, mà còn phải nỗ lực tiến xa hơn, hiểu biết những gì mà chỉ có Thánh nhân và Phật biết.
Song song với việc mở mang trí tuệ, phải tiếp nối được nếp sống đạo hạnh của thầy, noi gương thầy mà chăm chỉ tu dưỡng đạo đức, kế thừa những phẩm chất tốt đẹp của tiền nhân.
Lời Phật dạy về thầy trò chẳng những từ nghìn xưa mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Mối quan hệ tốt đẹp, trong sáng và đầy tương duyên ấy không chỉ mang tới lợi ích hiện hữu mà còn vô hình chung đưa con người vào một vòng tròn của tình, của duyên và của hạnh.