(Lichngaytot.com) Tết sắp về gõ cửa từng nhà. Tết có ý nghĩa vô cùng to lớn với người dân Việt Nam, song với các Phật tử, ý nghĩa Tết Nguyên Đán là gì, bạn đã biết chưa?
Tết Nguyên Đán có ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, mang đậm hồn cốt của văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời thể hiện sự giao thoa hài hòa giữa con người với thiên nhiên, đất trời, vũ trụ.
Với người Việt Nam nói riêng và người Á Đông nói chung, Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn. Ai ai cũng đều chờ đón ngày Tết, trang hoàng nhà cửa, làm cơm cúng tế, mong ước những điều tốt lành đến với gia đình mình. Tết Nguyên Đán có nhiều ý nghĩa, song với Phật tử, đây là ngày lễ có ý nghĩa khá đặc biệt, cùng tìm hiểu với Lịch ngày tốt nhé.
1. Vị trí của Tết Nguyên Đán trong cộng đồng Phật giáo
Xét về nguồn gốc, Tết Nguyên Đán bắt nguồn từ Trung Quốc. Chiết tự ngữ nghĩa, “Nguyên” nghĩa là Khởi đầu, “Đán” là sáng sớm. Nguyên Đán có nghĩa là buổi sáng khởi đầu một năm mới.
Sở dĩ gọi là Tết Nguyên Đán là vì chữ Tết được đọc trại đi từ chữ Tiết. Người Trung Hoa xưa chia lịch một năm gồm 24 tiết, trong đó Nguyên Đán là tiết đầu tiên trong một năm. Khi được du nhập vào Việt Nam, sau quá trình hình thành và phát triển ngôn ngữ, chữ Tiết được Việt hóa, đọc phiên ra thành Tết. Vì lẽ đó mà người Việt Nam có tên gọi Tết Nguyên Đán như bây giờ.
Như vậy, có thể khẳng định Tết Nguyên Đán không phải là Tết theo lịch Phật. Đạo Phật có sử dụng hệ thống tính thời gian riêng gọi là Phật lịch. Theo Phật lịch, tháng Giêng theo lịch âm không phải là tháng khởi đầu cho một năm, cũng không có các truyền thống như đi chùa lễ Phật đầu năm hay xin lộc nơi cửa chùa…
Những tục lệ này đều do người dân do sùng bái Phật giáo mà ra. Vừa bị ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Quốc nên người Việt đón Tết Nguyên Đán, song phần lớn người dân đều đi theo tín ngưỡng đạo Phật nên trong ngày đầu năm, người ta quan niệm hướng về với văn hóa tâm linh để cầu mong những điều bình an, tốt lành trong năm mới chứ hầu như không có ý nghĩa liên quan đến giáo lý nhà Phật.
2. Ý nghĩa Tết Nguyên Đán với Phật tử
Có thể nói, Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Nó chẳng những thể hiện sự đồng điệu, giao thoa giữa con người với thiên nhiên mà còn là dịp để con người bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với đất trời.
Tết Nguyên Đán còn mang đậm hồn văn hóa Việt, là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, là lúc để mọi người hướng về nguồn cội, tìm về nơi chôn rau cắt rốn của mình, vừa gắn kết tình cảm gia đình, vừa tỏ lòng thành kính với hương linh của ông bà tiên tổ.
Tết Nguyên Đán thể hiện những mong ước của con người vào những điều tốt đẹp hơn trong tương lai. Mọi người náo nức dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng đẹp đẽ, từ người già đến trẻ nhỏ đều xúng xính quần áo mới. Nợ nần được thanh toán, muộn phiền được bỏ qua, ngày Tết là lúc mà mọi người vui cười với nhau, nói năng điềm đạm, từ tốn, giữ gìn hòa khí, mong năm mới vạn sự cát lành, mọi điều như ý.
Nét đẹp trong ý nghĩa Tết Nguyên Đán rất gần với tư tưởng, quan điểm của nhà Phật về “từ bi hỷ xả”, giữ tình hòa mục, cầu an vui, tốt lành cho chúng sinh… Có lẽ chính sự tương đồng đó đã khiến cho Tết Nguyên Đán dần mang theo ý nghĩa tâm linh, trở thành dịp lễ lớn và vô cùng quan trọng đối với những người Phật tử, là dịp để họ hướng về tâm linh, tín ngưỡng và làm theo giáo lý Phật giáo để cầu mong những điều an yên trong cuộc sống.
3. Phật tử cần chú ý điều gì khi vui xuân đón Tết
Tránh tiệc tùng linh đình, gây thêm nghiệp sát
Theo giáo lý nhà Phật, nếu trong những ngày lễ Tết, giỗ chạp mà bày tiệc mặn linh đình, ăn uống ê hề dễ gây nghiệp sát lớn, chẳng những ảnh hưởng đến người sống mà còn khiến hương linh người đã khuất khó lòng yên ổn.
Phật tử trong tinh thần vui xuân đón Tết nên nhớ điều này. Ngay cả khi làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên hay bữa tiệc đầu năm cũng nên hạn chế bày biện hoành tráng, dùng quá nhiều đồ tế lễ, chỉ nên là đơn giản để bày tỏ lòng thành. Nghiệp sát do chính tay mình tạo ra, vì thế bản thân chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Ăn uống đơn giản, chủ yếu là tụ họp cùng nhau ngày đầu xuân năm mới, chớ nên bày biện cỗ bàn nhiều, vừa hạn chế tạo nghiệp, vừa giúp cho không khí gia đình vui vẻ hơn khi người nhà không còn bận bịu lo chuyện cơm nước mà có thời gian để trò chuyện cùng nhau, hưởng không khí lễ hội vui tươi, phấn khởi.
Không nên chưng diện xa hoa, tiêu xài lãng phí
Năm mới, ai nấy cũng đều diện những bộ đồ đẹp nhất của mình đi du xuân chúc Tết để mong may mắn đến bên mình. Tuy nhiên, những người Phật tử nói riêng và người dân nói chung không nên chưng diện quá đà, ham mê những điều phù phiếm, tiêu xài lãng phí.
Đi chơi xuân hay đi lễ chùa cũng đều nên nghiêm cẩn giữ mình, chỉ cần áo quần sạch sẽ, lịch sự là thể hiện sự tôn trọng bản thân cũng như tôn trọng người khác. Không nên ganh đua nhau quá đà, đi lễ chùa tránh chuyện mang tiền bạc ra để mua chuộc thánh nhân, chớ nên nghĩ rằng vật chất có thể mua được mọi thứ.
Mọi người nên giữ đúng tinh thần Tết, chớ vui chơi quá đà mà xa rời những ý nghĩa tốt đẹp của Tết Nguyên Đán.