Ý nghĩa của ngày giỗ ở Việt Nam

Thứ Ba, 24/11/2015 14:32 (GMT+07)

Theo phong tục tập quán của người Việt Nam, giỗ là một buổi lễ nhằm tưởng nhớ tới người đã khuất như cha mẹ, ông bà… được tổ chức vào đúng ngày người đó mất theo Âm lịch.


► Tra cứu: Lịch âm 2016, Lịch vạn niên 2016 chuẩn xác tại Lichngaytot.com


 
Cúng giỗ còn gọi là cúng quải, là tên gọi chung cho các hoạt động cúng cơm Tổ tiên, ông bà, cha mẹ… kể từ sau khi người đó qua đời. 
 
Ngày cúng giỗ là ngày con cháu bày tỏ tấm lòng thương xót, tưởng nhớ và thể hiện đạo hiếu tới người đã khuất.

Ảnh minh họa
 

Trong nghi lễ thờ cúng thì có 3 giỗ quan trọng nhất là Giỗ đầu, giỗ hết và giỗ thường.
 

Giỗ đầu: Là ngày giỗ đầu tiên cách ngày người đó mất đúng một năm, nằm trong kỳ tang chế. Thời gian một năm chưa đủ để làm vơi đi sự đau buồn, xót xa trong lòng người thân. Trong ngày này, những người chịu tang vẫn phải mặc đồ tang phục và tỏ rõ sự bi ai, sầu thảm.
 

Giỗ hết: Là ngày giỗ sau 2 năm người mất, vẫn nằm trong kỳ tang chế. Thời gian 2 năm cũng vẫn chưa đủ để người thân vơi đi nỗi buồn nên giỗ này vẫn được tổ chức trang nghiêm và người chịu tang vẫn mặc tang phục.
 

Giỗ thường: Sau 3 năm người mất, người ta tổ chức giỗ thường (hay còn gọi là giỗ lành). Trong ngày giỗ này, mọi người cũng đã nguôi ngoai sự buồn đau nên có thể mặc thường phục.
 
Theo nghi tiết thế gian thì ngày giỗ ai đó thường chỉ kéo dài tới hết năm đời vì lúc đó vong linh của người quá cố đã siêu thoát, đầu thai sang kiếp mới nên không làm lễ cúng giỗ nữa.
 
Cúng giỗ tùy theo hoàn cảnh và khả năng kinh tế nên không nhất thiết phải làm quá linh đình, nhà nghèo chỉ cần giữ đạo hiếu với Tổ tiên là được.
 

Ý nghĩa của phong tục cúng giỗ là để nhắc nhở con cháu về những phẩm chất tốt đẹp của người đi trước và gắn kết tình cảm các thành viên trong gia đình, dòng họ, làng xóm, ngành nghề…

Theo chuahoiphuoc.net