Thứ Tư, 31/07/2024 11:09 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mùa Vu Lan báo hiếu đang cần kề. Có một nghi thức không thể thiếu trong dịp này đó là cài hoa hồng lên ngực áo, mang rất nhiều ý nghĩa thiêng liêng mà không phải ai cũng biết.
Lễ Vu Lan diễn ra vào ngày Rằm tháng 7 âm lịch hàng năm (tức ngày 15/7). Vào những năm gần đây, Vu Lan trở thành một đại lễ, thế nên nhiều nơi tổ chức kéo dài suốt cả tháng 7 âm lịch.
1. Ý nghĩa bông hồng cài áo
Cài bông hồng lên áo trong lễ Vu Lan là cách mà con cái tưởng nhớ và bày tỏ lòng thành với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Với nghi thức này, các Phật tử sẽ cầm các giỏ hoa hồng (màu đỏ, màu hồng nhạt, màu trắng và màu vàng) để cài hoa lên áo từng người dự lễ.
Theo Đại đức Thích An Đạt (chùa Thiên Trúc, quận 7, TP.HCM) thì thiền sư Thích Nhất Hạnh chính là người đề xuất nghi thức “Bông hồng cài áo”.
Năm 1962, thiền sư được mời tham dự lễ tạ ơn – tôn vinh công ơn của người mẹ tại Nhật Bản. Sau khi ban tổ chức hỏi thăm người đồng hành với thiền sư thì đã cài bông hoa cẩm chướng màu trắng lên ngực áo của ông.
Về sau, thiền sư biết được đó là "ngày của mẹ" theo tục phương Tây. Hoa màu hồng dành cho người còn mẹ, hoa màu trắng dành cho người đã mất mẹ. Nhận thấy đây là hành động vô dùng ý nghĩa nên thiền sư Thích Nhất Hạnh đã áp dụng nghi thức bông hồng cài áo vào lễ Vu Lan. Việc làm này trở nên phổ biến và được duy trì đến nay.
Nghi thức "Bông hồng cài áo" không chỉ là một nét đẹp văn hóa, mà còn lời nhắc nhở đến những người làm con. Cho dù bận rộn đến mấy cũng đừng quên báo hiếu cha mẹ, phải tự nhắc nhở mình rằng: “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!”
Xem thêm:
Câu chuyện cảm động phía sau ngày lễ Vu Lan
2. Tại sao lại chọn hoa hồng chứ không phải loại hoa khác?
Hoa hồng được chọn làm bông hoa cài áo trong lễ Vu Lan vì đây là loài hoa tượng trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn. Không những thế, còn là biểu tượng của tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương thơm.
Việc nhớ về đấng sinh thành và cài hoa hồng lên ngực áo chính là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu thiêng liêng những người làm con muốn trao gửi. Ngày lễ Vu Lan, mọi người dù già hay trẻ, trai hay gái cũng đều tràn ngập cảm xúc biết ơn, đón nhận một bông hoa hồng và cài lên ngực áo một cách trang trọng.
Vào ngày này, ngoài việc lên chùa cài hoa hồng, tụng kinh cầu siêu, cúng dường trai tăng… người dân còn còn thiết mâm lễ cúng cho những vong hồn chưa được siêu thoát (gọi là lễ xá tội vong nhân).
3. Ý nghĩa đặc biệt của các màu hoa cài áo
3.1 Ý nghĩa bông hồng vàng cài áo: Dành cho các tu sĩ - người đã xuất gia
Màu vàng trong Phật giáo tượng trưng cho sự buông bỏ, giải thoát và là màu sắc của ánh đạo được Như Lai thế tôn truyền trao đến hàng Thích tử với một sứ mệnh thiêng liêng được giao phó để phổ độ chúng sinh.
Cài đóa hồng vàng lên ngực áo như một hành động chứng thực cho một sứ mệnh thiêng liêng mà vũ trụ giao phó. Ta mượn thân tứ đại do cha mẹ ta sinh ra để tìm tới sự giải thoát mọi đau khổ, đền đáp ân tình mẹ cha ở cả hiện tại và những kiếp sống sau này.
Chúng sinh đều có đấng sinh thành, những người tu sĩ cũng có "bậc cha mẹ" cao cả hơn chính họ, đó là tất cả chúng sinh. Bởi thế, họ cài bông hồng vàng lên áo để tỏ rõ lý tưởng cao quý ấy, hướng đến sự giác ngộ và cứu độ cho tất cả mọi người.
3.2 Ý nghĩa bông hồng đỏ cài áo: Những người còn cả cha và mẹ sẽ được cài hoa hồng đỏ
Trong không khí thiêng liêng của ngày lễ Vu Lan, những người tham dự còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một bông hồng màu đỏ.
Hành động này như một lời nhắc nhở rằng, còn cha còn mẹ là điều may mắn nhất trên đời. Dù đôi khi họ nghiêm khắc, cấm đoán nhưng chỉ với một mục đích duy nhất là mong con cái nên người.
Hoa hồng đỏ thể hiện cho tình yêu thương, sự ấm áp và gắn kết gia đình. May mắn thay cho những ai còn cha mẹ, hãy trân trọng hạnh phúc này. Đừng vô tâm, ích kỉ mà khiến cha phải buồn, khiến mẹ phải khóc.
3.3 Ý nghĩa bông hồng màu hồng nhạt cài áo: Dành cho những ai chỉ còn cha hoặc mẹ
Những người chỉ còn cha hoặc mẹ, khi tham dự lễ Vu Lan sẽ cài hoa màu hồng nhạt thay vì cài hoa hồng đỏ tươi. Sắc hoa đã nhạt đi chút ít, nghĩa là đã mất đi sự yêu thương, chăm sóc của cha hoặc mẹ.
Đóa hồng màu hồng nhạt, phớt hồng thể hiện cho sự dịu dàng, tinh tế và lòng trắc ẩn. Cài bông hồng lên áo, thể hiện sự nhớ thương cho người đã mất và bày tỏ lòng biết ơn đối với người cha hoặc mẹ còn tại thế.
Đây chính là cách thể hiện sự tôn kính, yêu thương và ghi nhận những hy sinh vĩ đại của đấng sinh thành. Họ không màng gian khổ, khó khăn, dành tất cả tình yêu thương cho con cái, yêu thương chúng ta vô điều kiện.
3.4 Ý nghĩa hoa hồng màu trắng cài áo: Cho những ai không may mất cả cha mẹ
Vào lễ Vu Lan, hoa hồng trắng sẽ dành cho những người không may mất cả cha và mẹ cài lên ngực áo. Màu trắng tinh khiết tượng trưng cho sự tưởng nhớ và chia lìa âm dương.
Bên cạnh ý nghĩa tưởng nhớ và biết ơn thì hành động cài hoa hồng màu trắng còn là một lời lời nhắc nhở sâu sắc. Hãy nhớ rằng, cuộc sống này là hữu hạn, ai không may mất đi cả cha lẫn mẹ thì phải cố gắng sống thật tốt để cha mẹ ở nơi chín suối được an tâm, thanh thản, không phải vướng bận chuyện nơi trần thế.
* Trên đây là những thông tin lý giải chi tiết về ý nghĩa bông hồng cài áo mùa Vu Lan. Hy vọng những thông tin này hữu ích với bạn!
Bạn có biết:
Còn bao nhiêu ngày nữa tới lễ Vu Lan?Tin bài cùng chuyên mục: