Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Xin chữ đầu năm 2023 nhớ xin chữ này để phước lộc chảy về nhà, năm Quý Mão công thành danh toại

Thứ Ba, 17/01/2023 14:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mỗi dịp Tết đến xuân về, một trong những phong tục truyền thống được dân tộc ta lưu giữ từ đời này sang đời khác chính là tục xin chữ đầu năm. Đây là một nét đẹp văn hóa đầy tính nhân văn thể hiện truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của người dân Việt Nam. Vậy xin chữ đầu năm 2023 nên xin chữ gì để cả năm may mắn? Dưới đây Lịch Ngày Tốt sẽ giải đáp giúp bạn câu hỏi này.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Xin chữ đầu năm để làm gì?

 
Xin chu dau nam 2023 nen xin chu gi?
 
Bên cạnh tục lì xì, tục xông đất hay tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ vào những ngày đầu tiên của Tết nguyên đán truyền thống. Xin chữ đầu năm không chỉ là tôn vinh một nét đẹp truyền thống của dân tộc mà còn là cầu mong sự may mắn, bình an cho cả gia đình.
 
Truyền thống tốt đẹp này của người Việt được thể hiện rất rõ qua những câu thơ trong bài "Ông Đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên:

"Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua"…

Đây là những câu thơ đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam, gợi nhắc về một hình ảnh đẹp - hình ảnh thầy Đồ chờ cho chữ mỗi độ Tết đến xuân về.
 
Cũng không ai biết phong tục này bắt đầu từ đâu. Nhưng, từ xa xưa, chữ đã được người Việt coi trọng và gìn giữ, thể hiện truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, luôn tôn trọng chữ nghĩa thánh hiền.
 
Những người biết chữ, không chỉ có cơ hội đỗ đạt làm quan, vẻ vang họ tộc, quê hương mà còn là những hình mẫu của lối sống có đạo đức, có nghĩa, có tình, có tôn ti trật tự, là tấm gương cho mọi người. Chính vì thế, mà chữ được gọi là “chữ thánh hiền”, người biết chữ được gọi là người “có học”.
 
Ngày xuân năm mới, đối với người Việt - là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý, chính vì thế, ai ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn. Và việc xin được những con chữ hay, chữ ý nghĩa tốt đẹp về treo trong nhà gửi gắm rất nhiều mong ước về một năm mới nhận được nhiều may mắn, bình an, phúc thọ tràn đầy.
 
Người xưa có câu "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy". Thường vào ngày mùng 3, mùng 4 Tết là thời điểm thích hợp để giới trẻ đi xin chữ về treo.
 
Người xin chữ vừa mong được phúc lộc của người cho chữ, vừa mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của bản thân và gia đình.
 

2. Xin chữ đầu năm 2023 – Xin chữ gì cho may?

 
 
Tet Quy Mao nen xin chu gi?
 
Đa phần trong những ngày đầu năm người ta thường xin những chữ ý nghĩa về bình an (An), hạnh phúc (Phúc), tài lộc (Lộc),... Và còn rất nhiều chữ khác cũng được xin trong ngày Tết, tùy vào mong muốn của mỗi người họ sẽ xin mỗi con chữ khác nhau.
 
Vậy cụ thể xin chữ đầu năm 2023 Tết Quý Mão thì nên xin chữ gì để cả năm may mắn đong đầy, cát tường thịnh vượng? Mời bạn tham khảo ý nghĩa của những chữ dưới đây để đưa ra lựa chọn phù hợp với bản thân.
 

- Xin chữ Lộc cầu tài lộc

 
Lộc là một trong những chữ được xin nhiều nhất mỗi dịp đầu năm. Chữ Lộc biểu trưng cho tài lộc, những người xin chữ này muốn có một năm làm ăn phát tài, phát lộc.
 
Còn trong văn hóa từ xa xưa, chữ Lộc lại là chữ đại diện cho bổng lộc mà các Quan khi xưa nhận được. Lộc này có thể là lộc Vua ban, cũng có thể là lộc dân biếu. Ở thời nào chữ Lộc cũng đều mang ý nghĩa tốt đẹp, may mắn và dư dả.
 
Mọi người tặng nhau chữ lộc như là một lời chúc một năm may mắn, phát tài, phát lộc tới người nhận.
 

- Xin chữ Phúc cầu may mắn, hạnh phúc

 
Chữ Phúc tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn, niềm vui, thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia chủ nên thường được nhiều người xin để trang trí trong nhà.
 
Đã từ lâu chữ Phúc đã là biểu tượng phổ biến được trang trí trong nhà của người dân Việt.
 
Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục. Phong tục treo chữ Phúc trong nhà đã có rất lâu và được lưu truyền tới ngày nay.
 
Tại Việt Nam, phong tục này được du nhập từ nền văn hóa Trung Hoa xưa. Vào thời đó, mỗi khi Tết đến, xuân về người ta lại dán chữ Phúc lên cổng, lên tường hoặc cửa nhà, cửa phòng…
 

- Xin chữ Thọ cầu mạnh khỏe, sống thọ

 
Chữ Thọ mang ý nghĩ cầu sức khỏe, sống lâu trăm tuổi, cuộc sống ấm no, tránh mọi tai ương. Mọi người thường xin chữ Thọ với mong muốn gia đình mạnh khỏe, sung túc và đặc biệt là để tỏ lòng thành kính với bậc bề trên, chúc thọ ông bà, cha mẹ.
 

- Xin chữ Tâm cầu thanh tịnh

 
Chữ Tâm là chữ mang ý nghĩa gắn với Phật giáo trong đời sống tâm linh của người Việt.
 
Mọi người xin chữ Tâm với mong muốn tâm được thanh tịnh, xóa hết dục vọng, ích kỷ, hận thù, để có một cuộc sống yên bình và thanh thản.
 
Khi nhắc đến “tâm” là nhắc đến trái tim, lòng dạ, lương tâm con người. Mọi hành động của con người đều xuất phát từ cái tâm, tâm thiện thì suy nghĩ và hành động đúng đạo lí, lẽ phải, tâm không lành thì sẽ sinh tà ý và làm nhiều điều xấu xa, tội lỗi.
 

- Xin chữ Đức cầu đạo đức

 
Chữ Đức là biểu trưng cho nét đẹp và đạo đức của con người. Người xin chữ Đức muốn răn dạy chính bản thân mình phải sống tốt, làm những điều tốt đẹp để tâm hồn được thanh thản.
 
Người xưa có câu “Tiên tích đức, hậu tầm long” nghĩa là trước phải có đức, phải tu nhân tích đức, sau mới nghĩ đến chuyện tìm sự giàu sang phú quý (tầm long nghĩa là tìm long mạch tốt để tạo sự phát đạt, giàu sang). Lại có câu “Có đức mặc sức mà ăn” cũng với ý nghĩa tương tự. Chữ Đức, hay nói đúng hơn, “ăn ở có đức” là điều rất quan trọng.
 
Hay trong môn Tử vi, mặc dù đặc biệt coi trọng “số phận” con người, nhưng vẫn có câu “đức năng thắng số’’, cũng là nhằm nhắc nhở người đời hãy biết lấy Đức làm trọng, vừa giúp ích cho xã hội, vừa tạo nên “số phận” tốt hơn cho chính mình.
 

- Xin chữ Tài cầu tài năng

 
Chữ Tài biểu trưng cho tài năng, là khả năng làm được một việc chất lượng nào đó. Chữ này thể hiện mong muốn thành đạt trong cuộc sống của người xin chữ, chữ Tài cũng là lời chúc thành đạt của những người muốn xin chữ này để đem tặng.
 
Cái Tâm - tức cái Đức là gốc của con người chân chính, lương thiện, nhưng cái Tài cũng là một phẩm chất quan trọng để tạo nên nhân phẩm. Người vừa có Đức, vừa có Tài, mới là “nhân tài”.
 

- Xin chữ An cầu bình an

 
Chữ "An" là một trong những chữ được xin nhiều nhất để treo trong nhà dịp đầu năm với mong muốn cuộc sống an lành, hạnh phúc.
 
Từ xưa, không chỉ được xin trong ngày Tết, chữ An còn là biểu tượng thường được thêu lên tranh để làm vật trang trí trong nhà của nhiều gia đình.
 
Trong tiếng Hán, chữ An (安) phía trên là bộ Miên, phía dưới là bộ Nữ. Bộ Nữ mô tả tư thế yểu điệu nữ tính của người con gái thời xưa, chân hơi khụy xuống, mặt nghiêng, hai tay để về một bên hông. Bộ Miên nghĩa là mái nhà, trông giống cái mái che. Người phụ nữ ở trong nhà chính là chỉ chữ “An”.
 

- Xin chữ Nhẫn cầu nhẫn nhịn

 
Chữ Nhẫn có nghĩa là độ lượng, là sự khoan dung và bản lĩnh của con người.
 
Nhiều người xin chữ nhẫn về treo trong nhà với ngụ ý tự răn chính bản thân mình phải biết nhẫn nhịn để giữ hòa khí trong gia đình, làng xóm, để có một cuộc sống yên ấm.
 
Cần lưu ý rằng, nhiều người thích xin chữ Nhẫn nhưng không phải ai cũng hợp với chữ này. Chẳng hạn, một người mới lớn đừng nên vội vàng nhận vào mình chữ Nhẫn, bởi nó là con dao hai lưỡi.
 
Người thành đạt treo chữ Nhẫn trước mặt để cầu luôn tỉnh táo. Người mới có việc làm cũng xin chữ Nhẫn. Nhưng trẻ mẫu giáo, học sinh thì chữ Nhẫn không hợp. Cơ quan mà treo chữ Nhẫn dễ bị hiểu nhầm là đấu tranh phê bình…
 

- Xin chữ Hiếu cầu biết ơn, lòng hiếu kính

 
Chữ Hiếu thể hiện sự biết ơn về công ơn sinh thành, nuôi dưỡng khó nhọc của ông bà, cha mẹ, đồng thời cũng thể hiện tấm lòng quan tâm, chăm sóc của con cháu.
 
Chữ Hiếu (hiếu thảo, hiếu đễ) trong chữ Nôm, viết giống chữ Hiếu trong chữ Hán (孝), là chữ viết tắt của chữ Khảo ở trên và chữ Tử ở dưới. Chữ này có hình tượng người con cõng cha mẹ trên lưng. Như vậy chữ Hiếu được biểu thị bằng mối quan hệ cha (mẹ) trên lưng, con ở dưới; suy rộng ra đó là đạo nghĩa của con cháu đối với cha mẹ, lấy phụng dưỡng cha mẹ làm đầu…
 

- Xin chữ Tín cầu tin cậy

 
Chữ Tín trong tiếng việt có nghĩa là sự tin tưởng, lòng tin cậy, luôn thực hiện đúng với những điều mình đã đề ra.
 
Muốn có được chữ tín trước hết phải giữ chính mình. Người không giữ được chữ tín với bản thân là kẻ bạc nhược, thiếu bản lĩnh, không bao giờ có nghiệp lớn.
 
Một người không dám chịu trách nhiệm với bản thân thì cũng không hy vọng gì họ dám chịu trách nhiệm với người khác. Cho nên chữ Tín thường đi đến với danh dự, mà danh dự là sự bảo đảm cho sự nghiệp. Nên chữ Tín quả thực rất nghiêm trọng với người làm kinh doanh.
 

- Xin chữ Đỗ đầu năm cầu học hành tấn tới

 
Chữ Đỗ thể hiện mong muốn thi tài đỗ đạt, “vượt vũ môn” thành công. Chữ này rất thích hợp cho những bạn học sinh, sinh viên có kế hoạch học và thi trong năm 2023 nhằm gửi gắm ý định cầu thi cử thuận lợi, vượt qua các kỳ thì một cách trôi chảy.
 

- Xin chữ Đăng Khoa cầu đỗ đạt

 
Cũng tương tự như chữ Đỗ, nhiều bạn học sinh, sinh viên cũng rất thích hợp xin chữ Đăng Khoa.
 
Chữ Đăng Khoa thể hiện mong muốn và quyết tâm thi cử với kết quả cao, xuất sắc, đề tên trên bảng vàng.
 

- Xin chữ Trí cầu tri thức, sáng suốt

 
Chữ Trí (智) bao gồm chữ Tri (知) (trong từ tri thức, sự hiểu biết) bên trên và chữ Nhật (日) bên dưới (Mặt trời, ý chỉ sự sáng suốt, tỏ tường) thể hiện sự thông tuệ, sáng suốt, hiểu biết.
 

- Xin chữ Học cầu hiếu học

 
Chữ Học thể hiện sự ham học, học rộng tài cao, mong muốn đường học rộng mở, thuận lợi.
 

- Xin chữ Thành cầu thành công

 
Xin chữ Thành để thể hiện ý chí quyết tâm theo đuổi mục tiêu, đạt thành công cho bằng được, không chấp nhận chùn bước trước bất cứ khó khăn nào.
 

- Xin chữ Đắc cầu như ý nguyện

 
Chữ Đắc thể hiện đạt được tâm nguyện một cách viên mãn, khiến bản thân cảm thấy vô cùng thỏa mãn và thích thú.
 

- Xin chữ Duyên cầu tình duyên

 
Chữ Duyên biểu tượng cho tình yêu, duyên phận. Các bạn trẻ thường xin chữ Duyên đầu năm để cầu mong sự may mắn trong tình yêu, sớm tìm được nửa kia của mình, dấu hiệu của hỷ sự.
 
Đời người, chẳng qua chỉ vỏn vẹn bởi một chữ Duyên. Những điều cầu được ước thấy trong đời, có thể nói là có duyên, còn cầu mà chẳng được thì coi như là duyên không đến.
 

3. Xin chữ Tết Quý Mão 2023 ngày nào đẹp?

 
Tục xin chữ đầu năm là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà của người Việt. 
 
Vậy xin chữ đầu năm 2023 Tết Quý Mão vào ngày nào là tốt nhất? 
 

- Mùng 1 Tết Quý Mão – Chủ Nhật ngày 22/1/2023 dương lịch

 
Ngày đẹp đầu tiên mà bạn có thể lựa chọn là ngày mùng 1 Tết Quý Mão 2023.
  • Ngày Canh Thìn, tháng Giáp Dần, năm Quý Mão
  • Là ngày: Kim Quỹ - Hoàng Đạo, Tiết Đại Hàn, Trực Bình (Tốt mọi việc)
  • Giờ tốt để xin chữ: Mậu Dần (3h-5h), Canh Thìn (7h-9h), Tân Tị (9h-11h), Giáp Thân (15h-17h), Ất Dậu (17h-19h), Đinh Hợi (21h-23h)
 
Thông thường, các địa điểm tổ chức lễ hội xin chữ (điển hình như tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã được mở cửa từ ngày mồng 1 Tết để phục vụ nhu cầu của người dân.  
 
Hơn nữa, cha ông ta quan niệm, mùng 1 Tết là ngày Đại cát, vì đó chính là thời điểm đất trời giao thoa, âm dương cân bằng, mọi việc đại cát đại lợi. Do đó, bạn có thể chọn ngay ngày mùng 1 Tết năm Quý Mão 2023 này để đi xin chữ sẽ rất may mắn.
 

- Mùng 4 Tết Quý Mão – Thứ Tư ngày 25/1/2023 dương lịch

  • Ngày Quý Mùi, tháng Giáp Dần, năm Quý Mão
  • Là ngày: Ngọc đường: Hoàng Đạo - Tốt mọi việc, Tiết Đại Hàn, Trực Phá (Nên chữa bệnh, phá dỡ nhà, đồ vật.)
  • Giờ tốt để xin chữ: Giáp Dần (3h-5h), Ất Mão (5h-7h), Đinh Tị (9h-11h), Canh Thân (15h-17h), Nhâm Tuất (19h-21h), Quý Hợi (21h-23h)

- Mùng 5 Tết Quý Mão – Thứ Năm ngày 26/1/2023 dương lịch

  • Ngày Giáp Thân, tháng Giáp Dần, năm Quý Mão
  • Là ngày: Ngọc Đường - Hoàng Đạo, Tiết Đại Hàn, Trực Phá (Tiến hành trị bệnh thì sẽ nhanh khỏi, khỏe mạnh.)
  • Giờ tốt để xin chữ: Giáp Tý (23h-1h), Ất Sửu (1h-3h), Mậu Thìn (7h-9h), Kỷ Tị (9h-11h), Tân Mùi (13h-15h), Giáp Tuất (19h-21h)
 
Trong những ngày này có nhiều khoảng thời gian để bạn có thể chọn tiến hành xin chữ đầu năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian thích hợp nhất cho việc xin chữ là vào ban ngày vì lúc nào đất trời sáng sủa, có ánh nắng chiếu rọi, dương khí thịnh vượng.

Xin chu dau nam moi
 
 

4. Những lưu ý khi xin chữ đầu năm 2023

 

- Chuẩn bị gì để xin chữ đầu năm?

 
Từ xa xưa, khi muốn xin chữ vào đầu năm mới thì người đi xin chữ phải chuẩn bị một cái lễ nhỏ nhỏ bao gồm: Trầu cau, chè thuốc,... để đến nhà thầy đồ xin chữ. Đặc biệt thầy đồ phải là những người hay chữ trong vùng, nho sĩ hoặc đỗ tú tài do nhà vua ban.
 
Vào ngày nay chúng ta không cần phải cầu kỳ đến tận nhà các thầy đồ nữa mà chỉ cần đến các khu phố ông đồ, chọn một trong những ông đồ trong đó để xin chữ. Không chỉ có những ông đồ dày dặn kinh nghiệm mà bây giờ còn có những ông đồ trẻ với những nét chữ hiện đại hơn.
 

- Chữ xin là chữ Hán hay chữ quốc ngữ?

 
Nói đến xin chữ đầu năm, từ trước đến nay người ta đều xin chữ Hán ở dạng thư pháp, nhưng thời nay, bạn hoàn toàn có thể thay bằng chữ Quốc ngữ nhưng viết theo dạng thư pháp cũng được.
 
Sau khi đã xin được chữ thì thầy đồ sẽ giảng giải ý nghĩa của từng nét chữ mà họ xin để người xin hiểu hết được những ý nghĩa sâu sắc trong đó. Từ đó những người xin chữ sẽ hiểu thêm được một nét đẹp văn hoá dân tộc có từ xa xưa.
 
Xin chữ là một nét đẹp truyền thống chứ không chỉ là một thông lệ hàng năm. Người đi xin chữ cần phải tìm hiểu kỹ, đầu tiên là tâm tư nguyện vọng của mình rồi tìm cách bộc bạch làm sao cho thật chân thành. Từ đó thì người các thầy đồ mới chọn được chữ phù hợp để cho.
 
Chơi chữ là một phong tục bình dị nhưng ẩn chứa trong đó bề sâu văn hóa, không phải thứ xô bồ, cẩu thả. Chữ nghĩa, nhất là chữ Hán, những điều ta chưa hiểu kỹ, chưa nắm bắt thấu đáo được nội dung của chúng, tốt nhất là nên thận trọng khi xin.
 

- Chọn loại giấy để xin chữ

 
Chữ sẽ được viết trên nền giấy đỏ hoặc vàng bởi quan niệm phong thủy phương Đông cho rằng màu đỏ, màu vàng tượng trưng cho sự thịnh vượng, phú quý, sẽ mang lại nhiều tài lộc, may mắn, bình an trong năm mới.
 

- Chữ xin về đặt ở đâu?

 
Chữ xin về nên treo ở nơi học tập hay làm việc của người xin chữ là thích hợp nhất. Bởi đây là những nơi có sự hài hòa năng lượng, đầy đủ ánh sáng tự nhiên, cũng là không gian trang nghiêm và thể hiện ý chí của người xin chữ.
 

- Xin chữ tốt nhất nên “tùy duyên”

 
Xin chữ tưởng chừng là việc đơn giản nhưng để xin cho đúng lại là điều không phải ai cũng hiểu rõ.
 
Có rất nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi rằng mình tuổi này thì nên xin chữ nào cho phù hợp, mình mệnh này thì xin chữ gì... Tuy nhiên, cách nghĩ “gượng ép” này không phù hợp với việc xin chữ.
 
Thực tế việc xin chữ vốn không cần đắn đo xem có có hợp năm, hợp tuổi, hợp mệnh, giới tính... hay không, bởi bản thân những con chữ không kiêng kị gì cả.
 
Đã gọi là đi xin chữ thì ta phải gặp người “hay chữ” để xin, sau khi trình bày nguyện vọng, mong ước trong năm nay như thi cử, công danh, kết hôn, sức khỏe, tặng cho ai… người cho chữ sẽ viết tặng bạn những chữ phù hợp.
 

- Tránh biến tướng thành mê tín dị đoan

 
Xin chữ vốn là phong tục tốt đẹp thể hiện giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc, nhưng trải qua thời gian, tục này không còn thuần túy mang giá trị văn hoá nữa.
 
Ngày càng có không ít thầy đồ đem cả yếu tố phong thuỷ vào màu giấy để thu hút khách hàng. Điều đó hoàn toàn không còn là bản chất của thư pháp, đó là một dạng biến tướng. Nhưng xét cho cùng, đó cũng chỉ là nhu cầu chính đáng của cuộc sống. Tuy nhiên nếu ai coi việc viết chữ là “cần câu cơm” thì bản thân cũng phải rèn luyện để xứng đáng là người trao niềm tin tinh thần cho mọi người.
 
Bên cạnh sự lệch lạc từ phía người cho chữ, chúng ta cũng cần đánh giá phương diện người xin chữ. Nếu như trước đây, người đến xin chữ sẽ dựa vào giá trị tự thân của chữ thì ngày nay người xin chữ tìm đến thầy đồ như một sự cầu tìm giá trị cụ thể trong xã hội vật chất, bằng cấp. Thậm chí xin chữ cũng là giải pháp cho mọi sự bế tắc khi họ kinh doanh thua lỗ, hay cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn con cái cũng đến xin chữ…
 
Trong hoàn cảnh đó, người xin chữ là người ra đề, còn người cho chữ lại trở thành người giải đề. Từ đó quan niệm đó đã vô hình biến tục xin chữ đầu năm thành mê tín dị đoan.
 
Dù vậy, đâu đó vẫn có những người đến xin chữ một cách thuần tuý, ông đồ cho chữ nào, nhận chữ đó. Điều này gián tiếp đẩy người cho chữ lên một vị trí cao, người cho chữ được quay về giá trị nguyên thuỷ vốn có.
 
Trên đây là thông tin về tục xin chữ đầu năm 2023 mà Lịch ngày TỐT muốn gửi đến bạn đọc. Hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về ý nghĩa của phong tục ngày Tết này, từ đó chọn được chữ phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của mình.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X