Hiểu sao cho đúng tục đốt vàng mã? Việc cấm đoán liệu có hiệu quả?

Thứ Hai, 26/02/2018 14:11 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tục đốt vàng mã, hương với số lượng lớn không chỉ lãng phí, ô nhiễm môi trường mà còn là nguy cơ gây cháy nổ, mất an toàn và đó là chủ đề rất "hot" trong những ngày qua.
  
Thời điểm từ cuối năm cũ cho tới đầu năm mới, người Việt tốn khá nhiều thời gian cho lễ hội. Và trong đó còn có cả sự duy trì cố chấp một số hủ tục hoặc sự biến tướng thương mại một số nghi lễ, không ít người còn tiêu tốn kha khá tiền bạc cho việc đốt vàng mã.

Với quan niệm "trần sao, âm vậy", việc đốt vàng mã từ xưa đến nay đều mang ý nghĩa như một việc làm thể hiện sự hiếu thuận dành cho những người đã khuất. Tuy nhiên, khi tập tục này ngày càng phát triển đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Đặc biệt mới đây, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đưa ra đề nghị bỏ tục đốt vàng mã đã làm dấy lên những tranh luận từ phía cộng đồng. 
 
 

Nguồn gốc của tục đốt vàng mã

 
Nguồn gốc của việc đốt vàng mã đã được lý giải rất rõ ràng trong cuốn sách “Bàn về đồ mã” do Tạp chí Đuốc Tuệ xuất bản nhiều năm trước và đã được tái bản nhiều lần. Trong sách đã chỉ ra rằng thời xa xưa, vua quan, nhà giàu có người chết đi thường chôn theo của cải, vàng bạc. Những người hầu cận cũng phải chết theo. 
 
Khi Tần Thủy Hoàng lên ngôi hoàng đế, nhận thấy việc này quá lãng phí nên đã ra sắc lệnh cấm tùy táng bằng hiện vật thật. Thay vào đó là nghi thức tượng trưng, tùy táng bằng tiền giả, vàng giả (làm bằng giấy). Tục này phát triển cực thịnh vào thời Đường (thế kỉ 7) và bắt đầu lưu truyền vào Việt Nam. 
 
Như vậy có thể thấy, ý nghĩa ban đầu của tục đốt vàng mã rất nhân văn, nhằm tránh sự lãng phí của cải.
 
Tục đốt vàng mã lưu truyền sang nước ta, người dân tiếp nhận. Ý nghĩa ban đầu cũng chỉ mang tính tượng trưng, tùy táng theo người đã khuất.

Lâu dần, việc đốt vàng mã này được người dân sử dụng như thói quen, nhiều người áp dụng mà không hiểu rõ ý nghĩa. Chính vì thế tục này mới bị biến thái và lạm dụng như ngày nay trở thành một hiện tượng xã hội xấu.  
 
 

Chúng ta đã hiểu sai ý nghĩa việc đốt vàng mà đến mức nào?

 
Nguồn gốc của việc đốt đồ mã, đến nay, không phải là không nhiều người biết nhưng nếu ngày xưa chỉ đốt số lượng nhỏ, vừa phải mang tính tượng trưng thì ngày này chúng ta đã quá lạm dụng việc này.

Vàng mã ngày xưa đơn giản là giấy tiền tượng trưng, in màu đỏ, vàng, phương tiện là ngựa nên có đồ mã là ngựa nhưng bây giờ, người ta làm ra rất nhiều thứ dựa theo trí tưởng tượng của mình như quần áo, nhà cửa, xe cộ, điện thoại đời mới, tiền USD…

Thực tế cho thấy việc đốt tiền vàng, vật phẩm hoành tráng cho người âm chỉ là cách người sống khoe khoang rằng mình không những hiếu thảo mà còn rất… giàu. Vì thế, hàng năm, ước tính Việt Nam “tự đốt” hàng nghìn tỉ đồng tiền thật cho việc “hóa vàng”. 
 
Nhưng người sống biết hình dáng của người mất như thế nào mà đốt quần áo cho vừa kích cỡ? Nhà cửa, xe cộ cũng như thế. Người xưa đi ngựa thì đốt ngựa nhưng nay đốt điện thoại, xe cộ thì người xưa có sử dụng được không? Đối với tiền mã, nếu nghĩ trần sao âm vậy thì mỗi nước được phép lưu hành đồng tiền riêng. 

Hoặc nếu người đã khuất luôn có sẵn tiền để chi dùng như thế thì người ở nhà dễ trở nên lười biếng, không rèn luyện bản thân. Như thế không khác nào giúp không đúng cách, lợi bất cập hại. 

Thực ra, việc đốt vàng mã chỉ có ý nghĩa tinh thần, tưởng nhớ người quá cố mà thôi. Nó như một sự nhắc nhở để con cháu nhớ về ông bà, tổ tiên và mong muốn tiếp tục được "chăm lo" cho họ ở cõi khác. Niềm tin ấy phần nào đó giúp chúng ta sống tốt hơn, thánh thiện hơn.

Nhưng liệu tổ tiên chúng ta có cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc khi nhận cả đống vàng mã của con cháu "gửi" cho trong khi những người trên trần gian vẫn đang ngày ngày vật lộn với cuộc mưu sinh.
 
Sẽ rất khó để "định giá" một truyền thống. Đốt vàng mã cũng vậy. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào số tiền "khủng" tan biến theo ngọn lửa đốt vàng mã để đánh giá. Tuy nhiên, việc tiêu tốn quá nhiều tiền vào vàng mã cũng là một hoạt động lãng phí và thừa thãi.
 
Việc đốt vàng mã ở lễ chùa cũng vậy, nhiều người đi lễ luôn suy nghĩ cứ phải “tốt lễ dễ kêu” như sắm vàng mã thật nhiều, rồi đặt tiền lên ban thờ, dắt vào tay thần linh... thì suy cho cùng là sự hối lộ thần linh và điều này chỉ có đem đến tai họa mà thôi.
 
 

Phật giáo Việt Nam không có tục đốt vàng mã  

 
Để chấn chỉnh tình trạng này, ngay sau Tết Nguyên đán 2018, Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản đề nghị ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội các địa phương đảm bảo việc hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định, tránh tình trạng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tích và lễ hội.

Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có công văn gửi Ban trị sự Giáo hội Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc hệ thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị các cơ sở hướng dẫn tăng ni, Phật tử tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, nhằm tăng cường nét đẹp văn hóa tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. 

"Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam", công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ.
 
Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định đốt vàng mã là sai lầm tâm linh phổ biến đi ngược lời Phật dạy. Việc ra văn bản là góp phần khẳng định một lần nữa quan điểm này, đồng thời mang tính chất nhắc nhở, thầy trụ trì các chùa phổ biến cho người dân hiểu rõ hơn, tường tận hơn để hạn chế và dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã. 
 
Về bản chất, đạo Phật không khích lệ tập tục đốt vàng mã. Việc ngừng các hoạt động mê tín dị đoan, trong đó có việc đốt vàng mã là điều cần thiết. Đã đến lúc không nên để tập tục này, các tăng ni cần nêu cao ý thức vì việc này trái với Phật pháp…
 

Tục đốt vàng mã ăn sâu vào máu nhiều người dân Việt Nam


Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng phủ nhận về quan điểm cho rằng tục đốt vàng mã đã ăn sâu vào máu của nhiều người dân Việt Nam.

"Bản thân tôi và thế hệ bạn bè của tôi, tất cả đều gần 70 tuổi rồi. Nhưng chúng tôi đốt vàng mã vừa phải, một vài nén vàng, một vài mớ tiền chứ không khủng khiếp như bây giờ. Tôi sống ở phố buôn bán hàng mã nổi tiếng của Hà Nội từ ngày xưa. Thời đó, vàng mã được làm và bán ra cũng rất vừa phải chứ không phải ồ ạt như bây giờ", ông cho biết. 

Có thể bạn quan tâm: Đốt vàng mã trong tháng Cô hồn thế nào cho chuẩn
 
 
Trong mỗi gia đình, người ta đốt vàng mã vào những dịp giỗ chạp với niềm tin rằng những người thân của họ sẽ nhận được sự quan tâm đó cũng chỉ vì quan niệm "trần sao âm vậy" đã ăn sâu vào tiềm thức của đa số người dân.

Ngành văn hóa đã nhiều năm ra các văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự hạn chế đốt vàng mã. Nhưng các công văn này chỉ hiệu quả với người quản lý - Ban quản lý đình, chùa; và chưa ngăn chặn được hành vi của người đi lễ. Nhà chùa không có quy định xử phạt, chỉ có thể đem giáo lý nhà Phật ra tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu. 

Có lẽ, còn phải mất nhiều thời gian nữa chúng ta mới có thể loại bỏ việc đốt vàng mã bởi ít nhiều, việc đốt vàng mã vẫn mang đến những giá trị tinh thần tốt đẹp trong mỗi gia đình. Mặc dù, quá trình thực hiện phải dần dần, nhưng chắc chắn công tác tuyên truyền vận động đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả, chứ không nói rồi để đấy của các ngành như nhiều năm nay.

Minh Minh