Trộm vía là một cụm từ rất hay được sử dụng trong văn nói của người Việt, nhất là ở các tỉnh miền Bắc, với mục đích để khen những đứa trẻ với hàm ý muốn nói những đứa bé đẹp đẽ, bụ bẫm, ngoan hiền là do các đấng thần linh, tổ tiên phù hộ. Một số địa phương có thể dùng từ “cơm muối” với ý nghĩa tương tự.
Theo giải thích trong từ điển tiếng Việt: “Trộm vía” là lời mở đầu, là khẩu ngữ khi nói lời khen một đứa bé, để tránh cho lời khen khỏi chạm vía và thành điềm chẳng lành, theo quan niệm dân gian.
Trong đó, “vía” là có thể hiểu là năng lượng tinh thần, mà nhờ năng lượng đó con người ta có thể sống được một cách khỏe mạnh.
Khi một vía nào đó bị phạm, nó sẽ khiến cho cơ thể bị đau yếu, người Việt tin rằng những tác động bên ngoài vào mắt, mũi miệng lưỡi khiến cho vía bị lay động và có thể dẫn tới bệnh tật.
Ví dụ như là: “Trộm vía cháu xinh quá”; “Trộm vía cháu khỏe quá”,… những câu khen này sẽ trở nên ngược lại nếu người nói quên mất việc sử dụng cụm từ trộm vía.
2. Vì sao phải nói “trộm vía”?
Mục đích khi trộm vía ở đầu câu khi muốn khen một người, đặc biệt là trẻ nhỏ là để tránh cho lời khen khỏi trở thành điềm gở. Xưa ông bà ta quan niệm, khi dành những lời tốt đẹp để khen một đứa bé thì sẽ bị vong âm bắt đi. Cách nói trộm vía này mang lối nói đậm màu sắc tâm linh cũng như đậm nét văn hóa Á Đông nói chung và hồn sắc văn hóa Việt nói riêng.
Hơn nữa vía trẻ con còn yếu, cần được bảo vệ, giữ gìn nên trước khi khen trẻ nhỏ, người lớn cần phải xin phép thần linh trước. Chính vì vậy, trước mỗi câu nói khen trẻ nhỏ đáng yêu, khỏe mạnh người ta thường thêm từ trộm vía như để xin phép thần linh là vậy.
Chính vì thế, kèm thêm từ “trộm vía” ở đầu câu sẽ giúp xua tan điềm gở đó, bảo vệ em bé mạnh khỏe và an toàn.
Ngoài ra, cũng có cách giải thích khác như là: ma quỷ hay ghen ghét với con người nên thỉnh thoảng lại đến quấy phá những đứa trẻ ngoan. Chính vì thế, ngày xưa mọi người thường đặt tên cho con thật xấu để ma quỷ đỡ nhòm ngó và dễ nuôi hơn. Họ cũng nói thêm từ “trộm vía” ở phía trước câu khen để như lén khen, tránh việc ma quỷ nghe thấy mà quấy phá.
Trong cuộc sống thường nhật, các bà các mẹ ta thường nói trộm vía như một thói quen. Với những yếu tố dân gian tuy chưa được khoa học chứng minh nhưng vẫn nên có kiêng thì có lành.
3. Nguồn gốc của từ “trộm vía”
Nguồn gốc của câu nói này là do người xưa quan niệm, con trai có “ba hồn bảy vía”, còn con gái thì có “ba hồn chín vía”. Khi trẻ vừa chào đời, còn non nớt, vía rất yếu, cần được bảo vệ.
Một khi vía bị động chạm, con người sẽ bị ốm đau, bệnh tật… Đối với trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh thì phần vía của các bé còn yếu nên trước khi khen các bậc ông bà, cha mẹ, người lớn thường nói trộm vía như một lời xin phép để kiêng cữ, không làm ảnh hưởng tới phần “vía” của các bé.
Đây cũng được coi như là một lời xin phép bởi ngộ nhỡ một người có vía dữ dằn khen bé chẳng hạn sẽ át vía của bé làm cho bé sợ hãi và quấy khóc.
4. Tại sao nói "trộm vía" mà không phải “trộm” gì khác?
Sở dĩ mọi người nói trộm vía mà không nói trộm bóng, trộm hình, trộm hồn, trộm phách là do con người ở giới tính khác nhau có các “vía” khác nhau.
Theo quan niệm của tổ tiên để lại thì nếu khi khen những đứa trẻ mà không thêm từ “trộm vía” thì lời khen đó sẽ phản tác dụng, đứa bé được khen có thể không còn xinh xắn, khỏe đẹp như trước nữa.
Còn theo quan điểm của nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ thì sở dĩ chúng ta dùng từ “trộm vía” chứ không phải “trộm hồn” vì theo tiếng Hán cổ, “hồn” và “vía” chính là cách đọc của từ “hồn phách”.
Phần hồn thể hiện tư tưởng, tình cảm, cái linh thiêng của con người; còn phần phách nói về khí chất. Trong ngữ cổ chuyển thể sang tiếng Việt, “phách” có nghĩa là “vía”. Bên cạnh đó, trộm hồn là dùng để chỉ những người đã mất.
Tác giả bài viết này cho rằng việc sử dụng cụm từ “trộm vía” kết hợp với hậu tố của nó ví dụ: “Trộm vía cháu bụ bẫm quá”, “Trộm vía cháu nhìn thông minh quá”, “Trộm vía cháu ngoan quá, kháu khỉnh quá”... nhằm để khen các bé chỉ là quan niệm dân gian mang màu sắc tâm linh chứ không hề có căn cứ khoa học.
5. Cách trộm vía cho trẻ sơ sinh như thế nào?
Nếu không may trẻ sơ sinh có hiện tượng phải vía thì các mẹ cũng đừng quá lo vì có rất nhiều cách trộm vía trẻ sơ sinh ngoan ngoãn, nghe lời trở lại. Dưới đây là một số cách trộm vía được các bà, các mẹ áp dụng nhiều nhất:
- Đốt hạt bồ kết
Khi chuẩn bị đưa bé từ bệnh viện về nhà, nhiều gia đình thường đốt quả bồ kết để trộm vía cho cháu mình.
Lúc này, các bà các mẹ cần chuẩn bị một chậu than nhỏ và cho vào đó vài trái bồ kết rồi đốt, chờ đến khi mùi của bồ kết lan tỏa khắp phòng trong 5 phút với mục đích xua đuổi đi vía xấu rồi mới bế bé vào.
Khi thực hiện cách đốt bồ kết này, mẹ nên cho bé sang phòng khác trong lúc chờ đợi để tránh khói than ám vào người gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp của bé nhé.
- Treo tỏi ở cửa ra vào
Theo quan niệm dân gian từ hàng ngàn đời nay, ma quỷ rất sợ tỏi nên các mẹ cũng có thể đặt tỏi trong người bé nếu phải đi đêm hoặc treo cả một búi tỏi ở cửa để diệt trừ điều xấu. Cách này rất đơn giản và dễ làm nên được rất nhiều mẹ áp dụng trong thời gian ở cữ tại nhà.
- Treo cành dâu tươi
Một cách khác mà các mẹ cũng có thể tham khảo đó là lấy cành dâu tươi rồi treo ở trước cửa phòng ngủ hoặc lối ra vào. Nếu trẻ sơ sinh phải vía và quấy khóc nhiều thì mẹ có thể dùng cành dâu đó vụt vào không khí nơi bé nằm, thực hiện việc này cho đến khi bé ngừng quấy khóc thì mới dừng lại.
- Đặt dao hoặc kéo ở dưới nơi bé nằm
Đặt con dao hay kéo dưới chiếu hoặc gối là cách trộm vía không chỉ dành cho trẻ con mà người lớn thường xuyên bị yếu bóng vía cũng có thể áp dụng.
Việc đặt dao kéo dưới giường hoặc gối sẽ giúp trẻ an tâm và ngủ ngon giấc hơn, không bị giật mình quấy khóc. Tuy nhiên các mẹ cũng cần hết sức lưu ý, bọc chặt dao để tránh gây nguy hiểm cho bé.
Có thể bạn quan tâm:
Bốn điều kiêng kị dành cho trẻ sơ sinh các mẹ nên biết
6. Ý nghĩa của từ trộm vía trong cuộc sống hàng ngày
- Trộm vía bỏ bụng là gì?
Từ này được các chị em đang làm mẹ hay sắp làm mẹ áp dụng rất nhiều.
Một ví dụ đơn giản cho bạn dễ hình dung: Chị gái của bạn đang có bầu em bé, vừa hay em bé hàng xóm nhà bạn cũng mới sinh mà em bé đó còn xinh xắn, khỏe khoắn và bụ bẫm, ai nhìn cũng yêu. Chị gái của bạn cũng mong em bé sắp ra đời sẽ được như vậy nên rất muốn được “trộm vía bỏ bụng” cho con mình cũng được ngoan ngoãn sau khi ra đời.
Cụm từ này cũng tương tự với “trộm vía khi mang thai”.
- Trộm vía 2 vạch bỏ bụng là gì?
Những đứa con không chỉ là niềm vui mà còn là tương lai của các bậc cha mẹ nên khó tránh khỏi những cặp vợ chồng chưa có con cảm thấy sốt ruột và lo lắng.
Chính vì thế, nhiều chị em phụ nữ đã tranh thủ “xin vía” từ những chị em “mắn đẻ”. 2 vạch ở đây là 2 vạch trong que thử thai.
- Trộm vía bán hàng là gì?
Với những người làm việc kinh doanh buôn bán, nếu tình hình kinh doanh của cửa hàng nhà bạn không được khả quan, thế nhưng người bạn của bạn vẫn buôn bát rất phát đạt.
Để giải vía xấu, bạn có thể nhờ người bạn này đến làm người mua mở hàng nhằm xin vía tốt từ đối phương.
Ngoài ra, bạn có thể đứng ở ngoài cửa, đốt một mẩu giấy rồi vứt xuống đất. Nam nhảy qua 7 lần, nữ nhảy qua 9 lần, vừa làm vừa nói: “Đốt vía đốt van, vía lành ở lại, vía dữ mời đi”.
7. Cách dùng từ trộm vía ở các vùng miền
Không chỉ người miền bắc, người miền trung hay miền nam cũng có cách khen ngợi trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ở mỗi vùng sẽ có cách kêu khác nhau.
- Cách nói “trộm vía” ở miền Bắc:
Người miền Bắc thường dùng kèm từ “trộm vía” với các câu sau
- “Trộm vía bé bụ bẫm quá”.
- “Trộm vía bé háu ăn quá”.
- “Trộm vía bé ngoan quá”.
- “Trộm vía bé kháu khỉnh quá”...
- Cách nói “trộm vía” ở miền Trung và miền Nam:
Khác với người miền Bắc, người miền Trung và miền Nam không sử dụng từ “trộm vía”, họ thường khen một đứa trẻ bằng những câu nói ngược. Chẳng hạn như:
- “Bé nhìn ‘ghét’ dễ sợ”.
- “Bé có tướng ngủ ‘xấu’ quá”.
- “Bé da ‘đen’ quá”...
Hàm ý những câu nói đều mang ý nghĩa là khen đứa trẻ đó, đáng yêu, bụ bẫm, ngoan hiền,…
Trên đây là những kiến thức bổ ích liên quan đến từ trộm vía mà Lịch ngày TỐT muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích đến bạn.