Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Thủ tục dạm ngõ cơ bản lưu ý để khởi động cuộc sống hôn nhân hạnh phúc

Thứ Sáu, 25/10/2019 10:21 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Để đầu xuôi đuôi lọt gia chủ nên hiểu thủ tục dạm ngõ cơ bản để hai gia đình có những cảm tình nhất định với nhau mang lại khởi đầu tốt đẹp cho cuộc sống hôn nhân của đôi lứa từ nay về sau.

Theo truyền thống Việt Nam kết hợp với cuộc sống hiện đại, lễ cưới ngày này sẽ trải qua 3 nghi lễ quan trọng: Dạm ngõ, ăn hỏi và đón dâu.

Với đặc trưng là một thủ tục quan trọng và không thể thiếu, lễ dạm ngõ tuy đơn giản nhưng thủ tục dạm ngõ cơ bản rất quan trọng, chúng có rất nhiều lễ vật và các nội dung cần phải chuẩn bị. 

Với đặc trưng văn hóa vùng miền có sự khác biệt, nghi thức, thủ tục dạm ngõ ở miền Bắc có phần khác so với miền Trung và miền Nam. Vì thế, các cặp vợ chồng sắp cưới cần tìm hiểu trước văn hóa vùng miền, truyền thống từng gia đình và chia sẻ những hiểu biết này với bố mẹ trước ngày dạm ngõ để buổi lễ diễn ra suôn sẻ.

Cô dâu chú rể nên chủ động biến buổi dạm ngõ (chạm ngõ) của hai nhà thành dịp gặp gỡ thân tình, vui vẻ để hai gia đình có mối quan hệ thân tình, gắn bó về sau.

1. Thời điểm tổ chức 


Thời gian cần được thỏa thuận trước để đôi bên cùng chuẩn bị chu đáo, tránh những sai sót gây ảnh hưởng không đáng có đến ấn tượng của hai gia đình dành cho nhau.

Về mặt thời gian, cũng như các quy định về xem ngày, giờ không quá khắt khe, nhưng nếu gia đình nào vẫn coi trọng điều này vì vậy họ thường sẽ xem ngày tốt để đảm bảo mọi chuyện đều suôn sẻ.

Thời điểm thường do nhà trai chọn, sau đó thông báo cho nhà gái thời gian để cùng nhau chuẩn bị thật suôn sẻ. Vào đúng ngày giờ đã hẹn, nhà trai cùng trầu cau và các mâm lễ vật sẽ đến nhà gái để dạm ngõ. Mục đích chính là để giới thiệu đại diện gia đình và phát biểu trong lễ dạm ngõ để bày tỏ mong muốn chính thức tính đến chuyện hôn sự của 2 con.    
 
Thu tuc dam ngo co ban
 

2. Sính lễ - không thể thiếu trong thủ tục dạm ngõ cơ bản 


Bởi dạm ngõ là buổi gặp gỡ mang ý nghĩ văn hóa nhiều hơn ý nghĩa nghi thức nên nhà trai chỉ cần chuẩn bị một cơi trầu và cau, phủ vải nhiễu đỏ, hình thức tương tự như tráp đón dâu, ngoài ra, có thể thêm lẵng hoa quả, bánh kẹo tùy điều kiện.

Lễ vật này có thể thay đổi một chút tùy phong tục cưới hỏi của từng vùng, miền. Ở miền Trung, lễ vật có thể có thêm bánh Hồng, một loại bánh đặc trưng của vùng Bình Định, Phú Yên. Trong khi đó, lễ dạm ngõ miền Nam, hay còn gọi là đám nói, lại có lễ vật đơn giản với cơi trầu cau têm cánh phượng và cặp rượu. Xem thêm: Lễ dạm ngõ theo phục tục 3 miền Bắc, Trung, Nam khác nhau như thế nào?

- Nếu như miền Nam các lễ vật trong lễ ăn hỏi, dạm ngõ là số lẻ thì lễ dạm ngõ của người miền Bắc luôn phải là số chẵn, ví dụ hai gói chè, hai chục cau, hai chục lá trầu với quan niệm khởi đầu cho việc hỷ sự, phải đủ đôi đủ cặp. Khâu chuẩn bị cho lễ dạm ngõ miền Bắc thường được phủ vải nhiễu đỏ như tráp quả đám cưới. Theo sau đó là các lễ vật khác như trà, rượu, trái cây được bọc giấy kính đỏ.
 
- Phần lễ vật tuy đơn giản nhưng nhất định phải có cơi trầu cau – lễ vật bắt buộc phải có trong thủ tục dạm ngõ của người Việt, với quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện”. 
 
- Nhà gái trong lúc này nhớ dọn dẹp sạch sẽ, trang trí bàn thờ gia tiên, nhà cửa để chuẩn bị cho lễ dạm ngõ. Chuẩn bị bàn ghế, bánh trái để tiếp khách. Tùy điều kiện, có thể chuẩn bị bữa cơm thân mật để mời đại diện nhà trai dùng bữa sau khi buổi lễ kết thúc, nhằm gia tăng tình cảm giữa hai nhà. 
   
le dam ngo gap go hai gia dinh
 

3. Thành phần tham gia lễ dạm ngõ 

 
Do đây chỉ là buổi gặp mặt nội bộ của hai bên gia đình, nên thành phần tham dự cũng không quá đông, khoảng tối đa là 7 người đại diện mỗi gia đình là vừa đẹp. 
 
+ Nhà trai: Bố mẹ nhà trai, chú rể, họ hàng ruột thịt trong gia đình như ông bà, cô bác…
 
+ Nhà gái: Bố mẹ nhà gái, cô dâu, có thể có thêm người thân ruột thịt trong gia đình tham dự.
 
Cũng tùy vào điều kiện và văn hóa từng nhà, lễ dạm ngõ tại nhiều gia đình chỉ có cha mẹ hai bên gặp gỡ nhau và đôi uyên ương. Ngoài ra, đôi bạn trẻ có thể mời thêm một số bạn bè thân tới dự. Tham khảo: Thực hiện đúng quy trình trao mâm quả trong đám hỏi: Trao cả hạnh phúc yêu thương
 
- Người tham dự lễ dạm ngõ không nhất thiết phải mặc vest, áo dài mà chỉ cần trang phục lịch sự.
 
- Các cặp đôi không cần ăn mặc quá lịch sự như ngày ăn hỏi hoặc đón dâu. Cô dâu có thể diện váy ngắn, chú rể mặc quần âu, áo sơmi đơn giản.
 

4. Trình tự việc hai gia đình gặp gỡ

 
Đa số các gia đình hiện nay coi ngày dạm ngõ là buổi gặp gỡ thân mật, không đặt nặng thủ tục nên trình tự không quá nghiêm ngặt. Việc xem giờ hay không tùy thuộc vào ý muốn của hai gia đình còn trên thực tế việc này không quá quan trọng.
 
Tới ngày giờ đã định, nhà trai tới nhà gái tặng lễ vật, thưa chuyện, tỏ ý muốn để đôi bạn trẻ chính thức tìm hiểu nhau và có kế hoạch tiến tới hôn nhân.

- Sau thời gian chuyện trò, cô dâu chú rể tương lai được cha mẹ nhà gái đưa lên thắp hương và dâng lễ vật lên bàn thờ tổ tiên.
 
- Sau khi buổi gặp gỡ kết thúc, nhà gái có thể làm cơm thiết đãi nhà trai. Nếu không có thời gian và điều kiện, nhà gái có thể bỏ qua việc mời cơm này.

Minh Nguyệt (Tổng hợp)
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X