Tết Hàn Thực 2021 là ngày nào theo lịch âm và lịch dương? Năm con Trâu nên cúng gì?

Thứ Hai, 05/04/2021 16:02 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tết Hàn Thực là một trong những ngày lễ khá quan trọng trong năm của người Việt. Vậy Tết Hàn Thực 2021 là ngày nào tính theo lịch âm và lịch dương? Xem ngay để không lỡ mất phong tục truyền thống dân tộc!
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 

1. Tết Hàn Thực 2021 là ngày nào?

 
Xem lịch vạn niên, Tết Hàn Thực 2021 rơi vào thứ 4 ngày 14/4/2021 dương lịch, ứng với ngày 3/3 âm lịch năm Tân Sửu. 
 
Như vậy, năm nay Tết Hàn Thực nằm trong Tiết Thanh Minh 2021 và diễn ra trước tiết Cốc Vũ.

 

2. Tết Hàn Thực 2021 là ngày tốt hay ngày xấu?

 
Xem ngày tốt xấu, Tết Hàn Thực 2021 tức ngày 3/3 âm lịch năm Tân Sửu được xem là ngày Hoàng đạo.
 
Theo trực thì hôm đó là ngày Trực Kiến, tốt với xuất hành, giá thú nhưng tránh động thổ. 
 
Tuy nhiên, khi xem ngày kỵ thì theo quan niệm dân gian ngày 3/3 âm lịch tức ngày 14/4 dương lịch – Tết Hàn Thực 2021 lại là ngày Tam Nương sát.

Xem thêm: Ngày Tam Nương 2021 là ngày nào?
 
Ngày Tam Nương có nhiều điều cấm kị, người xưa cho rằng trong ngày này không nên khai trương, xuất hành, cưới hỏi, sửa chữa hay cất nhà.
 
Trong ngày Tết Hàn Thực năm nay, bạn nên chọn hướng Nam hay hướng Tây làm hướng xuất hành cho mình. Nếu đi theo 2 hướng này, bạn sẽ được Hỷ thần hoặc Tài thần phù trợ, dễ gặp nhiều chuyện may mắn, cát lành.
 
Nên tránh xuất hành về hướng Bắc bởi đây là hướng của ông thần ác, tức Hắc thần. Điều này sẽ gây bất lợi cho cuộc hành trình của bạn, dễ dẫn đến những chuyện ngoài ý muốn.
 
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý chọn xuất hành trong các khung giờ đẹp, tức giờ hoàng đạo trong ngày, cụ thể như sau:
 
+ Nhâm Dần (3h-5h): Tư Mệnh
+ Giáp Thìn (7h-9h): Thanh Long
+ Ất Tị (9h-11h): Minh Đường
+ Mậu Thân (15h-17h): Kim Quỹ
+ Kỷ Dậu (17h-19h): Bảo Quang
+ Tân Hợi (21h-23h): Ngọc Đường
 
Còn với các khung giờ còn lại được xem là giờ xấu, giờ hắc đạo, nếu không có việc gì thì không nên xuất hành trong các khung giờ này, cũng nên hạn chế làm những việc lớn, việc quan trọng:
 
+ Canh Tý (23h-1h): Thiên Lao
+ Tân Sửu (1h-3h): Nguyên Vũ
+ Quý Mão (5h-7h): Câu Trận
+ Bính Ngọ (11h-13h): Thiên Hình
+ Đinh Mùi (13h-15h): Chu Tước
+ Canh Tuất (19h-21h): Bạch Hổ
 
Trong ngày này, người tuổi Bính Tuất, Giáp Tuất, Bính Dần bị xung với ngày, dễ gặp phải những chuyện không may ngoài ý muốn, vì thế trong ngày Tết Hàn Thực 2021 nên cẩn trọng với những quyết định và hành động của mình.

 

3. Tết Hàn Thực là ngày gì?

 

- Nguồn gốc Tết Hàn Thực:


Tết Hàn Thực là ngày gì
? Vì sao lại có tục ăn bánh trôi bánh chay trong ngày này?
 
Đây là ngày Tết bắt nguồn từ một điển tích cổ của Trung Quốc; kể về sự cảm kích, biết ơn của vị Vua thời Xuân Thu đối với vị hiền sĩ trung thành tên Giới Tử Thôi đã theo phò tá Nhà Vua 19 năm, cùng nhau trải qua biết bao khó khăn, gian khổ. 
 
Thậm chí, Giới Tử Thôi đã cắt miếng thịt ở đùi, nấu canh rồi dâng lên cho vua ăn trong lúc không còn lương thực. Ngày mùng 3 tháng 3 là ngày mất của vị hiền sĩ này, ngày này mọi người ăn đồ nguội lạnh, tránh nổi lửa để tưởng nhớ ông.
 
Dù bắt nguồn từ một truyền thuyết của Trung Quốc như vậy nhưng khi du nhập vào Việt Nam, ngày Tết Hàn Thực có ý nghĩa tâm linh khác, phong tục cúng Tết Hàn Thực cũng có nhiều thay đổi để phù hợp với văn hóa của người Việt.
 
Thực chất, Tết Hàn Thực đã được hợp nhất với Tết bánh trôi, bánh chay, Tết tháng 3 tại Việt Nam, thể hiện rõ nét đặc trưng văn hóa, lối sống riêng của người Việt. 
 
Khác với Tết Hàn Thực ở Trung Quốc, ở Việt Nam người dân không kiêng lửa, mọi việc nấu nướng vẫn diễn ra bình thường.
 

- Ý nghĩa của ngày Tết Hàn Thực:

 
Tết Hàn Thực ở Việt Nam cũng không cúng để tưởng nhớ đến vị hiền sĩ Giới Tử Thôi, ý nghĩa Tết Hàn Thực của người Việt chủ yếu để hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công lao của những người đã khuất.
 
Trong ngày 3 tháng 3  Âm lịch, các gia đình Việt sẽ chuẩn bị bánh trôi, bánh chay để lễ Phật, cúng gia tiên, thậm chí nhiều nơi cúng thần hoàng, bày tỏ lòng thành, hướng về cội nguồn. 
 
Bánh trôi, bánh chay của người Việt cũng không giống với người dân Trung Quốc mà mang trong mình đặc sắc riêng của nền ẩm thực Việt Nam. Người Việt Nam cũng quen gọi ngày Tết này với cái tên dân dã là Tết bánh trôi, bánh chay nhiều hơn Tết Hàn Thực. 
 
Việc dùng bánh trôi, bánh chay để cúng lễ mang rất nhiều ý nghĩa tốt đẹp, là kết tinh của văn hóa Việt, thấm đẫm linh hồn, bản sắc của người Việt. 
 
Cả hai loại bánh đều được làm từ bột gạo nếp thơm, là thành quả lao động vất vả dâng lên ông bà tổ tiên, là hình ảnh thể hiện rõ nhất nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc Việt Nam cùng với các loại bánh truyền thống khác như bánh chưng, bánh giầy,…
 
Đặc biệt, hình ảnh những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, trắng bóc xếp đầy cạnh nhau trên đĩa còn mang hàm ý tưởng nhớ tới sự tích “mẹ Âu Cơ cùng bọc trăm trứng”. 
 
Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở thành 50 người con theo Âu Cơ lên rừng, bánh chay tượng trưng cho 50 quả trứng trở thành 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, mở mang bờ cõi, xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no. 
 
Chính vì vậy người dân Việt mới sử dụng hình ảnh bánh trôi, bánh chay để bày tỏ lòng thành, tiếp nối truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên vào dịp Tết Hàn Thực.

 

4. Cúng gì trong ngày Tết Hàn Thực 2021?

 

- Lễ vật cúng ngày Tết Hàn thực:

 
Mâm lễ cúng ngày Tết Hàn Thực 3/3 âm lịch không thể thiếu những thứ sau: 
 
+ 5 hoặc 3 bát bánh trôi.
 
+ 5 hoặc 3 bát bánh chay.
 
+ Hương, hoa, trầu cau.
 
Lưu ý: Tết Hàn thực ngày 3 tháng 3 khi cúng Tổ Tiên thì phải khấn thần ngoại trước, thần nội sau.
 

- Văn khấn Tết Hàn Thực:

 
Sau khi chuẩn bị đủ mâm lễ cúng Tết Hàn Thực với hương, hoa tươi, trầu cau, trái cây, ly nước sạch và tất nhiên không thể thiếu bánh trôi bánh chay, gia chủ sẽ dâng lễ lên ban thờ và thành tâm khấn vái theo bài khấn dưới đây:  
 
 “Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
 
Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần. Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần. Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.
 
Tín chủ chúng con là…Ngụ tại…
 
Hôm nay là ngày …., gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.
 
Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
 
Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.
 
Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.
 
Nam mô A Di Đà Phật!
 
Nam mô A Di Đà Phật!
 
Nam mô A Di Đà Phật!”
 
Trên đây là những thông tin về Tết Hàn Thực 2021 mà Lịch Ngày Tốt muốn chia sẻ đến bạn. Hy vọng, những thông tin vừa rồi là hữu ích đối với bạn.