(Lichngaytot.com) Tết Hàn Thực cũng được coi là 1 trong những ngày lễ khá quan trọng trong năm của người Việt. Vậy Tết Hàn Thực 2020 là ngày nào, xem ngay để không lỡ mất phong tục truyền thống dân tộc!
1. Tết Hàn Thực 2020 là ngày nào theo lịch âm và lịch dương?
Xem lịch vạn niên, Tết Hàn Thực 2020 rơi vào thứ 5 ngày 26/3 dương lịch, ứng với ngày 3/3 âm lịch năm Canh Tý.
Như vậy, năm nay Tết Hàn Thực sẽ diễn ra trước Tết Thanh Minh 2020 khoảng 10 ngày và nằm trong tiết Cốc Vũ.
2. Tết Hàn Thực 2020 là ngày tốt hay ngày xấu?
Xem ngày tốt xấu, Tết Hàn Thực 2020 tức ngày 3/3 âm lịch được xem là ngày tốt, ngày Hoàng đạo.
Theo trực thì hôm đó là ngày Trực Trừ, tốt mọi việc. Tuy nhiên, khi xem ngày kỵ thì theo quan niệm dân gian ngày 3/3 âm lịch tức ngày 26/3 dương – Tết Hàn Thực 2020 lại là ngày Tam Nương sát. Xem thêm Ngày Tam Nương 2020 là ngày nào trong năm nhé.
Ngày Tam Nương có nhiều điều cấm kị, người xưa cho rằng trong ngày này không nên xuất hành, cưới hỏi hay sửa chữa, dựng nhà…
Trong ngày Tết Hàn Thực năm nay, hãy chọn hướng Đông Nam hay hướng Bắc làm hướng xuất hành cho mình. Nếu đi theo 2 hướng này, bạn sẽ được Hỷ thần hoặc Tài thần phù trợ, dễ gặp nhiều chuyện may mắn, cát lành.
Nên tránh xuất hành về hướng Nam, đây là hướng của ông thần ác, tức Hắc thần. Điều này sẽ gây bất lợi cho cuộc hành trình của bạn, dễ dẫn đến những chuyện ngoài ý muốn.
Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý chọn xuất hành trong các khung giờ đẹp, tức giờ hoàng đạo trong ngày, cụ thể như sau:
- Giáp Dần (3h-5h): Tư Mệnh
- Bính Thìn (7h-9h): Thanh Long
- Đinh Tị (9h-11h): Minh Đường
- Canh Thân (15h-17h): Kim Quỹ
- Tân Dậu (17h-19h): Bảo Quang
- Quý Hợi (21h-23h): Ngọc Đường
Còn với các khung giờ còn lại được xem là giờ xấu, giờ hắc đạo, nếu không có việc gì thì không nên xuất hành trong các khung giờ này, cũng nên hạn chế làm những việc lớn, việc quan trọng:
- Nhâm Tý (23h-1h): Thiên Lao
- Quý Sửu (1h-3h): Nguyên Vũ
- Ất Mão (5h-7h): Câu Trận
- Mậu Ngọ (11h-13h): Thiên Hình
- Kỷ Mùi (13h-15h): Chu Tước
- Nhâm Tuất (19h-21h): Bạch Hổ
Người tuổi Canh Tuất và Bính Tuất bị xung với ngày, dễ gặp phải những chuyện không may ngoài ý muốn, vì thế trong ngày Tết Hàn Thực 2020 nên cẩn trọng với những quyết định và hành động của mình.
3. Tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Việt Nam hay Trung Quốc?
Đây là vấn đề hiện giờ vẫn gây tranh cãi rất nhiều. Có người cho rằng đây là phong tục xuất phát từ câu chuyện về Giới Tử Thôi đời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ông là trung thần phò vua Văn Công nhà Tấn nên nghiệp lớn nhưng vua tôi sau này lại có hiểu lầm mà khiến ông vong mạng vì lửa.
Theo tích trên, sở dĩ có lệ ăn đồ nguội lạnh, tránh nổi lửa trong ngày 3/3 chính là để tưởng nhớ vị trung thần này.
Song lại có quan điểm cho rằng Tết Hàn Thực ăn bánh trôi bánh chay là phong tục cổ của người An Nam từ ngày xa xưa.
Theo sử xưa chép lại, năm 1292 sứ giả nhà Nguyên là Trương Hiển Khanh sang thăm đất An Nam đã được Phật Hoàng Trần Nhân Tông gửi biếu mâm bánh kèm bài thơ như sau:
“Giá chi vũ bãi thí xuân sam
Huống trị kim triêu tam nguyệt tam
Hồng ngọc đôi bàn xuân thái bính
Tòng lai phong tục cựu An Nam.”
Dịch nghĩa rằng:
“Múa giá chi rồi, thử áo xuân,
Hôm nay Hàn Thực, buổi thanh thần
Bánh rau tinh khiết đầy mâm ngọc
Phong tục An Nam theo cổ nhân.”
(Trần Lê Văn dịch).
Qua bài thơ có thể thấy Phật Hoàng Trần Nhân Tông khi tiếp sứ giả đã khéo léo dùng món ăn cổ truyền dân tộc trong đúng Tết Hàn Thực để mời khách, vừa thể hiện lòng hiếu khách, lại vừa mang ý tứ sâu xa.
Ngoài ra, còn có tích xưa cho rằng bánh trôi bánh chay trong ngày Tết Hàn Thực của Việt Nam có nguồn gốc từ sự tích mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, trứng nở thành trăm người con.
Bánh trôi bánh chay đều có hình tròn, màu sắc trắng mịn, viên mãn giống như bọc trứng con Rồng cháu Tiên – tổ tiên của người Việt.