Rợn người với tập tục CẢN THI của Trung Quốc: Dẫn đường cho xác chết trở về quê hương

Thứ Ba, 12/11/2019 16:38 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tập tục cản thi vốn xuất phát từ dân thuộc Miêu thuộc vùng Tương Tây, Trung Quốc. Tương truyền, đây là một loại bí thuật, là một nhánh nhỏ của vu thuật từ xưa.

1. Tập tục cản thi là gì?


(Hình minh họa)

Cản thi nghĩa là dẫn dắt thi thể, đuổi thi thể. Đây là một tập tục lâu đời của dân tộc Miêu thuộc vùng Tương Tây, Hồ Nam (Trung Quốc). Từ xưa tới nay, tập tục cản thi vốn được coi là một loại bí thuật, một nhánh nhỏ của vu thuật.
 
Tương Tây là vùng đất nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Hồ Nam, có địa vực chủ yếu là sông và núi, đường đi gập ghềnh hiểm trở. Hoạt động cản thi chỉ giới hạn trong vùng núi Tương Tây, phía Bắc thì lan tới vùng Lãng Châu (Thường Đức) chưa tới hồ Động Đình, phía Đông thì tới Tĩnh Châu, phía Tây thì chỉ có Phù Châu và Vu Châu, Tây Nam thì tới tận Vân Nam và Quý Châu.
 
Tương truyền, đây đều là những vùng đất quỷ được coi là quê hương của tộc người Miêu, nếu đi xa hơn nữa tức là đã ra khỏi ranh giới, mà đã vượt qua ranh giới thì dù là người có “pháp thuật” cao siêu đến đâu cũng không thể “điều khiển” được đám thi thể (cương thi) đó nữa.
 
Người Tương tây có tập tục cản thi từ rất lâu đời, thậm chí còn sinh ra “nghề cản thi” với người có năng lực cản thi được gọi là “thầy cản thi”. Vậy rốt cuộc ai là người đã tạo ra cái nghề và phong tục kì lạ này?
 
Có lời đồn rằng, tập tục rùng rợn này có liên quan tới “kì môn độn giáp” – một môn huyền học của Đạo giáo, phân ra hai hệ nhỏ nữa là phép thuật và bói toán, khởi nguyên từ phép tính cửu cung tới thời nay.

Đừng bỏ lỡ: Hủ tục Minh hôn tại Trung Quốc - Nơi những "đám cưới ma" vẫn lộng hành

(Hình minh họa)
 
Xưa kia, vùng đất Tương Tây có hoàn cảnh sống vô cùng khắc nghiệt, từ thời cận đại đã có chiến loạn liên miên, cuộc sống nghèo khổ khiến nhiều người dân phải bỏ quê nhà, xa xứ kiếm ăn. Nếu lỡ gặp phải thiên tai hay tai nạn không có tiền chữa trị, chỉ đành chết tha hương.
 
Nhưng người Trung Hoa luôn có quan niệm lá rụng về cội, tức người sau khi qua đời phải được đưa về cố hương để mai táng, hồn về quê cũ, có như vậy linh hồn người chết mới có thể ngủ yên. 
 
Nhưng thời xưa, giao thông chưa phát triển, muốn vận chuyển người chết chỉ có thể đi bằng đường thủy hoặc đường bộ. Vùng đất này dòng nước chảy xiết, đá ngầm nhấp nhô, nếu đi đường thủy thì vô cùng nguy hiểm. Có khi thi thể chưa về tới nhà thì người nhà vận chuyện thi thể đã bỏ mạng.
 
Lại thêm người xưa rất kiêng kị người chết, không có bất kì thuyền bè nào đồng ý vận chuyển thi thể, cho nên đường thủy không thể di chuyển được.
 
Thế nên nếu muốn về nhà chỉ đành chọn đường bộ. Tuy nhiên, nếu đi đường bộ thì địa hình nhiều núi khúc khuỷu cũng vô cùng nguy hiểm, cây cối âm u, chướng khí mù mịt, chẳng phương tiện xe cộ nào có thể đi vào mà cũng không có chủ xe nào muốn đi qua đó.
 
Chính vì thế, cái nghề và tập tục cản thi vô cùng thần bí này đã ra đời. Chỉ có cản thi mới giúp người chết tha hương có thể trở về quê hương an giấc.

Xem thêm: Hủ tục chôn sống con theo mẹ rùng rợn nơi núi rừng Việt Nam
 

2. Thầy cản thi – người dẫn đường cho xác chết
 

(Hình minh họa)

Nhắc đến tập tục cản thi không thể bỏ qua thầy cản thi – người được cho là “dẫn dường cho xác chết” trở về quê hương.
 
Quá trình cản thi diễn ra vô cùng thần bí, nhưng làm thế nào để trở thành thầy cản thi lại càng kì bí hơn.
 
Có người truyền miệng rằng, muốn trở thành thầy cản thi thì phải trải qua rất nhiều trải nghiệm: đầu tiên là thân thể phải khỏe mạnh cứng cáp, dương khí mạnh thì mới áp chế được âm khí của thi thể; thứ hai là thân hình cao lớn và đặc biệt là tướng mạo càng xấu càng tốt.
 
Người xưa quan niệm bộ dạng xấu xí có thể trừ tà, yêu ma quỷ quái sẽ không dám tới gần, đồng thời có thể hù dọa cả những người hiếu kì đứng xem hai bên đường. Như vậy sẽ giúp quá trình cản thi diễn ra thuận lợi.
 
Nhưng như thế vẫn chưa đảm bảo để có thể trở thành thầy cản thi. Yêu cầu nghiêm khắc hơn là “thí sinh” sẽ được người có kinh nghiệm yêu cầu quay mặt về phía mặt trời, xoay một vòng tại chỗ, sau tiếng hô ngừng nếu như xác định được rõ phương hướng thì mới tính là đủ tư cách.
 
Bởi vì cản thi đều được tiến hành vào ban đêm, đường đi chằng chịt bụi cây bụi cỏ, có những ngày trời không trăng không sao, rất khó để xác định được phương hướng. Khi đó nếu như không có kỹ năng cảm nhận được phương hướng sẽ rất dễ gặp “ma dẫn đường”, vĩnh viễn lòng vòng quanh núi, không tìm thấy đường ra.
 
Và bài kiểm tra cuối cùng là về tâm lý. Thầy cản thi cũ sẽ bỏ một lá ngô đồng trên một ngôi mộ trên núi, đêm đến, người mới sẽ đến đó và lấy về, nếu như làm được thì coi như chính thức nhập môn.

Xem ngay: Dựng tóc gáy với hủ tục treo xác chết trong nhà của người H’Mông
 

3. Quá trình diễn ra tập tục cản thi
 

(Hình minh họa)

Còn về nguyên lý tiến hành cản thi, các bước cụ thể không được tiết lộ rõ ràng bởi mỗi môn phái, mỗi địa phương khác nhau lại có phương pháp cản thi khác nhau. Tuy nhiên, qua những lời truyền lại, vẫn có một số quy củ thống nhất có thể kể đến như:
 
Đầu tiên, quá trình cản thi từ lúc đi cho đến lúc dừng chỉ có mặt một người sống duy nhất. Sau khi đưa thi thể ra khỏi quan tài, thầy cản thi ngậm nước bùa rồi phun vào mặt thi thể, làm xong thi thể sẽ “sống dậy”.
 
Thứ hai, thầy cản thi phải coi trong quy tắc “3 cản – 3 không cản” tức là có 3 “người” được cản và 3 “người” không được cản. Bạn có biết: Nghi lễ thây ma biết đi trở về nhà của người Indonesia
 
Cụ thể, người bệnh chết, người tự sát và sét đánh chết cháy tay cháy chân không đầy đủ thì có thể cản. Người xưa cho rằng những người chết kiểu này đa phần đều không tự nguyện, luôn nhớ về quê nhà cho nên hồn phách có thể dễ dàng được dẫn về quê hương.
 
Còn người bị chém đầu, người treo cổ, người nhốt lồng củi thì không được cản. Bởi những người này hoặc là hồn phách đã bị mang đi không thể dẫn về, hoặc là khi còn sống làm nhiều chuyện ác hại người, nếu dẫn về sẽ bị biến thành ác quỷ.
 
Trên đường cản thi, sẽ có những địa điểm dựng chân để thầy cản thi dừng lại, gọi là “quán trọ tử thi”. Thầy cản thi sẽ đến đây vào trước khi hừng đông, sau đó đưa thi thể vào nằm lại trong quan tài. 
 
Lúc này, thầy cản thi sẽ phun một ngụm nước bùa vào mặt tử thi, thi thể sẽ phục hồi nguyên trạng, không động đậy nữa. Đợi đến khi trời tối, sẽ tiếp tục rời đi.
 
Cũng có không ít tài liệu cho rằng, tập tục cản thi thực chất là phải cõng thi thể. Trên thực tế, người cản thi sẽ phanh thây thi thể ra, chỉ giữ lại tay chân, sau đó quét một loại nước thuốc đặc chế lên phần cắt để tránh bị hư thối.
 
Một người phụ trác cõng phần tay chân này rồi mặc lên người một bộ đồ đen che kín toàn bộ thân thể, bao gồm cả mặt mũi.
 
Trong khi đó, một người khác sẽ giả làm đạo sĩ cản thi để đi phía trước làm công tác ném tiền giấy, rung chuông, chỉ phương hướng di chuyển cho người cõng thi thể. Cả hai phối hợp làm ra không khí u ám, rùng rợn để không ai dám lại gần. Nếu quãng đường quá xa, cả hai sẽ thay phiên trao đổi thân phận.
 

4. Chân tướng của tập tục cản thi
 

(Hình minh họa)

Thời nay việc cản thi đã trở thành truyền thuyết và những lời đòn đoán về nghề và phong tục chôn cất này quanh vùng Tương Tây. Song từ khi nghề cản thi xuất hiện, rất nhiều người đã cố nghiên cứu tìm tòi về bí ẩn trong đó nhưng vẫn không thể tìm ra.
 
Tuy rằng chưa được xác thực nhưng một số người đưa ra suy đoán rằng: sở di thi thể di chuyển được là do được hai người trước sau nâng lên.
 
Đầu tiên để thi thể mặc một bộ quần áo rộng thùng thình, hai cánh tay được cố định bằng gậy trúc giấu kín dưới tay áo. Sẽ có 2 người cản thi, một người đi ở phía trước để mở đường, chính là thầy cản thi ở trên; còn một người mặc trang phục giống như tử thi đi ở cuối đội ngũ.
 
Hai người này sẽ đi một trước một sau, đem gậy trúc buộc thi thể đặt lên người mình, nâng thi thể đi đường. Lúc này, hai chân của thi thể sẽ cách mặt đất một khoảng, nhìn từ phía xa giống như hai tay nâng lên, nhảy từng bước về phía trước.
 
Vì hoạt động này chỉ diễn ra ban đêm, quãng đường di chuyển toàn đi qua những nơi âm u, rừng rú, cây cối rậm rạp nên nhiều người sợ không dám tới gần. Do vậy cũng không có ai có thể quan sát cụ thể quá trình cản thi để chứng thực.
 
Còn có người nói, thi thể được cản không đầy đủ, vì trọng lượng của thây khô không nhẹ nên rất khó để mang theo chúng di chuyển đường dài hay trèo đèo lội suối, cho nên nhóm làm nhiệm vụ cản thi sẽ chặt đầu và tay chân thi thể giữ lại, phần thân thể thì bỏ đi.
 
Khi tới nhà người chết, người cản thi sẽ dùng rơm rạ thay thế thân thể, rồi mặc áo liệm và chôn xuống huyệt mộ như bình thường.
 
Thêm một giả thuyết khác là, thực chất nhóm người cản thi chính là một nhóm tội phạm che giấu và buôn lậu thuốc cấm. Người chết vốn xui xẻo, không ai dám đến gần, hơn nữa hoạt động cản thi ai nghe cũng thấy rất tà đạo nên mọi người đều trốn thật xa.
 
Cứ như vậy, thuốc cấm và hàng buôn lậu được vận chuyển hết sức thuận lợi.
 
Nói chung, tất cả chỉ dừng lại ở mức suy đoán, ngay cả khoa học vẫn chưa thể có câu trả lời chính xác cho hiện tượng cản thi này. Và trong xã hội phát triển hiện đại như ngày nay, “cản thi Tương Tây” cũng dần biến mất, chỉ còn thấy trong phim ảnh hoặc truyện giả tưởng.

Lam Lam