Táo Quân của Việt Nam và Trung Quốc có hoàn toàn giống nhau?

Thứ Tư, 31/01/2018 09:25 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Theo quan niệm của người phương Đông, 23 tháng Chạp hàng năm là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời. Ở các nước, tục lệ này được tiến hành khác nhau, thể hiện văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia nhưng vẫn có những nét chung đầy thú vị. Cùng xem Táo Quân của Việt Nam và Trung Quốc có điểm gì giống và khác nhau nhé!
 
Là hai quốc gia nằm rất gần nhau, có lịch sử phát triển song song lâu đời nên giữa Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều nét văn hóa tương đồng tiếp biến, trong đó có tục cúng ông Công ông Táo.

Văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc và tích cực tới văn hóa của Việt Nam và người Việt qua quá trình xây dựng, phát triển đất nước đã đưa bản sắc của riêng mình vào, tạo thành những tập tục chung mà riêng, tuy tên gọi như nhau nhưng hình thức, cách thể hiện thì có nhiều khác biệt. 

1. Điểm giống nhau giữa Táo Quân của Việt Nam và Trung Quốc

 
 
Lễ cúng Táo Quân bắt nguồn từ sự tích Táo Quân, tuy có nhiều dị bản nhưng tựu chung lại đều là câu chuyện về hoàn cảnh éo le của ba người, một vợ hai chồng, chồng cũ chồng mới. Ba người tình cảm tốt đẹp, vì gặp cảnh trớ trêu mà không thể trọn vẹn bên nhau, bị thiêu chết. 
 
Ngọc Hoàng bèn phong họ làm Táo Quân cai quản gia sự, bếp núc, chú ý theo dõi sinh hoạt của mỗi gia đình trong cả năm. Cứ tới ngày 23 tháng Chạp thì Táo Quân rời hạ giới về trời trình tấu Ngọc Hoàng những điều hay dở đẹp tốt trong năm, những điều đã làm được và những điều còn thiếu sót.
 
Về cơ bản, truyền thuyết Táo Quân được lưu truyền như vậy, ở Trung Quốc ông Táo còn có tên gọi là “Đông trù tư mệnh Táo chủ thần quân”, mang ý nghĩa quản sự bếp núc, định rõ họa phúc. Táo Quân được phong là Thần Bếp, Vua Bếp với ý nghĩa đại diện cho bếp lửa, sự thịnh vượng và đoàn kết trong gia đình.
 
Vì thế nên cúng Táo Quân phải cúng trong bếp, trong lúc cúng phải để bếp lửa nóng đỏ, mời thần về nhận lễ để lên trời. Thông thường ban Táo Quân không được thờ quanh năm mà chỉ đến ngày 23 tháng Chạp người ta mới dựng lên. Lập ban thờ ông Táo và sắm lễ cúng 23 tháng Chạp chuẩn chỉ không khó vì yêu cầu khá đơn giản, quan trọng nhất là lòng thành của gia chủ.
 
Ở một số nơi người ta cúng Táo ở ban thờ gia tiên vì coi Thần Bếp như một vị thần cai quản chủ sự tối cao trong gia đình, tương đương với Thổ Công, Thổ Địa. Tuy nhiên, dù sắp lễ cúng ở ban thờ rồi vẫn phải có ban cúng Táo ở bếp vì nơi đây mới chính thức là nơi cư ngụ của Táo Quân.
 

2. Điểm khác nhau giữa Táo Quân của Việt Nam và Trung Quốc

 
Dù có xuất phát điểm khá giống nhau, coi Táo Quân là vị Vua Bếp chủ trì gia sự nhưng các tục lệ và cách thức tiến hành cúng ở hai quốc gia khác nhau khá nhiều, thể hiện nét riêng trong truyền thống cũng như phản ánh đời sống sinh hoạt của hai dân tộc.
 
Ban cúng ông Táo của người Việt thường được dựng lên ở bếp với 3 chiếc mũ (2 nam 1 nữ) hoặc 3 bài vị tượng trưng cho 2 vị Táo. Sắm lễ gồm cỗ cúng và đồ mã cùng 1 hoặc 3 con cá chép vàng để tiễn táo lên trời. Người Việt tin rằng Táo Quân cưỡi cá chép hóa rồng lên trình tấu Ngọc Hoàng nên cúng cá, sau khi làm lễ thì thả phóng sinh ở ao hồ gần nhà.
 
Cỗ cúng Táo Quân là các món ăn truyền thống của người Việt là cỗ mặn với bánh chưng, gà luộc, chả nem, xào thập cẩm, xôi, giò, canh măng miến; cỗ chay có hoa quả, trầu cau, gạo muối, hương đèn, chè sen, rượu thuốc. Đồ mã bao gồm 3 bộ mũ áo hài 2 nam 1 nữ cùng vàng nén, vàng thỏi làm lộ phí đi đường. 3 bộ mũ được dựng lên lập thành ban thờ thay cho bài vị, sau khi lễ kết thúc sẽ đốt đi, mỗi năm dựng một ban thờ mới.
 
Người Trung Quốc chuẩn bị cúng Táo khá đơn giản, ban thờ được lập ở bếp bằng cách dán bức tranh có in sẵn hình 3 vị Táo Quân. Mâm lễ cúng không có yêu cầu cụ thể, chỉ có hai món không thể thiếu là bánh gạo và kẹo lạc truyền thống. Phương tiện chầu trời của các vị Táo không phải là cá chép mà là ngựa nên họ cúng ngựa tre thay vì cá chép như người Việt. 
  
Tiễn ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là tục lễ tốt đẹp của người dân phương Đông, thể hiện sự coi trọng bếp lửa, hơi ấm gia đình cũng như gửi gắm tâm tự nguyện vọng về một cuộc sống bình an, được che chở bởi thần linh. Sự khác biệt về nghi thức của hai quốc gia cho thấy bản sắc và dấu ấn riêng của mỗi dân tộc, cần được gìn giữ và phát huy để tạo nên sự đa dạng văn hóa.