Thứ Năm, 13/12/2018 11:19 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Chúng ta thường nghe cuối năm làm lễ tạ mộ, nhưng cũng có nơi nói đi tảo mộ cuối năm. Vậy 2 lễ này có phải là một? Có hay không sự nhầm lẫn ở đây?
Cuối năm, khi chuẩn bị Tết đến Xuân về, người Việt ta lại có lệ ra nghĩa trang, sắm sửa lễ vật để dâng lên chư vị tôn thần, quan thần linh cai quản nghĩa trang và sang sửa mộ phần ông phần ông bà tổ tiên, mời ông bà về ăn Tết cùng con cháu.
Đây là phong tục truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam, có ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng biết ơn, thương nhớ tới vong linh những người đã khuất, thể hiện sự bền chặt trong quan hệ gia đình.
Đồng thời,
lễ tạ mộ cuối năm cũng như lời cảm ơn, tạ lễ với các vị thần linh đã có ơn che chở, chiếu cố cho vong linh người thân của mình.
Có nơi gọi đây là lễ tạ mộ cuối năm, nhưng cũng có nơi lại gọi là lễ tảo mộ cuối năm. Vậy chính xác thì tên gọi của lễ này là gì? Liệu có sự nhẫm lẫn gì ở đây không hay đơn giản nó đều là 1 lễ.
Theo quan niệm truyền thống, tạ mộ và tảo mộ là 2 lễ hoàn toàn khác nhau. Trước tiên, hiểu theo nghĩa đen thì tảo mộ tức là quét dọn, tu sửa cho ngôi mộ, còn tạ mộ thì là làm lễ tạ ơn chư vị thần linh cùng vong linh người đã khuất.
Lại xét về thời gian thực hiện thì tạ mộ và tảo mộ là 2 việc hoàn toàn khác nhau.
Tạ mộ cuối năm vào ngày nào? Tạ mộ được thực hiện vào thời điểm cuối năm, trong những ngày giáp Tết, thường là từ ngày 23 đến ngày 30 tháng Chạp.
Còn tảo mộ được diễn ra vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, tức là vào thời điểm đầu năm.
Xét về ý nghĩa thì cũng có sự khác biệt giữa tạ mộ và tảo mộ. Tạ mộ cuối năm là khi các gia đình ra mộ tổ tiên, người thân đã khuất của mình để lễ tạ Thổ thần, đắp đất, sang sửa mộ phần, dâng lễ mời vong linh gia tiên về cùng con cháu sum vầy ngày Tết, đón năm mới sắp sang.
Tùy theo từng địa phương, lễ tạ mộ sẽ được dâng lên ở miếu thờ thần linh cai quản nghĩa trang (nếu có) hoặc bày lễ ở khoảng đất trống gần với mộ phần của gia đình mình. Ngoài ra, lễ tạ mộ còn như 1 lời mong cầu rằng vong linh gia tiên sẽ được an ổn nơi mộ phần,
Còn với lễ tảo mộ đầu năm thì vào tiết Thanh Minh, khi còn là đầu xuân năm mới, con cháu sẽ ra mộ phần gia tiên, người thân đã khuất để sửa sang mồ mả, đắp đất trồng hoa, nhổ bỏ cỏ dại, quét vôi…
Lễ này cũng là dịp để người sống nhớ ơn người đã khuất, mong cho vong linh người đã khuất được an ổn nơi chín suối, phù hộ cho con cháu đời sau thêm phần hưng vượng.
Như vậy có thể khẳng định rằng, tạ mộ và tảo mộ là 2 lễ hoàn toàn khác nhau về thời gian thực hiện cũng như ý nghĩa. Sở dĩ có nơi gọi lễ tạ mộ cuối năm thành “tảo mộ cuối năm” thì có thể đơn giản là do nhầm lẫn về cách gọi, còn về ý nghĩa thì lễ “tảo mộ cuối năm” cũng giống với lễ tạ mộ cuối năm.
Tên gọi đúng tất nhiên là cần thiết, nhưng không nên quá đặt nặng vấn đề này. Người biết chỉ cho người chưa biết, giúp nhau hiểu hơn thêm về phong tục truyền thống Việt Nam sẽ tốt hơn là chỉ trích, bóc mẽ nhau.
Tấm lòng thành kính của con cháu với ông bà tổ tiên, người thân đã khuất của chúng ta mới là quan trọng nhất. Mong rằng tục lệ tốt đẹp này sẽ được kế thừa mãi cho đến sau này.
Thiên Thiên