Sức hút Khai ấn đền Trần: Sự thiếu hiểu biết mang đến niềm tin sai lệch

Thứ Ba, 19/02/2019 14:05 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Từ một câu chuyện lịch sử mơ hồ, sức hút Khai ấn đền Trần cho đến nay vẫn chưa bao giờ giảm nhiệt, không hiểu từ đâu mà lễ hội được thổi lên thành một trong những lễ lớn nhất miền Bắc.

Đền Trần là 1 trong 5 ngôi chùa "cầu được ước thấy" nên đi lễ đầu năm. Lễ khai ấn đền Trần Xuân Kỷ Hợi diễn ra đêm 14 tháng Giêng tại di tích Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP Nam Định), hàng trăm người dân nằm vạ vật ngoài đường, nằm nhoài trên xe máy chờ đến sáng để lấy ấn vào ngày 15.

Không những thế, sau khi lễ khai ấn diễn ra, bất chấp sự ngăn cản của cơ quan chức năng, người dân vẫn xông vào gian ngoài đền Thiên Trường. Nhiều người đã lao thẳng vào cấm cung đề tìm kiếm lộc, tranh giành nhau xoa tiền lẻ vào ban thờ, bát hương lấy may đầu năm, không những thế, họ nhét tiền vào kiệu ấn; đặt tiền lẻ vào các ban thờ…

Chưa biết duy trì và bảo tồn nét đẹp phong tục tập quán xưa như thế nào mà hiện tại chỉ thấy những hành vi không đẹp tại lễ hội đền Trần là vấn đề khá nhức nhối. Vì đâu mà sức hút Khai ấn đền Trần vẫn không giảm đi suốt nhiều năm qua? 
 
 

Lý giải sức hút Khai ấn đền Trần

 
Trong những năm gần đây, lễ khai ấn đền Trần Nam Định luôn là điểm “nóng”, luôn có sức hút lớn đối với người dân đi lễ đầu năm. Việc này xuất phát bởi tâm lý đi lễ đền Trần để lấy may mắn về đường công danh, mong bình an, sức khỏe cho cả gia đình, nên người này truyền tai người kia cho rằng nơi đây linh thiêng nên thi nhau đến để xin ấn.

Nhiều câu chuyện được thêu dệt nên niềm tin về việc cầu danh vọng lan ra cả nước và đó là lý do nhiều người ở những vùng xa xôi cũng cố đến đây để xin ấn mà không biết rằng đây là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho quốc thái, dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt. 

Mục đích đúng đắn của ấn Đền Trần vẫn còn một số lầm tưởng khi người dân tin rằng xin ấn để cầu “thăng quan, tiến chức”. Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên.

Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc. Các quan chức ở tỉnh, ở các tỉnh bạn và cả các ban, ngành ở trung ương cũng đã từng nô nức về đền Trần đêm khai ấn cùng vì quan niệm sai lầm này.
 
Xưa kia, khai ấn đền Trần là lễ hội mang tính chất vùng miền của tỉnh Nam Định, nhưng hiện giờ có xu hướng mở rộng với sự tham gia của nhiều người, bao gồm các quan chức.

Trước đây người dân đi đền, chùa chỉ để tâm an nhưng giờ ai đến cũng "xin ngài phù hộ cho con đạt được cái kia", có thể thấy người xin lộc quá nhiều mà lộc chỉ có một phần nên xảy ra chen lấn, xô đẩy. Những hình ảnh chen lấn, dẫm đạp lên nhau để cướp lộc tại đền Trần những năm trước đã làm méo mó đi hình ảnh cũng như những ý nghĩa tốt đẹp của lễ hội.
   
 
 

Ý nghĩa thực sự của việc Khai ấn đền Trần

 
Gốc tích của Lễ khai ấn là một tập tục có từ thế kỷ XIII của triều đại nhà Trần với mục đích tế lễ tiên tổ. Thời đó, Phủ Thiên Trường - Nam Định là nơi Vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Tử đó, các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông. 
 
Có thể thấy, Lễ hội khai ấn đền Trần là lễ hội mang nhiều giá trị, nhiều ý nghĩa tốt đẹp chứ không phải là nơi mọi người toan tính lợi lộc như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều người đi lễ đền Trần đã không hiểu rõ những ý nghĩa đó. 
 
Các chuyên gia lịch sử, ấn tín cùng các nhà văn hóa dân gian đã xác định, chiếc ấn dùng trong lễ khai ấn đền Trần hiện nay không liên quan gì đến triều chính mà chỉ là chiếc ấn bình thường của phủ đền xưa, làm bằng gỗ. Do vậy, ấn không mang lại lợi lộc trong thăng quan tiến chức như nhiều người lầm tưởng. 
 
Lễ hội tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương, nơi người ta kiếm ra tiền, làm du lịch... Do vậy, người ta gán ghép cho nó các ý nghĩa mới để thu hút người tham dự. Theo công bố, hàng năm lễ hội khai ấn mang về cho Nam Định khoảng 10 tỷ đồng, điều này có nghĩa là Lễ Khai ấn đền Trần cực kỳ thành công về mặt thương mại, không liên quan tới tâm linh.

Vì thế, không nên "mua thần bán thánh" dựa vào yếu tố tâm linh để làm lợi, thông tin vì thế cần phải rõ ràng, người dân cũng không nên cố để có bằng được lá ấn như một liều thuốc trấn an tinh thần. 
 
Thử nghĩ xem, ai cũng muốn được thăng quan tiến chức thì ai sẽ làm dân thường? Biết điều đó vô lý nhưng người ta vẫn tranh cướp, mua bán các lá ấn.

Từ một câu chuyện lịch sử mơ hồ, Lễ Khai ấn đền Trần được thổi lên thành một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc. Chúng ta đang có một tâm lý đám đông rất khó lý giải. Thi nhau mua vàng trong thời điểm giá cao, mất tiền vì tâm lý đám đông mù quáng chỉ vì một niềm tin mơ hồ rồi lại thi nhau đi xin ấn để mong thăng quan tiến chức.