Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Sắm lễ tảo mộ Thanh Minh như thế nào mới đúng?

Thứ Hai, 02/04/2018 14:25 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Sắm lễ tảo mộ Thanh Minh là việc quan trọng nhưng trong một gia đình thường có cả những người ăn chay và ăn mặn nên có không ít sự mâu thuẫn từ các thành viên khi họ không biết nên làm thế nào cho đúng.
 
 
Cúng Thanh Minh để bày tỏ lòng thành con cháu với tổ tiên là nét văn hóa truyền thống đẹp đẽ của các gia đình Việt. Có hai việc các gia đình thường thực hiện trong dịp Thanh Minh đó là tảo mộ, và cúng Thanh Minh tại gia.

Việc sắm lễ tảo mộ tiết Thanh Minh được chuẩn bị từ sớm để sẵn sàng cho các bước tiến hành việc tảo mộ vào buổi sáng, sau đó làm mâm cơm sắp lễ, cúng tại gia, hoặc cũng có gia đình cúng tại gia trước, thông thường là thắp hương khấn vái thông báo gia tiên về việc dọn dẹp mộ phần sau đó mới đi tảo mộ, không câu nệ phải làm gì trước, làm gì sau một cách quá khắt khe, khiên cưỡng.
 
Theo các chuyên gia phong thủy, tại mỗi nơi sẽ có cách sắm lễ và cúng khấn khác nhau. 
 
Sam le tao mo Thanh Minh
 

Cúng Thanh Minh ngoài mộ phần


Trước tiên là sắm lễ tảo mộ Thanh Minh, gia chủ sẽ chuẩn bị gồm có tiền vàng, hương đèn, trầu cau, hoa quả, đồ cúng chay, hoặc đồ cúng mặn vào chỗ thờ chung.

Khi đến mộ phần, gia chủ đặt lễ vào am (nơi cúng chung), nếu không có thì dùng đôn (ghế) đặt lễ vật. 
 
Sau đó thắp nhang, đèn, vái ba vái tỏ lòng thành kính với Thổ địa, Thần linh cai quản khu mộ phần, mời gia tiên về chứng giám và đọc bài khấn Lễ âm phần long mạch thổ phủ sơn thần nơi mộ, và đọc văn khấn xin sửa sang lại mộ phần. Sau đó, gia chủ mới cùng các thành viên tiến hành dọn dẹp, sửa sang phần mộ người thân đã khuất.

Các phần mộ nhiều khi cách xa, thăm viếng trọn vẹn mất cả ngày, cả tuần. Nhưng nếu đã đi cúng tại mộ phần thì phải thăm mộ tổ trước, rồi mới tới các mộ kế cận. Đứng lễ cúng tế nếu là họ tộc thì người già nhất sẽ dâng hương, cúng tế, rồi mới tới con cháu đồng tâm khấn vái. Nếu là gia đình thì trưởng nam dâng hương.  

Lưu ý là số nén hương thì thắp số lẻ (1 hoặc 3 nén) vì số lẻ tượng trưng cho cõi âm còn đèn thì mang theo hai đèn hoặc 2 cây nến vì thắp lên, 2 ngọn đèn tượng trưng cho 2 vầng nhật nguyệt.

Trong khi hành lễ cúng gia thần, gia tiên đều có hai hình thức là vái và lễ. Vái thì các ngón tay đan vào nhau còn lễ thì hai bàn tay áp vào nhau và đều đặt ở ngang trước ngực. Vái hay lễ đều chỉ được thực hiện sau khi lễ vật đã đặt lên bàn thờ và đèn nhang đã thắp. Người làm lễ sau khi đã châm lửa, kính cẩn dùng hai tay dâng các nén hương ở vị trí ngang trán, vái ba vái rồi mới cắm hương vào bát hương.

Trong lúc chờ tuần nhang thổ địa, đợi hết 2/3 tuần hương thì mọi người trong gia đình đi viếng thăm các ngôi mộ của gia đình mình, hóa vàng, xin lộc và mọi người trở về nhà làm lễ gia thần và gia tiên ở nhà.
 
Cung Thanh Minh ngoai mo phan
 

Cúng Thanh Minh tại gia


Theo Đại đức Thích Quảng Định trong sách Văn khấn nôm tại nhà – tập văn cúng gia tiên, lễ vật trong ngày thanh minh gồm: hương đèn, trầu cau, tiền vàng, rượu, thịt (chân giò, gà luộc hoặc là khoanh giò nạc độ vài lạng).

Thực tế, tùy theo mỗi gia đình, có thể làm mâm cơm cúng với đầy đủ xôi, gà luộc, hoặc giò, canh măng, miến, thêm đĩa xào,.. hoặc chỉ thắp hương bình thường với hoa quả tươi, trà tàu, thuốc lá… để thông báo với gia tiên tiền tổ, ông bà,… đã khuất về ngày Thanh Minh.
 
Trong khi lễ khấn Thanh Minh tại nhà, gia chủ cần bày tỏ có lòng thành hiếu kính, cúi xin linh thiêng chứng giám phù hộ độ trì cho con cháu trong nhà được an yên, gia tiên tiền tổ độ cho gia đạo hưng long, che tai cứu nạn, soi đường chỉ lối, điều lành mang lại, điều dữ mang đi… để cả gia đình được an vui, yên ấm…
 
Có nhiều người phân vân không biết nên làm lễ chay hay mặn mới là đúng. Theo phong tục của người Việt Nam sắm lễ tảo mộ Thanh Minh gồm cả lễ chay và lễ mặn, tùy thuộc vào tâm ý của gia chủ mà làm. Nhưng nhiều quan niệm cho rằng ăn chay, niệm Phật mới dễ siêu thoát, nên cúng Thanh minh bằng lễ chay, không nên làm lễ mặn. Lễ chay gồm: Xôi chè, oản chuối, bánh trái, chai nước, gạo muối, bỏng, bơ, chén mật ong.

Dù lựa chọn hình thức nào, thì cả đại gia đình cũng đều cần nhất tâm kính lễ, một lòng thành kính hướng tới gia tiên, tiền tổ, những người đã khuất. Đừng vì chút mâu thuẫn trong việc làm lễ mà khiến gia đình bất hòa, khi đó người đã khuất cũng không thể vui gì dù cho con cháu có cúng mâm cao cỗ đầy đi chăng nữa.

Kathy
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X