(Lichngaytot.com) Mỗi một dân tộc, vùng miền trên đất nước ta đều sở hữu những phong tục cưới hỏi riêng biệt. Những phong tục này đã tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bản sắc văn hóa dân tộc. Dưới đây là những phong tục cưới hỏi của người Việt Nam vô cùng độc đáo.
Vỗ mông kén vợ của người Mông
Theo
phong tục tập quán của người Mông, Hà Giang thì giai đoạn phiên chợ cuối năm là dịp tốt nhất để trai gái tìm thấy nhau. Ngoài tập tục chặn đường cướp cô dâu nổi tiếng, ở đây còn có tập tục vỗ mông để chọn bạn đời.
Sau những chén rượu ngô thơm nồng chúc tụng, cô gái ưng thuận chàng trai nào sẽ trao ánh mắt tình tứ rồi bỏ chạy, vừa chạy vừa ngoái cổ lại.
Chàng trai có nhiệm vụ đuổi theo và đưa tay vỗ mông cô gái một cái trước sự chứng kiến của nhiều người. Hành động này đồng nghĩa việc cô gái sắp thành vợ.
Thức trắng đêm "chịu nhục" của nhà trai người Ma Cong
Một trong những phong tục cưới hỏi của người Việt Nam đặc sắc đó là người Ma Cong. Khi tổ chức cưới hỏi, nhà trai khi vào nhà gái thì chỉ được phép ngồi góc bên trái và ở một khoảng hẹp ngay gần cửa chính. Nhà gái tùy điều kiện mà thiết đãi rượu cần cho nhà trai, thường sẽ chuẩn bị 5-7 hũ rượu cần để tiếp nhà trai từ sáng đến tối.
Buổi tối, nhà trai được họ nhà gái cấp cho một cái chăn, hai cái gối và một chiếc chiếu mới.
Tối đó, nhà trai phải ngồi nói chuyện với bên nhà gái cho đến sáng. Hai gia đình uống rượu, ăn cỗ từ đêm cho tới sáng mới thôi. Sau đó, hai bên thống nhất giờ đưa cô dâu về nhà chồng.
Dân làng người Ma Cong thường nói đùa: "ở đây muốn cưới hỏi, muốn lấy được con gái nhà người ta, cả họ nhà trai phải thức trắng đêm "chịu nhục".
Nhà gái mời rượu mình phải uống, nhà gái muốn nhà trai say thì phải uống cho say. Nhà trai phải ngồi tiếp chuyện từ tối cho tới sáng.
Khi nào họ chưa hài lòng thì mình chưa được đưa cô dâu về, nên nhà trai phải cố gắng chờ, đêm cưới chính thức được tổ chức ở nhà gái".
Tục bắt chồng của người Chu Ru, Cơ Ho
Bắt chồng là tục lệ khá phổ biến với đồng bào Chu Ru, Cơ Ho... ở Tây Nguyên.
Mỗi năm, bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba, lễ hội bắt chồng lại được tổ chức ở các vùng dân tộc này.
Theo quy định, tục bắt chồng sẽ diễn ra vào ban đêm, các cô gái là người chủ động. Không cần quan tâm đến việc xem tuổi của chàng trai là bao nhiêu, cô gái chỉ cần tìm được chàng trai ưng ý sẽ thông báo với gia đình hai bên. Nếu được chấp thuận, cô gái phải mang nhẫn tới đeo cho chàng trai.
Trường hợp chàng trai không đồng ý có thể trả lại nhẫn. Tuy nhiên, sau 7 ngày cô gái lại tiếp tục đến đeo nhẫn cho chàng trai đến khi nào đồng ý mới được tổ chức lễ cưới hỏi.
Sau khi người con trai đồng ý thì đám cưới sẽ được tổ chức. Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng".
Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...".
Đến ngày cưới cả 2 đều đeo lại nhẫn và sau 7 ngày cô gái tháo nhẫn để gửi mẹ chồng còn chàng trai tháo nhẫn gửi lại mẹ vợ.
Tục “kéo vợ” của người Dao Đỏ
Phong tục Kéo vợ của người Dao đỏ xuất phát từ việc những người của dân tộc này muốn "lách luật" thách cưới vốn trở thành rào cản hạnh phúc cho những chàng trai nghèo.
"Kéo vợ" không phải cứ thấy cô nào xinh xắn, giỏi giang, muốn lấy làm vợ thì kéo về nhà mình, mà thực tế đôi nam nữ đã tìm hiểu nhau rất cặn kẽ và đã ưng nhau. Cho nên kéo vợ chỉ là cái tục phải có để người con gái chính thức bước chân về nhà chồng.
Sau khi kéo cô gái về nhà, ba ngày sau chàng trai chỉ việc sang nhà gái thông báo họ đã thành vợ chồng. Cho đến khi con đàn, cháu đống, của cải dư thừa họ mới tổ chức đám cưới.
Cưới 2 lần của người Pacô
Cưới 2 lần là một trong phong tục cưới hỏi của người Việt Nam vô cùng độc đáo. Dân tộc Pacô trú tại miền núi tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, xưa kia có tục cưới hai lần.
Quy định bắt buộc trai gái là đều phải cà 6 chiếc răng cửa. Sau khi trai gái tìm hiểu nhau được cha mẹ đồng ý thì lễ cưới được tiến hành.
Lễ cưới lần thứ nhất, nhà trai đi các lễ vật quý như trâu bò, chóe, nếp rượu... Khi về nhà chồng, thì đôi vợ chồng trẻ phải tổ chức lễ "đạp bếp", đưa nhau trở lại nhà gái, trình diện gia đình.
Cũng từ đó, cô gái chính thức đoạn tuyệt hẳn với nhà cha mẹ đẻ, và gia nhập họ nhà trai. Thời gian sau ngày cưới, đôi vợ chồng lo làm lụng, vừa để trả nợ "thách cưới", vừa lo chạy vạy để làm lễ Pẩy Ploh (nghĩa là kết thúc trọn vẹn) hay còn gọi là lễ "mua cái đầu".
Tổ chức đám cưới hai lần của người Hà Nhì
Sống ở vùng giáp ranh giữa Lai Châu và Lào Cai, người dân tộc Hà Nhì có phong tục cưới hỏi kì lạ ở chỗ họ phải cưới nhau hai lần.
Trong những đêm hát giao duyên, trai gái có quyền tự do tìm hiểu, kết hôn. Chàng trai nào phải lòng cô gái mà được đáp lại sẽ dẫn người yêu về nhà, thưa chuyện với cha mẹ để xin cưới hỏi.
Cả nhà đồng ý sẽ xem ngày tốt xấu làm lễ trước bàn thờ tổ tiên, báo cáo rằng sắp có một cô con dâu mới, sau đó làm cỗ mời cả họ hàng và dân bản tới chung vui. Đây là lần cưới thứ nhất của chàng trai, cô dâu từ đó mang họ nhà chồng.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân đó vẫn chưa được gọi là hoàn thành. Khi hai người có con hoặc kinh tế khá giả, họ sẽ phải tổ chức cưới hỏi lần thứ hai.
“Ngủ thăm” nhiều lần mới được cưới của người Mường
Thanh niên người Mường đến tuổi 15 được phép tới cậy cửa, ngủ thăm với người con gái mình ưng nhưng phải có sự chứng kiến của người thân.
Khi đêm xuống, các chàng trai chưa vợ có thể cậy cửa nhà các thiếu nữ mới lớn.
Người con gái nếu "ưng cái bụng" sẽ vặn nhỏ đèn với ý ngầm thông báo cho mọi người rằng đã có đối tượng "ngủ thăm". Hai người sẽ nằm bên nhau tâm sự, chung chăn, chung gối mà không được phép chạm vào người nhau.
Sau vài đêm tìm hiểu, cô gái có quyền quyết định cho chàng trai “ngủ thật” hay không. Nếu mọi chuyện tốt đẹp, chàng trai sẽ mang bạc trắng, lợn béo sang nhà gái hỏi xin cưới hỏi.
Có thể bạn quan tâm:
Cô dâu mặc váy cưới trong ngày cưới sẽ… bị phạt
Ở rể 3 năm mới được cưới của người Thái
Để cưới được vợ, các chàng trai dân tộc Thái phải trải qua một quá trình thử thách rất dài. Khi ưng cô nào, chàng trai sẽ thưa với cha mẹ để lo chuyện cưới hỏi.
Chàng trai phải đến ở nhà gái trong 3 tháng, sống trong gian dành cho khách và chỉ được phép mang một con dao để làm việc.
Hết thời gian đó, nếu được bố mẹ cô gái đồng ý, chàng trai sẽ trở về báo cho cha mẹ mình biết. Lúc này, chàng trai mới được mang hành lý tư trang đến nhà gái và ở đó suốt 3 năm.
Sau 3 năm ở rể, lễ thành hôn mới chính thức được tiến hành. Trường hợp cô gái không đồng ý việc cưới hỏi này sẽ tự cắt tóc mình. Sau lễ cưới, chú rể tiếp tục ở nhà gái từ một đến mười năm và chỉ được phép đưa vợ về nhà mình sau một nghi lễ đưa dâu long trọng.
Một tháng chỉ được cưới hai ngày
Đây được coi là một trong những phong tục cưới hỏi của người Việt Nam vô cùng kỳ lạ. Thị trấn Yên Lạc (Vĩnh Phúc) là địa phương duy nhất của cả nước có quy ước cưới xin. Ngày dạm ngõ, ngày cưới được quy định rõ ràng. Đám cưới ở đây chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng là mùng 2 và ngày 16 âm lịch.
Quy ước còn quy định cụ thể cách tổ chức cưới "Không làm sân khấu, không dùng loa nén, không cổng chào, dùng các loại bóng điện thường thắp sáng, tiết kiệm chi tiêu, không tổ chức ăn lại mặt sau cưới...".
Vào ngày được cưới, cả thị trấn đóng cửa xưởng, người dân gác việc nhà đổ xô đi ăn cỗ. Cả chục đôi uyên ương cưới cùng một ngày khiến cho việc đi ăn cưới ở đây giống một ngày hội.
Tục rước dâu ban đêm của người Thái ở Nghệ An
Người Thái ở bản Cò Phạt, Con Cuông, Nghệ An thường rước dâu vào lúc 0h.
Họ cho rằng ban ngày có nhiều linh hồn, quỷ dữ lang thang, nếu đám rước tiến hành ban ngày thì những linh hồn sẽ theo về phá hạnh phúc của đôi trẻ. Thời khắc chuyển giao giữa ngày cũ và mới chính là lúc trong lành, có nhiều lộc trời nhất, là lúc thích hợp để đón cô dâu về nhà.
Đúng 22h đêm, đoàn rước nhà chú rể bắt đầu lên đường. Ngoài lễ vật thì nhà trai phải chuẩn bị một cái chiêng để vừa đi vừa gõ, xua đuổi tà ma và thông báo cho cả làng biết người con gái trở thành con nhà mình.
Bước vào sân, chú rể bị người nhà cô dâu té cả xô nước vào người. Đây là tục lệ "rửa tội" và cũng để thử thách lòng kiên nhẫn của chàng trai.
Qua được màn này, chú rể bước lên nhà và tiếp tục vượt qua các vòng hát đối đáp khi người nhà cô dâu mời ngồi, mời trầu.
Khi thời khắc rước dâu đã điểm, cô dâu bước ra khỏi nhà. Về đến nhà chú rể, cô sẽ được mẹ chồng chờ sẵn với chậu đồng đựng nước suối trong, có ngâm đồng xu bạc.
Bà sẽ rửa chân cho con dâu vào nhà và trao vòng bạc may mắn. Sau đó, đôi trẻ trao vòng cưới và thề hẹn thủy chung suốt đời.
Điều đặc biệt trong đám cưới nơi đây, dù lấy chồng gần hay xa thì cô dâu cũng phải đi bộ. Đôi trẻ dẫn đầu, đoàn người cứ thế đi trong sương lạnh nhưng ấm tình người.
Thủy Nguyễn (T.H)