Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Mâm ngũ quả ngày Tết: Bí ẩn phong thủy ngũ hành có thể bạn chưa biết

Thứ Tư, 05/02/2020 17:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mâm ngũ quả ngày Tết là thứ vô cùng quen thuộc, ai ai cũng biết nhưng chưa chắc tất cả mọi người đã thấu được đạo lý và triết lý nhân văn của dân tộc sâu bên trong nó.
  
Theo truyền thống văn hóa và tín ngưỡng tâm linh, người Việt luôn rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên, thánh thần. Ngày Tết là dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính của mình với các bậc bề trên cùng những người đã khuất.
 
Trên ban thờ - nơi trang trọng nhất trong các gia đình, vào ngày Tết không thể thiếu được mâm ngũ quả. Tưởng chừng đơn giản nhưng mâm ngũ quả ngày Tết lại ẩn giấu nhiều bí mật về cả phong thủy lẫn trí tuệ, nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Dưới đây là những bí mật phong thủy mâm ngũ quả vô cùng đặc sắc.
 

Yếu tố âm dương ngũ hành trong mâm ngũ quả ngày Tết


bi an phia sau mam ngu qua ngay tet
 
 
Có lẽ nhiều người chỉ biết rằng mâm ngũ quả gồm có 5 loại quả mà không hay rằng đó là do ảnh hưởng của tư duy ngũ hành. Ngũ quả là 5 loại quả có màu sắc tương ứng với ngũ hành Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Điều này còn tượng trưng cho mong ước có được ngũ phúc là Giàu có, Sang trọng, Trường thọ, Khỏe mạnh, Bình an.
 
Trên mâm ngũ quả thường có đủ màu sắc, từ đỏ là màu của hành Hỏa đến trắng của hành Kim, xanh của hành Mộc, đen của hành Thủy và vàng của hành Thổ. Mỗi một hành lại có những loại quả màu sắc tương ứng, tạo nên mâm ngũ quả ngày Tết màu sắc hài hòa mà vẫn vô cùng nổi bật.
 
Nải chuối vàng tượng trưng cho hành Thổ, quả táo, quả roi đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, quả mận, quả lê trắng tượng trưng cho hành Kim, quả bưởi, quả phật thủ xanh tượng trưng cho hành Mộc…
 
Tuy thuyết âm dương ngũ hành bắt nguồn từ văn hóa Trung Hoa, song trong quá trình du nhập và chọn lọc vào Việt Nam thì những nét văn hóa tiêu biểu này được người dân đất Việt tiếp thu, thay đổi sao cho hài hòa với văn hóa Việt, phù hợp với tín ngưỡng tâm linh của người Việt.
 
Ngoài ra, người ta còn cho rằng mâm ngũ quả theo truyền thống với 5 loại quả chính là tượng trưng cho sự về nguồn, bởi 5 loại quả ứng với 5 yếu tố ngũ hành cấu tạo nên vũ trụ từ xa xưa. Bày mâm ngũ quả ngày Tết còn là tấm lòng thành kính, tưởng nhớ về ông bà tổ tiên và những người đã khuất, thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc Việt Nam.
 
Những loại quả được chọn để bày mâm ngũ quả thường là hoa trái theo mùa, vì thế mà nó chính là thành quả lao động sau một năm chăm chỉ cần cù của những người nông dân, được kết tinh từ đất trời và thấm đẫm mồ hôi, công sức của con cháu muốn dâng lên tiên tổ.
 
Mâm ngũ quả tuy không quá quan trọng chuyện số quả lẻ hay chẵn nhưng vẫn giữ nguyên các quy ước dân gian như: mâm ngũ quả chỉ bày quả, không đặt thêm hoa hoặc thực phẩm gì, số lượng trên mâm ngũ quả chỉ tính loại, không tính quả (chuối chỉ cần một nải mà không quan tâm số lượng quả).
 

Quy tắc chọn lựa hoa quả bày mâm ngũ quả

 
Việt Nam là đất nước có nền văn minh lúa nước nên sâu trong tiềm thức mỗi người con đất Việt, tín ngưỡng thờ phồn thực, mưu cầu cuộc sống sung túc đủ đầy chưa bao giờ phai nhạt. Điều này cũng được thể hiện rõ ràng trong cách chọn lựa hoa quả bày mâm ngũ quả ngày Tết của Việt Nam.

y nghia mam ngu qua ngay tet
 
 
Người Việt có xu hướng chọn những quả có nhiều múi, nhiều móng, nhiều mắt, nhiều hạt như quả chuối, quả bưởi, quả na, phật thủ, thanh long, mãng cầu… chẳng những màu sắc phong phú khiến mâm ngũ quả đẹp mắt mà còn thể hiện mong muốn con đàn cháu đống, của cải dư dôi, sung túc đủ đầy.
 
Ngày xưa, các cụ cũng thường chọn quả theo mùa, mùa nào thức nấy để hoa quả được tươi ngon. Song xã hội phát triển, kinh tế kĩ thuật nhảy vọt nên giờ mọi người chọn hoa quả tùy thích, dựa vào điều kiện và nhu cầu của người dùng. Có điều, dù chọn hoa quả gì, giá cả ra sao thì cũng vẫn phải có màu sắc liên quan đến ngũ hành.
 
Các loại quả còn được lựa chọn cẩn thận với những ý nghĩa riêng như sau:
 
Quả lê: có vị ngọt thanh, ngụ ý việc gì cũng trơn tru, suôn sẻ.
 
Quả lựu: màu đỏ, nhiều hạt, tượng trưng cho con đàn cháu đống.
 
Quả đào: tượng trưng cho sự thăng tiến.
 
Quả phật thủ: có hình dáng như bàn tay đức Phật, luôn che chở cho chúng sinh.
 
Quả táo: mang ý nghĩa phú quý.
 
Quả hồng, quả quýt: tượng trưng cho sự thành đạt.
 
Quả thanh long: tựa như rồng mây hội tụ, thể hiện sự phát tài phát lộc.
 
Quả bưởi, dưa hấu: căng tròn, mát lành, hứa hẹn sự ngọt ngào, may mắn trong năm mới.
 
Nải chuối: hình dáng như bàn tay ngửa, hứng đỡ may mắn, bao bọc chở che.
 
Quả trứng gà (lê-ki-ma): hình dáng như quả đào tiên, mang lộc trời.
 
Quả sung: mang ý nghĩa sung mãn về sức khỏe, sung túc về tiền bạc.
 
Quả đu đủ: mang đến sự thịnh vượng, đủ đầy.
 
Quả xoài: âm na ná như “xài”, tiêu xài thoải mái, không thiếu thốn về tiền bạc.
 

Sự khác biệt giữa mâm ngũ quả các vùng miền

 
Thực ra mâm ngũ quả ngày Tết không tuân theo quy chuẩn gì cứng nhắc mà rất linh hoạt. Việc lựa chọn loại trái cây để bày biện tùy theo đặc thù về khí hậu, sản vật cũng như quan niệm văn hóa và phong tục tập quán của từng địa phương. Ở mỗi nơi trên dải đất chữ S này, mâm ngũ quả có những điểm tương đồng nhưng cũng có những nét riêng.

mam ngu qua co gi
 
 
Mỗi vùng miền lại có quan niệm và thẩm mỹ khác nhau, ví dụ ở miền Bắc, người ta chọn số quả lẻ khi chưng mâm ngũ quả, trong khi miền Trung và miền Nam không quá quan trọng về điều này này chú trọng đến ý nghĩa của các loại quả được bày trên mâm ngũ quả ngày Tết.
 
Ở miền Bắc, loại quả để bày lên mâm ngũ quả không quá quan trọng, cũng không cần đề cao về mặt ý nghĩa, chỉ cần trông đẹp mắt và đảm bảo đủ 5 sắc màu là được. Các loại quả thường có trong mâm ngũ quả của miền Bắc là chuối, bưởi, cam, táo…
 
Với người miền Trung, do khí hậu khắc nghiệt, đất đai lại không được màu mỡ nên người dân chỉ quan trọng tấm lòng, không quá cầu kì về mặt ý nghĩa cũng như màu sắc.
 
Với người miền Nam, mâm ngũ quả không thể các loại quả như mãng cầu, dừa, xoài, đu đủ, xoài, sung, dưa hấu… các loại quả này khi kết hợp lại với nhau, âm đọc chệch đi một chút sẽ thành “cầu vừa đủ xài”, thể hiện mong ước về đời sống sung túc ấm no của người dân.
 
Một điều đặc biệt của mâm ngũ quả miền Nam khác với miền Bắc đó là tuyệt nhiên không có sự xuất hiện quả chuối, bởi âm đọc của quả này gần giống với từ “chúi”, mang ý nghĩa không may mắn, dễ khó khăn, vấp váp. Đây là nét riêng, được người dân Nam Bộ thay đổi để phù hợp với vùng miền.
 
Sự khác biệt giữa các miền Nam Bắc do nhiều yếu tố, từ địa lý, khí hậu đến sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Ở miền Nam khí hậu nóng quanh năm, hoa trái phong phú dồi dào, nhiều chủng loại. Người miền Nam phóng khoáng và thoải mái, cũng nhiều dân di cư, tư tưởng cởi mở nên mâm ngũ quả được bày rất nhiều loại quả hoành tráng, thậm chí còn trưng hoa quả được tạo hình rồng phượng rất rực rỡ.
 
Người miền Bắc bị ảnh hưởng nhiều bởi văn hóa Trung Hoa, đề cao truyền thống nên mâm ngũ quả vẫn giữ nhiều nét xưa. Thời tiết miền Bắc cũng khác, mùa màng ảnh hưởng nhiều nên hoa trái không được phong phú như miền Nam.
 
Song có thể nói, dù vùng miền khác nhau như thế nào thì vẫn là người con đất Việt nên trên ban thờ ngày Tết của miền Bắc – Trung – Nam đều không thể thiếu được mâm ngũ quả. Hoa trái sạch sẽ ngọt lành được kết tinh từ trời đất, dưới bàn tay chăm sóc của người dân được dâng lên các bậc ông cha tiên tổ, thể hiện tấm lòng thành kính, uống nước nhớ nguồn sẽ còn được lưu giữ mãi đến sau này.
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X