Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

1 loại nước dùng lau bàn thờ đón Tết "quen mặt" nhưng đang bị dùng sai cách, dễ rửa trôi tài lộc của cả gia đình

Thứ Năm, 01/02/2024 09:07 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Theo chuyên gia phong thủy, việc lau dọn bàn thờ hay còn gọi là bao sái bàn thờ cần được tiến hành trang trọng. Trong đó, việc sử dụng nước bao sái bàn thờ đúng chuẩn mỗi dịp cuối năm cần được gia chủ lựa chọn cẩn thận để đón năm mới phúc lộc dồi dào, tránh rửa trôi tài lộc.
Mục lục (Ẩn/Hiện)
 
Theo văn hóa tâm linh từ ngàn đời nay, bàn thờ được xem là nơi thiêng liêng và quan trọng bậc nhất trong mỗi gia đình. Do đó, việc lau dọn bàn thờ hay còn gọi là bao sái mỗi khi Tết đến xuân về là một trong những công việc yêu cầu sự cẩn trọng cao và cần hết sức chú ý để tránh phạm phải những sai lầm trong phong thủy.
 
Trong đó, việc sử dụng nước bao sái như thế nào cho chuẩn, nên dùng loại nước nào, nên tránh loại nào vẫn còn là vấn đề khá mơ hồ với nhiều người. Tại bài viết hôm nay, Lịch ngày TỐT sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về nước bao sái và cách sử dụng chúng khi lau dọn bàn thờ cuối năm để được tổ tiên ban phước lành cho cả năm may mắn, gia đình bình an.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm linh, lau dọn bàn thờ không đúng cách, nhất là việc sử dụng nước bao sái - nước rượu gừng - sẽ khiến "lợi bất cập hại", tưởng là tốt nhưng vô tình lại khiến vận xui kéo đến, tài lộc gia đình cứ thế bị rửa trôi. 

Nuoc bao sai ban tho
 

I/ Vì sao phải bao sái bàn thờ?

 
Trước khi tìm hiểu về loại nước bao sái bàn thờ đúng chuẩn, hãy cùng xem ý nghĩa của việc bao sái bàn thờ là gì mà gia đình nào cũng phải thực hiện mỗi dịp cuối năm để chuẩn bị đón Tết mới?
 
Trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt, phong tục dọn dẹp vệ sinh bàn thờ và các vật phẩm đồ thờ cúng vào mỗi dịp Tết đến xuân sang, hay ngay cả trong những ngày lễ, những ngày trọng đại của gia đình đã không còn quá xa lạ. Bởi bàn thờ luôn được coi là nơi tôn nghiêm nhất trong mỗi gia đình.
 
Theo nhà Phật, bao sái được hiểu là việc vệ sinh bát hương. Đây là công việc quan trọng cần làm vào dịp cuối năm. Việc bao sái này vừa thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu trong nhà với tổ tiên đã khuất, vừa thể hiện mong muốn có một năm mới bình an, ấm no.
 
Bao sái được xem là nhằm để loại bỏ những vận khí xấu của năm cũ, những uế khí, bụi bẩn tích tụ trên ban thờ trong một thời gian dài, từ đó mới có thể chiêu đón cát lành, phúc lộc cho gia đình trong năm mới.
 
Thông thường, bao sái bàn thờ thường được bắt đầu tiến hành từ lễ cúng ông Công ông Táo tức ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Lúc này, gia chủ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa, quét dọn bàn thờ gia tiên. Mỗi nhà sẽ chọn một thời điểm khác nhau. Nhưng điểm chung thì công việc này sẽ kết thúc trước Giao thừa.
 
Chính vì vậy mà việc lau dọn bàn thờ luôn phải làm rất cẩn thận và tỉ mỉ để tránh mất lộc lá phước lành. Trong đó, việc chuẩn bị đúng loại nước dùng để bao sái là yếu tố quan trọng mà gia chủ cần hết sức lưu ý.
 
Nước lau dọn bàn thờ không chỉ đơn giản chọn nước sạch là xong, nhiều gia đình tiến hành một cách tùy tiện có thể sẽ vô tình rửa trôi tài lộc của cả gia đình, thậm chí có thể bị ông bà, tổ tiên quở trách. Mời bạn theo dõi các phần tiếp theo để biết những loại nước nào thích hợp – loại nước nên tránh dùng để bao sái bàn thờ.
 

II/ 4 loại nước thích hợp để bao sái bàn thờ

 

1. Nước ấm

 
Nước ấm là loại nước đơn giản và dễ dàng chuẩn bị để lau dọn bàn thờ khi bạn không kịp chuẩn bị các loại nước cầu kỳ khác.
 
Nước ấm có thể giúp bạn nhanh chóng tẩy sạch những bụi bẩn, mảng bám lâu ngày trên bàn thờ, hay trên những vật phẩm thờ cúng. Hơn nữa, sử dụng nước ấm để bao sái bàn thờ cũng thể hiện sự trang trọng, khác hẳn với việc dùng nước lã.
 
Bạn chỉ cần đun sôi nước trong khoảng 15 - 20 phút sau đó để nguội bớt và dùng khăn sạch nhúng nước để lau sạch bụi bẩn trên bàn thờ. Sau khi lau, hoàn toàn có thể dùng khăn khô mềm để lau sơ lại một lần nữa để mang lại hiệu suất cao hơn.
 

2. Nước mùi già

 
Mỗi độ Tết đến xuân về, cây mùi già lại được sử dụng với nhiều công dụng như xông thơm, nấu nước tắm... đặc biệt loại nước này còn rất thích hợp dùng để làm nước bao sái bàn thờ.
 
Ngày nay, dù bạn ở nông thôn hay thành phố cũng đều có thể mua được những bó mùi già đã trổ hoa, kết trái để làm nước lau bàn thờ ngày Tết. Những cây mùi già phần thân đã chuyển màu tía khi đun sôi có mùi thơm ngát, giúp tinh thần thoải mái, phấn chấn hơn. Đặc biệt, nó giúp xua đi những điềm xấu và đón một năm mới nhiều an yên.
 
Để chuẩn bị nước lau rửa bàn thờ từ mùi già, bạn cần thực hiện các bước sau:
  • Chuẩn bị 1 bó mùi già, vài miếng gừng rửa thật sạch.
  • Lá mùi già để ráo nước, còn gừng đập dập vỏ.
  • Cuộn lá mùi già thành bó rồi cho vào nồi nước cùng gừng đã đập dập, đem đun đến khi sôi.
  • Đun nước sôi chừng 10 phút, bạn chắt bỏ bã rồi hòa cùng chút muối trắng, để nguội bớt một chút là có thể dùng để lau bàn thờ.
Hương thơm ngai ngái, dìu dịu và trầm ấm của mùi già lan tỏa cả khắp bàn thờ gia tiên, giúp phòng thơm ấm, chính là tượng trưng cho sự đoàn viên, hạnh phúc và bình yên.
 

3. Nước ngũ vị hay nước thảo mộc tẩy uế

 
Nước thơm bao sái bàn thờ hay còn được gọi là nước thơm khai vận, nước ngũ vị, là loại nước có tính nóng, sử dụng 5 thứ thảo dược (quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn) dùng để tẩy uế và lau rửa đồ thờ cúng, vì vậy được xem là loại nước tốt nhất cho việc lau dọn bàn thờ ngày tết.
 
Loại nước này mang ý nghĩa tâm linh giúp loại bỏ uế khí, tà ma và xui rủi trong gia đình, xua tan mọi muộn phiền năm cũ, cầu chúc sự thay đổi tốt đẹp hơn trong năm mới, hy vọng mọi việc của gia chủ sẽ trở nên tốt đẹp.
 
Bên cạnh mùi hương thoang thoảng dễ chịu, nước ngũ vị còn có tác dụng chống ẩm mốc, đuổi côn trùng và nó cực thích hợp nếu bạn chưa biết lau bàn thờ gia tiên trong những ngày dọn nhà cuối năm bằng nước gì.
 
Cách làm nước ngũ vị cực nhanh và dễ dàng: Bạn chỉ cần đun sôi 1,5 lít nước lọc với 5 loại hương liệu kể trên. Đun sôi từ 3 - 5 phút rồi tắt bếp.
 
Nếu bạn muốn hương thơm tỏa lâu hơn thì bạn có thể đun thêm vài phút hoặc cho nhiều nguyên liệu thảo mộc hơn. Sau khi nước hạ dần nhiệt độ xuống độ ấm vừa phải thì bạn có thể dùng khăn sạch nhúng vào để lau sạch bàn thờ và đồ cúng.
 

4. Nước ngâm hoa tươi

 
Những cánh hoa tươi thơm nức bên cạnh việc dùng để dâng lên cúng bái gia tiên thì còn có thể sử dụng làm nước ngâm để bao sái bàn thờ.
 
Các loại hoa mà bạn có thể chọn đều là những loại quen thuộc và dễ kiếm ngày Tết như hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa sen, hoa hồng hay hoa mẫu đơn...
 
Các bước thực hiện cũng không quá cầu kỳ: Bạn ngắt cánh từng loại hoa, cho vào chậu nước sạch ấm ngâm cùng rồi sử dụng để lau bàn thờ ngày Tết.

Nuoc lau don ban tho
 

III/ 4 loại nước nên tránh dùng để lau bàn thờ

 
Bên cạnh những loại nước thích hợp dùng để bao sái bàn thờ ngày Tết, bạn cũng nên lưu ý tránh dùng những loại nước dưới đây để thực hiện công việc này kẻo xua đuổi vận may của gia đình.
 

1. Nước lã

 
Nhiều người không có thời gian để chuẩn bị những loại nước bao sái chuyên dụng, nên nghĩ sử dụng nước sạch, thêm lòng thành kính là được nên đã trực tiếp sử dụng nước lã để bao sái. Quả thật nước lã có thể làm sạch bụi bẩn trên ban thờ nhưng không có tác dụng tẩy uế những khí xấu từ năm cũ.
 
Theo quan điểm phong thủy và tâm linh, loại nước này lại không đủ để tối ưu cho việc thanh tẩy tạp khí trên ban thờ thần linh, gia tiên trong suốt một năm dài.
 
Tẩy uế bằng loại nước lã cũng không đủ thanh khiết, không những không làm sạch ban thờ mà còn vô tình lưu lại những tạp chất ảnh hưởng đến sự thanh tịnh, trang nghiêm cần có của ban thờ.
 
Do đó, gia chủ nên sử dụng nước ấm thay vì sử dụng nước lạnh để lau bàn thờ, bài vị cũng như lư hương. Làm như thế, tổ tiên sẽ ban phước lành, lộc lá cho gia chủ, không lo phạm tội bất kính, đón một năm mới bình an.
 

2. Rượu gừng

 
Đây là loại nước dùng lau bàn thờ "quen mặt", được rất nhiều gia đình dùng để bao sái ban thờ bởi cho rằng loại nước này không chỉ có tác dụng làm sạch mà còn góp phần thu hút tài lộc và may mắn đến với gia đình mình. Cách làm này vốn không có kiểm chứng, chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh nên tin hay không tin tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người.
 
Tuy nhiên về mặt khoa học, nước rượu gừng có thể sẽ không thích hợp dùng để lau dọn bàn thờ và các vật phẩm thờ cúng dịp cuối năm. Nguyên nhân là bởi rượu gừng có tính nóng rất mạnh trong khi hầu hết bàn thờ đều được làm bằng gỗ.
 
Việc dùng rượu gừng để bao sái ban thờ về lâu dài sẽ khiến cho ban thờ bị hư hỏng, bong tróc, bạc màu, thậm chí là cháy gỗ.
 
Nên nhớ, rượu gừng chỉ dùng đúng khi gia chủ pha chế thêm, thay vì sử dụng trực tiếp với nồng độ cao.
 
Lưu ý, để rượu gừng qua 7 ngày với gia chủ là nam và 9 ngày với gia chủ là nữ sau đó hòa với nước ngũ vị hương rồi mới có thể tiến hành lau dọn bàn thờ. Việc này nhằm làm giảm độ nóng của rượu gừng, đồng thời góp phần trừ tà hiệu quả.
 

3. Nước rượu tỏi

 
Cũng giống như rượu pha với gừng, nước rượu pha với tỏi là một lựa chọn bạn nên cân nhắc để lau dọn bàn thờ trong dịp cuối năm.
 
Tuy được biết đến công dụng xua đuổi tà ma, nhưng tỏi cũng là một loại gia vị có tính nóng, kết hợp thêm với rượu có thể trở thành hỗn hợp tẩy rửa có độ ma sát cao, ảnh hưởng tới chất lượng đồ gỗ hay các vật phẩm thờ cúng trên ban thờ.
 

4. Các loại dung dịch tẩy rửa

 
Các loại dung dịch tẩy rửa có khả năng làm sạch hiệu quả lại không mất công chuẩn bị và còn có thể mua được dễ dàng nên cũng được rất nhiều người ưa chuộng, mua về lau chùi ban thờ.
 
Tuy nhiên, vì bản chất được làm từ những hóa chất độc hại, tính tẩy mạnh nên chúng không phù hợp để lau dọn ban thờ cũng làm ảnh hưởng tới tính trang nghiêm của ban thờ.
 
Chưa kể nếu chẳng may mua phải những loại dung dịch chưa rõ nguồn gốc, chất lượng kém sẽ có thể gây hại cho sức khỏe của gia chủ khi tiến hành công việc dọn dẹp bàn thờ.
 

IV/ Lưu ý khi sử dụng nước bao sái bàn thờ

 

1. Cách sử dụng nước bao sái bàn thờ đúng chuẩn

 
Sau khi đã biết đâu là loại nước thích hợp để bao sái bàn thờ, bạn cũng nên lưu ý về cách sử dụng cho đúng chuẩn.
 
Theo các chuyên gia, đầu tiên, gia chủ nên dùng khăn mới, sạch thấm nước bao sái. Sau đó, dùng khăn vừa thấm nước lau chùi bàn thờ, các đồ thờ cúng sạch sẽ. Sau khi lau xong bằng khăn ướt nên lau lại bằng khăn khô và đặt đồ cúng trang nghiêm, ngay ngắn vào đúng vị trí ban đầu. Điều đó sẽ giúp trừ tà và đem lại tài khí, bình an cho người trong gia đình trong năm mới.
 

2. Lưu ý trước và trong quá trình bao sái, lau dọn bàn thờ

 
Không phải ai cũng biết cách bao sái ban thờ sao cho phù hợp, không phạm phải những kiêng kị. Sau đây là những điều cần lưu ý khi lau dọn bàn thờ:
 
- Chọn ngày lành tháng tốt để lau dọn bàn thờ
 
Thông thường việc bao sái bàn thờ thường được các gia đình lựa chọn vào các ngày giỗ chạp, 30, 14 âm lịch hàng tháng (trước ngày rằm, mùng 1). Với riêng dịp Tết cổ truyền, phong tục bao sái sẽ được tiến hành kể từ lễ cúng ông Công ông Táo 23 tháng Chạp - tức ngày tiễn Táo quân chầu trời và thường thực hiện trước lễ cúng Giao thừa.
 
Tuy nhiên gia chủ có thể lau dọn bàn thờ ngay cả vào những ngày thường, nếu thấy bàn thờ quá bụi, để giữ cho bàn thờ luôn sạch sẽ.
 
- Ai là người lau dọn bàn thờ?
 
Từ xưa tới nay, người đời luôn quan niệm rằng người bao sái bàn thờ phải là gia chủ, đại diện cho gia đình.
 
Thế nhưng, theo các chuyên gia phong thủy thì chỉ cần là thành viên trong gia đình thì ai cũng có thể làm việc này được.
 
Tuy nhiên có một lưu ý nhỏ đối với người lau dọn bàn thờ là trước khi lau dọn phải tắm rửa sạch sẽ, đầu tóc gọn gàng, ăn mặc chỉnh tề và tâm thành là được.
 
- Chuẩn bị đồ lau dọn bàn thờ:
 
Khi lau dọn, gia chủ nên chọn khăn mới, chổi mới, hoặc chổi quét chuyên dùng cho bàn thờ. Nước dùng để lau dọn phải là nước ấm và sạch, không được dùng nước lạnh. Gia chủ nên tắm rửa cho thân thể sạch sẽ rồi mới bắt đầu bao sái bàn thờ.
 
Bên cạnh đó, chúng ta phải chuẩn bị một chiếc bàn được phủ tấm vải đỏ để đặt bài vị tổ tiên lên đó, chờ sau khi hương cháy hết mới được bắt đầu công việc lau dọn. Nếu trên bàn thờ có cả bài vị của các vị thần Phật và tổ tiên, phải lấy bài vị của thần Phật xuống trước và đặt ở phía cao hơn hoặc đặt ở hai nơi riêng biệt.
 
- Không di chuyển bát hương:
 
Bát hương không chỉ là nơi cắm hương sau khi khấn vái mà còn là nơi linh hồn ông bà tổ tiên ngự. Lúc lau dọn bàn thờ, gia chủ cần cẩn thận, không làm di chuyển vị trí bát hương kẻo gây tai ương cho chính mình và gia đình.
 
Một số gia đình gắn cố định bát hương trên bàn thờ để tránh di chuyển khi bao sái cũng là vì lẽ đó.
 
- Tránh làm đổ vỡ đồ thờ cúng:
 
Trong quá trình bao sái, gia chủ nên hết sức cẩn thận, tránh làm đổ vỡ đồ thờ cúng. Dù hành động này có vô tình đi chăng nữa cũng sẽ khiến vong linh người đã khuất quở trách. Từ đây, gia chủ có thể gặp phải những phiền toái không đáng có vì tội bất kính.
 
- Không được rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài.
 
Hành động rút chân hương rồi cầm bát hương để hết tro ra ngoài sẽ rất dễ gây “tán tài”.
 
Nếu muốn thay bát hương, gia chủ nên dùng chiếc thìa nhỏ múc từng thìa đổ ra ngoài rồi mới rửa sạch bát hương đặt sang một bên. Không lau dọn thường xuyên vì khu vực đặt bát hương rất cần tụ khí, nếu động chạm liên tục thì theo tâm linh cũng không tốt.
 
- Không lau bài vị của tổ tiên trước bài vị của thần Phật:
 
Nếu trên ban thờ có cả bài vị của thần Phật, bạn cần lau chùi sạch sẽ bài vị thần Phật trước, tiếp đó mới tới bài vị của tổ tiên. Nếu làm ngược lại, người xưa thường quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần Phật, bởi thần Phật có ngôi vị cao hơn nên dễ khiến tổ tiên bị chèn ép.
 
Trên đây là những thông tin về nước bao sái bàn thờ và một vài lưu ý trong việc lau dọn bàn thờ dịp cuối năm, chuẩn bị đón Tết sang giúp mang lại nhiều may mắn và phúc lộc trong năm mới. Hy vọng bạn sẽ có thêm được nhiều kiến thức bổ ích qua bài viết.
 
* Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!
 
Đăng ký kênh Youtube Lịch Ngày Tốt - để không bỏ lỡ những Video HAY và HẤP DẪN nhất TẠI ĐÂY!

Tin cùng chuyên mục

X