(Lichngaytot.com) Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày Tết dành riêng cho trẻ em, dịp để các bé được vui chơi, nhận những món quà ý nghĩa từ ông bà, cha mẹ.
1. Lịch sử ra đời ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6
Tại Tiệp Khắc vào ngày 1/6/1941, phát xít Đức bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em tại làng Li-đi-xơ. Đồng thời, chúng còn tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít.
Đến năm 1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Năm 1949, để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Có thể bạn quan tâm: Có những phong tục tang lễ kỳ lạ trên thế giới không phải ai cũng được mục sở thị
2. Không phải nước nào cũng tổ chức Quốc tế Thiếu nhi vào ngày 1-6
Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 được biết đến rộng rãi là ngày lễ hay sự kiện dành cho trẻ em được tổ chức thường niên. Bên cạnh việc bảo vệ quyền trẻ em, ngày Quốc tế thiếu nhi còn tôn vinh tình yêu thương vô bờ bến của các bậc cha mẹ, người lớn dành cho thiếu nhi.
Có những điều thú vị về ngày quốc tế thiếu nhi trên thế giới không phải ai cũng biết. Vào năm 1954, Liên Hợp Quốc đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 hàng năm. Ngày này đánh dấu sự kiện quan trọng về quyền trẻ em là Công ước về quyền trẻ em được ký kết vào ngày 20/11/1989. Trước đề xuất này, hơn 191 quốc gia đã phê chuẩn.
Kể từ đó cho đến nay, nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi vào 1/6. Vào ngày này, nhiều hoạt động hấp dẫn được tổ chức dành cho trẻ em như các lễ hội, trò chơi...
Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng chọn ngày 1/6 là ngày Quốc tế thiếu nhi. Các quốc gia được khuyến khích lựa chọn một ngày phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện chứ không bắt buộc phải tổ chức dịp Tết Thiếu nhi vào đúng ngày này.
Chẳng hạn, Phần Lan và Ai Cập chọn ngày 20/11 là ngày Tết thiếu nhi. Tại Mỹ, ngày Quốc tế thiếu nhi không được cố định. Ngày này thường được tổ chức chung với Ngày của mẹ, Ngày của cha hoặc thay đổi tùy theo quyết định của chính phủ.
Tại Mỹ, vào năm 1998, Tổng thống Bill Clinton tổ chức ngày Thiếu nhi vào ngày 11/10. Đến năm 2001, Tổng thống George W. Bush chọn ngày 3/6 là "Ngày trẻ em quốc gia".
Ở Nhật Bản, Quốc tế Thiếu nhi diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch. Ngày này được gọi là "Kodomo no Hi" - nghĩa là Ngày Trẻ Em và được xem là ngày nghỉ toàn quốc kể từ năm 1948.
Đọc ngay: Hé lộ những phong tục tình yêu lãng mạn trên thế giới, đọc xong chỉ muốn tham gia ngay lập tức
3. Những chiếc cờ cá chép koinobori và bánh kashiwa-mochi trong lễ Tết Thiếu nhi ở Nhật
Hình ảnh những chiếc cờ cá chép, còn gọi là koinobori, là những hình ảnh có thể thấy ở bất cứ đâu trên đất nước Nhật Bản vào ngày Quốc tế Thiếu nhi. Người Nhật thường treo những lá cờ hình cá chép này lên cột cờ trong dịp lễ ngày 5 tháng 5. Đây chính là dịp Kodomo no Hi - Tết Thiếu nhi truyền thống ở xứ sở hoa anh đào.
Mỗi chiếc koinobori tượng trưng cho một đứa trẻ trong gia đình. Người Nhật quan niệm rằng cá chép là biểu tượng của sự quyết tâm và cường tráng, khi chúng bơi ngược dòng để đến được thượng nguồn. Trẻ em Nhật Bản trong dịp này sẽ nhận được món quà gọi là kashiwa-mochi, theo miêu tả là một loại bánh được làm từ gạo nếp và gói trong lá sồi.
4. Để trẻ em quản lý đất nước tại Thổ Nhĩ Kỳ
Ngày 23-4 hàng năm, người dân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức Ngày độc lập và Thiếu nhi bởi vào ngày này năm 1920, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã có cuộc họp đầu tiên trong lịch sử để thành lập một nền cộng hòa mới, xóa bỏ Đế chế Ottoman.
Người đứng đầu Nhà nước đã dành tặng điều này cho các em thiếu nhi và tuyên bố chúng là tương lai của thế giới. Trong ngày này, các em thiếu nhi sẽ được cho ngồi vào những chiếc ghế trong quốc hội và được phép điều hành đất nước một cách biểu tượng trong suốt cả ngày. Đây cũng được coi là một trong những phong tục tập quán đặc sắc của quốc gia này.
Không chỉ dành những điều tốt đẹp cho các em thiếu nhi trong nước, nhiều tổ chức và ngay cả chính phủ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần mời các em nhỏ từ nhiều quốc gia khác nhau đến chung vui. Có thể nói dịp lễ thiếu nhi tại Thổ Nhĩ Kỳ là nơi thể hiện nhiều tình đoàn kết nhất giữa trẻ em trên toàn cầu.
5. Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam có gì đặc biệt?
Ngày Quốc tế Thiếu nhi tại Việt Nam được chọn là ngày 1-6 hàng năm bắt nguồn từ sự kiện của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Lần đầu tiên chúng ta tổ chức ngày Quốc tế Thiếu nhi là vào thời điểm năm 1950, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp diễn ra khốc liệt.
Sau thời điểm năm 1989, Việt Nam là nước thứ hai trên thế giới và là quốc gia đầu tiên tại châu Á phê chuẩn Công ước về Quyền Trẻ em. Dù vậy, chúng ta vẫn giữ ngày 1 tháng 6 hàng năm làm ngày Tết Thiếu nhi, thay vì ngày 20 tháng 11 như của Liên Hợp Quốc.
Vào ngày này, bố mẹ có thể chọn những món quà ý nghĩa dành cho con cái, dành thời gian cho bé đi chơi đưa bé đến các nhà sách, tham quan các bảo tàng, tham gia hoạt động ngoài trời... Những hoạt động này giúp gắn kết tình cảm gia đình.
T.T (TH)
T.T (TH)