Nhắc nhở Tết 23 tháng Chạp: Hãy nhớ 1 thứ không CHO, 2 món không ăn, 3 việc nên LÀM, 2 điều cần TRÁNH để phú quý tràn vào nhà

Thứ Năm, 01/02/2024 08:24 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Những điều nhắc nhở Tết 23 tháng Chạp dưới đây dựa theo quan niệm của dân gian từ xa xưa sẽ giúp bạn tránh được những hành động vô tình khiến bản thân và gia đình gặp xui xẻo trong ngày Tết ông Công ông Táo, từ đó có thể bình an may mắn đón Tết mới.
 
Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày ông Táo về chầu trời. Vào ngày này, các gia đình Việt luôn chuẩn bị mâm cỗ, vàng mã để tiễn đưa ông Táo về trời.
 
Tết ông Công ông Táo cũng đánh dấu một “mùa Tết” nữa lại bắt đầu, ai cũng bận rộn và vội vã hơn chuẩn bị những công việc thật tươm tất để đón một năm mới thật hanh thông. Người ta cho rằng, một năm được bắt đầu bằng mùng 1 Tết Nguyên đán và kết thúc bằng ngày cúng ông Công ông Táo. Do đó ngày này còn mang ý nghĩa kết nối quá khứ và tương lai.
 
Đây là phong tục rất quan trọng vào những ngày cuối năm trước khi đón Tết Nguyên đán nên gia chủ khi cúng đều rất quan tâm đến những vấn đề kiêng kỵ trong ngày này để không mạo phạm đến thần linh.
 
Dưới đây là những nhắc nhở Tết 23 tháng Chạp mà bạn nên lưu ý.

 

1 thứ không được CHO

 
Không cho bánh hấp
 
Đây được cho là một phong tục của người Hoa trong ngày ông Công ông Táo 23 tháng Chạp.
 
Vào ngày này, người ta sẽ kiêng cho người khác các loại bánh hấp được làm từ bột mỳ, nhất là những loại bánh được chế biến cầu kỳ và có hình dạng bắt mắt.
 
Trong những ngày lễ hội, người ta thích hấp một số loại mì, bánh bao, bánh cuốn, người khéo léo sẽ làm ra món bánh hấp có hình hoa, hình các con vật… Đây là món hấp ngon và dễ ăn, quá trình hấp cũng tượng trưng cho sự thịnh vượng của cuộc sống. Người thân, bạn bè cũng sẽ tặng nhau những món bánh này để bày tỏ lời chúc phúc.
 
Tuy nhiên, ngày 23 tháng 12 âm lịch là ngày cúng ông Táo, trước đây bánh hấp là món truyền thống được người dân dâng lên cúng Táo quân, vì vậy bánh hấp không nên đem tặng, đem cho người khác trong ngày này, nếu không sẽ là bất kính với Táo quân.
 

2 món không được ĂN

 
- Không ăn dưa muối:
 
Dù xưa hay nay, dưa muối chua là món ăn được nhiều người ưa thích vì lạ miệng và ăn kèm được với nhiều món để chống ngán.
 
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, dưa chua tượng trưng cho sự khó khăn, còn Tết 23 tháng Chạp là ngày cầu phúc. Người dân hy vọng năm mới sẽ có cuộc sống sung túc, không phải lo lắng về cơm ăn áo mặc. Vì thế rõ ràng việc ăn dưa muối vào thời điểm này là không thích hợp.
 
Ngoài ra, cúng ông Công ông Táo vào thời điểm đang là mùa Đông lạnh giá, lúc này con người cũng bận rộn, tiêu hao nhiều năng lượng thể chất, lúc này cần ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng. Món dưa muối không chỉ có giá trị dinh dưỡng thấp mà nếu ăn quá nhiều cũng có thể khiến bạn khát nước và gây nóng trong, vì vậy, từ góc độ sức khỏe, đây cũng không phải là món nên ăn nhiều trong dịp 23 tháng Chạp.

 
- Không ăn hết con cá:
 
Trong dịp cúng ông Công ông Táo, mọi người đều rất chú trọng đến bữa cơm đoàn viên cả gia đình, nhiều nơi coi trọng bữa ăn này không kém bữa cơm chiều 30 Tết hay sáng mùng 1 Tết.
 
Các món ăn trên mâm cơm cúng ông Táo đều là món truyền thống mang ý nghĩa cát tường, cầu bình an và may mắn. Nhiều gia đình có thể lựa chọn món cá, nhưng khi ăn cá cần lưu ý không nên ăn hết, phải để lại đầu và đuôi cá.
 
Lý do là bởi, đầu và đuôi tượng trưng cho sự bắt đầu và kết thúc, đồng thời, phần cá còn sót lại cũng mang ý nghĩa "thặng dư", tượng trưng cho sự giàu có và dư thừa, đủ đầy năm này qua năm khác.

Mời bạn đọc thêm: Hướng dẫn mâm cỗ cúng ông Công ông Táo đúng chuẩn
 

3 việc phải LÀM

 
- Lau dọn nhà cửa:
 
Tết ông Công ông Táo 23 tháng Chạp tuy chưa phải là ngày Tết chính nhưng việc tiễn biệt cái cũ đón năm mới cũng rất quan trọng. Việc lau dọn nhà cửa là điều không thể thiếu vào dịp này.
 
Vào thời điểm này, hầu hết các gia đình sẽ tất bật quét bụi, lau chùi mọi ngóc ngách, bệ cửa, bàn ghế… trong nhà. 
 
Trong suy nghĩ của mọi người, quét bụi không chỉ là dọn bụi bặm mà còn là tống khứ hết mọi xui xẻo của năm cũ. Khi năm mới đến, tất cả những thứ cũ kỹ, bẩn thỉu, không may đều phải xua đuổi để đón những may mắn trong năm mới trong trạng thái sạch sẽ, ngăn nắp.
 
- Tắm và cắt tóc:
 
Theo nhắc nhở Tết 23 tháng Chạp, trong ngày Tết này, không chỉ nhà cửa phải dọn dẹp mà vệ sinh cá nhân cũng phải được thực hiện tốt. Do đó bạn cũng nên chú ý tắm gội sạch sẽ và cắt tóc gọn gàng.
 
Ngoài ra, dân gian còn có tục “tháng Giêng không cắt tóc” nên người ta đổ xô đi cắt, tỉa tóc vào ngày 23 tháng Chạp. Cắt tóc vào ngày Tết này cũng có nghĩa là bắt đầu mọi thứ “từ đầu”, cần phải thật gọn gàng, sáng sủa để tạo nên một khởi đầu tốt đẹp cho năm mới.

 
 
- Dán các câu đối đỏ, đồ trang trí nhà cửa:
 
Ngày 23 tháng Chạp mở đầu cho giai đoạn chính thức Tết, hương vị Tết ngày càng đậm đà, các con phố, ngõ ngách đã bắt đầu được trang trí bằng đèn và đồ trang trí đầy màu sắc. Người dân cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng để trang trí nhà cửa bằng nhiều món đồ màu đỏ để cầu may và tăng thêm không khí lễ hội.
 
Bạn có thể trang trí nhà cửa bằng các câu đối đỏ, đèn lồng hay các loại dây treo bằng giấy đỏ… bên trên có dán hình ảnh hay những lời cầu nguyện may mắn cho năm mới.
 

2 điều cần TRÁNH

 
- Tránh giã tỏi:
 
Theo nhắc nhở Tết 23 tháng Chạp, ngày này bạn nên tránh việc giã tỏi bởi đây là một điều cấm kỵ trong ngày tiễn ông Táo về trời.
 
Nhiều người tin rằng việc giã tỏi sẽ phá hủy vận may của cả gia đình. Vì vậy, khi chế biến các món ăn cần dùng tới tỏi hay ăn trực tiếp, tốt nhất nên cắn trực tiếp, tránh động tác giã tỏi được coi là không may mắn.

 
- Tránh về nhà muộn hoặc vắng nhà:
 
23 tháng Chạp không chỉ là ngày cúng ông Táo mà còn là ngày đoàn viên, ngày này dù ở đâu xa hay đang bận rộn công việc ra sao, bạn cũng nên cố gắng về nhà sớm để ở bên gia đình và cùng nhau tận hưởng khoảng thời gian tuyệt vời khi chuẩn bị đón năm mới.
 
Ngoài ra, xét theo phong tục thờ ông Táo thì việc vắng nhà vào ban đêm được coi là thiếu tôn trọng với Táo quân. Hơn nữa, thời tiết đang vào mùa Đông lạnh giá, nhiệt độ ban đêm xuống thấp, khi về nhà vào đêm khuya rất dễ bị cảm lạnh và mắc bệnh.
 
Những lưu ý trên đây chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm. Tùy vào phong tục và văn hóa từng vùng miền mà sẽ có những kiêng kỵ riêng trong ngày ông Công ông Táo khác nhau. 
 
Tuy nhiên, dân gian quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, hy vọng những lời nhắc nhở bên trên giúp bạn có thêm thông tin để khởi đầu một năm mới suôn sẻ hơn. Chúc bạn và gia đình đón xuân Giáp Thìn ấm no và thịnh vượng!