Ngày 10 tháng 10 - Một dịp lễ 3 cái Tết truyền thống

Thứ Hai, 18/09/2017 11:30 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Mỗi khi thu qua đông tới, người dân phương Đông nói chung và người Việt nói riêng lại tưng bừng tổ chức lễ Hạ Nguyên ngày 10 tháng 10. Tuy chỉ có một ngày nhưng đây lại là dịp lễ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, mang màu sắc dân gian và tâm linh đậm nét.

 
Nhắc tới ngày 10 tháng 10 âm lịch – Tết Trùng Thập là nhắc tới một dịp lễ với 3 ý nghĩa khác nhau, được tích lũy và bồi đắp trong quá trình tiếp biến văn hóa cùng thời gian lâu dài của lịch sử. Cùng tìm hiểu cả 3 tầng ý nghĩa để hiểu thêm về một ngày rất đặc biệt này nhé.
 

1. Tết của thầy thuốc

 
Theo sách Dược lễ thì ngày Trùng Thập hàng năm là ngày mà các loại cây thuốc, dược liệu phát triển tốt tươi nhất, ngày âm dượng kết tụ, đủ mùa Xuân Hạ Thu Đông nên được lấy làm Tết của thầy thuốc, những người hành nghề y, người buôn bán dược phẩm và cả những đồng cô bóng cậu, những người theo nghề bói toán, tâm linh.
 
Trong sách “Việt Nam phong tục” Phan Kế Bính có ghi: ''Tết ấy (tức 10-10 âm lịch) phần nhiều là các nhà đồng cốt và nhà thầy thuốc mới ăn thôi. Nhưng về nhà quê cũng nhiều nơi ăn, có nơi ăn to lắm, như ở vùng phủ Hoài, … " .
 
Ghi chép này cho thấy, Tết Trùng thập từng có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người Việt, nhất là thầy thuốc. Dịp này gia chủ sẽ soạn lễ hậu để khoản đãi học trò theo học nghề và những người bạn hàng, người cung cấp dược phẩm cho mình. Mặt khác, những người theo nghề tâm linh, những người tin vào tử vi, bói toán cũng biện lễ to để đa tạ thánh thần.
 
Ngày nay, tục này ở Việt Nam đã mai một, rất ít nơi thậm chí là không còn ở đâu ăn Tết Hạ Nguyên như là Tết thầy thuốc nữa.
 

2. Tết Trùng Thập mừng lúa mới

 
Phong tục dân gian truyền lại, ngày 10 tháng 10 hoặc ngày Rằm tháng 10 hàng năm là lễ mừng cơm mới – dịp lễ có vị trí cực kì quan trọng đối với cư dân nông nghiệp. Lễ này được tổ chức rất rộng rãi, từ vùng đồng bằng màu mỡ cho tới vùng núi cao, cao nguyên nắng gió người dân đều có các hoạt động mang ý nghĩa mừng lúa mới, mừng mùa màng bội thu.

Tìm hiểu kĩ hơn trong bài viết Ngày Song Thập cúng cơm mới Tết Hạ Nguyên
 
Nguồn gốc của lễ này là từ truyền thuyết cứ dịp Trùng Thập hàng năm thì Thiên Đình sẽ cử thần Tam Thanh xuống trần gian, xem xét cuộc sống của người dân và về thưa lại với Ngọc Hoàng. Người dân để đón mừng liền dùng gạo mới thu hoạch làm lễ tế thần, mong thần Tam Thanh ban phúc lành, tâu với Ngọc Hoàng để mùa sau mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
 
Một cách lý giải khác, đây là thời điểm gặt hái, thu hoạch nên người dân dùng chính thóc lúa mới để cúng tiến, báo cáo với ông bà tổ tiên và thành quả năm nay đồng thời tưởng nhớ Tiên Nông (tiên của đồng ruộng), mừng gặt hái thuận lợi, mong mùa sau tiếp tục thắng lợi.

 
Chính vì vậy mà mùng 10 tháng 10 mới gọi là lễ mừng cơm mới hay lễ thường tân. Mọi người nô nức dùng gạo mới để làm bánh dày, thổi cơm, luộc gà, nấu chè kho cúng và chia cho cho những người thân thuộc, cùng chung vui với nhau. Năm nào mùa màng tươi tốt thì năm ấy ăn Tết càng to, có khi kéo dài suốt mấy tháng trời, cho tới ngày gieo vụ mới.
 
Ở một số nơi có tục mua quà và gạo nếp mùa mới cùng một số đặc sản theo mùa để biếu người lớn trong nhà, tỏ lòng hiếu thuận, kính trọng và biết ơn. 

Bạn có thể tham khảo Văn khấn Tết Hạ nguyên (mồng 1, 10, 15/10 âm lịch) để tổ chức cúng tại gia.
 

3. Tết Hạ Nguyên của Phật giáo

 
Với Phật giáo, có Thượng Nguyên (Rằm tháng Giêng) thì phải có Hạ Nguyên (10 tháng 10 hoặc Rằm tháng 10). Đây là dịp để chúng Phật tử tưởng niệm công đức của chúng chư Phật Bồ Tát, tỏ lòng thành kính với những công lao lớn của các ngài trong việc sáng lập, gìn giữ và phát huy đạo. 
 
Lễ Hạ Nguyên được tổ chức tại chùa, không rầm rộ cầu kì như các Đại Lễ khác nhưng vẫn giữ nguyên sự thành kính đối với đạo và Phật, nhắc nhở chúng đệ tử hướng theo con đường của chính pháp, luôn giữ mình trong sáng và thiện lương theo gương Phật.     


Tâm Lan