Cài đặt ngày sinh
Cài đặt ngày sinh (DL), giới tính để xem được nhanh nhất
Lịch Vạn Niên - Lịch âm dương - Xem ngày tốt xấu 2024

Nét đẹp phong tục truyền thống trong Tết Trung Thu đất Việt

Thứ Sáu, 08/09/2017 11:22 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Tết Trung thu hay còn gọi là Tết trông trăng là ngày tết của trẻ em. Đây là ngày lễ cổ truyền dân tộc, diễn ra vào ngày rằm tháng 8 âm lịch hàng năm.
 
Tết Trung thu là một trong những ngày lễ lớn, là ngày tết của trẻ em theo truyền thống dân gian. Các bé rất mong đợi đến ngày này bởi được người lớn dành cho biết bao món quà, lại được chơi nhiều trò chơi thú vị.


phong tuc truyen thong ngay Tet Trung thu
Nét đẹp phong tục trong Tết Trung Thu đất Việt 
 
Vào ngày rằm trung thu, người ta lại tổ chức bày cỗ trông trăng. Có rất nhiều phong tục cổ truyền được diễn ra trong ngày lễ này. Tết Trung Thu mỗi quốc gia lại có một nét riêng, cùng Lịch ngày tốt khám phá những phong tục truyền thống trong ngày Tết Trung thu ở Việt Nam nhé.
 

1. Cúng trăng (tế nguyệt) và ngắm trăng (thưởng nguyệt)

 
Hàng năm, vào đêm rằm tháng 8, các gia đình sẽ tổ chức lễ tế thần mặt trăng khi trăng rằm tỏa sáng trên cao. Người dân dâng hoa quả, bánh trung thu có hình mặt trăng lên bàn thờ. Đây cũng là dịp để cả gia đình quây quần bên nhau nên tết Trung Thu còn được gọi là tết Đoàn viên, các thành viên cùng ngồi bên nhau thưởng trà, ăn bánh, ngắm ánh trăng rằm.


uong tra thuong trang
 
 
Tục ngắm trăng thưởng nguyệt bắt nguồn từ tục cúng trăng. Đây là phong tục dành cho người lớn, bên cạnh những trò vui dành cho con trẻ vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.

Mọi người ngồi quanh mâm cỗ giản đơn, có trà có bánh, có thêm ánh trăng rằm sáng lung linh, cùng chuyện trò, tâm sự những chuyện vui buồn. Các cụ xưa còn có lệ ngắm trăng thưởng trà làm thơ đối nữa.

2. Rước đèn

 
Hàng năm, cứ đến dịp Trung Thu là các bé con lại được người thân sắm sửa cho những chiếc đèn lồng thật đẹp để tối đêm rằm cùng nhau rước đèn. Trước kia, đèn lồng thường được tự làm bằng những vật liệu đơn giản như tre, giấy… mãi sau này mới có thêm đèn lồng bằng nhựa chạy pin. 
 
Ngày xưa, khi đời sống còn khốn khó, trước tết Trung Thu tầm 2-3 tuần, người ta còn gom hạt bưởi lại, bóc vỏ ngoài rồi xâu thành từng xâu dài, phơi khô. Đến đêm rằm, từng xâu hạt bưởi được đem ra đốt, mang lại ánh sáng lung linh diệu kì cùng hương thơm ngan ngát.


ruoc den trung thu
 
 
Trẻ em sẽ có những cuộc rước đèn, nhiều nơi còn mở cuộc thi xem đèn lồng của ai làm đẹp và khéo nhất. Nào đèn xếp, đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống, đèn kéo quân… rực rỡ cả một góc trời cùng tiếng cười trẻ thơ hòa cùng tiếng trống múa lân vô cùng náo nhiệt.
 
Ở một số nơi đã khôi phục lại lễ hội rước đèn đêm rằm Trung Thu như Tuyên Quang, được ví là lễ hội Trung Thu lớn nhất Việt Nam. Đèn được làm thành mô hình lớn, lễ rước kéo dài từ đầu tháng 8 âm lịch cho tới chính rằm. Ở Phan Thiết (Bình Thuận), chính quyền cũng tổ chức lễ rước đèn với sự tham gia của hàng ngàn học sinh, rước đèn rực rỡ khắp các phố phường.
 

3. Hát trống quân

 
Đây là phong tục đón tết Trung Thu ở miền Bắc. Khi hát trống quân, đôi bên nam nữ sẽ vừa hát đối đáp với nhau, vừa đánh nhịp vào sợi dây gai hay dây thép căng trên chiếc thùng rỗng, lấy nhịp cho câu hát. 
 
Tục hát trống quân có từ thời vua Lạc Long Quân đời Hồng Bàng, là phong tục của riêng Việt Nam trong ngày rằm tháng 8 này. Trai gái hát đối với nhau vừa để vui chơi, cũng vừa là để tìm bạn trăm năm, tìm người nên duyên đôi lứa.
 

4. Múa sư tử (múa lân)


mua lan
 
Múa sư tử còn được gọi với tên khác là múa lân. Khác với người Hoa hay tổ chức múa lân vào dịp Tết Nguyên Đán, người Việt ta lại tổ chức vào dịp tết Trung Thu, góp vui cho con trẻ, cũng là cầu những điều lành theo con lân mà đến, mang đậm ý nghĩa tết Trung Thu truyền thống.
 
Người ta thường tổ chức múa vào hai ngày 14 và 15 tháng 8. Đám múa lân có một người dẫn đầu đội chiếc đầu lân bằng giấy, múa những điệu của con vật này theo nhịp trống. Đám múa lân đi trước, trẻ con người lớn lũ lượt theo sau, náo nhiệt vui vẻ vô cùng.
 

5. Bày cỗ Trung Thu

 
Ngày tết Trung Thu được diễn tả trong cuốn “Việt Nam phong tục” như sau: “Ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, tối đến bày cỗ thưởng Nguyệt. Đầu cỗ là bánh mặt trăng, và dùng nhiều thứ bánh trái hoa quả, nhuộm các màu sắc sặc sỡ xanh, đỏ, trắng, vàng. Con gái hàng phố thi nhau tài khéo, gọt đu đủ thành các thứ hoa nọ hoa kia, nặn bột làm con tôm con cá coi cũng đẹp.”


mam co trung thu
 
 
Mâm cỗ ngày rằm Trung Thu thường có con chó bưởi, gắn thêm 2 hạt đậu đen làm mắt, nhìn rất sinh động, được các bé vô cùng yêu thích. Cùng với hình ảnh đèn lồng, bánh Trung Thu, có lẽ chú chó bưởi là thứ đủ làm sống dậy không khí Trung Thu trong lòng mỗi người con đất Việt.
 
Xung quanh chú chó bưởi, các chị các mẹ lại bày thêm nhiều loại hoa quả cùng các loại bánh nướng, bánh dẻo. Hoa quả ngày rằm này thường là bưởi, na, hồng đỏ căng mọng và hồng xanh giòn ngọt.
 
Khi trăng lên tới đỉnh đầu, sáng rực rỡ chiếu rọi khắp mọi nơi, các bé cũng đã vui đùa, rước đèn chán chê, mọi người sẽ cùng nhau phá cỗ, thưởng thức trọn vẹn hương vị ngày tết Trung Thu.
 
An An

Tin cùng chuyên mục

X