Thứ Tư, 11/01/2017 17:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) - Năm Dậu cúng gà có được không là băn khoăn của nhiều gia đình khi chuẩn bị bước sang năm mới. Bài viết dưới đây sẽ làm sáng tỏ điều đó.
1. Ý nghĩa của việc cúng gà
Việc chọn gà cúng có liên quan tới truyền thuyết từ xa xưa. Khi mặt đất còn tối tăm lạnh lẽ do mới được Ngọc Hoàng sáng tạo ra, 10 mặt trời được lệnh chiếu sáng ngày đêm để sấy khô mặt đất. Tuy nhiên sau đó vì Ngọc Hoàng quên thu các mặt trời lại khiến cho mặt đất và con người trở nên khốn đốn vì nắng hạn.
Có một dũng sĩ đã dùng cung tên bắt rụng 9 mặt trời, và 1 mặt trời còn lại sợ quá nên trốn biệt đi rất cao và xa, không chiếu sáng nữa. Con người và loài vật trên mặt đất tối tăm bèn rủ nhau đi gọi mặt trời nhưng cuối cùng chỉ mỗi con gà trống gáy vang khiến mặt trời tò mò hạ xuống, quên đi sợ hãi và chiếu sáng trở lại.
Đêm Giao thừa được coi là đêm tối nhất bởi đó là lúc mặt trời ẩn nấp sâu nhất. Do đó dân gian bảo nhau cúng gà trống với mục đích gà sẽ đánh thức mặt trời, chiếu sáng trở lại cho thế gian, đem lại mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ cho mọi nhà.
Đó chính là câu chuyện mang ý nghĩa văn hóa lâu đời về việc lựa chọn con gà làm đồ lễ cúng. Có thể nói con gà là biểu tượng của nền văn hoá đi liền với tín ngưỡng tôn sùng mặt trời của nền nông nghiệp lúa nước.
Ngoài ra, có quan niệm cho rằng, mỗi ngày trong tám ngày đầu năm mới sẽ thuộc về một loài vật, gà thuộc ngày Mồng 1 Tết nên cỗ cúng không thể không có gà. Khi cúng gà gia chủ nhất thiết phải gắn một bông hoa hồng ở mỏ, mang ý nghĩa gà trống cất tiếng gáy gọi mặt trời của ngày đầu tiên, báo hiệu năm mới đã đến.
2. Năm Dậu cúng gà được không?
Ngày nay, nền kinh tế đã thay đổi, nhiều tư duy quan niệm về văn hóa lối sống cũng có nhiều khác biệt so với xưa. Và mặc dù nhiều nơi có thể đã thay gà bằng chân giò hay khổ thịt lợn vuông vức hay những đồ lễ khác nhưng thói quen chọn gà làm đồ lễ cúng vẫn rất phổ biến trong dân gian. Tuy nhiên không nhiều người hiểu rõ về ý nghĩa văn hóa của việc chọn gà làm đồ cúng, nhất là đêm Giao thừa. Chính vì thế mới nảy sinh câu hỏi rằng năm Dậu cúng gà có được không. Suy diễn hơn, có người còn cho rằng năm Tỵ, năm con rắn thì không cúng gà vì rắn vồ gà…
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian thì đó là những suy diễn tư biện so với nghi lễ xưa. Cúng gà là một nét đẹp văn hóa và không có chuyện kiêng năm gà thì không cúng gà. Ngoài ra những thứ cúng thay thế gà như thịt lợn, chân giò thì chỉ đơn thuần là đồ lễ cúng chứ không mang ý nghĩa văn hóa. Do đó bạn hoàn toàn có thể yên tâm năm Dậu cúng gà mà không phải “kiêng kỵ” điều gì.
Chuyên gia
phong thủy, KTS Phạm Thanh Truyền cho biết: “Quan niệm cúng cỗ đêm Giao thừa là một hình thức lễ nghi nhằm hướng tới yếu tố Chân, Thiện và Mỹ. Vì vậy, gia chủ không nhất thiết phải kiêng kị cúng thịt gà. Tuy nhiên, mâm cỗ cúng đêm Giao thừa nên là cỗ chay”.
Theo TS Nguyễn Văn Vịnh, (Phó Viện trưởng Viện Công nghệ giáo dục), cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc năm mới vừa tới để xin tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp điều tốt lành trong năm mới. Thông thường, cỗ cúng Giao thừa trong nhà nên là mâm cỗ chay, gồm: hương, hoa và các loại bánh làm từ gạo nếp, gạo tẻ.
Lý giải điều này, TS Nguyễn Văn Vịnh cho hay: “Chiều 30 Tết, gia đình nào cũng cúng lễ mặn gồm bánh chưng, giò-chả, xôi gấc,… và thịt gà. Do vậy, đêm Giao thừa, gia chủ cần cúng đồ chay để thể hiện sự thanh cao, thanh sạch trong mâm cỗ. Hơn nữa, việc cúng đồ chay sẽ giản tiện, ít tốn kém và dồn ứ thực phẩm trong ngày Tết”.
Bên cạnh đó, việc cúng cỗ chiều 30 Tết hay đêm Giao thừa cần có chút tiền vàng tượng trưng, không nhất thiết phải nhiều. Lễ nghi cốt ở tại tâm, hãy tùy theo hoàn cảnh của gia đình mà chuẩn bị lễ cúng phù hợp.
3. Tiêu chuẩn chọn gà cúng Giao thừa
Sở dĩ chọn gà trống chứ không phải gà mái để làm đồ lễ cúng vì gà trống được xem là hội tụ đủ 5 đức tính mà một người đàn ông cần có. Đó là văn, võ, dũng, nhân, tín. Việc cúng gà trống cũng là cầu mong con cháu được hưởng những đức tính ấy.
- Văn ở đây hiểu là: gà trống có mào trên đỉnh đầu cùng hai cái mào ở dưới, giống như chiếc mũ cánh chuồn của ngài tiến sĩ xưa, biểu tượng cho văn.
- Võ: gà có cựa như thứ vũ khí, biểu tượng cho võ.
- Dũng: gà trống luôn sẵn sàng đánh nhau để bảo vệ đàn của mình, biểu tượng cho dũng.
- Nhân: gà trống đầu đàn khi được cho ăn thì luôn gọi cả đàn đến chứ không ăn một mình, biểu tượng cho nhân.
- Tín: gà trống luôn cất tiếng gáy đúng canh giờ, biểu tượng cho tín.
Với mong ước về sự may mắn, an lành, tốt đẹp, việc chọn gà cúng đêm Giao thừa phải là gà trống hoa, gà chưa đạp mái và mới le te gáy. Điều này hàm ý về lễ vật tinh khiết để lời thỉnh cầu được linh nghiệm.
Với những điều trình bày ở trên, năm Dậu cúng gà hoàn toàn là điều nên làm, vừa hợp với truyền thống văn hóa phong tục lâu đời của cha ông vừa thể hiện tấm lòng thành và mong ước tốt đẹp của gia đình bạn trong năm mới.
Lichngaytot
2 sai lầm trong cúng bái ngày Tết khiến tài lộc tiêu tanViệc cúng bái trong ngày Tết là nét văn hóa truyền thống ở nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, có nhiều người lại mắc phải một số sai lầm trong cúng bái khiến