Những điều cần lưu ý khi làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết để cả năm tài lộc dồi dào sung túc

Thứ Năm, 09/01/2020 09:27 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Trong các lễ cúng ngày Tết thì lễ cúng sáng mùng 1 vô cùng quan trọng. Hãy cùng Lịch ngày tốt tìm hiểu về những điều cần lưu ý khi làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết để vạn sự tốt lành nhé.
 
 

Làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết như thế nào?



 
Mùng 1 Tết là ngày vô cùng quan trọng trong năm, bởi nó là ngày đầu tiên bắt đầu năm mới. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt ta đã có lệ làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, còn gọi là mâm cỗ cúng Nguyên Đán, tức cúng vào sáng sớm của ngày đầu năm, ngày mùng 1 Tết. Thử Khám phá ý nghĩa Tết Nguyên Đán trải dài trong 15 ngày Tết nhé.
 
Thường nhắc đến mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, người ta sẽ hiểu là lễ cúng vào buổi sáng. Lễ cúng vào chiều mùng 1 Tết Nguyên Đán được gọi là cúng Tịch điện, tức cúng cơm chiều, tùy theo phong tục từng nơi mà có. 
 
Để có mâm cỗ cúng mùng 1 Tết được tươm tất, đủ đầy, người ta thường chuẩn bị lễ vật gồm cả lễ chay và lễ mặn cùng với tiền vàng, đèn nến. Lễ chay thường có trái cây, hương hoa, trầu cau, trà nước… Lễ mặn sẽ có bánh chưng (hoặc bánh tét), gà luộc, rượu và các món ăn khác tùy theo điều kiện của gia chủ. Thường các món ăn này là những món đặc trưng ngày Tết như giò chả, nem rán, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, thịt đông….
 
Một điều đặc biệt mà gia chủ cần lưu ý là nếu có ý định cúng gà luộc trong sáng mùng 1 thì nên làm gà sẵn từ chiều 30 Tết. Sở dĩ như vậy là vì đầu năm sát sinh là điều kiêng kị, không tốt lành cho gia đình. 

 
 
Gia chủ sáng sớm dậy chuẩn bị mâm cỗ cúng mùng 1 Tết dâng lên thần linh, tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội, cũng là mong được các vị bề trên che chở, phù hộ cho năm mới an lành. Hương tàn thì gia chủ lễ tạ và hạ cỗ xuống cho mọi người trong nhà cùng hưởng lộc. Đọc thêm Văn khấn mùng 1 Tết - Cúng lễ Tổ tiên (mồng 1 Tết)
 
Còn 1 điều khác biệt trong lễ cúng sáng mùng 1 Tết đó là toàn bộ tiền vàng sau lễ cúng vẫn được để nguyên trên bàn thờ chứ chưa đem đi hóa. Đèn nến trên ban thờ cũng thường được thắp sáng liên tục cho đến 3 ngày sau, đến lễ Hóa vàng mới thôi. Tới lễ hóa vàng, người ta sẽ đem tiền vàng trên ban thờ đi hóa.
 

Những điều đại kị vào những ngày đầu năm mới


 

Quét nhà

 
Hầu như không ai biết tại sao phải kiêng quét nhà ngày Tết. Theo quan niệm dân gian, quét nhà ngày Tết là điều đại kị. Sở dĩ nói như vậy là vì người ta cho rằng nếu quét nhà, hót rác đổ đi cũng tức là mang hết tài lộc, cát khí trong năm mới đi mất, gia đình nào làm thế thì cả năm làm ăn khó khăn, tài chính bất ổn, dễ lâm vào cảnh vay mượn.
 
Thường thì các gia đình sẽ quét nhà sau khi khách tới chơi cho sạch sẽ, nhưng rác quét được sẽ vun vào góc nhà chứ không ai quét ra ngoài cửa. Thực ra nhà cửa đều đã được gia chủ dọn dẹp sạch sẽ vào những ngày cuối năm nên việc này cũng không ảnh hưởng nhiều đến vệ sinh nhà ở.
 

Vay mượn tiền bạc

 
Người xưa có câu “Mồng một sớm mai, mồng hai đầu tháng” nói về việc kiêng kị vay mượn tiền bạc, đổi chác đồ mới mua trong những ngày đầu tháng, bởi việc đó sẽ ảnh hưởng đến tài lộc của cả tháng sau đó.
 
Tương tự như vậy, vào những ngày đầu xuân năm mới, người ta cũng cho rằng vay mượn tiền bạc là điều kiêng kị không nên làm. Người cho vay thì dễ mất mát tài lộc, còn người đi vay thì gặp điềm xấu, cả năm sau đó dễ túng thiếu liên tục, luôn tay vay mượn.
 
Cũng chính vì lẽ này mà người ta thường sẽ giải quyết hết vấn đề tiền bạc, nợ nần trong năm cũ để năm mới được thoải mái đón Tết. Thường những chuyện liên quan đến tiền bạc sẽ giải quyết sau ngày Rằm tháng Giêng, đầu xuân năm mới không ai nói đến chuyện cho vay mượn, đổi trả tiền để giữ vía tốt, vía lành cho mình và mọi người. 
 

Cho nước, cho lửa

 
Tục này giờ đây dần mai một, người ta không còn nhớ rõ tại sao người xưa lại kiêng kị cho nước, cho lửa nữa. Nhưng thực chất, đây là điều đại kị mà người xưa không bao giờ làm trong những ngày đầu năm.
 
Vẫn biết chỉ có cần kíp thế nào người ta mới xin, hàng xóm láng giềng chẳng lẽ lại tiếc nhau miếng nước, ngọn lửa song đầu xuân năm mới thì chớ nên làm khó người khác.
 
Người xưa cho rằng lửa màu đỏ, lửa mang lại sự sống cho con người, là màu sắc may mắn. Nếu đem cái ĐỎ, tức cái may mắn của mình cho người khác thì bản thân sẽ gặp phải xui xẻo, không còn được an ổn như bình thường.
 
Còn nước, theo phong thủy là tượng trưng cho Tài lộc nên nếu xin nước cũng là đi xin tài lộc. Gia chủ cho nước thì mất lộc, tiền tài trong năm không cánh mà bay. Trước Tết, người ta thường chu đáo đổ đầy nước vào chum vại, bể chứa nhà mình, coi đó là tài lộc sung túc trong năm mới. 

An An