Ly nước cúng trên bàn thờ - Tấm lòng thuần khiết dâng Tổ tiên, Thần Phật mang ý nghĩa linh thiêng tối thượng!

Thứ Hai, 29/01/2024 17:38 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Ly nước cúng trên bàn thờ vô cùng quen thuộc, ai cũng dễ thấy nhưng không phải ai cũng hiểu hết được ý nghĩa của nó. Đây được coi là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ Gia tiên hay ban thờ Thần Tài, bàn thờ Phật, vì sao lại như vậy?
Mục lục (Ẩn/Hiện)

Từ bao lâu nay, trên bàn thờ Gia tiên hay ban thờ Thần Tài, bàn thờ Phật không chỉ bày biện bát hương, hoa quả thờ cúng mà có cả những ly nước. Nhưng bạn có biết những ly nước này mang ý nghĩa gì không và đặt ly nước trên bàn làm sao cho đúng cách?

1. Ly nước cúng trên bàn thờ có ý nghĩa gì?

 
Ly nước cúng trên bàn thờ còn có tên gọi là kỷ nước. Chén nước thờ thường được đặt trên một chân kỷ sứ tạo thành 1 bộ hoàn chỉnh. Ly nước này mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện tấm lòng thuần khiết của người cúng dâng Tổ tiên, Thần Phật, sự linh thiêng tối thượng.
  • Bày tỏ lòng cung kính: Ly nước là món đồ thờ dùng để đựng nước sạch hoặc rượu trên bàn thờ thể hiện lòng thảo kính của gia chủ. Con cháu dâng nước lên bàn thờ để thể hiện lòng tưởng nhớ, tôn trọng, thành kính đối với Thần linh, Gia tiên, Đức Phật. Các chén nước được đặt ngay ngắn vào ngai thể hiện sự tôn nghiêm, vững chắc.
  • Tâm bình lặng: Nước còn được coi như những gì thuần khiết, trong sạch nhất, mang ý nghĩa tâm linh cao nên ly nước đặt trên bàn thờ còn mang ý nghĩa tâm lặng như nước, yên bình, thành tâm khi đứng trước các vị trưởng bối. Nhất là ly nước thờ Phật là trong sạch, phẳng lặng và thuần khiết. Mà dụng ý của Phật muốn nhắc nhớ chúng ta trong cuộc sống phải trong sạch, thanh tịnh như nước vậy. Không được có sự phân biệt sang – hèn, giàu – nghèo hay trí – ngu.
  • Nước tượng trưng cho hành Thuỷ trên bàn thờ: Bàn thờ chuẩn phong thuỷ là bàn thờ được bài trí hài hòa đủ Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ). 
  • May mắn, thu hút tài lộc: Nước là biểu tượng của nguồn sống, là trung tâm tái sinh. Cho nên kỷ nước đặt trên bàn thờ còn thể hiện sự tụ tài cũng như dòng chảy tài lộc mang đến vượng khí, may mắn cho gia đình. Bởi nước là cội nguồn cho sự sinh sôi nảy nở. Gia chủ dâng nước với sự mong về cầu hạnh phúc, con cháu đề huề, cuộc sống bình an. 

2. Cách đặt ly nước cúng trên bàn thờ


Bộ kỷ chén nước nên được đặt trước mâm bồng, không đặt sau bát hương. 

2.1 Ly nước phải sạch


Ly nước phải được lau chùi sạch sẽ trước khi cúng, nên chọn đúng loại nước bao sái bàn thờ để lau tránh rửa trôi tài lộc của cả gia đình. Còn nước dùng để cúng phải là nước sạch, tinh khiết. Không nên dùng nước mưa, nước giếng khoan, nước máy chưa qua xử lý.

Nhất là ly nước trên bàn thờ Phật không bao giờ được thiếu vì còn là biểu thị cho cái tâm phải thanh tịnh, bình đẳng, sáng sạch như nước khi đứng trước Đức Phật. Một khi tâm thanh tịnh sẽ sinh công đức, sinh trí tuệ, sẽ vượt thoát luân hồi.

Tuy nhiên, kỷ nước trên bàn thờ Gia tiên không bắt buộc phải là nước trắng, có thể thay bằng rượu nếp trắng hoặc nước chè tàu tùy mỗi gia chủ.
 
Nước cúng không được để quá lâu, nếu để qua đêm thì nên đổ đi và thay bằng nước mới. Nước cúng phải được thay mỗi ngày, vào buổi sáng sớm.

2.2 Số ly nước là số lẻ


Bộ chén nước trên bàn thờ thường có số lẻ, thường là 3 chén hoặc 5 chén.
 
Theo quan niệm phong thuỷ, cũng như ông bà ta thời xưa, số chẵn tượng trưng cho tính âm, số lẻ tượng trưng cho tính dương. Chúng ta là người trần cúng cho người âm (dương cúng âm) nên phải sử dụng số lẻ để thể hiện lòng thành kính. 

Không những thế, số lẻ là biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở, thế nên không chỉ kỷ nước mà hoa, quả hay các đồ vật trên bàn thờ đều là số lẻ. 
 

2.3 Kỷ nước thờ cúng nên chọn chất liệu gì?
 

Kỷ nước trên bàn thờ thường được làm từ gốm sứ (thuộc hành Thổ), , sứ phủ men, men rạn. Gốm là chất liệu truyền thống có linh tính chứa đựng tinh hoa đất trời, phù hợp để làm những đồ vật mang tính tâm linh cao như đồ thờ cúng. Gốm Bát Tràng, gốm Vạn Ninh là loại gốm được nhiều người ưa chuộng vì chất lượng cũng như mẫu mã đa dạng.
 
Một số họa tiết trên kỷ nước là hoa sen, rồng,... hình ảnh trang nhã, màu sắc nhã nhặn, mang tính tâm linh cao. Không chọn các kỷ nước có họa tiết màu mè lòe loẹt ảnh hưởng tới tính linh thiêng trên ban thờ. 

Tránh lựa chọn kỷ nước bằng đồng khi sử dụng đồ thờ khác bằng gốm và ngược lại, tránh dùng kỷ nước sứ trong bộ thờ bằng đồng.
 

3. Trên bàn thờ nên đặt 3 ly nước hay 5 ly nước?

 
Ly nước cúng bàn thờ có thể dùng 3 ly hoặc 5 ly tuỳ thuộc vào kích thước bàn thờ lớn hay nhỏ, bộ vật phẩm thờ ít (tam sự) hay nhiều (ngũ sự) để bày biện cho phù hợp.
 

3.1 Bộ kỷ 3 chén


Bộ kỷ nước gồm 3 ly mang ý nghĩa ly ở giữa để dâng thần linh, hai ly bên cạnh để dâng tổ tiên nội ngoại cùng bà cô ông mãnh. Khi dâng kỷ nước 3 ly còn thể hiện sự hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, cha mẹ mất con cái để tang 3 năm.

Bộ kỷ 3 chén nước trên bàn thờ để đựng nước, rượu hay trà, thông thường đựng nước vì đã có nậm rượu bên cạnh

Thêm nữa là các truyền thống thờ cúng của dân tộc được lưu truyền bằng những câu tục ngữ “ba đời bảy họ” mang ý nghĩa lòng biết ơn của con cháu tới tổ tiên của mình. Vì vậy có nhiều gia đình lựa chọn bày kỷ nước 3 ly trên bàn thờ.
 

3.2 Bộ kỷ 5 chén


Với kỷ nước gồm 5 ly thì 3 ly nước ở giữa dùng để bày tỏ lòng thành kính của gia chủ với thần linh còn 2 ly bên cạnh để dâng Gia tiên nội ngoại với lòng biết ơn vô bờ bến.

Bộ kỷ nước 5 chén thường tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ) hoặc Ngũ thường (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín),... Bộ kỷ 5 chén nước thường được dùng với các bàn thờ kích thước lớn hoặc sử dụng cho bàn thờ Phật, Thánh kết hợp bàn thờ Gia tiên (bàn thờ tam cấp).
 
Cũng có câu hỏi đặt ra rằng 5 chén trên bàn thờ Gia tiên đựng gì vì số lượng chén nhiều. Câu trả lời cũng tương tự kỷ 3 ly là có thể đựng nước tinh khiết, rượu trắng hoặc chè tàu.
 
Việc lựa chọn bày kỷ nước 3 ly hay kỷ nước 5 ly lên bàn thờ đều đúng và không phạm phải điều kiêng kỵ. Tùy thuộc vào diện tích bàn thờ của gia chủ to hay nhỏ để đưa ra cách bài trí đồ thờ cúng làm sao cho hợp lý. 

Chẳng hạn, với những bàn thờ treo tường kích thước nhỏ ở chung cư thường dùng bộ kỷ 3 chén, gọn nhẹ và tiết kiệm không gian thờ cúng hơn. Nhưng hiện nay nhiều gia đình có xu hướng chọn bày 5 ly nước trên ngai hơn.
 
Việc đặt 3 hoặc 5 ly nước trên bàn thờ không liên quan gì đến những điều kiêng kỵ trong giới tâm linh. Mà phải dựa vào diện tích của bàn thờ và cách sắp xếp của gia chủ nữa nhé. 
 

4. Lưu ý khi đặt kỷ chén nước trên bàn thờ 

 
Ngoài ra, có một số lưu ý khi đặt chén nước trên bàn thờ như sau:
  • Dùng thắp hương cúng Gia tiên hoặc tế thần có thể dùng kỷ 3 chén nước hoặc sử dụng 5 chén nước. Nếu không dùng thì hạ chén xuống, không nên để chén rỗng trên bàn thờ.
  • Gia chủ có thể chọn loại kỷ nước khum tròn hoặc phân bậc, tuỳ thuộc vào gu thẩm mỹ của gia đình, miễn sao cho đồng bộ với các vật phẩm khác là được.
  • Khi dâng lễ với bộ 3 chén thì chén ở giữa là rượu, chén thứ 2 là trà khô, chén thứ 3 là nước (hoặc cả 3 đều là nước). Nếu dùng 5 chén thì lần lượt là rượu, trà khô, nước, gạo, muối. Gạo, muối, trà sau khi lễ sẽ vãi đi. Tuy nhiên, chủ yếu ở bộ kỷ 3 chén hoặc 5 chén đều là sử dụng nước. 
  • Không sử dụng ly đã bị nứt vỡ hoặc rạn để trên bàn thờ. Nếu có hiện tượng này cần thay bộ kỷ chén khác mới ngay lập tức.
  • Chỉ nên đồng bộ màu sắc chén, không nên để lẫn màu chẳng hạn hai xanh một vàng,...

5. Một số thắc mắc thường gặp về ly nước cúng trên bàn thờ


- Loại nước nào được dùng trong thờ cúng?


Nước được sử dụng trong thờ cúng, được đặt trong các ly nước trên bàn thờ, phải là loại nước thanh sạch, không lẫn tạp chất. Nên sử dụng nước suối hoặc nước lạnh (điều này không quan trọng) để thờ cúng trên ban thờ Phật, gia tiên và các chư vị thần linh.
  • Với bàn thờ gia tiên, ban thờ Thần Tài, thần linh nói chung: Có thể bày thêm nước ngọt, đồ uống có ga, có màu sắc với hàm ý thể hiện sự may mắn. Nguyên nhân chủ yếu của việc dâng cúng này thể hiện cho quan niệm trần sao âm vậy.
  • Với ban thờ Phật: Không nên sử dụng các loại nước có ga, có màu, các loại trà hoặc nước đã đun sôi trong thờ cúng Phật bởi nó biểu trưng cho sự không thanh tịnh, trong tâm có lẫn ô nhiễm. Với ban thờ Phật, tốt hơn cả là dùng nước tinh khiết.

- Nước cúng trên bàn thờ có uống được không?


Nước dùng để dâng lên ban thờ thường là loại tinh khiết, không lẫn tạp chất. Do đó, nước cúng trên bàn thờ hoàn toàn có thể uống được, không kể bất cứ là ban thờ nào, dù là nước đi lễ ở đình – chùa hay chỉ đơn giản là nước cúng trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên tại nhà.

Một số trường hợp khi đi lễ đình, đền chùa con người ta thường dâng nước để cúng. Đặc biệt nếu đi chiêm bái được các thầy, sư chùa trì chú, phù phép thì càng nên xin nước đó về để uống bởi loại nước đó gửi gắm năng lượng bình an, công phu tu tập của mình vào trong đó mà tự dưng chai nước đó sẽ có tác dụng.

Đây chỉ đơn giản là một hành động "xin vía", không mang tính mê tín dị đoan. Việc uống nước này sẽ không khiến bạn uống vào khoẻ ngay hoặc uống vào làm ăn phát đạt ngay nhưng nó chứa đựng tấm lòng thuần khiết, thanh tịnh cũng như điềm lành mà bạn đã tu tâm tích đức mới có được.

Với nước cúng trên ban thờ gia tiên, ban thờ Phật cũng tương tự như thế. Dù đó là nước gia chủ chủ động dâng lên để xin lộc hoặc nước dâng lên theo đúng lễ nghi thì cũng đều xin để uống được. Đây được coi là một cách xin lộc, thụ lộc từ tổ tiên, từ Phật, hay thần linh, nó giống với cách các bạn thụ lộc hoa quả, bánh kẹo sau khi thắp hương ngày Rằm, mùng 1 hoặc các dịp lễ quan trọng khác.

>> Mua sản phẩm uy tín: Ly nước thờ cúng men rạn đắp nổi chuẩn Bát Tràng

(Sản phẩm bán: Ly nước thờ cúng Bát Tràng)