Thứ Năm, 14/04/2016 15:16 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Giỗ tổ Hùng Vương là một ngày Quốc lễ lớn của người Việt Nam. Đây là ngày lễ lớn của dân tộc Kinh tưởng nhớ tới công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng.
Giỗ tổ Hùng Vương hay lễ hội Đền Hùng được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba
Truyền thuyết xa xưa kể rằng, tổ phụ Lạc Long Quân cùng tổ mẫu Âu Cơ sinh ra trăm trứng nở trăm con. 50 người con theo cha xuống biển, 50 người con theo mẹ lên non và người con cả được truyền ngôi, lấy hiệu là Hùng Vương, là người sáng lập ra họ Hồng Bàng.
Trải qua 18 đời Vua Hùng, mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, đánh giặc và dựng xây, đền Hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần dân tộc, là cội nguồn của sức mạnh, niềm tin, chói sáng của một nền văn hóa.
Lễ hội đền Hùng có đặc thù là phần lễ nặng hơn phần hội. Tâm tưởng người về dự hội là hướng về tổ tiên, cội nguồn với sự tôn kính và lòng biết ơn sâu sắc.
41 làng xã thuộc tỉnh Vĩnh Phú (nay là Phú Thọ) tham gia rước kiệu có bày lễ vật, đi kèm có phường bát âm tấu nhạc, cờ quạt, bát bửu, lọng che cùng chiêng trống. Những làng ở xa thường phải rước 2-3 ngày mới tới.
Xưa kia, việc cúng tổ cử hành vào ngày 12 tháng 3 (âm lịch) hàng năm. Thường khi con cháu ở xa về làm giỗ trước 1 ngày, vào ngày 11 tháng 3 (âm lịch)... Đến thời nhà Nguyễn định lệ 5 năm mở hội lớn 1 lần (vào các năm thứ 5 và 10 của các thập kỷ), có quan triều đình về cúng tế cùng quan hàng tỉnh và người chủ tế địa phương cúng vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Do đó ngày giỗ tổ sau này mới là ngày 10 tháng 3 (âm lịch) hàng năm.
Những năm hội chính thì phần lễ gồm phần tế lễ của triều đình sau đó là phần lễ của dân. Có 41 làng được rước kiệu từ đình làng mình tới đền Hùng. Đó là những cuộc hành lễ thể hiện tính
tâm linh và nhân văn sâu sắc. Các kiệu đều sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh vi, được rước đi trong không khí vừa trang nghiêm vừa vui vẻ với sự tham gia của các thành phần chức sắc và dân chúng trong tiếng chiêng, trống, nhạc bát âm rộn rã một vùng.
Phần hội gồm các trò chơi dân gian như đánh vật, đu tiên, ném còn, cờ người, bắn cung nỏ... và đặc biệt là các đêm hát xoan, hát ghẹo - 2 làn điệu dân ca độc đáo của vùng đất này.
Ý nghĩa của ngày 10 tháng 3
Theo Dịch học:
- Số 3 trong tháng 3 giỗ tổ là số của Địa chi
- Số 10 trong ngày 10 là số của Thiên can.
Tháng 3 âm lịch là tháng Thìn theo lịch nhà Hạ, Thìn là con rồng, Hoa ngữ đọc là LUNG, âm Hán Việt là LONG, Lung và Long là đồng âm của LANG, chính vì điều này con Rồng được dùng tượng trưng cho Vua.
- Năm là số trung cung của Hà-Lạc nơi điều hòa ngũ hành nên được dùng chỉ thủ lãnh, vua, người cầm đầu,
- Trong tiếng Việt: năm hay lăm → lang
Ngôn ngữ Thái và Mường hiện nay từ lang cũng có nghĩa là Thủ lãnh, người cầm đầu.
- Tóm lại: ý nghĩa của số 3 –Thìn chính là Lang là vua.
- Số 10 là can KỶ; đi hết 1 vòng trở về khởi đầu là Kỷ, nên ngày KỶ cũng là Kỵ, ngày KỴ tức ngày Giỗ.
- Số 10 và số 3 căn cứ trên 2 hệ Can - Chi theo Dịch học họ HÙNG giải mã ra là: KỴ LONG ý tứ rất rõ ràng nghĩa là ngày GIỖ VUA.
Vua ở đây là vua tổ như đã trình bày ở trên, ngày giỗ của vua tổ cũng chính là ngày lên ngôi của vua đầu tiên, ngày khởi đầu của vương triều thứ nhất, ngày bắt đầu của Lịch sử quốc gia.
Vào năm 1917 dưới triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 Tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mồng 10 Tháng 3 âm lịch thì cử hành "quốc tế" hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặttriều đình Huế cúng tế.
Ngày 10 Tháng 3 từ đó được dùng cho toàn quốc. Khi nền quân chủ cáo chung thì ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn được Việt Nam Cộng hòa công nhận là ngày nghỉ lễ chính thức cho đến năm 1975.
Đối với nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thì năm 2007 mới chính thức quy định ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
UNESCO đã công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng vua Hùng" là "kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại đại diện của nhân loại".
Có thể nói ngày 10 tháng 3 hàng năm là ngày duy nhất có được của toàn thể người Việt mà sự hân hoan tự nhiên phát ra từ đáy lòng, là ngày giờ linh thiêng khiến giữa tất cả người Việt với nhau thực sự không có sự ngăn cách nào dù mong manh nhất.