Thứ Tư, 13/02/2019 13:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng gồm lễ cúng Phật với các món chay, lễ cúng Gia tiên với các món mặn cùng một số vật phẩm cúng.
1. Ý nghĩa lễ vật cúng Rằm tháng Giêng
Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là ngày 15/1
Âm lịch, được coi là ngày rằm lớn nhất trong năm đối với người Việt. Đây là dịp mọi người thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn đối với ông bà, tổ tiên và cầu mong một năm an lành, may mắn.
Dân ta có câu:"Cúng quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng", để thấy ngày này có vai trò quan trọng như thế nào trong phong tục tập quán của người Việt. Trong lễ cúng Rằm tháng Giêng, mâm cúng là quan trọng nhất, cần phải chuẩn bị cẩn thận và đầy đủ đúng theo phong tục.
Tuy vậy, theo các chuyên gia văn hóa, lễ cúng Rằm tháng Giêng không cần phải quá cầu kỳ và tùy theo điều kiện từng gia đình để thực hiện.
2. Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng đầy đủ
Thông thường, vào ngày này mọi người thường sắm hai lễ, một lễ cúng gia tiên và một lễ cúng Phật.
Trong đó, lễ cúng Phật thường là mâm lễ chay thanh tịnh, cùng hương hoa đèn nến. Cúng Gia tiên có thể làm các món ăn mặn và các món truyền thống phù hợp với
phong tục tập quán của người Việt.
- Mâm lễ chay cúng Phật
Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng trên ban thờ Phật đều phải là đồ chay, thanh đạm, sạch sẽ. Số lượng lễ vật để cúng không phải chuẩn bị quá nhiều, mỗi món ăn chỉ cần bày trong đĩa, bát nhỏ hoặc vừa, số lượng từ 10, 12 đến 25 món, bao gồm các món sau:
- Hoa quả, chè xôi
- Món xào chay
- Các món đậu
- Canh măng nấm hoặc canh củ quả chay.
- Bánh trôi nước
Lễ vật cúng trên mâm cỗ chay phải thể hiện những màu sắc tượng trưng cho
ngũ hành. Theo
phong thủy, màu đỏ tượng trưng cho hành Hỏa, xanh của hành Mộc, đen của hành Thổ, màu trắng của hành Thủy, màu vàng hành Kim.
Theo quan điểm của nhà Phật, ăn cơm chay không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.
- Mâm lễ mặn cúng Gia tiên
Lễ vật cúng Rằm tháng Giêng trên bàn thờ gia tiên là lễ mặn, thông thường có 4 bát, 6 đĩa, tổng cộng thành tròn 10 món.
- 4 bát gồm bát ninh măng, bát bóng, bát miến, bát mọc.
- 6 đĩa gồm thịt gà (hoặc thịt lợn), giò (hoặc chả), nem thính (đĩa xào), dưa muối, xôi (hoặc bánh chưng) và nước chấm.
Theo
tâm linh, trong lễ vật cúng còn có thêm cơm tẻ là lương thực ăn hàng ngày. Mâm cỗ có cả nếp lẫn tẻ, có âm có dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở.
Bên cạnh đó, lễ vật cúng ngày Rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các loại vị. Vị mặn từ nước chấm, vị cay từ ớt, vị chua của đĩa dưa hành muối, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên một mâm cỗ đủ đầy phong vị để cầu mong an lành trong năm mới.
- Các vật phẩm cúng nói chung
Ngoài 2 lễ vật cúng Phật và cúng Gia tiên, trong ngày Rằm tháng Giêng cần chuẩn bị thêm các vật phẩm cúng, bao gồm:
- Hương hoa
- Vàng mã
- Đèn nến
- Trầu cau
- Rượu trắng
Các món cúng đều có ý nghĩa mong muốn mọi thứ được tốt đẹp, trọn vẹn, công việc sẽ suôn sẻ trong năm mới.
3. Lưu ý khi thắp hương cúng Rằm tháng Giêng
- Khi thắp hương, người ta thường thắp theo số lẻ, bởi số lẻ tượng trưng cho phần âm. Do đó, có thể thắp 1, 3, 5, 7 hoặc 9 nén hương trên mỗi bát hương.
- Chú ý khi thắp hương cần phải ăn mặc chỉnh tề, không mặc quần đùi, áo cộc hay ăn mặc luộm thuộm...
- Khi khấn cần phải liền mạch, thành tâm cúng bái nhằm thể hiện sự tôn trọng với các vị phật, thần linh và tổ tiên.
Trên đây là những chia sẻ của Lịch Ngày Tốt về cách sắm lễ vật cúng Rằm tháng Giêng chuẩn nhất để cả năm được bình an, may mắn.
Thủy Nguyễn