Thứ Ba, 30/01/2018 09:23 (GMT+07)
(Lichngaytot.com) Cuối năm là thời điểm các gia đình sửa soạn lễ tiễn ông Táo về trời, kết thúc năm cũ và chuẩn bị đón chào năm mới. Lịch Ngày Tốt xin hướng dẫn cách lập ban thờ ông Táo đúng chuẩn và sắm sửa lễ vật đầy đủ nhất để lễ cúng diễn ra trang trọng, suôn sẻ.
Theo quan niệm của người phương Đông, Táo Quân hay còn có tên gọi Vua Bếp là vị thần chủ quản bếp lửa, gia sự, quanh năm gắn bó với con người, biết mọi chuyện hay dở và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân gian. 23 tháng Chạp hàng năm ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời để trình tấu với Ngọc Hoàng nên người người nhà nhà làm lễ cúng, mong cho chuyến đi của ngài thuận buồm xuôi gió, tấu sự tốt đẹp cho gia đình mình và năm mới thịnh vượng tốt lành hơn.
Đây là phong tục lâu đời, có thể xem như nghi lễ chính thức đầu tiên của dịp Tết Nguyên Đán – dịp lễ quan trọng nhất trong năm đối với người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng. Hầu như ai cũng biết đến lễ này nhưng không phải người nào cũng biết cách lập ban thờ ông Táo như thế nào mới chuẩn xác hay sắm lễ cúng ông Công ông Táo gồm những gì. Nếu chưa rõ thì xin mời theo dõi thông tin dưới đây nhé!
1. Lập ban thờ ông Táo
Chuẩn bị lễ cúng ông Táo không thể thiếu phần chuẩn bị ban thờ bởi thông thường ít có gia đình nào bày sẵn ban Táo Quân trong nhà mà chỉ tới 23 tháng Chạp hàng năm mới lập ra. Khác với ban thờ ông Công – ban thờ Thổ Địa, vị thần chủ quản đất, trông coi cai quản việc nhà, định họa phúc cho gia đình thường được thờ cúng quanh năm, có ban thờ cố định.
Ban thờ ông Táo chắc chắn phải được lập trong bếp, nơi gần với bếp lửa thì càng tốt, lưng hương án tựa vào tường. Trên ban có 3 bài vị tượng trưng cho 3 vị Táo, nếu không dùng bài vị thì đặt 3 cỗ mũ thay thế, trong đó 2 mũ ông 1 mũ bà. Trước bài vị là bát hương, hai bên bố trí đôi nến hoặc đèn dầu, ban có thêm lọ hoa cắm hoa cúc hoặc hoa huệ.
Ban thờ này thường khi chuẩn bị cúng mới bày ra, sau khi làm lễ tinh tươm, lên hương tiễn táo về trời thì đốt bài vị hoặc mũ của các vị đi, năm sau lại sắm cái mới. Sở dĩ làm như vậy là bởi dân gian truyền rằng mỗi năm lại có một vị thần chủ quản khác nhau, không năm nào giống năm nào nên đều phải đổi với ban thờ, lập lại bài vị.
2. Sắm lễ cúng ông Táo
Cúng Táo Quân là lễ quan trọng, không thể chuẩn bị qua loa sơ sài, dẫu lễ vật không có gì quá quý giá xa hoa nhưng nhất thiết phải đầy đủ, đúng với tinh thần truyền thống, thể hiện lòng thành kính của gia chủ. Sắm lễ cúng gồm hai phần: cỗ cúng và đồ mã.
Cỗ cúng Táo có cỗ mặn và cỗ chay, cỗ mặn gồm các món ăn đặc trưng của ngày Tết như bánh chưng, gà luộc, thịt mồi, giò, chả nem, xào thập cẩm, canh măng miến, xôi. Cỗ chay gồm trầu cau, hoa quả, gạo, muối, hạt sen, chè và có thêm thuốc, rượu. Lễ mã tiễn Táo chầu trời gồm 3 bộ mũ, áo, hài trong đó 2 bộ nam 1 bộ nữ theo truyền thuyết 2 ông 1 bà cùng với vàng nén, vàng thỏi làm lộ phí đi đường.
Và không thể thiếu trong bất kì lễ cúng ông Táo nào chính là cá chép vàng – phương tiện đưa Táo về trời. Có nhà cúng 3 con cá chép vàng, có nhà chỉ cúng 1 con, sau khi làm lễ thì mang ra ao hồ gần nhà thả phóng sinh. Nhưng cũng không ít nơi không cúng cá chép sống mà dùng món cá chép rán hoặc cá chép bằng mã để thay thế.
Nếu biết cách thì lập ban thờ ông Táo và chuẩn bị sắm lễ cúng không khó chút nào phải không. Mong rằng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để không bỡ ngỡ trước dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Và những giá trị truyền thống của dân tộc Việt sẽ tiếp tục được lưu giữ, trao truyền, phát huy một cách tích cực nhất.